Suy ngẫm – 4

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 12-10-2016, 13522 Views

tdung3  tdung1c

Mời các bạn xem tiếp “Suy ngẫm – 4” của tác giả Lê Thanh Dũng

Không có gì tồn tại mà vô lý

Một điều bịa ra, vẽ ra, tưởng tượng ra, hư cấu ra có thể hợp lý hoặc vô lý. Nhưng không bao giờ nên nói một sự thật đang tồn tại là vô lý. Cho dù nó đẹp đẽ hay chướng tai gai mắt đến đâu vẫn có lý. Cái lý của nó được khẳng định bằng chính sự tồn tại của nó. Nếu không có lý nó đã không tồn tại. Không tìm được cái lý của nó mà kết luận nó vô lý thì cạn nghĩ quá. Thấy một cái cột sắt nảy mầm xanh, bảo là vô lý ư? Biết đâu có hạt cỏ bay theo gió mắc vào lỗ nhỏ và nảy mầm?
Cán bộ thanh tra cấp cao, đảng viên bốn tốt liên tục nhiều năm mà vào tù; sai ít thì bị phạt, sai nhiều thì được đề bạt. Ăn cắp con vịt con gà thì vào tù, ăn cắp hàng tỷ đồng thì thôi… Tất cả đều là vô lý hay sao?
Không có lý thì làm sao tồn tại được!

Không có chủ trương đúng mà thực hiện sai

Không có chuyện chủ trương đúng thực hiện sai. Ra chủ trương trong hoàn cảnh điều kiện con người (năng lực, phẩm chất của người thực hiện…) và điều kiện vật chất (kinh phí, thiết bị…) không đầy đủ thì là chủ trương sai, sai ngay từ chủ trương, không thể gọi là chủ trương đúng được. Cùng lắm mới là ý tưởng tốt mà thôi.
Một chủ trương chỉ đúng khi nó được đưa ra đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh, đủ điều kiện chủ quan và khách quan để thực hiện được.

Không có lãnh đạo dốt

Không có lãnh đạo dốt, bởi vì:
– Nếu giỏi mà làm lãnh đạo được thì tất nhiên… giỏi (tức là không dốt)
– Nếu dốt mà làm lãnh đạo được thì… càng giỏi. Chắc bạn không thể làm một việc mà bạn chẳng hiểu gì. Vậy mà họ làm được đấy. Không giỏi à?

Không có chuyện
lãnh đạo có đức nhưng không có tài

Không thể nói một người lãnh đạo nào đó không có tài năng nhưng có đức độ. Không có tài (chính bản thân người đó biết rõ nhất) mà còn ngồi đó ăn lương hưởng lộc đích thị là vô đạo đức. Từ chối ngay từ đầu hoặc từ chức là có đạo đức. Tóm lại không tồn tại một người lãnh đạo không có tài mà có đức!
Có người bảo chỉ có đức mà không có tài thì là ông bụt.
Không đúng! Oan cho bụt! Ông bụt chỉ ngồi đó không biết làm gì nhưng ông cũng không ăn gì của dân!

Tốt!
Một ông quan phụ mẫu đến nhà một thần dân của mình, ông nhìn bức ảnh trên bàn thờ và hỏi:
– Ảnh ai đây?
– Dạ, báo cáo anh, bố tôi ạ.
– Thế thì tốt. Thờ ai đây?
– Dạ, báo cáo anh, thờ bố tôi ạ.
– Thế thì tốt. Cụ vẫn khoẻ chứ?
– Dạ, báo cáo anh, cụ mất rồi ạ.
– Thế thì tốt.

Tại sao có cái đối thoại ấy?
Gốc gác của nó thế này:
Thứ nhất, đã báo cáo anh thì bao giờ cũng tốt, cho nên cái việc của cấp trên làm mà không sợ sai là… khen chung chung, mà khen tốt là vô hại, lại được lòng quần chúng. Thứ hai là cái bệnh nghề nghiệp của giới chức là chỉ nói, chẳng bao giờ nghe, có hỏi cũng chỉ để hỏi. Nhưng đừng tưởng các vị lúc nào cũng thế đâu, có khi tinh như ma, thậm chí còn nghe được cả khi… người ta không nói.
Thử so sánh đối thoại trên với đối thoại sau.
Hai anh chàng gặp nhau:
– Cậu đi câu đấy à?
– Không, tớ đi câu đây.
– Thế à, thế mà tớ tưởng cậu đi câu!
Mẩu chuyện trên có một người điếc, mẩu chuyện dưới cả hai người đều điếc.

Nể nang

Có một nhà văn hóa nổi tiếng kể rằng ngày xưa hay phải viết lý lịch, đến mục khuyết điểm bản thân thì viết: còn nể nang… Ông nói vui: Hay quá, tại sao lại có chữ hay thế để mà viết.
Không hiểu sao, không ai phổ biến kinh nghiệm cho ai mà nhiều người viết thế lắm. Tôi cũng từng viết thế.
Suy cho cùng thì chữ nể nang đáng lẽ nên viết vào mục ưu điểm bản thân. Nể nang nhau là quí lắm chứ. Một người sống để bạn bè nể là hay chứ. Khi khen ai, người ta nói đáng nể kia mà.
Nhưng vào cái thời khuyến khích sự rình mò tâu bẩm, theo dõi, góp ý, đấu tranh phê bình, cái thời chưa có hành pháp mới có hành nhau thì nể nang đích thị là khuyết điểm rồi.

Không có và không thấy

Trong một cuộc hội thảo, khi lấy biểu quyết về một vấn đề, vị giáo sư chủ trì hội nghị hỏi: Ai phản đối?
Không ai giơ tay.
Nếu tôi chủ trì, tôi sẽ bảo thư ký ghi:
Nhất trí hoàn toàn, hoặc không ai phản đối.
Vị giáo sư nọ bảo thư ký ghi vào biên bản:
Không thấy có ý kiến phản đối.
Điều tôi học được không phải là kiến thức gì trong cuộc hội thảo hôm đó, mà là tính chính xác trong câu kết luận của vị giáo sư. Nội dung hội nghị tôi quên lâu rồi mà câu kết luận đó tôi vẫn nhớ.
Đúng vậy. Người ta không giơ tay chưa chắc đã là nhất trí, và cũng không chắc là không phản đối, có thể họ phản đối nhưng không nói hoặc chưa nói mà thôi. Chỉ có thể kết luận là không thấy như vị giáo sư đã nói, Không thấy có ý kiến phản đối
Đúng đến từng chữ!
Người ta thường hay coi thường số đông trầm lặng. Số đông không nói nhưng không có nghĩa là họ không nghĩ. Chừng nào chưa hiểu họ có nghĩ gì hay không thì đừng nói là không có mà chỉ là không thấy họ nói ra ý nghĩ của họ mà thôi.

Kịch bản và kinh phí

Có một phóng sự truyền hình, mấy nhà làm phim thảo luận tìm nguyên nhân tại sao phim ta dở, không có khán giả.
Tranh cãi chán chê, thêm thêm bớt bớt rồi các vị gút lại hai nguyên nhân chính: Kinh phí èo uột, kịch bản không hay.
Người xem buồn cười, thử cho các vị 250 triệu đô-la và kịch bản Titanic xem có đẻ ra phim Titanic không? Kinh phí đấy! Kịch bản đấy!
Cái kém cái dốt không dám nói thì bao giờ tiến lên được.
Khổ nỗi khi thảo luận lại cứ mang phim Hàn, phim Tàu ra làm chuẩn và ước ao bao giờ được như họ(!)
Người xem yên tâm, chục năm nữa sẽ được xem loại phim ngang tầm những phim mà hiện nay chính nơi sản xuất đang thải đi vì ế và quăng cho ta, loại phim hai cậu yêu một cô sau đó một cậu sẽ bị đạo diễn giết đi cho rảnh nợ, phim chỉ thấy ô tô và yêu, con trai khóc nức khóc nở, con gái dỗ dành. Phim thì đánh nhau hự hự, gươm vung chíu chíu, tên bắn vèo vèo, đụng một tí là máu ộc ra đằng mồm, ăn thì nhồm nhoàm, uống thì rượu ròng ròng chảy xuống cổ, lấy tay áo quệt ngang mồm, nói năng phun cả nước bọt, hai mắt trợn trừng đến muốn lòi con ngươi ra ngoài, trỏ ngón tay, trỏ đũa vào mặt người ta mà sừng sộ, con gái tỏ tình mà nói phe phé… Người ta đang sợ trẻ con bắt chước theo cảnh trong phim ai ngờ các bậc phụ huynh của chúng nó đang phấn đấu để bắt chước mà chưa được.
Trong cuốn Việt Nam sử lược (xuất bản đầu tiên 1920, lần tái bản 2002), nhà sử học Trần Trọng Kim viết về đặc tính người Việt Nam:
Cách ăn ở thì hễ ai có cái gì thì mình chỉ bắt chước được mà thôi, chứ không phát khởi bày đặt được điều gì nữa.
Sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng của Tàu là hay, là tốt hơn cả, từ tư tưởng cho chí công việc, điều gì cũng lấy Tàu làm gương, hễ ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở. Cách sùng mộ Tàu như thế cho nên không chịu so sánh hơn kém, không chịu phát minh điều hay tốt, chỉ đinh ninh người ta hơn mình, bắt chước được là đủ.
Địa thế nước mình như thế, tính chất và học vấn như thế thì cái trình độ tiến hoá tất phải chậm chạp và việc gì cũng thua kém người ta là vậy.

Cái thùng rác

Ngày nào cũng như ngày nào, nghe tiếng leng keng là bà con ra đổ rác, vắng tiếng leng keng vài ngày là chết dở, thối inh lên ngay. Trên màn hình máy tính cũng có cái thùng rác để vứt vào đó những thông tin không cần giữ nữa, đồng thời người ta còn mở rộng dung lượng bộ nhớ để lưu giữ và xử lý được nhiều những thông tin có ích.
Vậy mà mang danh là con người hiện đại chúng ta, khối lượng bộ não có vậy mà cứ chất đủ thứ vào, sạch bẩn thơm thối gì cũng vứt ráo vào trong đầu, những ý tưởng tốt đẹp lẫn lộn với thông tin rác rưởi, không những thế lại còn thỉnh thoảng bới tung lên.
Đi đổ rác hàng ngày có thể có người giúp nhưng vứt rác ra khỏi đầu mình chẳng nhờ ai được, chỉ nhờ… bản lĩnh của chính mình thôi.

Điều kiện học tập

Đối với khá nhiều bạn trẻ bây giờ hình như điều kiện học tập kém hơn so với ngày xưa.
Nghe có vẻ hơi nghịch tai.
Thiết nghĩ, trong việc học hành, điều kiện quan trọng nhất là có nhiều thời gian và không bị nhiễu.
Cuộc sống ngày nay phong phú hơn, giàu vật chất, giàu tiện nghi, giàu thông tin hơn, nhưng cũng nhiều cám dỗ hơn đối với những người kém bản lĩnh.
Mức sống được nâng cao, phương tiện học tập và nguồn kiến thức phong phú gần như không giới hạn (sách báo, Internet…) Nhưng nó chỉ thật sự có ích với những ai có bản lĩnh tận dụng được chúng để phục vụ cho học tập và tương lai phát triển của mình. Còn đối với không ít người, thậm chí chiếm số khá đông, thì những tiện nghi sinh hoạt và học tập đó là những thứ xa xỉ, những chướng ngại vật làm tốn thời gian và là nguồn nhiễu vô tận đối với học tập.
Vì thế mới có sự phân hoá: Thực tế là trong khi khá nhiều bạn trẻ trở thành các doanh nhân thành đạt, có địa vị danh giá về kinh tế và khoa học ở trong nước và cả ở nước ngoài với mức lương rất cao thì không ít người học hành bê bết, kiến thức rỗng không. Tỷ lệ lưu ban, trượt đại học chưa bao giờ khủng khiếp như bây giờ. Trong hoàn cảnh bom đạn nghèo đói trước đây cũng chưa hề có tình trạng như vậy. Hồi đó học xong hầu hết đều tốt nghiệp. Trung cấp, đại học ra trường đều đường hoàng đứng vững trên cương vị của mình và rất nhiều người trở thành các nhà khoa học đầu đàn cho đến nay.
Vậy là điều kiện học tập, nói cho cùng chỉ là phương tiện, là công cụ, là các thứ bên ngoài; bản lĩnh và phẩm chất bên trong mới là quan trọng.

Ngụ ngôn viên băng phiến và hòn bi ve

Người ta hay nói sự thăng hoa của một tài năng.
Thăng hoa theo nghĩa vật lí là sự bay hơi của vật thể rắn, thí dụ như băng phiến.
Viên băng phiến càng thơm thì càng nhanh chóng nhỏ đi và biến mất. Nó không sáng nhưng nó tỏa hương cả trong bóng đêm.
Hòn bi ve không thơm, và còn mãi, nhưng nó cần ánh sáng để long lanh…

Chữ sĩ ở đâu ra? là cách nói tắt của chữ sĩ diện. Sĩ là kẻ sĩ, thường chỉ “người có chữ”.
Sĩ diện tạm gọi là bộ mặt hay thể diện của người có học.
Tuy nhiên sĩ diện hay được hiểu theo ý xấu, như một thứ bệnh: bệnh sĩ. Quan chức có bệnh sĩ làm tốn tiền dân vào những việc phô diễn lố lăng, kệch cỡm, vô bổ. Một cá nhân có bệnh sĩ thì chỉ có hàm ý như quá giữ gìn, hay phật ý, khái tính, tỏ ra trọng phẩm giá của mình hơi quá mức mà thôi, có thể bị chê trách nhưng chẳng hại cho ai.
Với tính cách một con người thì giữ sĩ diện dù có quá một chút vẫn còn hơn là chẳng còn biết sĩ diện là gì.

Phanh

Có một lần, một chuyên gia người Đức nói trên tivi về luật lệ giao thông. Ông nói đại ý: Điều quan trọng của chiếc xe là động cơ phải tốt, nhưng động cơ tốt thì phanh cũng phải tốt. Ông phân tích về tính năng của các loại phanh và cuối cùng ông nói: nhưng không có cái phanh nào quan trọng bằng cái phanh trong đầu.
Đơn giản mà thâm thúy!
Phanh chân phanh tay tốt đến đâu thì tốt nhưng cái phanh trong đầu không ăn, nó cứ không phanh! thì… thôi rồi.
Suy ra rằng chẳng cứ đi trên đường, trong cuộc sống lúc nào cũng phải chăm sóc cái phanh trong đầu cho trơn tru.

Các bài viết khác :