Suy ngẫm – 3

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 11-10-2016, 4920 Views

tdung1c   tdung3

Suy ngẫm – 3

Nghệ sĩ

Đối với nghệ sĩ, quan trọng nhất là tác phẩm để lại cho đời: những bức tranh, bản nhạc, bài hát, giọng ca, điệu múa, những vai diễn, những áng thơ văn…

Vì vậy nghệ sĩ sống chỉn chu hay phóng túng, ăn mặc gọn gàng hay luộm thuộm, mày râu nhẵn nhụi hay đầu bù tóc rối, đâu có quan trọng.

Nhưng có người lại chăm chút “nâng cao” cái nhếch nhác, cái huênh hoang, còn tác phẩm thì ở đâu đó, không ai biết.

Có nghệ sĩ lại chăm chút “nâng cao” cái… ghế, có đôi ba tác phẩm đều là loại “hàng mẫu không bán”, chỉ để thỉnh thoảng lau bụi, tựa như ấm nhôm ở cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.

Tôi có dịp hàn huyên với một nhạc sĩ nổi tiếng (không phải nổi tiếng vì âm nhạc mà vì chức danh). Ông chê Văn Cao, Trịnh Công Sơn không được học hành âm nhạc đến nơi đến chốn…

Thì ra “không được học hành âm nhạc đến nơi đến chốn” mà ra được tác phẩm để đời (với số lượng lớn) không danh giá, không đáng trọng bằng người “học hành đến nơi đến chốn” mà không ra được tác phẩm gì!

Khôn ngoan

Không hiểu tại sao người ta không có thiện cảm lắm với người khôn ngoan, nhất là với người quá khôn ngoan mặc dù cái khôn của người ta không làm thiệt ai. Ai dại thì lại bị cười hoặc “được” thương hại. Cuộc đời nghĩ cũng oái oăm.

Một triết gia Tàu nói: Người ta sống đôi lúc nên ngớ ngẩn một chút.

Lỗ Tấn nói đại ý: Ở Trung Quốc khôn chết, dại cũng chết, muốn sống phải biết khôn biết dại cho đúng lúc đúng chỗ.

Đông Chu liệt quốc có chuyện mưu sĩ xui dại bị vua chém vì “nó làm rối ý ta”, mưu sĩ khác xui khôn cũng bị chém vì “nó quá hiểu ta”.

Lại nghĩ, còn lâu mới chế tạo được robot tư duy như người thật. Có thể chế tạo được robot thông minh, chính xác như toán học, nhưng liệu có chế tạo được loại robot “đôi lúc ngớ ngẩn một chút” và “biết khôn biết dại cho đúng lúc đúng chỗ” hay không?

Các cụ bảo: “Khôn cho người ta ngại, dại cho người ta thương, ẩm ẩm ương ương cho người ta ghét.”

Biết đâu cái anh “ẩm ẩm ương ương” là anh khôn nhất?

Ích kỷ

Ích kỷ hại nhân thì dở, nhưng ích kỷ thì có gì dở? Ai chẳng nghĩ sao cho mình được thuận lợi nhất. Đông mặc ấm, hè mặc mát, ăn thì chọn cửa hàng sạch sẽ nấu ngon, đi đường thì chọn đường ngắn và dễ đi, chọn sách hay để đọc, chọn bạn để chơi, chọn việc làm dễ chịu lương cao…

Khổng Tử nói: Con người ta không vì mình thì trời không dung đất không tha (Nhân bất vị kỷ thiên tru địa diệt).

Ích kỷ là: Ích cho mình, có thế thôi. Nhưng người ta hay ghép với chuyện hại người.

Một nhà tâm lý cho rằng một người cho tiền một kẻ hành khất thì cũng là vì mình, anh ta không cho không đâu, anh ta bỏ tiền ra mua lại sự thanh thản và sự tự bằng lòng cho mình. Người làm từ thiện cũng vậy, người nghèo, cơ nhỡ được giúp và cám ơn là hợp lẽ nhưng người làm từ thiện cũng được về tinh thần, nói chung họ không nghĩ được tiếng tăm đâu, có nhiều người còn giấu tên, họ cần thanh thản và tự bằng lòng với mình.

Họ cũng ích kỷ một chút đấy chứ, nhưng lại ích cho đời nhiều hơn.

Kiêu ngạo

Hồi tôi là sinh viên, thỉnh thoảng được nghe thầy hiệu trưởng nói chuyện trước toàn trường. Ông là một ông già hiền lành, phúc hậu. Có lần ông nói đại ý: Kiêu ngạo là dở, nó làm bạn bè xa lánh, dễ sinh tính tự mãn, khó tiến bộ. Đó là cái thiệt của người kiêu ngạo nhưng các bạn đừng quá để tâm phê phán thói kiêu ngạo của người khác mà hãy để tâm học cho tốt, cho giỏi để có cái mà kiêu ngạo như người ta.

Câu nói đó đã qua nửa thế kỷ vẫn làm tôi phải suy nghĩ.

Vậy là có cái để mà kiêu ngạo nhưng không kiêu ngạo mới hay, chứ mình chẳng bằng người ta nhưng lại cứ ấm ức vì người ta kiêu ngạo thì… yếu quá.

Cứ nói mà chẳng biết mình đang nói gì

Tivi thỉnh thoảng lại “leo lẻo”: Anh X về ngay để giải quyết li hôn với chị Y, nếu trong một tháng anh không về thì tòa sẽ giải quyết theo luật định.

Vậy nếu anh ta có về thì giải quyết theo gì?

Khi thiên tai ập đến, lãnh đạo ra chỉ thị tạm ngừng những cuộc họp chưa thật cần thiết… Vậy có nghĩa là, nếu không có thiên tai thì lại họp những cuộc họp chưa thật cần thiết! Và cũng có nghĩa là hết thiên tai sẽ có… nhân tai.

Chuyện cười Mỹ:

Một anh chàng tán tỉnh và thề thốt:

– Nếu anh không lấy được em thì anh thề sẽ không yêu ai nữa cả.

Cô gái hỏi:

– Thế nếu lấy được em rồi thì sao?

Chuyện “nghiêm túc” của ta mang sang Mỹ là thành chuyện cười.

Tình yêu

Cuốn sách Trịnh Công Sơn-Một người thơ ca-Một cõi đi về (NXB Âm nhạc 2001) giới thiệu về người nhạc sĩ tài hoa này. Trong chương 2 (Phác thảo chân dung tôi), ông Sơn viết:

… Có một người đàn bà, qua nhiều lá thư, có nhã ý tặng tôi trái tim. Hãy cứ cho đi và đừng đòi hỏi gì cả. Tôi đã nghĩ như thế.

Hãy cứ cho đi và đừng đòi hỏi gì cả. Nhạc sĩ đã rất tinh tế và… cảnh giác. Họ ra rả nói yêu (câu hát thường nghe: “em sẽ yêu anh trọn đời” thậm chí “em sẽ yêu anh ngàn đời”!)

Nhưng cái lý của họ buồn cười lắm: Em đã yêu thì anh phải yêu lại, cứ như bắt vay rồi bắt trả(!)

Và nếu người ta không “vay” thì… thù.

“Nhẫn”

Có người thích chữ “nhẫn” viết bằng chữ Hán treo trong nhà. Họ say sưa giải thích: chữ nhẫn là lưỡi dao nằm trên chữ tâm là trái tim. Lưỡi dao kề ngay trái tim vẫn nhịn. Chao ôi hay quá, thâm thúy quá!

Tôi cứ có cảm giác thế nào ấy. Nhịn thì cứ nhịn, tại sao phải treo lên tường để tự nhủ mình là phải nhịn và còn cho mọi người biết là tôi đang nhịn. Tội quá.

Hai người cãi nhau to một hồi, nói “Tao nhịn lắm rồi đấy!” thế là sắp choảng nhau.

Hình như khi phải nói đến nhịn là… không thích nhịn nữa rồi.

Nhà thơ Anh Robert Browning (1812-1889) nói: Tha thứ là tốt, quên đi còn tốt hơn.

Treo “nhẫn” lên tường để làm gì! Cứ như đang lên gân!

Nếu vẫn cứ khoái treo thì treo Phúc, Lộc, Thọ có vẻ… đỡ mỏi hơn.

Văn hóa Trung Hoa

Nền văn hóa bất kỳ của cộng đồng nào, dân tộc nào đều đáng trân trọng vì nó được sàng lọc vô tư qua lịch sử hàng trăm năm.

Nền Văn hóa Trung Hoa cũng vậy thôi.

Nhưng có những người mê mẩn cho rằng Tàu cái gì cũng tốt, uyên thâm, có Khổng, Lão, Mạnh, Trang và nhiều tử nọ tử kia. Những tấm gương đạo đức, hiếu thảo, tình nghĩa nhất thiên hạ.

Nhưng đừng quên những “tấm gương” đểu giả cũng nhất thiên hạ. Hãy đọc Trụ vương, Lã hậu, Từ Hi, hãy đọc Đông Chu liệt quốc, Tam quốc chí, Tư Mã Thiên, hãy nghĩ đến những nạn nhân Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài và 30 triệu con người (những con người trung thành với chế độ) chết tức tưởi trong cách mạng văn hóa, hãy nghĩ đến mấy triệu cái đầu lâu ở Campuchia. Trong cuộc nội chiến với Tưởng, chỉ có một tướng hy sinh là tướng Diệp Đĩnh, còn trong cuộc nội chiến không bom đạn thì 16 nguyên soái theo nhau rụng sạch.

Quốc gia, con người đâu cũng thế thôi, có lắm điều hay có nhiều điều dở.

Sùng bái mù quáng là nô lệ, bắt chước mọi thứ là dại dột.

Tờ giấy

Tờ giấy (có đóng dấu) làm nên quyền lực, quyền lực làm nên tiền bạc, tiền bạc lại làm ra những tờ giấy khác tương tự. Tờ giấy có thể tạo ra quyền lực chứ làm sao nâng được kiến thức, văn hóa và nhân cách. Vậy mà có người vừa lên chức đã sa sả dạy bảo, mắng mỏ bất kỳ ai, kể cả thầy cũ của mình về mọi việc.

Nhiều khi có được tờ giấy, kiến thức lại cùn đi, sự vô học trong ứng xử và nhân cách méo mó lộ ra.

Một nghệ sĩ sân khấu nói: Một anh không có tiền ra đường nhặt được cục tiền thành người có tiền, nhưng anh không có văn hóa chẳng bao giờ nhặt được “cục văn hóa” để trở thành người có văn hóa.

Cũng thế, chẳng tờ giấy nào có thể làm cho một người dốt nát trở thành người thông tuệ.

János Kádár, một người từng là nhà lãnh đạo cao nhất Hungary, người nổi tiếng về tác phong giản dị, chân thành. Khi được hỏi về điều ấy, ông trả lời: “Quyền lực luôn luôn thách thức nhân cách.” Ý nói là anh có quyền lực rồi thì anh còn giữ được nhân cách không, hay là nó teo dần đi và biến mất.

Cũng chuyện tờ giấy, một thương gia Mỹ nói: Chúng tôi cũng có nhiều tỷ phú, nhưng họ chỉ có hai cách để giàu, một là được kế thừa, hai là lao động, không như ở Việt Nam có được một tờ giấy là thành tỷ phú.

 

 

Các bài viết khác :