CHUYÊN MỤC 20 NĂM LÀM VIỆC HỌ – Kỳ 1

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 28-09-2016, 3129 Views

CHUYÊN MỤC 20 NĂM LÀM VIỆC HỌ – Kỳ I

QUÁ TRÌNH 20 NĂM HOẠT ĐỘNG  CỦA HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM

(1996 – 2016)

Hội đồng Họ Phạm Việt Nam được thành lập ngày 24/10/1996 tại Hà Nội.
Hội đồng Họ Phạm Việt Nam là tổ chức xã hội dòng họ, hoàn toàn tự nguyện của những người họ Phạm Việt Nam, hoạt động trong khuôn khổ Pháp luật của Nhà nước Việt Nam
Mục đích tổ chức và hoạt động của Hội đồng Họ Phạm Việt Nam là tập hợp, đoàn kết tất cả những người họ Phạm có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ và các bậc tiền bối; giúp nhau xoá đói giảm nghèo; khuyến học khuyến tài; vinh danh những người họ Phạm có công với dân với nước; biểu dương “người tốt việc tốt”; giáo dục các thế hệ đi sau học tập, giữ gìn và phát huy những tinh hoa và truyền thống tốt đẹp của dòng họ.
Sau 20 năm thành lập, Hội đồng ngày càng lớn mạnh, từ không đầy 100 người lúc đầu tại Hà Nội, đến nay đã có tổ chức suốt từ Hà Giang đến Cà Mau, từ Tây Nguyên đến hải đảo với hệ thống tổ chức 5 cấp từ Hội đồng Toàn quốc; các Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Hội đồng cấp huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh; các Hội đồng cấp xã, phường, thị trấn đến cấp cơ sở là các Hội đồng gia tộc trong khắp các thôn xóm, khu phố.
Trong quá trình phát triển từ nhỏ đến lớn, tổ chức làm việc họ của Họ Phạm VN đã trải qua 3 thời kỳ với tên gọi khác nhau: Lúc đầu là Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội, từ ngày 31/5/2002, mang tên Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam, từ ngày 23/10/2011 mang tên Hội đồng Họ Phạm Việt Nam.

  1. THỜI KỲ BAN LIÊN LẠC CÁC DÒNG HỌ PHẠM TẠI HÀ NỘI (1996 – 2002)

Truyền thống Thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với trăm họ, người họ Phạm Việt Nam luôn đau đáu một ước nguyện là tìm hiểu về nguồn cội, liên kết họ hàng chặt chẽ, cùng nhau tưởng nhớ những người sinh thành ra mình. Bao năm qua, đất nước ta bị chia cắt, chiến tranh tàn phá, họ hàng ly tán, gia phả thất lạc, nhà thờ họ, mồ mả không được tu sửa, bảo vê…. Ngay sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, cùng với việc bắt tay xây dụng lại cuộc sống, phát triển kinh tế, văn hóa…, nguyện vọng tha thiết của đông đảo bà con họ Phạm Việt Nam là muốn được có một tổ chức để phối hợp liên kết các dòng họ trong những phong trào : “Tìm về cội nguồn”, “Vấn tổ tầm tông, kết nối dòng họ”, “Quy tập mồ mả tổ tiên dòng họ”, tìm kiếm thông tin để “Tục biên hoặc viết mới Gia phả, Tộc phả”, phong trào “Chính trang và xây dựng mới Nhà thờ họ, mồ mả tổ tiên”, vv… đang diễn ra rộng khắp trên toàn quốc. Những việc làm đó đã góp phần to lớn trong việc giáo dục những truyền thống, gia phong tốt đẹp của dòng họ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Trước tình hình ấy, một số Hội viên “Câu lạc bộ UNESCO thông tin các dòng họ Việt Nam” tại Hà Nội, đã đứng ra thành lập Ban vận động thành lập “Ban Liên lạc lâm thời dòng họ Phạm”. Những vị khởi xướng của Ban vận động này là :
– Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Huyễn
– Đại tá Phạm Vũ Thuyên
– Kỹ sư Phạm Sĩ
– Nhà giáo Phạm Kim Chi
– Cụ Phạm Quang Sang
Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, ngày 24-10-1996, tại Chùa Quán Sứ Hà Nội, Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm lần thứ nhất đã được tổ chức.
Tới dự Cuộc họp mặt này có 74 vị đại biểu đại diện cho 36 chi phái họ Phạm sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh lân cận nhưng quê gốc ở các tỉnh thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Cuộc họp mặt đã khẳng định sự cần thiết phải có một tổ chức của dòng họ Phạm Việt Nam để làm đầu mối liên lạc, kết nối, tập hợp và cung cấp thông tin tư liệu về họ Phạm Việt Nam, hướng dẫn xây dựng tổ chức và giúp đỡ các Hội đồng gia tộc và các BLL họ Phạm tại các địa phương nhằm làm cho hoạt động Việc họ ngày càng có hiệu quả thiết thực.
Tại Cuộc họp mặt này, các đại biểu đã chính thức thành lập Ban Liên lạc các dòng Họ Phạm tại Hà Nội và cử ra Thường trực Ban Liên lạc (BLL) Khóa I gồm 8 vị:
Trưởng ban: GS, TSKH Phạm Huyễn (sinh năm 1937)
Phó trưởng ban: Đại tá Phạm Vũ Thuyên (sinh năm 1922)
Tổng thư ký : KS Phạm Sĩ (sinh năm 1932)…
Cuộc họp mặt lần thứ II được tổ chức vào ngày 24-8-1997 tại 33 phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, gần Đền thờ Điện Soái Phạm Ngũ Lão (trên Phố Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhân dịp lễ tưởng niệm lần thứ 1452 ngày hy sinh của Lão tướng quân Phạm Tu – Trưởng ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân, ngày 20 tháng Bảy năm Đinh Sửu, Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội đã tổ chức cho toàn thể các vị dự họp, hành hương về xã Thanh Liệt để cùng với UBND xã Thanh Liệt và Ban quản lý Đình thờ Danh tướng Phạm Tu làm lễ tưởng niệm Ngài.
Tại Lễ tưởng niệm này, Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội đã trân trọng đề nghị các đại biểu về dự Lễ tưởng niệm cùng biểu quyết suy tôn Danh tướng Phạm Tu làm Thượng thuỷ tổ của Họ Phạm Việt Nam. Kiến nghị này đã được toàn thể các thành viên dự Cuộc họp mặt BLL các dòng họ Phạm tại Hà Nội về dự Lễ tưởng niệm Danh tướng Phạm Tu tại Đình Ngoại xã Thanh Liệt hoàn toàn nhất trí. Kể từ đó, những người họ Phạm Việt Nam có một vị Thượng thuỷ tổ chung là Tả tướng quốc, Trưởng ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân, Đô hồ Đại vương Phạm Tu. Quê hương Thanh Liệt – nơi phát tích của Danh tướng Phạm Tu được coi là vùng đất Tổ của Họ Phạm Việt Nam.
Cuộc họp mặt lần thứ III:
Ngày 08-9-1998, BLL các dòng họ Phạm Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Cuộc Hội thảo khoa học “Tưởng niệm Danh nhân Phạm Tu” tại Hội trường lớn của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phố Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là cuộc gặp mặt Họ Phạm lần thứ III. Tại cuộc hội thảo này, những người dự đã được nghe nhiều tham luận khoa học về thân thế và sự nghiệp của Lão tướng quân Phạm Tu – Tả tướng Tiền Lý triều, Trưởng ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân – một Nhà nước độc lập có tổ chức chặt chẽ đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Về dự Cuộc họp mặt và Hội thảo này có trên 100 đại biểu đại diện cho nhiều dòng họ Phạm tại các địa phương trong toàn quốc..
Tại cuộc họp mặt cũng ra mắt Thường trực BLL các dòng họ Phạm Việt Nam tại Hà Nội (khoá II) gồm có:
– Trưởng ban : TSKH Phạm Khắc Di
– Phó trưởng ban : Đại tá Phạm Vũ Thuyên
– Tổng thư ký : KS. Phạm Đình Nhân
– Cố vấn : GS. TSKH Phạm Huyễn …
Trong các năm 1999, 2000, 2001, Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội đã liên tiếp tổ chức các cuộc gặp mặt lần thứ IV, V, VI, thu hút đông đảo bà con họ Phạm tham gia, củng cố tổ chức ngày càng vững mạnh và đẩy mạnh mọi mặt hoạt động.

PHẠM VĂN DƯƠNG

pvd-1

Ảnh 1: Cuộc Hội thảo về Danh tướng Phạm Tu do BLL các dòng họ Phạm tại Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức năm 1998 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

pvd-2
Ảnh 2: Lễ Giố Thượng Thủy tổ tại Đình Ngoại Thanh Liệt Thanh Trì Hà Nội năm 1998

(còn tiếp)

 

 

Các bài viết khác :