Hoạt động việc họ – 1

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 23-04-2015, 2731 Views

PVDuong

HOẠT ĐỘNG VIỆC HỌ

CỦA HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM -1

Hội đồng Họ Phạm Việt nam được thành lập ngày 24/10/1996 tại Hà Nội.

Hội đồng Họ Phạm Việt Nam là tổ chức xã hội dòng họ, hoàn toàn tự nguyện của những người họ Phạm Việt Nam, hoạt động trong khuôn khổ Pháp luật của Nhà nước Việt Nam

Mục đích tổ chức và hoạt động của Hội đồng Họ Phạm Việt Nam là tập hợp, đoàn kết tất cả những người họ Phạm có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ và các bậc tiền bối; giúp nhau xoá đói giảm nghèo; khuyến học khuyến tài; vinh danh những người họ Phạm có công với dân với nước; biểu dương “người tốt việc tốt”; giáo dục các thế hệ đi sau học tập, giữ gìn và phát huy những tinh hoa và truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Tính đến năm 2015, Hội đồng đã sang tuổi 19 và ngày càng lớn mạnh, từ không đầy 100 người lúc đầu tại Hà Nội, đến nay đã có tổ chức suốt từ Hà Giang đến Cà Mau với hệ thống tổ chức 5 cấp từ Hội đồng Toàn quốc; các Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Hội đồng cấp huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh; các Hội đồng cấp xã, phường, thị trấn đến cấp cơ sở là các Hội đồng gia tộc trong khắp các thôn xóm, khu phố.

Trong quá trình phát triển từ nhỏ đến lớn, tổ chức làm việc họ của Họ Phạm VN đã trải qua 3 thời kỳ với tên gọi khác nhau: Lúc đầu là Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội. Từ ngày 31/5/2002, mang tên Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam. Từ ngày 23/10/2011 mang tên Hội đồng Họ Phạm Việt Nam.

Thời kỳ Ban Liên lạc Các dòng họ Phạm tại Hà Nội

(1996 – 2002)

Truyền thống Thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với trăm họ, người họ Phạm Việt Nam luôn đau đáu một điều tìm hiểu về nguồn cội, liên kết họ hàng chặt chẽ, cùng nhau tưởng nhớ những người sinh thành ra mình. Bao năm qua, đất nước ta bị chia cắt, chiến tranh tàn phá, họ hàng ly tán, gia phả thất lạc, nhà thờ, mồ mả không được tu sửa, bảo vệ…. Ngay sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, cùng với việc bắt ta xây dựng lại cuộc sống, phát triển kinh tế, văn hóa…, nguyện vọng tha thiết của đông đảo bà con họ Phạm Việt Nam là muốn được có một tổ chức để phối hợp liên kết các dòng họ trong những phong trào : “Tìm về cội nguồn”, “Vấn tổ tầm tông, kết nối dòng họ”, “Quy tập mồ mả tổ tiên dòng họ”, tìm kiếm thông tin để “Tục biên hoặc viết mới Gia phả, Tộc phả”, phong trào “Chính trang và xây dựng mới Nhà thờ, mồ mả tổ tiên”, vv… đang diễn ra rộng khắp trên toàn quốc. Những việc làm đó đã góp phần to lớn trong việc giáo dục những truyền thống, gia phong tốt đẹp của dòng họ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Trước tình hình ấy, một số Hội viên “Câu lạc bộ UNESCO thông tin các dòng họ Việt Nam” tại Hà Nội, đã đứng ra thành lập Ban vận động thành lập “Ban Liên lạc lâm thời dòng họ Phạm”. Những vị khởi xướng của Ban vận động này là :

– Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Huyễn

– Đại tá Phạm Vũ Thuyên

– Kỹ sư Phạm Sĩ

– Nhà giáo Phạm Kim Chi

– Cụ Phạm Quang Sang – nguyên Vụ trưởng của Ban đối ngoại Trung ương Đảng.

Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, ngày  24-10-1996, tại Chùa Quán Sứ Hà Nội, Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm lần thứ nhất đã được tổ chức.

Tới dự Cuộc họp mặt này có 74 vị đại biểu đại diện cho 36 chi phái họ Phạm sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh lân cận nhưng quê gốc ở các tỉnh thành phố : Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

Cuộc họp mặt đã khảng định sự cần thiết phải có một tổ chức của dòng họ Phạm Việt Nam để làm đầu mối liên lạc, kết nối, tập hợp và cung cấp thông tin tư liệu về họ Phạm Việt Nam, hướng dẫn xây dựng tổ chức và giúp đỡ các Hội đồng gia tộc và các BLL họ Phạm tại các địa phương nhằm làm cho hoạt động Việc họ ngày càng có hiệu quả thiết thực.

Tại Cuộc họp mặt này, các đại biểu đã chính thức thành lập Ban Liên lạc các dòng Họ Phạm tại Hà Nội và cử ra Thường trực Ban Liên lạc (BLL) Khóa I gồm 8 vị:

Trưởng ban: GS, TSKH Phạm Huyễn (s. 1937)

Phó trưởng ban: Đại tá Phạm Vũ Thuyên (s.1922)

Tổng thư ký : KS Phạm Sĩ (s.1932)…

Cuộc họp mặt lần thứ II được tổ chức vào ngày 24-8-1997 tại 33 phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm Hà Nội, gần Đền thờ Điện Soái Phạm Ngũ Lão (trên Phố Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhân dịp lễ tưởng niệm lần thứ 1452 ngày hy sinh của Lão tướng quân Phạm Tu – Trưởng ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân, ngày 20 tháng 7 năm Đinh Sửu, Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội đã tổ chức cho toàn thể các vị dự họp, hành hương về xã Thanh Liệt để cùng với UBND xã Thanh Liệt và Ban quản lý Đình thờ Danh tướng Phạm Tu làm lễ tưởng niệm Ngài.

Tại Lễ tưởng niệm này, Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội đã trân trọng đề nghị các đại biểu về dự Lễ tưởng niệm cùng biểu quyết suy tôn Danh tướng Phạm Tu làm Thượng thuỷ tổ của Họ Phạm Việt Nam. Kiến nghị này đã được toàn thể các thành viên dự Cuộc họp mặt BLL các dòng họ Phạm tại Hà Nội về dự Lễ tưởng niệm Danh tướng Phạm Tu tại Đình Ngoại xã Thanh Liệt hoàn toàn nhất trí. Kể từ đó, những người họ Phạm Việt Nam có một vị Thượng thuỷ tổ chung là Tả tướng quốc, Trưởng ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân, Đô hồ Đại vương Phạm Tu. Quê hương Thanh Liệt – nơi phát tích của Danh tướng Phạm Tu được coi là vùng đất Tổ của Họ Phạm Việt Nam.

Cuộc họp mặt lần thứ III:

Ngày 08 tháng 9 năm 1998, BLL các dòng họ Phạm Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Cuộc Hội thảo khoa họcTưởng niệm Danh nhân Phạm Tu” tạiHội trường lớn của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phố Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là cuộc gặp mặt Họ Phạm lần thứ 3. Tại cuộc hội thảo này, những người dự đã được nghe nhiều tham luận khoa học về thân thế và sự nghiệp của Lão tướng quân Phạm Tu – Tả tướng Tiền Lý triều, Trưởng ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân – một Nhà nước độc lập có tổ chức chặt chẽ đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Về dự Cuộc họp mặt và Hội thảo này có trên 100 đại biểu  đại diện cho nhiều dòng họ Phạm tại các địa phương trong toàn quốc..

Tại cuộc họp mặt cũng ra mắtThường trực BLL họ Phạm Việt Nam tại Hà Nội (khoá II)gồm có:

– Trưởng ban : TSKH Phạm Khắc Di

– Phó trưởng ban : Đại tá Phạm Vũ Thuyên

– Tổng thư ký : KS. Phạm Đình Nhân

– Cố vấn : GS. TSKH Phạm Huyễn …

Trong các năm 1999, 2000, 2001, Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội đã liên tiếp tổ chức các cuộc gặp mặt lần thứ  IV, V, VI, thu hút đông đảo bà con họ Phạm tham gia, củng cố tổ chức ngày càng vững mạnh và đẩy mạnh mọi mặt hoạt động.

Thời kỳ Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam

(2002 – 2011)

Ngày 31 tháng 05 năm 2002,Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp quan trọng bàn việc đẩy mạnh hoạt động việc họ lên một bước mới. Trên cơ sở tổ chức làm việc họ đã phát triển ra nhiều nơi trên cả nước, cuộc họp quyết định đổi tên gọi chính thức tổ chức của mình là Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam.

Cuộc họp này đã cử ra Ban Liên lạc Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam(khoá III). Bộ phận Thường trực gồm có:

– Trưởng ban: TSKH Phạm Khắc Di

– Phó trưởng ban thương trực: Đại tá Phạm Vũ Thuyên

– Phó trưởng ban: KS Phạm Đình Nhân

– Tổng thư ký : PGS, TS, Đại tá  Phạm Hồng …

Thời  kỳ Ban Liên lạc Họ Phạm VN là thời kỳ phát triển toàn diện tổ chức và hoạt động việc họ, thể hiện trên các mặt sau:

1.Về xây dựng phong trào, phát triển tổ chức:Hoạt động việc họ phát triển rộng khắp cả nước. Nhiều địa phương có phong trào sôi nổi, hình thức phong phú, thiết thực, thu hút đông dảo bà con tham gia, đã thành lập hàng loạt các Ban Liên lạc Họ Phạm tại địa phương.

Ban Liên lạc Họ Phạm VN đã liên tục hàng năm tổ chức các cuộc gặp mặt đại biểu Họ Phạm toàn quốc:

Cuộc họp mặt toàn quốc lần thứ VII họ Phạm Việt Nam  được tổ chức vào ngày 16 tháng 11 năm 2002 tại Hà Nội. Về dự Cuộc họp mặt này có trên 300 đại biểu

Cuộc họp mặt toàn quốc lần thứ VIII họ Phạm Việt Nam được tổ chức ngày 21 tháng 02 năm 2004 tại Thành phố Đà Nẵng.

Cuộc họp mặt toàn quốc lần thứ IX họ Phạm Việt Nam được tổ chức vào ngày 30 tháng 4 năm 2005 tại thành phố Quảng ngãi.

 Cuộc họp mặt toàn quốc lần thứ X họ Phạm Việt Nam được tổ chức vào ngày 13 tháng 8 năm 2006, tại Đình Ngoài xã Thanh Liệt, Thanh Trì Hà Nội, nhân ngày giỗ Danh tướng Phạm Tu – Thượng thuỷ tổ của họ Phạm Việt Nam . Về dự Cuộc họp mặt này có hơn 600 đại biểu của các địa phương,

Cuộc họp mặt toàn quốc lần thứ XIhọ Phạm Việt Nam,được tổ chức tại thành phố Thái Bình,  trong hai ngày 18 và 19-8-2007. Về dự Cuộc họp mặt này có 1018 đại biểu, đại diện cho các chi phái dòng họ Phạm trong toàn quốc (không kể lái xe, và các nhân viên phục vụ Cuộc họp mặt). Đông nhất là đoàn đại biểu họ Phạm tỉnh Thái Bình (398 vị), rồi đến Đoàn đại biểu họ Phạm tỉnh Hưng Yên (129 vị), Đoàn đại biểu họ Phạm thành phố Hải Phòng (117 vị), Đoàn đại biểu họ Phạm tỉnh Hải Dương (57 vị), Đoàn đại biểu họ Phạm thành phố Hà Nội (53vị), Đoàn đại biểu họ Phạm tỉnh Quảng Ninh (50 vị), Đoàn đại biểu họ Phạm tỉnh Ninh Bình (42 vị), Đoàn đại biểu họ Phạm tỉnh Hà Tây (18 vị),  vv…

Cuộc họp mặt toàn quốc lân thứ XII  họ Phạm Việt Namđược tổ chức tại Khách sạn Sông Nhuệ, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội ngày 24 tháng 8 năm 2008 là một Hội nghị chuyên đề bàn về tổ chức việc họ, đã kiểm điểm 12 năm hoạt động của Ban Liên lạc và đề ra nhiều chủ trương quan trọng.

Cuộc họp mặt toàn quốc lần thứ XIII họ Phạm Việt Namđược tổ chức tại Thành phố Ninh Bình, ngày 29 tháng 8 năm 2010(đúng vào ngày Giỗ Thượng thuỷ Tổ của Họ Phạm Việt Nam). Về dự Cuộc họp mặt có hơn 1500 đại biểu từ nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc.Đây là một Cuộc họp mặt có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, ngoài dự kiến của Ban tổ chức họp mặt.

Các cuộc gặp mặt hàng năm là dịp thu hút đông đảo bà con biết đến và tham gia hoạt động việc họ. Hai cuộc gặp mặt ở miền Trung (cuộc gặp mặt lần thứ VIII và lần thứ IX) có tiếng vang lớn, phát triển tổ chức việc họ từ phía Bắc vào phía Nam. Đặc biệt các dòng họ sinh sông ở phía Nam vốn có nguồn gốc từ phía Bắc di cư vào trong quá trình mở cõi mấy trăm năm nay, tấm lòng luôn đâu đấu nhớ về cội nguồn, mong mỏi được kết nối với các dòng họ lâu đời ở phía Bắc. Vì vậy, họ rất nhiệt tình than gia tổ chức làm việc họ. Đặc biệt, 2 cuộc gặp mặt lần thứ XI và XIII, cả hàng ngàn người tham dự, thể hiện khát vọng của bà con hướng về cội nguồn, tình cảm đồng tộc mãnh liệt và sức sống dồi dào của phong trào, cũng là thể hiện sự trưởng thành và uy tín to lớn của Ban Liên lạc Họ Phạm VN.

Mỗi lần họp mặt, Ban Liên lạc đều củng cố, kiện toàn nhân sự, thay đổi một số vị già yếu hoặc không có điều kiện tham gia, đông thời bổ sung những người tâm huyết và có khả năng, điều kiện vào gánh vác việc họ. Đã 3 lần có thay đổi lớn về nhân sự, gọi là Ban Liên lạc Toàn quốc Khoá IV, Khóa V và Khóa VI.

Ban Liên lạc Toàn quốc Khóa IV gồm 59 Uỷ viên. Bộ phận Thường trực gồm 8 vị:

–                     Phạm Khắc Di, trưởng ban

–                     Phạm Vũ Thuyên, Phó Tưởng ban phụ trách Tổ chức

–                     Phạm Đình Nhân, Phó trưởng ban kiêm Trưởng Ban Tài chính

–                     Phạm Đạo, Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Biên tập Trang tin điện tử…

BLL Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam khoá V gồm 56 Ủy viên. Bộ phận Thường trực có 12 vị:

–                     Trưởng Ban kiêm Tổng biên tập Trang tin điện tử hophamvietnam.org: PGS, TS Phạm Đạo

–                      Phó Trưởng ban thường trực: TS Phạm Vũ Quất

–                      Phó Trưởng ban kiêm Trưởng ban Tài chính :KS Phạm Đình Nhân.

–                     Phó Trưởng ban kiêm Tổng biên tập Bản tin nội tộc: Nhà báo Phạm Cầu

–                     Tổng thư ký: ThS Phạm Đình Điểu…

BLL Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam khoá VI gồm 67 Ủy viên. Bộ phận Thường trực có 13 vị:

–                     Trưởng ban BLL họ Phạm Việt Nam kiêm Tổng biên  tập Trang thông tin điện tử hophamvietnam.org: PGS, TS Phạm Đạo.

–                     Phó trưởng ban Thường trực kiêm Trưởng ban Tài chính: KS Phạm Đình Nhân

–                     Phó trưởng ban phụ trách Thông tin tư liệu: Nhà báo Phạm Cầu

–                      Phó trưởng ban kiêm Tổng thư ký: Đại tá  Phạm Văn Dương…

Ban Liên lạc Toàn quốc các Khóa đều tập hợp được những người có tâm huyết, đại diện rộng rãi cho các dòng họ Phạm, các Ban Liên lạc họ Phạm địa phương trong  cả nước, có khả năng tổ chức và vận động quần chúng làm việc họ theo 2 nội dung lớn:

Một là Hướng về cội nguồn: Nghiên cứu và tuyên truyền, phát huy truyền thống tốt đẹp của Họ Phạm Việt nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, biên soạn và phát hành nhiều tài liệu, sách báo về các Danh nhân họ Phạm có nhiều đóng góp cho đất nước từ xưa đến nay, các gương sáng người họ Phạm trên mọi mặt của đời sống xá hội. Thu thập tài liệu, gia phả, nghiên cứu nguồn gốc dòng họ, giúp các dòng họ tìm về tổ tiên, tục biên gia phả, kết nối các dòng họ có chung  tiên tổ, tổ chức tôn tạo nhà thờ, mồ mả tổ tiên v.v…

Hai là Hoạt động xã hội: Hướng dẫn các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương giúp nhau làm ăn, xóa đói giảm nghèo, trợ giúp các gia đình khó khăn, cùng giáo dục con cháu, khuyến học khuyến tài v.v…

Tham gia các Ban Liên lạc có nhiều người đi sâu nghiên cứu và có hiểu biết về Lịch sử, Văn hóa dân gian, có khả năng làm báo, viết sách, biên tập, xuất bản… như các ông Phạm Sỹ, Phạm Huy Khánh, Phạm Đình Nhân, Phạm Hồng, Phạm Cầu, Phạm Hông Vũ, Phạm Văn Dương…, các bà Phạm Kim Chi, Phạm Thị Thúy Lan v.v… Trong các Ban Liên lạc có tổ chức các Ban chuyên trách về từng mặt công tác như Thông tin – Kết nối dòng họ,  Tộc phả – Tư liệu dòng họ, Ban Tài chính, Ban Lễ tân – Hành hương – Khánh tiết …
            2.Về công tác thông tin – kết nối dòng họ

Ban Liên lạc Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam đã tổ chức và thực hiện tốt một số công việc sau đây:

-Sưu tầm, biên soạn và xuất bản 4 tập “Tư liệu về họ Phạm Việt Nam”, góp phần cung cấp những tư liệu nghiên cứu đầu tiên cho các hoạt động Việc họ, đặc biệt là việc tra cứu các thông tin tư liệu về các Danh nhân họ Phạm Việt Nam, về tài liệu tra cứu so sánh sự kiện trong các giai đoạn lịch sử Việt Nam phục vụ cho nhu cầu tục biên hoặc biên tập mớigia phả, tộc phả,  đồng thời giúp cho các Hội đồng gia tộc (HĐGT) và các BLL họ Phạm địa phương nắm được các thông tin hoạt động của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam, giúp có thêm kiến thức về Việc họ.

-Biên soạn, xuất bản được nhiều tập sách để tôn vinh các danh nhân của dòng họ như Danh tướng Phạm Tu (476-545), Danh tướng Phạm Bạch Hổ (910-972),Thái uý triều Đinh – Lê:Phạm Cự Lượng, Lý triều Quốc Mẫu Phạm Thị Ngà, Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng (1167-1230), Trần triều Điện soái Phạm Ngũ Lão (1255-1320), Thánh mẫu Liễu Hạnh Phạm Tiên Nga 1434-1473);Lý triều Trung hưng – Thái tế Phạm Công Trứ (1600-1675), Trạng nguyên đầu tiên của họ Phạm triều Lý: Phạm Công Bình, Công thần khai quốc triều Lê: Phạm Bôi, Ba danh nhân thuộc dòng họ Phạm Xá, Y Yên, Nam Định: Phạm Đạo Phú,  Phạm Đạo Bảo, Phạm Văn Nghị; Tham tán Quân thứ Phạm Thế Hiển (1803-1861), Danh nhân Phạm Thận Duật (1825-1885), v.v…

Biên soạn, xuất bản một số sách viết về các nghi thức trong tổ chức Việc họ,hướng dẫn “Tục biên gia phả,  viết mới gia phả tộc phả”

Biên soạn, xuất bản Bản thảo lần thứ nhất và lân thứ hai bộ sách “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt”. gồm 2 tập gần 1000 trang in (2005, 2007) để kịp thời cung cấp một số thông tin tư liệu cơ bản về Họ Phạm Việt Nam cho các HĐGT và BLL họ Phạm các địa phương.

Trong mỗi cuộc Gặp mặt đại biểu họ Phạm toàn quốc, Ban Liên lạc Toàn quốc đều biên soạn và phát hành Kỷ yếu cuộc gặp mặt, là các tài liệu hữu ích cho hoạt động việc họ.

Từ giữa năm 2002, Thường trực BLL Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam đã cho ra mắt Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam”, in khổ nhỏ, ra đều đặn hàng quý, phát hành rộng rãi trong nội tộc trên phạm vi toàn quốc. Thời gian đầu, mỗi số in từ 300 đến 600 bản; những số phát hành trong các Cuộc gặp mặt hoặc số Tết thường in thêm từ 200 đến 500 bản. Nội dung từng số đều phản ánh các hoạt động dòng họ trong cả nước và hướng dẫn hoạt đông Việc họ của Ban Liên lạc Toàn quốc họ Phạm Việt Nam, có các chuyên mục: “Vấn tổ tầm tông”,  giới thiệu các danh nhân và những vị nổi tiếng họ Phạm, giới thiệu về các dòng họ Phạm Việt Nam, biểu dương các cháu học sinh họ Phạm đạt các thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học… Bản tin còn có chuyên mục Văn hóa-xã hội giới thiệu một số bản nhạc và những bài thơ phú về Họ Phạm Việt Nam, về Thượng thuỷ tổ Họ Phạm Việt Nam, vv…

Từ năm 2005 Thường trực BLL Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam đã cho ra mắt Trang thông tin điện tử đầu tiên của họ Phạm Việt Nam với địa chỉ hopham.org đến năm 2009 nâng cấp và đổi thành hophamvietnam.org.

Trang thông tin điện tử có thế mạnh cập nhật thường xuyên, tin bài kịp thời, nóng hổi và quảng bá rộng rãi, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là trong giới trí thức và học sinh, sinh viên họ Phạm, cả trong nước và ngoài nước. Nhiều người họ Phạm sinh sống ở nước ngoài, lâu nay không biết được những tin tức về dòng họ Phạm của mình tại quê hương Việt Nam, nên khi tiếp nhận được những thông về dòng họ được đăng tải trên Internet đã biểu lộ tình cảm rất xúc động. Cho đến nay, có tới trên một triệu lượt người truy cập vào Trang thông tin điện tử hophamvietnam.org để tra cứu thông tin.

Trong công tác thông tin kết nối dòng họ, ngoài việc đưa các thông tin về dòng họ lên Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” và Trang Thông tin điện tử hophamvietnam.org, Ban thông tin kết nối còn phối hợp với Ban tư liệu và Tộc phả giúp đỡ một số dòng họ nghiên cứu các gia phả mà BLL họ Phạm Việt Nam lưu giữ. Nhiều dòng họ, từ các thông tin này và Bộ sách “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt” (Bản thảo lần thứ hai), đã tìm ra những vị tiên tổ của dòng họ mình cũng là tiên tổ của nhiều dòng họ khác. Điển hình là việc kết nối ba dòng họ Phạm tại Đông Ngạc, Đôn Thư và Bát Tràng, kết nối các dòng họ thuộc dòng họ Phạm Kính Chủ Hải Dương và Phạm Xá Nam Định,kết nối dòng họ Phạm thôn Nhất, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam và dòng họ Phạm thôn Chợ Đường Cái, tỉnh Hưng Yên (thôn Nhạc Lộc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), v.v,…

 

3. Về công tác Tộc phả và Tư liệu dòng họ

Công tác tư liệu và Tộc phả là một mảng công tác được Thường trực quan tâm ngay từ ngày đầu thành lập. Trong những ngày đầu hoạt động, hầu như tất cả các vị trong Thương trực BLL họ Phạm Việt Nam, dù tuổi đã vào hạng “Thất thập cổ lai hy “nhưng đã cùng nhau miệt mài tìm kiếm các thông tin tư liệu và tộc phả của các dòng họ Phạm để biên soạn thành bốn tập tư liệu đầu tiên về họ Phạm Việt Nam với những phụ lục tra cứu rất bổ ích cho công tác nghiên cứu về họ Phạm Việt Nam, về lịch sử Việt Nam, nên khi ra mắt bạn đọc, 4 tập tư liệu này đã được đông đảo bạn đọc đón nhận rất nhiệt tình, và do vậy Thường trực BLL đã phải tái bản nhiều lần để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của bạn đọc.

Song song với việc sưu tầm và biên soạn 4 tập tư liệu về họ Phạm Việt Nam, Ban tư liệu và Tộc phả dòng họ đã tiến hành việc vận động các dòng họ Phạm trong cả nước đóng góp xây dựng Kho gia phả chung của Họ Phạm Việt Nam để phục vụ cho công tác “Vấn tổ tầm tông”, “Tục biên gia phả”. Đến nay, kho gia phả họ Phạm có tại Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam đã có tới hơn một trăm gia phả các dòng họ Phạm trong cả nước.Trong những năm vừa qua, kho gia phả này đã góp phần rất tích cực cho các dòng họ tra cứu thông tin, kết nối dòng họ. Một số dòng họ đã được Ban tư liệu và Tộc phả giúp dịch các gia phả Hán Nôm ra tiếng Việt

4. Về công tác Lễ tân và khánh tiết :

Liên tục hàng năm tổ chức các Cuộc họp mặt đại biểu Họ Phạm toàn quốc đã tạo nên mối liên hệ gắn bó giữa BLL Toàn quốc họ Phạm Việt Nam và các  BLL họ Phạm của các địa phương, gắn bó tình cảm đồng tộc trong bà con họ Phạm cả nước.

Hàng năm tổ chức dâng hương nhân ngày giỗ của Thượng thuỷ tổ họ Phạm Việt Nam – Đô hồ Đại vương Phạm Tu tại Đình Ngoại xã Thanh Liệt, Thanh Trì,  Hà Nội cùng với quảng bá các tài liệu, sách báo nói về Người đã làm cho đông đảo bà con họ Phạm cả nước cũng như nhân dân trong vùng, dư luận xã hội hiểu biết về một vị anh hùng dân tộc từ những ngày đầu lập quốc đã cách xa ngày nay 1500 năm mà chính sử ghi chép lại còn rất ít.

Thường trực BLL Toàn quốc họ Phạm Việt Nam đã cử các đoàn đến dự nhiều Cuộc họp mặt họ Phạm tại các tỉnh, thành phố, và dự các Lễ giỗ các Danh nhân họ Phạm, dự Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử nhà thờ họ, khánh thành nhà thờ họ của một số dòng họ Phạm tại các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng,  Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tây, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh,…

Tổ chức thăm hỏi các vị trong BLL họ Phạm ốm đau nặng phải đi chữa bệnh tại Bệnh viện, tổ chức đến viếng, đưa tang vị họ Phạm nổi tiếng và các vị trong Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam qua đời… là hoạt động tình nghĩa sâu đậm của những người đồng tộc.

(còn tiếp)

Các bài viết khác :