Bác Phạm Đức Thưởng – tấm gương hết lòng vì việc họ

Người đăng: phoipha, Ngày đăng: 30-08-2016, 4811 Views

(Bác Phạm Đức Thưởng, Nguyên Trưởng Ban Liên Lạc Họ Phạm Việt Nam tại TP.HCM – nay là Hội đồng Họ Phạm TP HCM)

Sau khi bác Phạm Đức Thưởng nhận trọng trách làm Trưởng ban liên lạc họ Phạm TP. Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 8 năm 2008, bác liền bắt tay ngay vào việc tìm kiếm những người họ Phạm đang sinh sống và làm việc tại Thành phố. Bác Thưởng đã lặn lội đến từng nhà vận động bà con tham gia hoạt động dòng họ. Trước hết là những người họ Phạm trong “Hội đồng hương Thái Bình” rồi theo chính sách “vết dầu loang” mà chắp nối dần ra các bà con khác.

Bác tâm sự với tôi: “Phải làm từ cơ sở ông ạ! Trước hết phải vận động để thành lập các Ban liên lạc họ Phạm ở các quận huyện. Các Ban liên lạc cơ sở có “quân” thì Ban liên lạc thành phố mới có “quân” . Có “quân” rồi thì mới có thể làm được việc này việc nọ, nếu không Ban liên lạc Thành phố chỉ là Bộ Tư lệnh “Không quân” thôi”. Tôi rất đồng tình với suy nghĩ ấy.

Bác Phạm Đức Thưởng nâng niu cuốn Đặc san Họ Phạm Sài Gòn lần 1 (xuất bản cuối năm 2015) do Hội Đồng Họ Phạm TP.HCM kính tặng trong dịp đại diện Hội đồng đến thăm và chúc tết 2016 bác và gia đình.

Bác Phạm Đức Thưởng nâng niu cuốn Đặc san Họ Phạm Sài Gòn lần I (ấn bản tết 2016) do Hội Đồng Họ Phạm TP.HCM kính tặng trong dịp đại diện Hội đồng đến thăm và chúc tết 2016 bác và gia đình.

Hình ảnh một cụ già gần 80 tuổi, mái đầu bạc trắng ngày ngày lóc cóc đạp chiếc xe đạp cũ đi hết nhà này đến nhà nọ theo các địa chỉ đã được giới thiệu. Các bạn đều biết đấy, ở cái thành phố rộng lớn này tìm nhà đâu có dễ. Số nhà thì đánh lung tung, lúc ngược, lúc xuôi, rồi hết ngách này lại đến hẻm khác như một “trận đồ bát quái” có khi mất cả buổi sáng mới tìm được một nhà. Bác kể: Có lần tôi bấm chuông, đợi khá lâu mới nghe tiếng dép loẹt xoẹt của một người từ trong nhà đi ra, ông ta nghé mắt qua khe cổng và hỏi “Cụ tìm ai đấy ạ?”, tôi nói: “Tôi tìm ông Phạm Văn X”. Người chủ nhà nói: “Thưa chính tôi đây, mời cụ vô nhà!”. Chúng tôi đi qua một khoảng sân không rộng lắm nhưng có đủ các chậu hoa quý. Bước vào phòng khách rất lịch sự, bàn ghế sang trọng, đủ biết đây là một gia đình giàu có. Ông ta chỉ cho tôi ngồi xuống chiếc ghế sofa bọc da cá sấu và nói luôn: “Tôi hỏi khí không phải cụ đến đây tìm tôi có việc gì đấy ạ?”. Tôi trả lời: Tôi đến đây trước hết là thăm gia đình với danh nghĩa là người cùng dòng họ Phạm, và xin mời ông tham gia hoạt động dòng họ ta ở Thành phố”. Ông ta trả lời không chút do dự: “Cám ơn thịnh tình của cụ! Xin thú thực gia đình tôi rất bận công việc làm ăn, không có thì giờ để tham gia các hoạt động ấy đâu. Hơn nữa nhà tôi cũng có nối mạng “Anh-tơ-nét” nên thi thoảng các cháu cũng lướt qua trang web của họ Phạm, có tin gì mới chúng có nói chuyện lại với chúng tôi nên cũng nắm được khá nhiều thông tin về họ ta rồi. Cụ thông cảm chúng tôi không thể tham gia được!”.

Bác Thưởng tâm sự tiếp: Một lần khác, tôi đến một cụ họ Phạm cao tuổi có uy tín trong xã hội đặt vấn đề: “Tôi biết cụ đã có uy tín lớn trong giới trí thức của Thành phố. Vậy tôi xin mời cụ tham gia hoạt động dòng họ ta ở Thành phố này nhé!”. Cụ cao niên họ Phạm điềm tĩnh trả lời: “Tôi xin mạo muội hỏi cụ: Mục đích hoạt động của Ban liên lạc họ Phạm Thành phố là gì?”. Tôi chưa trả lời cụ ấy đã nói tiếp: “Tôi thiển nghĩ hầu hết những người họ Phạm ở thành phố này đều có nguồn gốc ở ngoài Bắc. Thì hoạt động dòng họ ngoài ấy mới là chính chứ! Ở đây ta làm cái gì? Tôi giải thích một hồi, cụ ấy chỉ lẳng lặng lắng nghe, không hiểu cụ ấy có tán đồng quan điểm của tôi không? Chỉ biết khi tiễn tôi ra về cụ nói: “Cụ cũng đã già yếu rồi, lo nghỉ ngơi hưởng phúc đi! Những việc “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ấy để cho lớp trẻ họ làm thôi!”.

Có những hôm trời nắng chang chang bác Thưởng vẫn hăm hở đi vận động đến nỗi ngã bệnh. Tôi vào bệnh viện thăm bác. Bác tâm sự: “Việc này khó quá ông ạ! Lắm lúc tôi đã nản có ý định “đầu hàng” nhưng rồi lại nghĩ, “biết bao việc khó hơn thế còn làm được huống chi việc này”. Tôi động viên bác: “Vậy tôi làm thư ký riêng cho Bác được không? Có việc gì bác cứ “sai bảo”. Bác nói: “Không dám! Tôi đã thấy ông suốt ngày trên máy tính làm việc này việc nọ cho dòng họ nên tôi phải noi gương ông chứ!”. Hai chúng tôi cùng cười. Ra viện rồi bác lại tiếp tục đi vận động bà con.

Thật không uổng công bác. Các Ban liên lạc họ Phạm Quận 10, Quận 5, Quận 7 và Nhà Bè đã lần lượt ra đời. Cảm động nhất là những ngày chuẩn bị cho cuộc gặp mặt lần thứ nhất bà con họ Phạm ở thành phố Hồ Chí Minh. Bác Thưởng vẫn gần như “đơn thương độc mã”: thảo giấy mời, tìm thuê địa điểm và quan trọng hơn là vận động các nhà doanh nhân họ Phạm tài trợ kinh phí cho cuộc gặp mặt. Đến những việc cụ thể như lo cắt băng rôn, khẩu hiệu bác cũng tự làm lấy. Từ chiều hôm trước bác đã cùng anh con trai cắt xong băng rôn treo trước cổng địa điểm sẽ họp mặt ngày mai. Ai ngờ một cơn mưa cực lớn bất thần đổ xuống. Dứt cơn mưa trời đã nhá nhem tối, bác đến kiểm tra thì ôi thôi băng rôn đã rơi xuống, các chữ bị bong ra rơi lả tả dưới đất. Thế là suốt đêm hôm ấy bác một mình cắt cắt, dán dán lại băng rôn để sáng mai sớm treo cho kịp. May thay có hai bác Phạm Hồng Soang và Phạm Trí Dũng đến từ tờ mờ sớm trang trí cờ, ảnh, bàn thờ, v.v… mới kịp. Đến cuối buổi gặp mặt, bác gặp tôi hỉ hả nói: “Thế là xong một việc! Kể cũng bõ công chúng ta chuẩn bị vất vả mấy tháng nay”.

Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu, bác còn đến từng nhà các bậc cao niên họ Phạm (trên 80 tuổi) để tặng quà của Ban liên lạc và chúc Tết các cụ. Các cụ rất cảm kích trước tấm lòng của bác. Các cụ hứa sẽ đốc thúc con cháu tích cực tham gia “việc họ”. Suốt mấy năm tham gia hoạt động dòng họ tôi thấy ít người có được nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm như bác Thưởng. Tôi tự nhủ nguyên nhân nào khiến bác có thể hết lòng vì dòng họ như vậy. Sau khi tìm hiểu về cuộc đời bác tôi đã hiểu được điều đó.

Đầu năm 2009, tại cuộc họp của Ban liên lạc họ Phạm TP. Hồ Chí Minh, bác đề xuất: “Hơn một năm qua sau khi tôi nhận trách nhiệm làm Trưởng ban liên lạc họ Phạm Thành phố, tôi đã cố gắng hết sức mình, đã cùng các bác làm được một số việc có ích cho dòng họ. Nay tôi tuổi đã cao, sức đã yếu, xin các bác cử người khác trẻ hơn thay tôi làm Trưởng ban để công việc của chúng ta “chạy” hơn”. Tại cuộc họp ấm tình đồng tộc ấy mọi người đã ghi nhận và biểu dương bác về những đóng góp quý báu của bác đối với dòng họ. Viết tới đây trong đầu tôi lại hiện lên rõ mồn một hình ảnh bác Thưởng đang gò lưng trên chiếc xe đạp “cà tèng” đến mọi hang cùng ngõ hẻm vận động bà con tham gia việc họ. Tôi trộm nghĩ nếu mọi người chúng ta chỉ cần “tích cực” bằng một phần mười bác Thưởng thì phong trào họ Phạm của chúng ta trong cả nước chắc sẽ phát triển hơn bây giờ rất nhiều!

TP.HCM, 4/2009

PHẠM ĐẠO

Các bài viết khác :