BA DANH TƯỚNG HỌ PHẠM LÀNG CAO THỌ

Người đăng: huan-yngoc, Ngày đăng: 08-02-2015, 2357 Views

BA DANH TƯỚNG HỌ PHẠM LÀNG CAO THỌ

Làng Cao Thọ (Vạn Ninh – Gia Bình – Bắc Ninh) có tên Nôm là làng Chỗ. Vào thời Lý làng là trang Cao Trụ, đơn vị hành chính của huyện Gia Định. Hiện nay Cao Thọ là một làng lớn, dân đông tới 3000 nhân khẩu với 21 dòng họ cùng quần tụ sinh sống. Thành hoàng của làng là Tam vị Đại vương họ Phạm có công phò giúp nhà Lý bình Chiêm.

D Cao Tho

   Theo bản thần tích còn lưu giữ được từ xa xưa, vào thời Lý có ông họ Phạm, húy Uẩn ở trang Phù Vệ, huyện Bàng Châu, lộ Hải Dương tính người hiền hậu, văn tự tinh thông, phong thủy tinh tường, một lần đi qua trang Cao Trụ thấy phong tục thuần hậu, địa thế thủy hành hổ cứ mạch hướng càn là đất quý địa nên đã ở lại sinh sống. Bấy giờ nhà họ Lý có con gái là Mĩ Nương tuổi tròn mười tám, diện mạo phương phi, nhan sắc hơn người, ông họ Phạm liền mang sính lễ đến xin hỏi làm vợ và được họ Lý bằng lòng. Hiềm nỗi vợ chồng tâm đầu ý hợp mà mãi chưa có con nên thường chăm cầu đảo linh từ, phật tự. Một lần đến trang Đại Than vợ chồng thấy hình ba con rắn màu trắng, xanh, vàng nổi trên mặt nước. Mĩ Nương thấy lạ chạy đến vốc nước đặt giữa người mình. Tự nhiên ba vết tan hết biến thành ba màu nước chảy vào trong người. Từ đó Mĩ Nương có thai. Khác với người thường, Mĩ Nương chỉ dùng đồ chay tịnh ăn uống. Đến khi mãn nguyệt, Mĩ Nương sinh một bọc, nở luôn ra 3 con trai vào giờ Ngọ ngày 15 tháng Ba năm Giáp Ngọ. Lúc sinh có ba đám mây màu trắng, xanh, vàng từ trên trời giáng thẳng xuống trông như hình tấm lụa.

   Qua trăm ngày ba con trai đều cao lớn khác thường, tướng mạo phi phàm. Người con lớn mặt vuông tai lớn, lưng hổ mặt rồng, tay dài quá gối. Người con thứ hai diện mạo khôi kì, da đen như sắt, hai tay màu xanh. Người con thứ ba tướng mạo đường đường, thân thể cao lớn, trên bụng có điểm thất tinh. Ông họ Phạm nuôi dạy con đến lúc ba tuổi thì cho theo học thầy Hoa tiên sinh. Học đến bảy tuổi thì văn học tinh thông, từ chương nổi tiếng, võ nghệ toàn tài, cung tên thiện xạ, làu thuộc binh thư, thông thiên văn, tường địa lí.

   Vào thời Càn Phù Hữu Đạo quân Chiêm Thành cất quân xâm phạm bờ cõi Đại Việt. Vua Lý Thái Tông thân cầm quân đánh trận nhưng đánh mãi không thắng. Vua bèn hiệu triệu cả nước chọn người tài làm tướng phá giặc. Ba ngài liền xin mẹ cho ra trận. Vua Lý thấy ba vị tướng mạo phi phàm thì hài lòng lắm liền phong làm tướng soái chỉ huy ba cánh quân thủy bộ tiến đánh quân Chiêm ở Châu Nhai. Đang lúc kịch chiến thì trời làm giông gió sấm sét đánh vào trại giặc khiến quân Chiêm kinh sợ bỏ chạy tán loạn. Quân Lý giành toàn thắng. Vua Lý phong ba ngài là Cẩm bào nội thị đại tướng quân, Thanh bào đại tướng quân và Hoàng bào đại tướng quân. Theo bộ chính sử nước ta “Đại Việt sử kí toàn thư” thì sau trận này quân nhà Lý đã tiến chiếm được kinh đô Phật Thệ của Chiêm Thành, bắt toàn bộ hoàng tộc nhà Chiêm, những tướng có công từ lục phẩm trở lên được thưởng áo bào gấm. Sau chiến thắng này vua Lý đã cho đổi niên hiệu thành “Thiên Cảm Thánh Võ”, đó là cuối năm 1044.

   Ba vị tướng quân xin được về quê khao thưởng dân làng được nhà vua ưng chuẩn. Tại quê nhà, ba vị cho dựng ba cung ở ba khu dân cư để mở yến tiệc mừng chiến thắng. Sau đó ba vị về kinh phụng mệnh đi tuần thú thiên hạ, phủ dụ nhân dân an cư lạc nghiệp. Khi tuần thú đến quê nhà, ba vị đến Giếng Thiêng thì trời đất nổi dông gió, nước sông dâng cao tựa như giao long quần tụ. Ba vị hóa tại Giếng Thiêng này. Hôm đó là ngày 12 tháng 11. Triều đình hay tin sai sứ thần đến làm lễ an táng. Vị thứ nhất táng ở Đồng Tăng (Mả Tàng), vị thứ hai táng ở Đồng Chạn (Mả Sênh), vị thứ ba táng owrr Kẻ Chợ (Lăng Chợ). Táng chưa xong đã thấy mối đùn thành ba ngôi mộ lớn. Triều đình cho trang Cao Trụ miễn binh lương ba năm, lại ban biểu phong là “Thượng đẳng tối linh thần vạn cổ huyết thực dữ quốc đồng hưu vĩnh vi hằng thức thịnh khâm, phong Bản cảnh thành hoàng Uy Đức linh chương thượng đẳng thần đại vương, Bản cảnh thành hoàng Cảnh Đức cảm ứng thượng đẳng thần đại vương, Bản cảnh thành hoàng Thông Đức vũ dũng thượng đẳng thần đại vương”, chuẩn cho ba khu Nguyễn Xá, Lê Xá, Nội Linh làm Hộ giám chính sở để hương hỏa lâu dài. Ba vị thờ ở ba ngôi linh từ. Ngôi thứ nhất tọa lạc ở hướng Càn có gò Kim Tinh làm án. Ngôi thứ hai tọa lạc ở hướng Quy chính giữa linh địa, có hành Kim bên tả, hành Mộc bên hữu. Ngôi thứ ba tọa lạc ở hướng Đông Nam có gò Mộc Tinh làm án. Từ xa xưa trong chính điện của đình thờ ba vị Bản cảnh thành hoàng treo trang trọng đôi câu đối thuật rõ công tích vì dân vì nước của tam vị đại vương như sau:

       Huynh đệ tam công xuất trận Quỳnh Nhai trừ Chiêm tặc

      Văn võ lưỡng toàn nhập triều Lý đế sắc phong thần.

(Nghĩa là: Ba anh em ngài đánh trận Quỳnh Nhai thắng quân giặc Chiêm/Tài năng văn võ đều xuất sắc được vua Lý phong làm thần).

   Người dân làng Cao Thọ lấy nghề nông làm căn bản nhưng vẫn mở mang ngành nghề phục vụ đời sống, trong đó nổi nhất là nghề mộc làm nhà. Chính nhhuwngx người thợ khéo tay của làng đã làm nên ngôi đình thờ thánh hiện nay. Bình đồ kiến trúc đình kiểu chữ Đinh gồm 7 gian Tiền đường và 3 gian Hậu cung, khung gỗ lim, kết cấu các vì theo kiểu chồng giường giá chiêng. Nghệ thuật chạm khắc gỗ tập trung ở các chi tiết kiến trúc như các cốn mè, câu đầu, bẩy trường… với các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa cúc, hoa sen. Ngoài ra còn có các mảng chạm gần với đời sống như cua, cá, rùa… mỗi con mỗi vẻ không bức nào giống nhau, tạo cho nghệ thuật trang trí thêm phong phú. Đình lúc khởi dựng có sàn, cửa bức bàn nhưng nay đã bị dỡ bỏ cho thông thoáng. Phần mái tòa Tiền đường kiểu đầu đao lá mái lợp ngói mũi hài, 4 đầu đao cong mềm mại được đỡ bởi hệ thống bẩy góc. Giữa nóc có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh xây tường bao gạch chỉ. Hậu cung 3 gian nối với Tiền đường bằng hệ thống kẻ góc, các bộ vì kiểu giá chiêng, mái lợp ngõi mũi, trên nóc có đường diềm hình hoa chanh chạy suốt. Điều rất riêng biệt là các gia đình, các tập thể góp tiền của chi tiết nào của đình đều được khắc tên bằng chữ Hán vào chi tiết đó. Sau này trùng tu một số kết cấu kiến trúc cũng vẫn khắc hoặc viết tên người cung tiến bằng chữ quốc ngữ vào kết cấu kiến trúc đó theo lệ cổ. Trên thượng lương gian chính điện có viết chữ Hán: “Tự Đức nhị thập lục niên Quý Dậu xuân” và “Kiên trụ thượng lương cát” qua đó biết được niên đại dựng đình vào thời Tự Đức năm thứ 26 đứng năm Quý Dậu (1873). Hiện nay đình làng Cao Thọ còn bảo lưu nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như bản thần tích, 6 đạo sắc phong, bia đá, các đồ thờ tự, các đồ tế khí, đồ gốm, gỗ, đồng… Đạo sắc phong thời Tự Đức lục niên (1854) viết: “Bản cảnh thành hoàng Uy Đức chi thần, Bản cảnh thành hoàng Thông đức chi thần, Bản cảnh thành hoàng Cảnh Đức chi thần hộ quốc tí dân lẫm chử linh ứng kiến kim phủ lịch, cảnh mệnh diện niệm thần ma quân gia tặng Tuấn Lương chi thần. Nhưng chuẩn Gia Bình huyện, Cao Trụ, Cao Thọ nhị xã y cựu phụng sự thần kì tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai”. (Nghĩa là: Các vị thành hoàng Uy Đức thần, Thông Đức thần, Cảnh Đức thần có công hộ quốc giúp dân luôn luôn linh ứng nên nhà vua gia tặng danh hiệu “Tuấn Lương thần”. Giao cho hai xã Cao Trụ và Cao Thọ phụng thờ các thần theo như lệ cũ để phù hộ giúp dân. Nay sắc). Với giá trị nhiều mặt với đời sống, đình làng Cao Thọ đã được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa kiến trúc từ năm 2002.

   Phong tục thờ thánh Tam vị đại vương làng Cao Thọ luôn luôn được phồn thịnh từ nghìn năm nay. Tập tục kiêng kị húy hèm rất kĩ.Đó là cấm nhắc đến tên hiệu thánh gồm các chữ Uy, Thông, Cảnh, các màu sắc biểu trưng của thành là các màu trắng, xanh, vàng. Lại quy định rõ nghi thức cũng tế: Ngày sinh nhật thánh 15/3 lễ dùng bàn chay, bánh chay 3 bàn, lợn đen tuyền, xôi gấc, rượu cam, tế 7 ngày; Ngày hóa 12/11 dùng bàn chay, bánh chay, bánh viên, lợn đen tuyền, xôi gấc, rượu cam trước một ngày đến Linh từ làm lễ nghênh thần; Ngày linh khánh 6/1 dùng xôi, lợn, rượu; Ngày Đinh hai kì xuân thu dùng tam sinh, xôi, rượu ca hát một ngày. Làng có Ban Khánh tiết do ông Nguyễn Khắc Lợi làm trưởng ban để duy trì các tập tục cúng tế ở đình ngày sóc ngày vọng và các tuần tiết. Vị thủ từ trực tiếp hương đăng tại đình hàng ngày được dân bầu mỗi năm một lần, tuổi trên 60. Vị quan đám giữ ngôi chủ tế cũng được bầu mỗi năm một lần tuổi trên 60. Hàng năm làng còn bầu người xông đình lúc Giao thừa, tuổi trên 70, gia đình phu phụ song toàn, tủ tôn hưng thịnh. Người xông đình đặc biệt quan trọng trong tâm thức dân làng mong muốn mọi điều tốt lành. Làng cũng có quà mừng tuổi cho người xông đình. Quà nhỏ nhưng ý nghĩa lớn với gia đình người có vinh dự được chọn xông đình.

   Một phong tục đẹp nữa trong nghi thức thờ thánh của làng Cao Thọ là việc tổ chức ngày Hội Làng, tức ngày Vào Đám 13 tháng Giêng. Gồm nghi thức lễ thường và lễ đại hội. Vào năm tổ chức đại hội có lễ rước, lễ tế và nhiều hội lễ như bịt mắt bắt dê, đập niêu, hát cửa đình (ca trù, chèo, tuồng, Quan họ). Nhờ thánh Tam vị đại vương phù trợ, dân làng Cao Thọ mỗi ngày một sung túc người giàu vật thịnh. Ruộng cấy 2 vụ chính, một vụ cây đông, bãi trồng cà rốt xuất khẩu thu nhập cao. Nghề truyền thống mộc chân truyền vẫn được phát huy trong thời đại mới. Nhưng tay thợ nổi tiếng một thời làm đình chùa khắp vùng còn lung linh trong kí ức dân làng như: Nguyễn Văn Dật, Nguyễn Khắc Cang, Đặng Đình Định, Nguyễn Đăng Thậm, Nguyễn Văn Hoàn, Đinh Văn Sam, Nguyễn Khắc Sự, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Văn Hiện, Nguyễn Khác Bình. Hiện làng có đến chục toán thợ mộc, trên chục toán thợ nề đi làm ăn xa gần, dăm xưởng mộc đóng đồ tại quê. Ruộng trũng biến thành trang trại VAC sầm uất. Một hướng làm ăn mới rất hiệu quả là xuất khẩu lao động đem lại bộ mặt khởi sắc cho làng quê. Lúc thịnh đạt làng có tới 500 người đi lao động xuất khẩu. Hiện nay vẫn có 200 lao động đang làm ăn ở các nước Nhật, Hàn… Dân giàu thì nước mạnh, làng xóm khang trang. Đường làng cơ bản đã bê tông hóa với chiều dài trên 7 km, đường đồng cũng đang được bê tông hóa trên 1 km. Làng tuy quỹ đất không nhiều nhưng vẫn có sân vận động dành cho bóng đá trẻ. Một số người hâm mộ còn tự làm sân cầu lông để tập luyện thi đấu thường xuyên. Công tác vệ sinh môi trường được chú ý và có tổ chuyên trách. Chợ đình Cao Thọ có từ xa xưa nay thành ngôi chợ chiều nổi tiếng trong vùng với đa dạng hàng hóa phong phú, cả sản vật địa phương lẫn nhiều mặt hàng công nghiệp khác. Rất tiện lợi cho mọi sinh hoạt của làng quê đông dân. Và chỉ nhìn vào vẻ phong phú của chợ cũng đủ thấy đời sống dân làng đã khá hơn nhiều so với vài mươi năm trước.

   Làng Cao Thọ khang trang tươi tắn với những nóc nhà cao tầng nhiều vẻ. Nhưng Cao Thọ còn có sự “cao tầng” khác rất đáng tự hào nhưng khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đó là sự nâng cao dân trí, nâng cao học thức. Từ một làng quê chưa có truyền thống hiếu học do cha ông để lại thì nay người Cao Thọ đã và đang dựng lên được truyền thống hiếu học mới. Hàng năm làng có đến 25 cháu thi đỗ đại học. Chỉ trong vòng mươi năm nay làng đã có trên 300 cử nhân. Làng quê nghèo mà có những gia đình thành đạt tiêu biểu như Nguyễn Khắc Chung có 4/5 con đại học, Nguyễn Khắc Bộ, Nguyễn Huy Liễn, Nguyễn Huy Thường có 3/3 con đại học, Nguyễn Đăng Tân có 2/2 con đại học. Làng có thủ khoa đại học Bách Khoa Nguyễn Viết Trường năm 2006. Hiện làng có nhiều thạc sĩ và đã có tiến sĩ ngành Mỏ Địa chất. Điều đáng nói là người Cao Thọ ra ngoài làm ăn nhưng con cháu vẫn học hành thành đạt như những cụm dân sinh sống ở Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng… Làng nông nghiệp, làng mộc, làng xuất khẩu lao động, làng văn tự, làng hiếu học khoa bảng sóng sánh tụ tinh hoa nhờ công đức phù trợ của Tam vị thành hoàng – Ba danh tướng họ Phạm thời Lý.

   Phạm Thuận Thành

An Bình – Thuận Thành

02413.782.355 – 0168.5300.803

Các bài viết khác :

    Ông Trưởng Ban Lễ tân mẫn cán

    ÔNG TRƯỞNG BAN LỄ TÂN MẪN CÁN (Viết về ông Phạm Nghị, nguyên Trưởng ban Lễ tân của HĐTQ họ Phạm ...

    Người lính làm việc họ

    NGƯỜI “LÍNH” LÀM VIỆC HỌ (Viết về anh Phạm Văn Dương, nguyên Phó chủ tịch Thường trực kiêm TTK HĐTQ họ ...

    Người con gái họ Phạm

    NGƯỜI CON GÁI HỌ PHẠM (Phỏng vấn chị Phạm Thị Loan Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á)   ...

    Tìm địa chỉ người xưa

    ĐI TÌM ĐỊA CHỈ NGƯỜI XƯA Bài đã đăng trên “Nhân Dân hằng tháng” số 43 tháng 11 năm 2000 Quê ...

    Bốn phương họ Phạm

    HỌ PHẠM BỐN PHƯƠNG “Bốn phương họ Phạm đều là anh em” (Phạm Khắc Di) Trong Lễ Kỷ niệm 15 năm ...

    Page 1 of 712345...Last »