Thông báo số 8 của HĐTQ họ Phạm Việt Nam

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 03-05-2015, 3767 Views

Lời BBT: Gần đây lại có một số bà con trong họ có ý kiến về lá cờ và logo họ Phạm chúng tôi xin đăng lại Thông báo số 8 của HĐTQ họ Phạm Việt Nam để bà con được rõ

Thông báo số 8

của Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam khoá VI

Ngày 7.5.2012, Thường trực Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam đã họp thường kỳ bàn bạc, quyết định về mẫu dấu, mẫu cờ và mẫu logo họ Phạm sau khi đã đổi tên Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam thành Hội đồng Họ Phạm Việt Nam. Tham dự có 9 Ủy viên, vắng 1 vị ở xa.

I. VỀ MẪU DẤU CỦA CÁC HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM CÁC CẤP

Thường trực HĐTQ thấy rằng tổ chức của Hội đồng Họ Phạm VN đã có quy mô rộng cả nước, có hệ thống ngành dọc chặt chẽ theo 5 cấp, do đó cần quy định thống nhất mẫu dấu của các Hội đồng các cấp.

          Nguyên tắc chung là: Dấu hình chữ nhật, kích thước 2,7 x 4,4 cm, khung là 1 đường viền. Nội dung gồm 3 dòng  chữ quốc ngữ in hoa. Dòng trên cùng là tên “Cơ quan cấp trên”, cách một đường kẻ ngang, 2 dòng dưới là tên cơ quan có dấu. Dòng đầu chữ nhỏ hợn, 2 dòng dưới chữ bằng nhau.
Dấu Hội đồng toàn quốc có 3 dòng. Dòng trên là “Họ Phạm Việt Nam”, dòng giữa là “Hội đồng”, dòng dưới là “Toàn quốc”.
Dấu cấp trực thuộc Hội đồng Toàn quốc có 3 dòng: dòng đầu là “Hội đồng họ Phạm Việt Nam”. Dòng thứ 2 của Hội đồng họ Phạm tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ là  “Hội đồng họ Phạm”. Dòng thứ 3 là “tỉnh (thành phố)…”. Dấu của Hội đồng Dòng họ Phạm Xá thì dòng 2 là “Hội đồng dòng họ”, dòng 3 là tên dòng họ. Dấu của Bản tin, Quỹ TLV, CLB… thì dòng 2 và 3  ghi tên tổ chức.
Dấu cấp quận, huyện và tương đương thì dòng đầu là “Hội đồng họ Phạm tỉnh (thành phố)…”. Dòng thứ 2 là “Hội đồng họ Phạm”, dòng thứ 3 là “Huyện (quận)…”
Cấp xã, phường nếu có làm dấu thi dòng đầu là “Hội đồng họ Phạm huyện (quận)…”. Dòng 2 vẫn là “Hội đồng họ Phạm”, dòng 3 là “Xã (phường)…”

Những tổ chức, địa phương nào có tên dài nhiều chữ cái thì có thề viết tắt các chữ sau: HĐ = hội đồng, TP = thành phố, T = tỉnh, H = huyện…

 Mẫu dấu HĐHP các cấp

Mau dau

II. VỀ MẪU CỜ HỌ PHẠM

Từ năm 2003, Thường trực BLL họ Phạm VN (nay là Hội đồng Toàn quốc họ Phạm VN) đã trưng cầu ý kiến rộng rãi bà con họ Phạm cả nước và đã quyết định mẫu lá cờ họ sử dụng thống nhất trong cả nước, trong các sinh hoạt việc họ. Có thể coi lần xuất hiện chính thức đầu tiên là lá cờ lớn treo tại Cuộc gặp mặt đại biểu họ Phạm Toàn quốc  lần thứ VIII tại Đà Nẵng ngày 21.2.2004. Từ đó đến nay, lá cờ này dã sử dụng rộng rãi từ Nam đến Bắc, từ đất liền đến hải đảo và trở thành thiêng liêng đối với mỗi người họ Phạm.

A. Về ý nghĩa lá cờ:  

        Cờ Họ Phạm cũng giống như bất cứ lá cờ Chủ (cờ Đại, cờ Soái…) nào trong các lễ hội, các đền thờ trong cả nước khắp Bắc Trung Nam, từ đất liền đến hải đảo, từ vùng sâu vùng xa đến các trung tâm lớn, từ Lễ hội một làng đến lễ hội cả vùng, cả nước (Lễ hội đền Hùng Phú Thọ, Đền Trần Nam Định, Đền Vua Đinh, Vua Lê Ninh Bình, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn…). Đây là lá cờ ngũ sắc truyền thống của Dân tộc ViệtNamcó từ đời Hùng Vương:

1- Hình vuông tượng trưng cho đất nước, nền đỏ tươi sáng, chủ về Phương Nam,  lại trùng với màu cờ Tổ quốc, các khung viền có đủ các màu, bố trí hài hoà, đẹp mắt. Ngoài cùng có tua hình ngọn lửa đỏ tượng trưng cho sức sống mãnh liệt.

2- Chính giữa có thêu chữ “Phạm” bằng chữ nho, tương đương như chữ “Trần”, chữ “Thiên Phúc”… Việc dùng chữ nho là chữ tượng hình, như một hình vẽ biểu trưng, đẹp và cân đối. Chúng ta không nên băn khoăn coi là chữ ngoại bang vì tổ tiên ta đã sáng tạo ra chữ Nôm từ mẫu chữ Hán, trong đó có nhiều chữ trùng với chữ Hán nhưng ta đọc theo âm Hán – Việt và gọi là chữ Nho, chữ Thánh hiền, không đọc theo âm Bắc Kinh của Trung Quốc, ngoài ra còn nhiều chữ Nôm không trùng với chữ Hán mà là sự lắp ghép các chữ Hán và đọc theo âm thuần Việt., người Trung Quốc không có. Chữ “Phạm” ta thêu trên cờ có thể coi là chữ Nôm, đọc là “PHẠM” chứ không phải là chữ Trung Quốc đọc theo âm Bắc kinh là “‘PHAN”. Chính tổ tiên sinh ra chúng ta đã tự viết họ của mình bằng chữ này. Nếu thay bằng chữ Quốc ngữ thì không phải là tượng hình, khó “vẽ” cho đẹp, nghiêm trang. Vả lại, chữ Quốc ngữ cũng là mượn từ mẫu tự La tinh của Châu Âu để sáng tạo ra, có khác chi mượn mẫu chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm?

B. Tuy nhiên, trong quá trình may đo, nơi này nơi khác có thể có những chi tiết, kích thước, tỉ lệ… chưa thật “chuẩn”. Những lá cờ đã may, đang dùng không cần may lại, nhưng khi may mới, cần thống nhất theo các quy định chi tiết như sau:

1. Kích thước: Cờ hình vuông, lấy kích thước cạnh hình vuông trong cùng (nền cờ) làm chuẩn (100%) thì kích thước các chi tiết là:

– Chữ “Phạm” chính giữa viết vuông vắn, có cạnh bằng 60% cạnh của nền cờ.

– Ba khung viền xung quanh nền cờ, độ rộng mỗi khung bằng 10% cạnh của nền cờ.

– Ngoài cùng có khung + ngọn lửa, độ rộng khung như các khung trong, ngọn lửa cao bằng 20% cạnh của nền cờ, ngọn lủa thấp bằng 10% cạnh của nền cờ.

2. Màu sắc:

– Nền cờ màu đỏ tươi như màu cờ Tổ quốc

– Chữ “Phạm” màu vàng như màu sao vàng trên cờ Tổ quốc

– Khung viền trong cùng màu Trắng (tinh khôi)

– Khung giữa màu xanh đậm (xanh nước biển, lam…)

– Khung ngoài màu xanh lục (xanh lá mạ, lá cây non…)

– Khung  + ngọn lủa ngoài cùng màu đỏ như màu nền cờ.

(Lấy ví dụ lá cờ có cạnh nền 1m thì  chữ “Phạm” mỗi bề 60cm, độ rộng 3 khung viền mỗi khung 10cm, khung + ngọn lửa 30 cm, toàn bộ bề rộng cờ tính đến mép ngoài cùng sẽ là 2,2m.

Mẫu cờ Họ Phạm VN

 Co ho Pham - chính thức

III. VỀ MẪU LOGO HỌ PHẠM

Logo họ Phạm đã thống nhất sử dụng trên toàn quốc từ nhiều năm nay, đã in trên đĩa sứ, in trên hầu hết các văn bản chính thức của Ban Liên lạc Họ Phạm VN (nay là Hội đồng Họ Phạm VN), đã trở thành biểu tượng thân yêu của mọi người họ Phạm. Ý nghĩa Logo rất rõ ràng: Cây đại thụ màu xanh tượng trưng cho dòng họ không ngừng phát triển, toả rộng khắp các chi, cành, ngày càng tươi tốt. Chữ “Phạm” màu đỏ viết bằng chữ nho là chữ tượng hình trình bày cân đối, đẹp mắt, mang tính biểu tượng, có thêm dòng chữ quốc ngữ màu nâu để mọi người dễ đọc hiểu, ngoài có 2 đường viền màu nâu, có lượn 4 góc cho mềm mại. Có một chi tiết cần lưu ý là: Logo hình vuông. Các logo cũ hình chữ nhật vẫn dùng được, nhưng từ nay thống nhất dùng hình vuông.

Mẫu Logo Họ Phạm VN

Logo-12 - chính thuc

 Thường trực Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam

 

tìm bài: TB số 8: http://www.hophamvietnam.org/thon-bao-s%e1%bb%91-8-c%e1%bb%a7a-hdhpvn/

 

Các bài viết khác :