Giáo sư Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy: Khi âm nhạc làm tình bạn thăng hoa

Người đăng: Admin, Ngày đăng: 09-07-2015, 20348 Views

Rạng sáng ngày 24.06.2015, nền tân nhạc Việt Nam chứng kiến một mất mác to lớn khi vĩnh biệt Giáo sư – Nhạc sỹ Trần Văn Khê, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc. hophamtphcm.org xin mượn bài viết này để tri ân những đóng góp to lớn, những nỗ lực không mệt mỏi cho âm nhạc dân tộc -nét đẹp của tình bạn sâu sắc, thủy chung giữa Giáo sư -Nhạc sỹ Trần Văn Khê với Nhạc sỹ Phạm Duy ..và cầu chúc linh hồn ông mau an nghỉ chốn vĩnh hằng

Tôi không bao giờ quên ánh mắt của Giáo sư Trần Văn Khê khi tôi nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy và tình bạn tuyệt vời của họ trong buổi nói chuyện về “Lịch sử cải lương Nam Bộ”. Đấy là một tình bạn vĩ đại, được tạo dựng bởi 2 nhân vật vĩ đại.

 Họ có một điểm chung lớn là sự trăn trở với âm nhạc và văn hóa dân tộc, và điểm chung ấy đã xóa nhòa những khác biệt về vùng miền và tính cách của 2 người, giúp cho buổi gặp gỡ trên đất khách Paris năm 1954 là khởi đầu cho một tình bạn kéo dài qua 2 thế kỷ.

Kỳ thực họ đã gặp nhau lần đầu năm 1945 tại Vĩnh Long, khi Phạm Duy vẫn đang là chàng du ca, đi theo gánh hát của đoàn Đức Huy – Charles Mều để biểu diễn tân nhạc xen kẻ những màn cải lương. Khi vãn hát, họ cùng nhau ngồi lại bàn luận về âm nhạc. Nhưng phải đến cuộc tao ngộ ở xứ người năm 1954, tình bạn ấy mới chính thức trở nên bền chặt và ngày càng thăng hoa.

Giáo sư Trần Văn Khê và nhạc sỹ Phạm Duy tại một buổi giao lưu (Ảnh: Dân Trí)

Họ đều là những con người có thời gian sống nhiều ở hải ngoại, là những người tiếp thu trí thức tây phương, gọi nhau là “toa” và “moa”, nhưng cả 2 lại là những người yêu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam đến tận cùng. Đấy là tâm sự mà Phạm Duy đã thay mặt bạn mình để gửi gắm qua bản “Tình ca” với những câu đầu:

“Tôi yêu tiếng nước tôi

Từ khi mới ra đời người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa vời

À ơi tiếng ru muôn đời”.

Với tình yêu dân ca, Phạm Duy đã sáng tác những bản dân ca phục hồi, tức là dùng tân nhạc thổi lại một sức sống mới cho những câu hát đã đi sâu vào tâm khảm người Việt như “Bài ca sao”, “Tóc mai sợi vắn sợi dài”, “Nụ tầm xuân”… Còn với GS Trần Văn Khê, dân ca và âm nhạc dân tộc chính là nguồn cội của tri thức, luôn kéo ông trở lại trong những chuyến viễn du đến âm nhạc thế giới, từ Ấn Độ đến Thái Lan, từ Nhật Bản đến Trung Hoa”.

Giáo sư Trần Văn Khê đã từng viết sách về tình bạn giữa hai người (Ảnh: VnExpress)

Ông chia sẻ trong hồi ký: “Có những lúc tôi say mê âm nhạc của Ấn Độ, nhưng chưa một phút giây nào tôi quên mình là người Việt Nam, chưa bao giờ tôi quên âm nhạc Việt Nam. Và cái quý, cái đẹp ở âm nhạc nước bạn tôi sẽ dùng để quay về bồi đắp thêm cho âm nhạc nước nhà”.

Năm 2011, GS Trần Văn Khê bắt tay vào viết “Tính dân tộc trong âm nhạc & tình bạn Duy Khê”. Khi đọc bản thảo mà người bạn gửi, Phạm Duy đã khóc. Với một người đã trải qua tất cả những khổ đau và sung sướng của cuộc đời mà vẫn khóc được, rõ ràng Phạm Duy đã được người bạn lớn chạm vào những tầng cảm xúc sâu nhất. Phạm Duy hồi đáp bạn: “Rất cảm động khi đọc bản thảo của Khê. Khê đã viết ra những lời giải thích rõ ràng về con người Phạm Duy, kể cả xấu tốt… moa vừa đọc vừa khóc đó Khê ơi”.

Ngay từ tựa đề cuốn sách, ta đã thấy giữa âm nhạc và tình bạn của họ đã có mối giao cảm tuyệt vời. Nói cách khác, ta gần như không thể tách âm nhạc và tình bạn với người kia ra khỏi cuộc đời của họ. Một người của sân khấu biểu diễn, một người của bàn giấy nghiên cứu, nhưng đều là những bậc thầy về ngũ cung. Có thể nói, kiến thức của GS Trần Văn Khê mang lại trong những trang sách và những buổi nói chuyện chính là “nội công” còn những bản dân ca “mắm bò” và những bài dân ca phục hồi của Phạm Duy chính là “chiêu thức”. Căn cơ “nội công” có vững vàng thì “chiêu thức” lại thêm nhiều uy lực. Có nghe GS Trần Văn Khê giải thích về tính dân tộc, ta lại càng thêm yêu sự tài hoa trong nét nhạc của người nhạc sĩ thiên tài.

Chính tình yêu với âm nhạc dân tộc ấy đã xóa nhòa đi khoảng cách về vùng miền và tính cách của 2 đại nhân vật trong lịch sử âm nhạc hiện đại Việt Nam. Phạm Duy đến từ miền Bắc, GS Trần Văn Khê là người miền Nam. Một người hướng ngoại, một người hướng nội. Một người ga lăng lịch lãm, một người gần gũi thâm trầm. Một người mang nhạc của tây phương hòa vào dòng nhạc dân tộc, một người mang âm nhạc dân tộc ra phổ biến với bạn bè thế giới. Một người du ca thế kỷ, một người nghiên cứu uyên thâm. Nếu như nhạc của Phạm Duy như chiếc hỏa tiễn đưa ta đến tương lai với những cách tân trong âm nhạc thì nghiên cứu của GS Trần Văn Khê là chiếc thuyền chở ta về quá khứ.

Tựu trung lại, họ đều khiến cho ta thêm yêu âm nhạc Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Cả cuộc đời họ là một cuộc song hành để lưu giữ những nét đẹp thuần khiết nhất của âm nhạc nước nhà. Tình bạn “Duy Khê” của 2 người theo cách gọi của Giáo sư Trần Văn Khê mang những nét đẹp thiêng liêng không kém tình bạn Dương Khuê – Nguyễn Khuyến thuở trước.

Bây giờ, GS Trần Văn Khê đã trở về với cát bụi. Cũng như Phạm Duy, ông đã sống một cuộc đời viên mãn, ít gây tranh luận hơn nhưng cũng đầy thăng trầm, nhiều hoài bão. Ông đã chạm tay vào những đỉnh cao nhất của cuộc đời nghiên cứu, đã để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ, đã nếm trải nỗi cô đơn tận cùng của một vĩ nhân. Xin kết bài này với bài thơ của GS Trần Văn Khê về tình bạn với NS Phạm Duy:

“Quen nhau từ thuở đôi mươi

Mà nay đã ngoại chín mươi tuổi rồi

Mặc cho vật đổi sao dời

Đến khi trăm tuổi vẫn ngồi bên nhau”.

                                                                                                                              Theo VnTinnhanh

Các bài viết khác :