NƠI THỜ SONG THÂN ĐÔ HỒ ĐẠI VƯƠNG PHẠM TU

Người đăng: phoipha, Ngày đăng: 21-12-2015, 271049 Views

Nhân dịp Lễ hội Thanh Liệt, từ Mùng 8 – 10 tháng Hai Âm lịch sắp tới, chúng tôi xin đăng bài viết về Miếu Vực để bà con họ Phạm cả nước cùng muôn dân trăm họ rõ thêm về nơi thờ Đô hồ Đại Vương Phạm Tu cùng Thân phụ và Thân mẫu của Ngài (trước khi có Đình Ngoại – Phạm Tổ Linh Từ); và nhớ tới đây dâng hương trước khi ra Phạm Tổ Linh Từ.

Thân phụ và thân mẫu của Đô Hồ Đại Vương Phạm TuPhạm ThiềuLý Thị Trạch, người Trang Quang Liệt (Văn Trì, Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, trấn Sơn Nam, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Tp Hà Nội).

Khi lớn lên, Phạm Tu phương phi, tuấn tú, học giỏi, tư chất thông minh, hay đọc sách nhất là binh thư yếu lược, rất khoẻ và là đô vật nổi tiếng trong vùng. Cuối năm Tân Dậu (tháng Giêng năm 542), Giám quân châu Cửu Đức là Lý Bôn (hay còn gọi là Lý Bí) dấy binh khởi nghĩa, chống lại quân đô hộ nhà Lương và viên thứ sử cai trị nước ta bấy giờ là Tiêu Tư nổi tiếng tàn ác. Cuộc khởi nghĩa được nhân dân và anh hào khắp nơi hưởng ứng, kéo về giúp sức. Năm ấy Phạm Tu đã 67 tuổi nhưng vẫn tập hợp binh mã theo Lý Bí và trở thành một võ tướng chủ chốt của quân khởi nghĩa, đánh giặc Lương phương Bắc và dẹp giặc Lâm Ấp phương Nam, giúp Lý Bí lên ngôi vua vào đầu năm 544, lấy danh hiệu là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Phạm Tu đứng đầu Ban Võ của triều đình – một vị khai quốc công thần triều Tiền Lý.

Xét công trạng của Phạm Tu, Lý Nam Đế đã ban phong Phạm Tu là Long Biên hầu, đặt thuỵ là Đô Hồ, phong làm Bản cảnh thành hoàng, sắc cho bản hương là Thang Mộc ấp, sưu sai tạp dịch đều được miễn trừ, ban 100 nén bạc lập Miếu phụng sự lưu truyền mãi mãi tại Trang Quang Liệt – nơi sinh của Ngài.

Miếu Vực đã được dựng lập trên nền nhà cũ của Đô Hồ Đại Vương ở xóm Vực, gồm 2 gian (như ghi ở một vế câu đối phía trước miếu hiện nay “Văn để dài lâu ngang dọc hai gian truyền bất hủ…”). Miếu còn có tên khác là CỬA ĐỒN, một trong những địa danh liên quan đến chiến tích của Ngài. Miếu thờ Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương cùng nhị vị thân sinh Ngài là Thánh phụ Phạm Thiều và Thánh mẫu Lý Thị Trạch. Còn Đình Ngoại được dựng lập sau ở bên hồ Thanh Liệt, cách Miếu Vực gần một kilomet, là nơi thờ riêng Đô Hồ Đại vương Phạm Tu (sau 3 năm: 2009-2011, Đình Ngoại đã được đại trùng tu khang trang và mang tên Phạm Tổ Linh Từ).

Miếu Vực cũng đã được đại trùng tu xong năm 2014 rất khang trang đúng nơi Miếu tọa lạc từ đời xưa nhưng khuôn viên được mở rộng, có nhà văn bia, nhà tiếp khách – sửa lễ, phía trước là đường Kim Giang ven sông Tô Lịch thênh thang, sạch đẹp. (Xem hình và bản đồ ben dưới)
– Bài vị trong Miếu ghi rõ:

“Bản thổ tối linh Lý Triều Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương”

– Phía trước Miếu ghi:

“Văn tại tư hồ kinh vĩ lưỡng gian thùy bất hủ
Đức kỳ thịnh hĩ hiếm vi nhất lý hương vu thành”

Bản dịch trong Miếu:

“Văn để dài lâu ngang dọc hai gian truyền bất hủ
Đức còn thịnh mãi tỏ mờ một lẽ rất chân thành”

Như vậy, xưa Miếu có hai gian.
– Trong Miếu còn có một câu đối:

“Thư thảo tinh điền Thánh đức uông hàm gia thế đại
Bút hoa báu cảo thần uy hiển ứng quốc tử tôn”

Bản dịch trong Miếu:

“Sách thảo nghĩa sâu Thánh đức bao dung gia thế lớn
Bút hoa lời báu thần uy hiển ứng quốc tử tôn”

***

Rất mong bà con họ Phạm chúng ta cùng muôn dân cả nước luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, khắc sâu trong tâm thức lời dạy của tổ tiên: “sông có nguồn – cây có cội”, vào dịp sinh thành (12 tháng Ba), ngày kỵ (20 tháng Bảy ÂL) Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, hay dịp Xuân – Thu nhị kỳ, Mồng Một – Ngày Rằm hãy tới Miếu Vực làm lễ dâng hương tri ân nhị vị thân sinh Thượng Thủy tổ họ Phạm Việt Nam chúng ta là Thánh phụ Phạm Thiều và Thánh mẫu Lý Thị Trạch trước khi ra Phạm Tổ Linh Từ dâng hương tri ân Ngài.

Phạm Thế Chiến

Một vài hình ảnh Miếu Vực

32115_2

Các bài viết khác :