Cánh chim không mỏi

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 02-02-2016, 3446 Views

CÁNH CHIM KHÔNG MỎI

hPHCM-2-300x197

Tôi và anh Căn đã quen biết từ lâu, nhưng vì mỗi người đều quá bận rộn nên ít có dịp tâm sự với nhau. Hôm nay, một buổi sáng đẹp trời, nắng sớm ấm ấp, gió nhè nhẹ làm lòng người thư thái tôi đến thăm anh. Anh đích thân xuống mở cửa rồi dắt tôi vào cầu thang máy đưa lên tầng 6 của Thẩm mỹ viện Y Ngọc ở ngay phía đông chợ Bến Thành nổi tiếng. Anh nói: 9 giờ sáng nay tôi có ca phẫu thuật, vậy ta tranh thủ tâm sự luôn đi! Tôi bật máy ghi âm để ghi lại buổi tâm sự này. Sau đây là nội dung câu chuyện:

Pha Lê: Anh cho biết đôi nét về tuổi thơ của anh.

Bs. Căn: Tôi sinh ra trong một gia đình làm nghề thầy thuốc tại một làng quê hết sức thanh bình ngoại ô cố đô Huế. Ông cụ thân sinh ra tôi là một thầy thuốc trong sáng và đức độ. Ông thường nói với các con rằng: “Các con lúc nhỏ là con cha con mẹ, lớn lên là con làng con họ”. Ông thường đưa chúng tôi tham gia các sinh hoạt của làng xã, dẫn đi dự các đám giỗ, dạy dỗ chúng tôi gìn giữ gia phong, hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính tổ tiên dòng họ. Đó chính là hành trang đầu tiên tôi đem theo suốt cuộc đời. Những đám giỗ chạp được tổ chức rất chu đáo, tôn nghiêm đã để lại cho tôi những ấn tượng không phai. À quên, tôi sinh năm Nhâm Thìn cũng cầm tinh con Rồng, chỉ khác là cách anh đúng một “Giáp”.

Pha Lê: Tại sao anh lại chọn nghề bác sĩ, anh đã tốt nghiệp trường nào?

Bs. Căn: Những hình ảnh tận tụy và tấm lòng nhân ái của ba tôi, thể hiện mẫu mực vào những giai đoạn khó khăn, chính là những dấu ấn sâu sắc đã gieo vào tâm trí chúng tôi, hay nói đúng hơn, gương sáng của người đã thấm nhuần trong tiềm thức nên tôi quyết tâm vào ngành Y, trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh. Suốt những năm dùi mài kinh sử ở đây có khá nhiều kỷ niệm buồn vui, dịp nào rảnh rỗi hơn tôi sẽ kể anh nghe.

Pha Lê: Ý tưởng mở Thẩm mỹ viện Y Ngọc có từ bao giờ và anh đã xây dựng nó như thế nào?

Bs. Căn: Thời gian tôi đi thực tập tại các bệnh viện và sau này khi hành nghề tôi đã chứng kiến biết bao bệnh nhân có những vết sẹo rất đáng thương tâm. Và như anh biết đấy, “Con mắt là cửa sổ tâm hồn”, nếu đôi mắt khó coi thì cái cửa sổ tâm hồn ấy còn gì thi vị nữa, nhất là giới nữ thì buồn biết chừng nào! Thế là cái ý tưởng ấy cứ ám ảnh trong tôi, tôi muốn gây dựng cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng vào thời đó “Thẩm mỹ viện” chưa được phát triển đồng bộ. Nhưng những hình ảnh “làm đẹp cho người” cứ thôi thúc tôi. Tôi đã làm việc cật lực, chính tôi đã phải mày mò nghiên cứu tự nâng cao trình độ của mình, đi khắp nơi để tiếp cận những tinh hoa của các nước trên thế giới. Khách hàng ngày càng đông, chính là nhờ chất lượng của các ca phẫu thuật rất thành công. Và chính khách hàng là những người tạo nên tiếng vang “hữu xạ tự nhiên hương”… Niềm vui sướng của chúng tôi là được chia sẻ với sự mãn nguyện của khách hàng sau mỗi ca phẫu thuật mà chúng tôi đã dồn hết tâm trí và sự sáng tạo để hình thành những tác phẩm nghệ thuật sống động.

Pha Lê: Nhiều người nói anh có Bàn tay vàng”, danh hiệu ấy từ đâu mà có?

Bs. Căn: Danh hiệu có lẽ là do khách hàng đặt cho tôi vì tôi đã có rất nhiều ca phẫu thuật thành công. Nhưng phải kể đến GS. Bùi Minh Đức, một Việt kiều lập nghiệp tại Hoa kỳ, một phẫu thuật gia nổi tiếng bên Mỹ – người đã có công suốt 10 năm qua đưa Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ về Đại học Y đào tạo rất nhiều bác sĩ phẫu thuật cho thành phố và các tỉnh lân cận. Ông đã giới thiệu rất nhiều Việt kiều đến chỗ tôi làm đẹp, khi trở lại Mỹ họ về khoe với ông và ông thấy chất lượng phẫu thuật thật vô cùng tuyệt vời. Chính ông đã tặng tôi những cuốn sách chuyên môn quý giá và tặng danh hiệu “Bàn tay vàng” cho tôi.

Pha Lê: Theo tôi biết anh đã mất rất nhiều công sức để chắp nối, để thành lập các BLL họ Phạm ở nhiều tỉnh miền Nam.

Bs.Căn: Cảm động nhất là khi ra dự buổi lễ ra mắt BLL họ Phạm Thừa Thiên Huế. Khi tôi đến địa điểm họp mặt, mọi người đổ xô đến tay bắt mặt mừng, có người ôm chặt lấy tôi đến nghẹt thở. Mọi người cảm ơn tôi rối rít vì đã chắp nối, gửi tài liệu và hướng dẫn tổ chức buổi gặp mặt. Còn tôi thì vô cùng xúc động vì được về lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Được sống trong đại gia đình họ Phạm của quê hương. Và mới đây nhất là tôi ra dự Lễ ra mắt BLL họ Phạm tại Bình Định. Bác Trưởng ban đã ngoài tám mươi tuổi vẫn còn rất minh mẫn và nhiệt tình với “việc họ”. Bác coi tôi như người nhà và cùng tôi trao đổi những thuận lợi và khó khăn trong công tác dòng họ. Như anh thấy đấy, vấn đề mấu chốt là phải tìm được “ngọn cờ” – người tâm huyết với dòng họ mà còn phải có trình độ tổ chức làm Trưởng BLL thì mới duy trì được hoạt động. Tránh việc đánh trống ghi tên lấy cái “danh” rồi sau chẳng làm gì nữa.

Pha Lê: Nghe nói chuyến hành hương của vợ chồng anh về Bắc năm ngoái thú vị lắm, có gì vui kể tôi nghe nào!

Bs. Căn: Ý tưởng tìm về cội nguồn chúng tôi đã ấp ủ từ lâu – thế nào cũng phải thắp nén hương lên bàn thờ vị Thượng thuỷ tổ của dòng họ. Nhưng công việc cứ lu bù mãi năm ngoái chúng tôi mới thu xếp được. Một cuộc “hành hương” trên cả tuyệt vời. Đầu tiên chúng tôi đến Đình thờ Phạm Tu tại quê hương người, thành kính dâng hương rồi xin cụ tổ cho phép lấy mấy cây chân hương tại bát nhang. Chúng tôi ra vườn xin cụ tổ nắm đất. Rồi chúng tôi đến Đền Mây thờ Phạm Bạch Hổ, cũng dâng hương, xin chân hương và nắm đất ngoài vườn và một số đình đền thờ các tiền nhân họ Phạm. Nhưng để lại cho chúng tôi kỷ niệm sâu sắc nhất là khi về đền An Cố ở Thái Bình, đền thờ Phạm Hải Đại vương tương truyền cách đây 2.000 năm. Hôm ấy giữa trưa trời nắng gắt, hỏi thăm mãi hai vợ chồng mới tới đền. Một không khí tôn nghiêm bao trùm, cửa đóng then cài không biết làm sao có thể vào đền để thắp nén nhang. Tôi loay hoay chụp vài bức ảnh, vợ tôi thầm khấn mong Ngài phù hộ làm cách nào để vào được bên trong. Bỗng nhiên có một phụ nữ đi qua, tôi vừa nói chưa dứt ý định của mình, cô ấy đã nhanh nhẹn trả lời: “Ông thủ từ ở cạnh nhà tôi”. Gặp được ông thủ từ, ông trịnh trọng cho biết: “Ồ! Linh thiêng thật, đêm qua tôi được báo mộng có khách phương xa về thăm đền”. Chúng tôi vào thắp hương và thành tâm khấn vái mong ngài phù hộ cho hậu duệ họ Phạm làm ăn thuận buồn xuôi gió, dòng họ ta ngày càng lớn mạnh… Bỗng nhiên cây hương bùng cháy thành ngọn lửa. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Ông thủ từ nói: “Thật linh ứng Ngài đã về chứng giám lòng thành của vợ chồng bác”.

Pha Lê: Anh có dự định gì về việc họ của thành phố nay mai, việc ưu tiên số một là gì?

Bs. Căn: Công việc sắp tới của BLL họ Phạm Thành phố thì rất nhiều. Chúng tôi phải chọn việc nào cần thiết thì phải làm ngay. Trước hết là phải tổ chức thành công cuộc gặp mặt họ Phạm Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận lần thứ hai này. Công việc cũng đã phân công mỗi người một việc, nhưng vấn đề “đầu tiên” là cực kì quan trọng, mới vận động tài trợ được vài chục triệu, chắc là còn thiếu nhiều anh ơi. Nhưng tôi tin là sẽ thành công thôi. Vấn đề tâm huyết của tôi trong thời gian tới có hai việc: Một là tổ chức được “Tuần lễ văn hoá họ Phạm tại thành phố”. Đây là một việc rất có ý nghĩa nhưng cũng cực kì khó khăn, tôi đang huy động lực lượng trẻ tham gia, tôi rất tin vào họ. Hai là kết nối nhân ái: Con người sinh ra vốn tính thiện, dòng họ Phạm chúng ta cũng vậy, vấn đề là làm thế nào để nối kết những tấm lòng nhân ái ngày càng rộng khắp, đó là ý nghĩa tuyệt vời của cuộc sống và những việc làm hôm nay cũng là hạt nhân để bước tiếp hành trình ấm áp tình người họ Phạm.

*

*   *

Đã đến giờ anh phải phẫu thuật cho khách hàng, chúng tôi tạm biệt nhau. Tôi ra về rất xúc động trước một con người đầy nhiệt huyết với dòng họ. Anh đã bỏ ra rất nhiều tiền để tặng học bổng cho con em họ Phạm. Anh đã lặn lội khắp nơi để chắp nối thành lập các BLL họ Phạm ở các tỉnh miền Nam. Anh ngày đêm suy nghĩ việc thành lập quỹ “Lá lành đùm lá rách” để cưu mang những người họ Phạm cơ nhỡ. Anh không những có “Bàn tay vàng” mà còn có “Tấm lòng vàng” – một cánh chim đầu đàn của họ Phạm Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Và thế là, tôi đã nghĩ ra tên của bài viết này:

Cánh chim không mỏi

 

Tp. HCM, 05/12/2010

 

 

 

 

Các bài viết khác :

    Ông Trưởng Ban Lễ tân mẫn cán

    ÔNG TRƯỞNG BAN LỄ TÂN MẪN CÁN (Viết về ông Phạm Nghị, nguyên Trưởng ban Lễ tân của HĐTQ họ Phạm ...

    Người lính làm việc họ

    NGƯỜI “LÍNH” LÀM VIỆC HỌ (Viết về anh Phạm Văn Dương, nguyên Phó chủ tịch Thường trực kiêm TTK HĐTQ họ ...

    Người con gái họ Phạm

    NGƯỜI CON GÁI HỌ PHẠM (Phỏng vấn chị Phạm Thị Loan Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á)   ...

    Tìm địa chỉ người xưa

    ĐI TÌM ĐỊA CHỈ NGƯỜI XƯA Bài đã đăng trên “Nhân Dân hằng tháng” số 43 tháng 11 năm 2000 Quê ...

    Bốn phương họ Phạm

    HỌ PHẠM BỐN PHƯƠNG “Bốn phương họ Phạm đều là anh em” (Phạm Khắc Di) Trong Lễ Kỷ niệm 15 năm ...

    Page 1 of 712345...Last »