Suy ngẫm – 2

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 05-10-2016, 4769 Views

tdung1c tdung3

Suy ngẫm-2

Hợp

Trên đời này việc hay dở, thành bại có rất nhiều nguyên nhân nhưng qui lại chỉ có một chữ: hợp.

Người ta hay nói thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Nghĩa là hợp thời thế, hợp hoàn cảnh, hợp lòng người là thuận, là suôn sẻ.

Một cỗ máy có nhiều bộ phận, một tổ chức có nhiều thành viên, xấu tốt thế nào chưa biết nhưng đương nhiên chúng phải hợp nhau mới hoạt động được.

Người thích ăn thịt chó mắm tôm thì thương người không biết thưởng thức, “sống trên đời ăn miếng dồi chó…”; người sợ món đó thì bảo trên đời này không còn thứ gì khủng khiếp bằng. Có gì to tát đâu, chỉ là hợp khẩu vị người này không hợp khẩu vị người kia mà thôi.

Tay đấm thép Mike Tyson có thể bị một chú bé lên mười hạ gục nếu anh ta chọn môn đấu không hợp, nghĩa là không chọn quyền Anh mà chọn… cờ vua.

Không thể bảo một công chức yếu kém khi đặt anh ta sai chỗ, không hợp sở trường hay năng lực. Một hạt giống tốt còn cần môi trường, cần hợp đất đai thung thổ, huống hồ con người.

Quan hệ giữa hai người xấu đi, tất nhiên ai đó hoặc cả hai người đều có lỗi, nhưng cũng chỉ bắt nguồn từ sự không hợp (cá tính, thói quen, lối sống…) mà thôi.

Đâu có phải những gì tốt đẹp đều hợp nhau?

Cách giải quyết xung khắc giữa hai sự vật đôi khi rất đơn giản: Tách chúng ra hoặc để chúng xuất hiện lệch pha.

Cuộc sống vốn phức tạp, làm điều ấy không phải bao giờ cũng dễ dàng, nhưng không phải bao giờ cũng quá khó.

 

Bệnh

Bệnh là sự quá ngưỡng.

Bàn tay có một cái mụn nhỏ là bình thường, có vài chục cái mụn là ghẻ. Ho một tiếng là thường, nhưng ho liên tục nhiều ngày là ho… gà. Vay mượn của bạn quên không trả, một lần thì cũng chưa đến nỗi nào, nhưng nhiều lần như thế thì chắc chắn là bệnh, bệnh này là anh em con chú con bác ruột của thói ăn cắp vặt.

Suy ra, ngay cả những tính tốt như lịch sự, khiêm nhường, ân cần… nếu đúng lúc, đúng chỗ và vừa phải (tức đừng quá ngưỡng) thì đẹp không gì bằng, nhưng quá đi thì là “diễn”, là không thật và có thể còn làm người ta… ghê ghê.

Triết gia nói “hoành tráng” hơn: Lượng biến sinh chất biến (sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất.) Nôm na là: Cái gì nhiều quá thì nó sẽ thành ra cái khác.

Các cụ có câu: Mù quá ra mưa.

 

Chân lý giản dị

Nhiều sự vật phức tạp thật sự. Nhưng nhiều khi việc đơn giản nhưng người ta cứ nghĩ cho phức tạp hoặc tư duy lẽ ra bắt đầu từ sự đơn giản lại cứ thích phức tạp hóa.

Kể một đối thoại vui:

– Đố cậu biết bàn chải đánh răng đã qua sử dụng thường được dùng làm gì không?

– Không biết, cậu nói đi.

– Để đánh răng.

*

– Tối qua ở rạp chiếu phim, khán giả đùng đùng bỏ về.

– Thế à? Sao vậy?

– Hết phim.

 

Một chuyện khác. Một tờ báo nước ngoài đưa tin: Có một bạn đọc hỏi: Tại sao một chậu nước đầy, thả một hòn đá vào thì tràn mà thả một cá sống cùng thể tích vào thì không tràn. Tòa báo hỏi các nhà khoa học. Nhiều vị trả lời và từ đó dấy lên cuộc thảo luận rất sâu về học thuật, nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức, nhiều định lý, nguyên lý toán học vật lý được đưa ra để chứng minh. Cuộc tranh luận chỉ chấm dứt khi có một anh chàng “ít học, ít chữ” thử đi thử lại nhiều lần thấy thả cá vào, nước vẫn tràn y như khi thả hòn đá vào(!)

 

Thống kê

Thống kê rất quan trọng trong việc điều hành hệ thống hoặc cả xã hội, người ta thường hay nói: “những con số biết nói” tức là con số nói lên điều gì đó, thí dụ mỗi giây có bao nhiêu người chết vì ung thư, vì tai nạn, mỗi giây có bao nhiêu trẻ em sinh ra đời…

Có những thống kê bịa ra cho vui, thí dụ: Ở Việt Nam có đến 99% những người ung thư đã từng ăn rau muống. Ai non vía thì nghĩ ngay ăn rau muống dễ bị ung thư. Thực ra 99,9% người Việt Nam ăn rau muống cho nên điều thống kê kia chẳng khác gì nếu nói: Ở Việt Nam 99% số người ung thư là… người Việt Nam.

Ở nước ngoài, có lần cơ quan giao thông dựa trên cơ sở số liệu thống kê rằng va quệt xe hơi do nữ gây ra thấp hơn so với nam để kết luận: Nữ lái xe cẩn thận hơn nam. Kết luận này bị báo chí phê: Có tính đến sự thực rằng số nữ lái xe ít hơn nam không?

Không ít thống kê trong các báo cáo gửi cấp trên hoặc tung ra trước dư luận là có những toan tính nào đó.

 

Hoa

Vẻ đẹp của hoa không chỉ ở hương thơm và màu sắc, mà còn ở sự mong manh… chóng tàn.

Cái đẹp của hoa muôn màu muôn vẻ, tâm hồn của hoa lại phong phú vô cùng:

Thắm thiết, nồng nàn: Hoa nhài, hoa lan;

Cao sang, thanh nhã: Hoa sen, hoa mộc;

Gần gũi: Hoa lúa, hoa cau;

Xa vời: Dạ hương, thiên lý;

Dữ dội hoa sữa, dịu dàng hoa hồng, chất phác hoa sim…

Và nó càng phong phú vì đó là cảm nhận của từng người và mỗi người lại có cảm nhận khác nhau trong từng hoàn cảnh. Cảm nhận về hương ngọc lan của một cô gái khi đang tràn trề hạnh phúc, và khi người yêu không còn nữa chắc chẳng giống nhau.

Hoa lụa, hoa ni-lông không phải hoa, chúng là đồ mỹ nghệ được làm giống hình thù của hoa, cũng như bức tượng không phải là người vậy. Nếu cứ gọi chúng là hoa thì đó là thứ hoa… chết ngay khi vừa “nở”.

Một triết gia nói: Tuổi thọ con người không đo bằng năm tháng mà đo bằng những gì để lại cho đời.

Nếu vậy thì đời hoa chẳng hề ngắn ngủi.

 

Giọt sương

Lúc được ánh nắng ban mai chiếu rọi là lúc giọt sương đẹp nhất, nó long lanh như hạt ngọc.

Và trong ánh nắng ban mai rực rỡ ấy, nó “chết” nhanh nhất.

Ở đâu đó trong cuộc sống cũng có cái gì đó tương tự.

 

Dối trá

Một nhà báo lão thành, loại đầu bảng, đã có thời là tổng biên tập tờ báo có tiếng, trong một lần được phỏng vấn, trả lời câu hỏi: Cái gì quan trọng nhất của người làm báo? Ông nói: Đó là sự trung thực.

Nghe ông nói vậy, niềm tin của tôi đối với ông vốn ít ỏi, đến lúc đó mất sạch.

Nhà báo khác nói vậy còn có thể nghe được, nhưng với ông, một chính khách lão luyện thì khó tin. Làm chính trị mà lấy trung thực làm đầu ư? Hay là ông cố ý lẫn lộn trung thành với trung thực. Làm chính trị, trung thành quan trọng hơn trung thực.

Tôi e ông đã dối trá khi nói đến trung thực.

 

 

Các bài viết khác :