Vị Trưởng Ban liên lạc đầu tiên

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 27-01-2016, 4320 Views

 

VỊ TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC ĐẦU TIÊN

6Tet8

ông Phạm Huyễn người ngồi giữa

Tuy Tết Ất Mùi vừa rồi, tôi đã cùng anh Dương và chị Lan đến nhà ông Phạm Huyễn để chúc Tết ông, thế mà lần này vẫn phải hỏi thăm mãi mới tới nơi. Ông sống trong một căn hộ tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Nghe ông kể đây là căn hộ của chị gái ông cho ông ở nhờ, khoảng một năm sau chị ông mất, ông thành chủ nhân chính thức của căn hộ này và sống mãi đến tận bây giờ. Trong phòng tồi tàn không có gì đáng tiền cả. Mọi thứ đều hằn lên cái thời bao cấp ngày xưa. Ông hiện đang sống cùng bà vợ ốm yếu thường xuyên. Hai ông bà nuôi nhau chỉ bằng một suất lương hưu của ông trên bảy triệu đồng/ tháng thì thật quá vất vả trong cái thành phố lớn “gạo quế, củi châu” này. Nhà nước mới có chủ trương tăng lương cho cán bộ về hưu thì ngoài chợ giá thực phẩm và các mặt hàng khác đều đã đua nhau tăng rồi.

Tôi đi bộ tìm nhà ông mướt cả mồ hôi, ông bật cho tôi chiếc quạt máy, rồi chúng tôi làm việc luôn. Ông sinh ngày 15 tháng 10 năm 1937 tại xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định. Ông tâm sự: Tôi học hết lớp 12 tại trường Hùng Vương, Hà Nội thì được cử sang học tại Liên Xô từ năm 1955. Chúng tôi được học dưới một mái trường lớn đó là Trường Tổng hợp Maxcơva. Sau khi tốt nghiệp đại học, vì tôi đạt bằng đỏ nên Nhà trường giữ lại làm nghiên cứu sinh, Sau 2 năm tôi trình bày luận án của mình cho bộ môn. Ông thầy hướng dẫn tôi cũng như các thầy giáo bộ môn thấy nội dung bản luận án quá tốt đề nghị tôi phát triển thành luận án Tiến sĩ. Tôi báo cáo với sứ quán Việt Nam tại Maxcơva cho phép ở lại thêm làm tiếp luận án Tiến sĩ (Tiến sĩ khoa học). Sau khi về nước đầu tiên tôi được điều về UBKH Nhà nước, sau đó chuyển về trường Đại học Tổng hợp công tác, được một số năm lại điều tôi về giảng dạy tại trường Đại học Xây dựng rồi nghỉ hưu tại trường này năm 1995, 1996 gì đấy, bây giờ tôi cũng không nhớ chính xác nữa!

Tôi hỏi ông còn nhớ những kỷ niệm về việc thành lập Ban liên lạc họ Phạm đầu tiên không? Ông suy nghĩ hồi lâu rồi mới chậm rãi trả lời. Anh biết đấy, “Vạn sự khởi đầu nan” mà. Lúc ấy chúng tôi nghèo lắm, mấy anh em cùng họ Phạm thường đến chơi với nhau trao đổi về lịch sử dòng họ mình. Chúng tôi thấy cần phải có một tổ chức để có thể làm được việc vấn tổ tầm tông. Chúng tôi cứ nhớ mãi câu các cụ dạy: “Chim có tổ, nước có nguồn”, con người sinh ra phải tìm hiểu về gốc gác của mình. Muốn làm được việc này đâu phải dễ, nếu chỉ có một dúm người thì không làm nên trò trống gì. Phải có một tổ chức hẳn hoi để nhân rộng thu hút nhiều người làm việc như bây giờ các anh vẫn nói là vận động bà con họ Phạm cùng làm việc họ.

Ông cho biết ban đầu do ông Phạm Sỹ gợi ý. Chúng tôi chỉ tập hợp những người họ Phạm ở Hà Nội. Những người tích cực hoạt động nhất ngoài ông Phạm Sỹ ra còn Đại tá Phạm Quý Dương, anh Phạm Quang làm trong ngành Bưu điện. Qua nhiều lần trao đổi chúng tôi thấy nên gọi tổ chức này là Ban liên lạc họ Phạm Hà Nội đúng với nghĩa của nó là gặp gỡ trao đổi và giúp đỡ nhau trong đời sống. Ông nhắc đi nhắc lại lúc đó nghèo lắm, không thể có một trụ sở cho Ban liên lạc. Chúng tôi mỗi người quyết định bỏ một số tiền túi ra để thuê một ki-ốt nhỏ ở Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm làm nơi tụ họp, trao đổi việc họ. Những ngày đầu ông Sỹ và ông Thuyên là hăng hái nhất nhận trách nhiệm thường trực. Hai ông tối tối vác chăn màn ra đó để “bảo vệ” trụ sở của Ban liên lạc.

Ban ngày thì chỉ cử một người trực thôi. Trong thời gian ấy chúng tôi thấy cần ra một tờ tin để tuyên truyền về các hoạt động của Ban liên lạc. Ông Sỹ lúc đó xung phong làm TBT, bản tin đó ra khổ A4 số đầu chỉ có 1 tờ A4, số thứ 2 vì số bài tăng lên nên đã tăng lên thành 2 tờ A4. Nhưng sau vì hết tiền thuê kiot nên “trụ sở” của Ban liên lạc đành đóng cửa. Và bản tin ra được 2 số cũng đình bản luôn.

Tôi hỏi ông có còn nhớ ngày đầu tiên thành lập Ban liên lạc ở đâu không và có bao nhiêu người tham gia? Ông nói rất khó khăn và chậm rãi: Buổi họp ấy được tổ chức tại chùa Quán Sứ, có khoảng hơn ba mươi người đến dự. Tại buổi họp chúng tôi cũng thông qua một bản quy ước làm việc (Bây giờ gọi là “Quy chế Tổ chức và hoạt động”, và quan trọng nhất là bầu ra một Ban liên lạc. Vì lúc ấy chúng tôi mới chỉ tập hợp được bà con họ Phạm đang sinh sống ở Hà Nội nhất trí lấy tên là Ban liên lạc họ Phạm Hà Nội. Và thành tích lớn nhất của Khóa I lúc đó là phối hợp với Hội Lịch sử Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về Danh tướng Phạm Tu tại Bảo tàng Cách mạng năm 1998.

Sau đấy phong trào đã phát triển trên phạm vi cả nước nên cái áo “Ban liên lạc họ Phạm Hà Nội” không vừa nữa và đã đổi tên thành Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam. Tôi vì sức yếu và gia đình khó khăn nên đã rút chức Trưởng ban và cử ông Phạm Khắc Di lên làm Trưởng Ban liên lạc họ Phạm toàn quốc khóa II.

Trước khi ra về ông còn nói với tôi, tôi vẫn thường xuyên đọc Bản tin nội tộc và vào trang web hophamvietnam.org để theo dõi tin tức hoạt động dòng họ. Tôi rất phấn khởi vì phong trào họ Phạm trong cả nước ta hoạt động rất sôi nổi và ngày càng phát triển mạnh. Tôi càng tự hào vì mình đã là một trong những người khởi xướng cho tổ chức này.

Chia tay ông mà trong lòng tôi rất ái ngại về hoàn cảnh gia đình ông hiện nay! Trộm nghĩ các anh trong HĐTQ họ Phạm Việt Nam khóa VII này có nhiều doanh nhân thành đạt có biện pháp gì giúp đỡ ông Huyễn giảm bớt khó khăn không?!

Hà Nội 14/10/2015

 

 

Các bài viết khác :

    Ông Trưởng Ban Lễ tân mẫn cán

    ÔNG TRƯỞNG BAN LỄ TÂN MẪN CÁN (Viết về ông Phạm Nghị, nguyên Trưởng ban Lễ tân của HĐTQ họ Phạm ...

    Người lính làm việc họ

    NGƯỜI “LÍNH” LÀM VIỆC HỌ (Viết về anh Phạm Văn Dương, nguyên Phó chủ tịch Thường trực kiêm TTK HĐTQ họ ...

    Người con gái họ Phạm

    NGƯỜI CON GÁI HỌ PHẠM (Phỏng vấn chị Phạm Thị Loan Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á)   ...

    Tìm địa chỉ người xưa

    ĐI TÌM ĐỊA CHỈ NGƯỜI XƯA Bài đã đăng trên “Nhân Dân hằng tháng” số 43 tháng 11 năm 2000 Quê ...

    Bốn phương họ Phạm

    HỌ PHẠM BỐN PHƯƠNG “Bốn phương họ Phạm đều là anh em” (Phạm Khắc Di) Trong Lễ Kỷ niệm 15 năm ...

    Page 1 of 712345...Last »