Hậu suy ngẫm – 3

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 13-11-2016, 3423 Views

Hậu suy ngẫm-3

tdung1c tdung3
LỜI ĂN TIẾNG NÓI

Lời hay ý đẹp, giọng nói dễ nghe là một kĩ năng giao tiếp không dễ mà có được. Có người nói thì “con cua trong lỗ cũng phải bò ra”; có người thì “nói như đấm vào tai”. Các cụ dạy rằng, “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng các cụ cũng dạy: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, “nói phải củ cải cũng nghe”. Quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người nói. Người ta cũng có những từ khá sinh động để mô tả những lối ăn nói không thật tâm: Uốn ba tấc lưỡi, dẻo mỏ, thơn thớt, leo lẻo, xơi xơi, đánh đáo mồm, một tấc đến trời, trăm voi không được bát nước xáo, mồm miệng đỡ chân tay, nói dối như cuội, nghe nó thì đổ thóc giống ra mà ăn, mồm mép như tép nhảy, miệng lưỡi có rắn có rết…
Ngày xưa nghề thuyết khách quan trọng lắm. Truyện cổ Tầu kể một nước định đưa quân đi đánh nước lân bang. Thế rồi thấy một ông thuyết khách nổi tiếng đến nước đó thì thôi, không dám đánh nữa. Trái lại thấy ông ta bỏ nước nào đó mà đi liền xua quân đi đánh vì vua quan không biết dùng người tài thì chắc chắn quốc gia chẳng ra gì…
Bây giờ người ta có “thuật” lobby, “mẹo” ngoại giao hành lang, cũng xôm trò lắm. Giới này buôn đủ thứ, từ buôn dự án, buôn ghế, buôn bằng cấp, buôn giải thưởng, đến buôn lãnh thổ, buôn vua…chẳng ngán thứ gì và hiệu quả nhiều khi rất ghê gớm.
Nói những câu đụng chạm người khác rồi bị phiền hà, rắc rối, nghĩa là lời nói mang vạ vào thân, là vạ miệng. Trái lại, nhiều khi bằng lời nói chí tình, lý lẽ có sức thuyết phục hoặc lập luận đanh thép, người ta bảo vệ được bản thân mình.
Lời nói có thể tiếp thêm sức lực cho nhau khiến người ta trở nên mạnh mẽ; nhưng lời nói cũng có thể độc địa, tàn hại cả đời người ta.
Truyện ngụ ngôn Êzov về cái lưỡi thì hầu như ai cũng biết. Tốt đẹp, quí giá là cái lưỡi mà xấu xa, tồi tệ cũng là cái lưỡi…

BẢN NĂNG VÀ LÝ TRÍ

Một đề tài quá lớn, chẳng dám nói sâu. Hành động theo bản năng nhiều khi là tốt đẹp, người ta hay nói “sự mách bảo của trái tim” (khác với sự sai khiến của đầu óc). Súc vật có thể khôn nhưng người ta không nói chúng có lí trí. Mới đây người ta đưa tin có một bà già nghèo khó chết đi mà có đàn chó hoang từ xa đến quyến luyến tiễn đưa, chúng cứ loanh quanh bên đám tang rồi nằm dài ở đó. Nguyên do là bà thường đưa chó hoang về nuôi trong nhà, đi đâu bà cũng đùm thức ăn để cho những con chó hoang bất chợt gặp trên đường. Loài vật nhiều khi biết tri ân, loài chó thường nổi tiếng về sự trung thành với chủ.
Cũng như mọi động vật khác, con người cũng có lúc hành xử theo bản năng, nhưng phần nhiều con người làm gì đều có suy nghĩ. Con người biết lẽ phải trái, biết suy tính thiệt hơn, biết nhìn xa trông rộng, biết học hỏi, biết tích luỹ kinh nghiệm vì con người có lý trí. Và chính cái lý trí này sinh ra nhiều chuyện. Sự tính toán của người này có thể dẫn đến những ý tưởng tốt đẹp, những cống hiến lớn lao; nhưng của người khác lại đẻ ra chủ trương ngớ ngẩn hoặc âm mưu thâm độc nhằm những mục đích đen tối.
Người ta hay chia ra hai khái niệm: Trái tim và Khối óc, hai thứ chi phối hành vi con người. Nếu lý trí hoặc tình cảm chi phối hành vi con người thì cái Tâm sẽ kiểm soát hai cái đó. Cái Tâm tốt đẹp thì đầu óc sáng sủa, trái tim rộng mở.
Sự thông minh, sự khôn ngoan, sự hiểu biết của con người là rất quí giá, nếu nó được cái Tâm trong sáng dẫn dắt thì là diễm phúc lớn; bằng không thì tai hoạ cũng vô chừng.

“KỸ NĂNG” QUẢN LÝ XÃ HỘI

Quản lý, quản trị là môn khoa học có từ lâu đời và ngày càng phát triển sâu hơn và rộng hơn, bao trùm mọi ngành trong xã hội. Học hành môn này thì khó khăn và mệt mỏi, cho nên với các quan chức dốt nát lại được cái nết lười biếng hoàn thiện thêm thì có hai việc dễ nhất và khoái làm nhất, một là Cấm và hai là Chơi Khẩu hiệu.
Báo  đăng một chuyện vui, nghe thì có vẻ vớ vẩn nhưng thực ra rất thâm thuý, rất “đời”:
– Báo cáo anh, mùa mưa sắp đến, dự báo là lượng mưa cực lớn, thành phố ta nhiều nơi có thể bị ngập trầm trọng.
– Ngập là thế nào! Một thành phố lớn nhất nước mà để ngập sao được! Cậu thảo ngay công văn Cấm Ngập, đưa tôi kí!

…Ở một di tích văn hoá, trên một cái sân rộng, du khách tây ta đi lại dạo chơi và chụp ảnh. Tôi bảo cô thợ ảnh chụp cho tôi một kiểu ảnh. Tôi đứng vịn tay vào một tấm biển to, vuông vắn đặt giữa sân. Cô thợ ảnh cười và hơi ngần ngừ. Tôi bảo: “Tôi thích thế mà, cô cứ chụp đi.” Tấm ảnh tôi đứng vịn tay vào tấm biển CẤM CHỤP ẢNH giữa các du khách đang giơ máy chụp tứ phía bây giờ tôi vẫn còn giữ.

Đố ai tìm được cái biển “Cấm Đổ Rác” mà bên dưới không đầy rác.

Luật xứ này nó thế:
Điều 1: Cấm.
Điều 2: Kẻ nào vi phạm thì…mặc kệ.

Còn một trò nữa là nghiện…chơi Khẩu hiệu. Khổ sở cho cả những người thích chụp ảnh. Tìm cảnh đẹp, trời đẹp thì dễ nhưng chọn góc độ để tránh băng rôn khẩu hiệu thì khó làm sao! Ngay cả ở vùng quê cũng thế. Một ngôi chùa mái ngói nâu cổ kính giữa những cây cau, cây bồ đề xanh mướt, ngay cửa chính, lù lù tấm biển to bằng cái bàn, nền đỏ chữ vàng: “Bỏ rác vào thùng.”
Một xứ sở thích hướng dẫn cho nên khẩu hiệu tràn ngập khắp nơi, từ chỗ sang trọng nhất chui cả vào trong toa lét. Từ “Giương cao…”, “Tăng cường…”, “Đẩy mạnh…”, “Ra sức…”, “Quyết tâm…” đến “Giữ vệ sinh chung”, “Bỏ giấy vào sọt”, “Nhớ giật nước”…

Khẩu hiệu động viên có rồi, hướng dẫn, căn dặn rõ ràng rồi, các lệnh cấm đủ cả rồi. Yên tâm đi nhậu và tiếp tục nhắc nhở cấp dưới không được “buông lỏng”, phải “quyết liệt.”
“Hiệu quả” của các lệnh cấm và của vô vàn khẩu hiệu là: Mọi việc lớn nhỏ đều… nát như tương!

Cơ sự thế này chắc là phải ra một cái công văn: “Cấm nát!”

TẬP THỂ VÀ CÁ NHÂN

Cái cụm từ này được nhắc đến trong triết học, xã hội học như thế nào không biết nhưng ở ta là chữ cửa miệng, dân dã, già trẻ lớn bé đều quen dùng. Thí dụ lẽ ra nói: “Mày ích kỉ bỏ mẹ” thì nói chữ hay hơn: “Mày cá nhân bỏ mẹ”. Chắc là do có điều kiện được học tập chính trị, đọc báo và nghe loa phường nhiều.
Nhà thơ Thanh Tịnh khái quát khoảng thời gian “ba mươi năm dân chủ cộng hoà kháng chiến đã thành công” của mình bằng câu “ba mươi năm ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân”.
Hầu như cơ quan nào cũng có khu tập thể, tức là khu nhà ở của nhân viên trong cơ quan. Nơi làm việc cũng thường có nhà ăn tập thể. Còn biệt thự là nhà ở biệt lập, là riêng tư, là…cá nhân.
Ai cũng được dạy bảo về ý thức xây dựng chủ nghĩa tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân; ai cũng được nghe nói về tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Nghe kể, ông Suxlov, nhân vật hàng đầu về lý luận của Liên Xô sang dự đại hội ca ngợi rằng “Lí thuyết về làm chủ tập thể là sự sáng tạo vĩ đại và độc đáo của Việt nam”.
Có thể thế thật. Trong khi trình độ giác ngộ của mình còn kém, hiểu biết có hạn, chưa đủ sức “làm chủ bản thân” thì hãy “làm chủ tập thể” cái đã. Việc gì cũng có anh có em, khi làm thì dựa dẫm nhau, có mầu mỡ thì tranh nhau, gặp khó thì nhường nhau, có lỗi thì đổ cho nhau. Thế là khoẻ.

Ai cũng biết câu chuyện bó đũa: Bó chặt với nhau thì cứng cáp nhưng tách ra từng chiếc thì bị bẻ gãy. Rồi thì “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Người tử tế khuyên nhau câu này; phường thảo khấu, băng đảng trộm cắp cũng bảo nhau câu này.
Tập thể làm được mọi thứ thì tất nhiên làm được cả việc phủi trách nhiệm! Thậm chí đấy là việc nó làm thạo nhất, hoặc hình như nó sinh ra chỉ để làm một việc này. Nó đấy nhưng nó bảng lảng như sương như khói, ta nghe nó nói mà chẳng thấy nó đâu. Nó là hồn ma, là pháp thuật. Tập thể là một trong những điều kì diệu nhất mà con người sáng tạo ra. Khi không ai cần đến nó thì nó là tất cả, khi người ta hỏi đến nó thì nó lại là con số không.

MUỐN CHỐNG BỆNH THÀNH TÍCH THÌ HÃY BỎ THI ĐUA

Muốn có một nhà nước pháp quyền thì mọi việc cứ làm theo luật, thưởng phạt cũng theo luật, chả cần phải thi đua! Các nước tiên tiến họ giàu kinh nghiệm mấy trăm năm về quản lý xã hội, mà họ chẳng biết thi đua trong các cơ quan hành chính là cái gì.
Thi đua thực ra chỉ nên là những hoạt động mang tính vui chơi giải trí, văn nghệ thể thao (thường gọi là thi đấu) với những thể lệ dễ hiểu, tiêu chí bình chọn đơn giản rõ ràng. Hơn nữa được tiến hành với một nội dung cụ thể trong một thời hạn xác định. Chứ đâu có kiểu “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua!” Rồi thì năm nào cũng tổng kết thi đua và long trọng tuyên bố phát động cuộc thi đua mới. Trong những buổi lễ như thế hàng loạt những ngôn từ cũ kĩ đến nhẵn thín lại tha hồ nhảy múa…
Chả nước nào làm ăn giỏi giang mà lại phải cần đến cái cơ cấu “ngành dọc”, từ ban Thi đua trung ương đến các bộ ngành cho đến các…uỷ viên phụ trách thi đua cấp tổ.
Mọi việc làm theo hiến pháp, pháp luật, theo các quy chế đặc trưng từng ngành được xác định bằng các văn bản chính thức, cùng với một hệ thống thanh tra và toà án lành mạnh. Thế là đủ. Thi đua ư? Vô bổ, thậm chí có hại. Thi đua đẻ ra các mẹo gian dối, giấu giếm sai lầm khuyết điểm, đẻ ra bệnh thành tích. “Ngành” Thi Đua tự dựng lên một hệ thống hành chính và bầy đặt ra các hoạt động mang nặng tính phô diễn, tốn hoa, tốn bằng khen khung kính…Đố ai tính được bao nhiêu thời gian, tiền bạc đổ vào ba cái chuyện giời ơi này!
Thi đua ư? Nên…thua đi!

MUỐN CHỐNG THAM NHŨNG THẬT SỰ THÌ ĐỪNG ĐẶT “ĐOÀN KẾT NỘI BỘ” LÊN HÀNG ĐẦU

Hai yếu tố, Chống tham nhũng và Đoàn kết nội bộ chỉ cùng tồn tại và phát triển trong một tập thể lãnh đạo gồm những con người lành mạnh, không thuộc bất kì nhóm lợi ích nào, không dính dáng đến các “dây” làm ăn, thậm chí gia đình họ hàng cũng không dính vào.
Hiện nay, ở ta không hề tồn tại một tổ chức như thế.
Tham nhũng chỉ có ở những người có chức có quyền, cho nên nói đoàn kết nội bộ là nói trong giới đó. Vạch trần một vụ ăn cắp tài sản nhà nước khiến cho “đồng chí mình” gãy cầu hoặc tiêu tan sự nghiệp, bị cách chức hoặc vào tù thì còn ngồi được với nhau nữa đâu, mà có ngồi thì chẳng nhìn mặt nhau thì nói gì đến “đoàn kết nội bộ”.
Trường hợp này nếu coi trọng cái gọi là “đoàn kết nội bộ” thì xin hãy dẹp lợi ích quốc gia sang một bên cho nó xong. Và ngược lại nếu coi trọng lợi ích quốc gia thì phải gạt phăng cái gọi là “đoàn kết nội bộ” cho nó lành, vì thực ra cái thứ “đoàn kết” đó chỉ là cái bình phong che đậy sự thoả hiệp và đồng loã, không hơn không kém.
Nếu không thế thì cái “được” là cái đoàn kết nội bộ rởm mà cái mất là Lòng Dân. Cái nào quí giá hơn? Người tử tế và kẻ bất lương nghĩ chẳng giống nhau.
Trong cái “nội bộ” nát như tương mà “giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình” thì…mù là cái chắc.

CỎ DẠI

Cỏ dại mọc mạnh lắm, nó không cần chăm sóc tưới bón, nó chỉ mong con người bỏ mặc nó, tức mackeno là nó sống khoẻ. Nói chung, nó chẳng có ích gì ngoài chuyện cho trâu bò ăn khi thiếu rơm. Một trong những việc vất vả của nhà nông là “làm cỏ lúa”. Người ta nói phạt cỏ, rẫy cỏ chả ai nói trồng cỏ dại. Muốn cỏ mọc lên, mọc đều thì…cứ để đất đó, dăm bữa nửa tháng khắc có cỏ!…
Ai cũng ghét nó, muốn diệt nó, vì thế nó phải có sức sống mạnh mẽ mới tồn tại được. Cây quý thì dễ chết, chả cứ cây lan cây quỳnh mong manh mà sừng sững những đinh, lim, sến, táu, pơ mu, hoặc thường thường bậc trung như cây sấu, cây sưa, cây xà cừ…cũng chết, bị chém trong rừng sâu, bị chém giữa thủ đô. Cái tội của chúng là… có ích quá, làm được nhiều thứ quá, do vậy làm ngứa mắt người ta.
Sự đời cũng thế, kẻ xấu cũng chỉ cần mackeno là sống khoẻ. Người tốt thì khổ sở, chịu thiệt thòi đủ bề và không mấy khi được yên thân. Thế mà các bậc cha mẹ cứ hết lòng dạy dỗ và mong con cái thành người tốt. Và ai cũng thế, bảo nhau tu thân tích đức để thành người tốt, thành người có ích cho cộng đồng…
Ôi cái thân phận con người, lo học hành, lo sửa mình, nhưng rồi càng tử tế lại càng phải lo giữ lấy cái thân! Tử tế trong bụng chẳng ai cấm, nhưng chỉ thế thôi, đừng làm gì, đừng nói gì cả…Đó là miếng “võ tự vệ” sơ đẳng của người tử tế.
Triết gia René Décartes (1596-1650) viết rằng: “Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại (Je pense, donc je suis)”. Hậu duệ của ông xin thắp nén hương và thưa rằng: “Tôi tư duy và tôi nói ra tư duy của tôi, vậy thì tôi toi.”

(Còn tiếp…)

 

Các bài viết khác :