Suy ngẫm -5

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 16-10-2016, 4202 Views

Mời các bạn xem tiếp suy ngẫm -5 của Lê Thanh Dũng

tdung1c tdung3

Suy ngẫm – 5

Thương người như thể thương thân

Bọn trẻ nhà tôi hình như quên mất câu thành ngữ: “Vui như Tết”.
Đến ngày lễ ngày tết là chúng nó mặt xanh nanh vàng, ngơ ngác như người mất hồn.
Những ngày ấy chúng nó và bạn bè cứ rầm rầm như đi đánh trận, tả xung hữu đột, đánh đông dẹp bắc ở những đâu không biết. Hỏi ra mới biết chúng nó lo đi làm từ thiện(!) Chẳng biết kiến thức xã hội méo mó thế nào mà chúng nó cứ rủ nhau đi nhường cơm sẻ áo cho người giàu, mình là cái lá rách mà cứ chăm chăm đi đùm lá lành.
Các địa chỉ từ thiện trên tivi chúng nó không thèm đọc mà cứ lúi húi tìm địa chỉ “từ thiện” trong sổ riêng của mình, địa chỉ nhà các vị lãnh đạo.
Chúng nó thương bản thân mình, thương con cái mình cho nên phải thương thủ trưởng…

Chọn vợ chọn chồng

Người ta thường khuyên trước khi cưới phải tìm hiểu kĩ cái “ông chồng” hay “bà vợ” (tương lai).
Một bài toán quá khó.
Đối với một cô gái, tìm hiểu kĩ đến đâu chăng nữa thì vẫn là ông… hiện tại, không phải là ông chồng. Có nghĩa là đòi hỏi một người chưa phải là vợ đánh giá chính xác một người chưa phải là chồng xem có đáng là một người chồng hay không (?!), tựa như khuyên người ta hãy ăn quả cam để hiểu hương vị quả chuối vậy!
Người con gái có khi còn chưa hiểu hết chính mình sẽ ra sao khi làm một người vợ thì làm sao có thể hiểu kĩ một anh chàng mà chính anh ta cũng không hiểu mình sẽ ra sao khi làm chồng.
Vì thế mới có chuyện tìm hiểu tự do, cưới xin tự do mà vẫn trục trặc. Điều ấy không nên trách mà nên thông cảm thì phải lẽ hơn.
Tính tình, nhân cách, phép ứng xử của người chồng tương lai chỉ thể hiện ra 10%, còn 90% sẽ thể hiện khi cưới rồi, sống mãi với nhau rồi. Thế thì còn chọn gì nữa!
Không phải chỉ ở nội tâm, ngay cả trong hình thức cũng vậy. Khi yêu, anh ta bao giờ cũng ăn mặc đúng mốt, cư xử lịch thiệp, ăn nói dễ nghe. Đó là văn hoá, là lịch sự, đâu có phải định lừa ai. Người ta không chủ tâm lừa mà cô gái còn bị nhầm kia mà.
Với người con trai cũng vậy.
Vậy về chuyện tìm hiểu kỹ, nên vừa vừa thôi, hoặc đành làm theo cách của các chính khách chợ búa là: cứ làm đại đi, “sai đâu sửa đấy”, hoặc sẽ có “giải pháp tình thế”, hoặc “vừa chạy vừa xếp hàng…”
Chuyện quốc gia đại sự còn thế nữa là cưới xin…

Phản bội

Thường thường cái từ ghê gớm này được dùng để chỉ hành vi bỏ hàng ngũ, đứng về phía địch chống lại Tổ quốc.
Thế mà ở ta cái từ này được dùng nhiều nhất, hăng nhất lại không phải trong lĩnh vực chính trị mà là trong lĩnh vực… tình yêu và hôn nhân. Chị này phản bội người yêu, anh kia phản bội vợ. Thôi không yêu nữa là phản bội. Anh chị nào có vợ, có chồng mà cặp bồ là đương nhiên là kẻ phản bội (là cùng tội danh với bọn chạy theo địch!) Người thì phản bội, người thì lên án kẻ phản bội. Nghiêm trọng hóa quá mức thành nhạt phèo!
Các nhà tâm lí học, xã hội học có bao giờ thống kê nước ta mấy giây mấy phút lại có một kẻ phản bội nhỉ.
Kẻ bất hiếu, lếu láo với cha mẹ, bỏ rơi không chăm sóc cha mẹ già yếu, chẳng bao giờ “được” coi là phản bội cha, phản bội mẹ.
Sao thế nhỉ?

Thói quen tốt

Thói quen tốt chỉ thật tốt khi có thể tạm từ bỏ nó trong trường hợp cụ thể, nếu không thì thói quen tốt đó… không tốt.
Có một thói quen tốt như có một cái áo đẹp, mặc vào nhưng khi cần phải cởi ra được chứ, chả lẽ không!
Quen dùng bát đũa sạch sẽ thì tốt nhưng khi rơi vào trường hợp bất khả kháng, nuốt không nổi hoặc ăn hơi thiếu vệ sinh một chút đã “vội” đau bụng thì dở. Đánh răng trước khi ngủ là tốt nhưng khi không có điều kiện thực hiện thì trằn trọc suốt đêm không ngủ được thì cũng khổ.
Darwin nói, thích nghi mới tồn tại. Con sâu, con thằn lằn, con kỳ nhông còn đổi màu da theo màu sắc xung quanh kia mà (nhưng đặc điểm siêu việt này hay bị ví với ý xấu một cách oan uổng).

Hạnh phúc

Người ta hạnh phúc khi người ta cảm thấy hạnh phúc. Đơn giản vậy thôi, chẳng duy tâm ngụy biện chút nào, cũng như món ăn ngon khi người ta thấy ngon.
Vì thế mới có vô vàn định nghĩa về hạnh phúc. Có người bảo hạnh phúc là uống cà phê nghe nhạc Trịnh. Bạn tôi về hưu đã lâu, một hôm đi xe máy đến chơi, lúc chia tay ra về bảo hạnh phúc là có chiếc xe máy và đi được xe máy. Có người khái quát hơn, hạnh phúc là được làm điều mình muốn, vân vân và vân vân.
Vì vậy chẳng cần tìm định nghĩa chung để làm gì, mỗi người cứ tự định nghĩa cho mình. Thậm chí cùng một người, trước cùng một sự việc, một hoàn cảnh nhưng lúc này thấy hạnh phúc nhưng lúc khác lại không.
Nếu nói ta cảm thấy hạnh phúc là hạnh phúc thì chẳng “cùn” tí nào đâu.
Đố ai định nghĩa được, có bao nhiều tỷ đồng, bao nhiêu biệt thự là hạnh phúc. Đố ai khẳng định bánh mì nóng ròn bơ bít tết và cơm tám tôm rang rau muống luộc ăn cái nào sướng hơn.
Hồi ta vừa giải phóng, dân đang phải ăn bo bo, một hôm tôi gặp anh bạn, bắt tay chào hỏi xong, anh bạn than thở:
– Tao vừa gặp một tai họa.
– Tai họa thế nào?
– Vợ tao có tiêu chuẩn đi Tây Đức thực tập, thế rồi đùng một cái họ “bắt” đi thực tập ở Úc! Thế mới đau chứ.
Tôi chẳng biết đi Tây Đức và đi Úc khác gì nhau nhưng biết thêm một điều: Đau khổ là khi ta cảm thấy là đau khổ.

Văn minh của người Nhật

Trước khi đi Nhật, sứ quán Nhật thường gửi cho một bản giới thiệu sơ qua về đất nước, con người Nhật. Tôi nhớ có một ý: Các bạn thường thấy người Nhật có vẻ lạnh lùng nhưng khi bạn cần giúp đỡ, bạn hãy hỏi bất kỳ ai đứng gần bạn nhất, bạn sẽ được hài lòng.
Ở một nút giao thông, chưa biết lên tàu nào để đến nơi mình cần, tôi hỏi một thanh niên đang rảo bước đi qua. Anh ta cũng không biết, suy nghĩ một giây, anh ta dẫn tôi đến một ông đội mũ kê-pi xanh, quần áo xanh, thế rồi cả hai người dẫn tôi đến bên đường tàu chờ. Lát sau tàu đến họ bảo tôi lên. Tàu chạy, cả hai người vẫy tay chào.
Một lần khác, ngồi trên tàu điện, thấy một người phụ nữ lên tàu và đứng gần tôi. Tất nhiên tôi đứng dậy mời ngồi, bà ta đang suy nghĩ gì đó hơi giật mình và cám ơn nhưng vẫn đứng. Tôi ra chỗ khác và để ý, chiếc ghế vẫn trống và bà ta vẫn đứng đó. Vì đi đoạn đường khá dài, tôi có dịp quan sát, xem người ta làm thế nào trong trường hợp của tôi. Thì ra tôi đã làm một việc hơi thừa. Tôi đứng lên là đúng, ra chỗ khác là đúng, nhưng thừa và dở ở chỗ là tôi đã mời bà ta ngồi. Sao vậy? Tôi đã vô tình quấy rầy người ta, biết đâu họ đang suy nghĩ điều gì đó, tôi đã làm họ mất tập trung và hơn nữa họ phải cám ơn khi nhận một thứ mà họ không có nhu cầu.
Trong trường hợp của tôi, người ta chỉ đứng lên, nhẹ nhàng đi ra chỗ khác. Có nghĩa là: Bà đã có thứ bà có thể cần đến, còn sử dụng hay không là việc của bà.
Tôi nghĩ, việc mời ngồi đã là văn minh, lịch sự nhưng làm như người Nhật thì còn văn minh, lịch sự hơn một bậc.
Ngày nào tôi cũng đi xe điện, lên xuống mấy chặng, sáng đi tối về, tôi lại phát hiện một điều nữa: Tuyệt nhiên không thấy ai gọi nhau chào hỏi nhau trên đường, không thấy cảnh gọi nhau í ới, tay bắt mặt mừng. Tôi nghĩ, đơn giản là ai cũng hối hả, ai cũng đang có một đích để đi tới, trong một thời gian đã định. Cho nên không ai muốn và cũng không có thì giờ để quấy rầy người khác. Tất nhiên có những người quen nhau nhưng họ sẽ ít trông thấy nhau vì mắt họ nhìn luôn nhìn thẳng theo hướng mình đi chứ không nhìn người khác và tôi đoán chắc rằng, nếu có vô tình nhìn thấy nhau, họ cũng chỉ gật đầu “hờ hững như là đã xa nhau…”
Bỗng nhớ lại một chuyện, một chuyên gia người Đức làm việc ở Việt Nam có nói về người Việt Nam đi trên phố: Tôi không biết họ đi đâu, đi làm việc thì bước chậm quá, đi chơi thì bước nhanh quá.
Sắc sảo và hài hước đấy chứ!

Đạo đức là gì

Người ta hay nói đạo đức, học sinh cũng học môn đạo đức.
Vậy đạo đức là gì?
Một nhà tâm lý nước ngoài nói: Đặc trưng tiêu biểu của đạo đức là ý thức trách nhiệm. Người tự do chịu trách nhiệm về hành vi của riêng mình. Nếu hành vi đó không gây hại cho bất kỳ ai thì nó chẳng liên quan gì đến đạo đức. (Az erkӧlcs legiellemzőbb ismertetője a felelӧsségérzet. Független ember a saját felelӧsségére rendelkzik a szemelyével. Ha senkinek nincs kára belőle, viselkedésének nincs semi kӧze az erkӧlcshoz)
Có thể hiểu thế này: Nói đến ý thức trách nhiệm là nói đến mối quan hệ với một khách thể, một thứ ngoài cái tôi. Đó là cha mẹ, vợ con, bạn bè, lớn hơn nữa là nhà nước, xã hội, cho đến cộng đồng quốc tế.
Một hành vi tùy theo nó có tác động xấu hay không đối với bên ngoài, sẽ nói rằng hành vi ấy có đạo đức hay không. Thí dụ, anh thất nghiệp nằm chơi dài khác với ông quan chức lương cao bổng hậu mà không chịu làm việc; hút thuốc nơi vắng người khác với hút trong rạp hát; trút bỏ hết quần áo trong phòng tắm khác với trần trụi giữa chợ; pha trò gây cười trong bữa nhậu khác với hành vi tếu táo trong đám tang; mở tiếng loa to trong phòng cách âm hay ra rả giữa chốn đông người của cái loa phường… Tóm lại gây tổn hại dù ít dù nhiều, vật chất hay tinh thần cho người không đáng phải chịu là không có đạo đức. Một hành vi chỉ liên quan đến chính mình thì chẳng liên quan gì đến đạo đức cả.

Mọi sự như ý

Nhiều năm nay, cứ nghe người ta chúc nhau ngày Tết: “Mọi sự như ý”, tự nhiên tôi không nhịn được cười vì nhớ lại câu chuyện dân gian mà ai cũng biết:
Có hai vợ chồng than vãn mãi phận nghèo. Biết nhà này ăn ở hiền lành, ông Bụt hiện lên cho ba điều ước. Sướng quá, cô vợ đang thèm ăn ốc láu táu nói ngay: Ước có ốc mà ăn. Con ốc hiện ra. Anh chồng tức quá, ước gì không ước lại đi ước được ốc, điên tiết, anh ta ước nó dính vào mũi vợ. Con ốc nhảy tót lên dính vào mũi chị ta. Chị vợ khóc lóc mãi, anh chồng ân hận, ước gì con ốc rơi ra.
Hết ba điều ước. Ba lần đều như ý (!!!)
Nếu “như ý” mà tốt đẹp cả thì sẽ không có người than: “Sao mình ngu thế”, “Sao mình lẩm cẩm thế”…
Mọi sự như ý có khi là… toi.
Vậy phải chăng câu chúc giản dị và an toàn nhất là: “Mọi sự tốt lành.”

Vật chất và tinh thần

Khi người ta hỏi nhà văn lão thành Nguyễn Hiến Lê, ông quan niệm thế nào về đời sống vật chất và đời sống tinh thần, ông trả lời: Đời sống vật chất nên trên trung bình, đời sống tinh thần càng giàu càng tốt.
Phải ăn no mặc ấm, có tiền mua sách báo, mua tivi, trả cước điện thoại… thì mới nói đời sống tinh thần được chứ. Các cụ bảo có thực mới vực được đạo là vậy.
Về vật chất, thế nào là đủ? Lão Tử nói: “Tri túc chi túc thường túc”, biết đủ trong cái đủ là luôn luôn đủ. Ông lại nói: “Hoạ mạc đại ư bất tri túc”, không có cái họa nào lớn bằng không biết đủ và “tri túc giả phú”, người biết đủ thì giàu.
Người Pháp nói: “Quand on n’a pas ce q’on aime on aime ce q’on a.” – Khi người ta không có cái người ta thích thì người ta thích cái người ta có.
Các cụ ta nói một câu giản dị mà hay: nhiều no ít đủ (có nhiều thì no hơn, mà ít thì cũng đủ, chẳng bao giờ thiếu thốn). Tham lam vô độ là một tai hoạ lớn nhất trên đời.
Trong cuốn sách How to Stop Worrying and Start Living mà dịch giả Nguyễn Hiến Lê dịch rất hay là Quẳng gánh lo đi và vui sống, Dale Carnegie viết rằng: Khi số phận chỉ cho ta một quả chanh thôi thì làm ly nước chanh mà uống.

Biết mình

Tôn Tử nói: Biết mình biết người trăm trận trăm thắng.
Nhưng Trang Tử chỉ nói: Biết mình.
Suy cho cùng, biết mình đang ở đâu, đang trong hoàn cảnh nào, đang thịnh hay suy, so với người hơn kém ra sao, khỏe hay yếu, giỏi hay dốt, nên tiến hay lui… thì đã là biết cả người, biết cả thời thế rồi.
Vậy biết mình là đủ.
Nhiều người long đong lận đận vì tai họa “trên trời” giáng xuống phải chịu đã đành, nhưng cũng không ít người bươu đầu sứt trán chỉ vì không biết mình.

Trạng Quỳnh

Không hiểu các nhà văn học sử học, các nhà văn hóa dân gian, đánh giá thế nào về Trạng Quỳnh. Nghe nói mấy làng còn tranh nhau là hậu duệ của ông Trạng này.
Riêng tôi, đọc xong truyện Trạng Quỳnh chỉ có hai cảm tưởng, một là chuyện nhạt như nước ốc, hai là thể hiện rõ một tâm lý vừa tiểu nông vừa thị dân. Ông mải khoái trá vì vài trò xỏ xiên mấy chú khách, rồi mới ngã ngửa người: Nó ngớ ngẩn bị ông lừa vài chuyện vặt, nhưng nó lấy mất nước ông một ngàn năm!
Mỗi lần thấy truyện Trạng Quỳnh bày bán tôi lại thấy tội nghiệp cho ông. Trạng Quỳnh có tính chống phong kiến ư? Tôi nghĩ cái dở chính là ở chỗ đó: Chống kiểu… Trạng Quỳnh. Thà là giải trí đơn thuần như chuyện Ba Giai-Tú Xuất còn hơn. Uống rượu với Ba Giai-Tú Xuất còn “vào” hơn.
Giật gân là quan trọng?

Tôi cứ phân vân mãi về một đặc tính tâm lý con người, không hiểu các nhà tâm lý học giải thích ra sao.
Một người bạn trong cơ quan mất xe máy. Mọi người xúm lại hỏi mất bao giờ, mất cái nào? Cái Spacy hay cái @? Trong khi đó một bạn chưa hề có xe máy đang ngồi đó thì chẳng ai hỏi đến chuyện xe cộ của anh ta cả.
Điều đáng nói là: Người ta thường thương người mất của, chẳng mấy ai thương người không có của để mà mất. Phải chăng đó chỉ một trong vô số những khuyết tật trong tâm lí con người. Người ta có thể xuýt xoa thăm hỏi an ủi một người đồng nghiệp vừa mất một trong hai chiếc xe máy, còn anh bạn đồng nghiệp khác chỉ có chiếc xe đạp rách thì ngồi… uống trà một mình. Điều này thì có gì đáng nói! Đúng thế, điều đáng nói là ở chỗ… người ta coi là chẳng có gì đáng nói.
Một vùng bị thiên tai đổ ập xuống, cả nước cảm thông, chính phủ tổ chức quyên góp và giúp đỡ; điều đó đã và đang là một tập quán tốt đẹp. Nhưng có những cộng đồng, bộ tộc đói rét triền miên, kéo dài hàng thập kỉ, thế kỷ, có nguy cơ bị xóa sổ thì có được một hai bài phóng sự một vài sự trợ cấp như bố thí rồi cũng thôi.
Hai trường hợp trên đều là tai họa chết người, chỉ khác nhau ở chỗ: một cái “đổ ập xuống” còn một cái thì “triền miên”.
Vậy phải chăng không chỉ tâm lý cá nhân con người mà cả chính sách quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi sự giật gân?

Một khía cạnh của quyền lực

Với người có chức có quyền mà vênh vang lên mặt, trừ vài anh còng lưng chai đầu gối vo ve xung quanh còn mọi người đều xa lánh, thì không nói làm gì, nhưng có người không những có chức có quyền mà còn có cả thứ quý hiếm đó là sự khiêm nhường, rất muốn ngồi uống bia với bạn bè cũ mà cũng khó, anh muốn đi chẳng ai mời, anh có mời chẳng ai đi (hoặc cọc cạch vài anh miễn cưỡng đi vì nể, khi ngồi bên cốc bia mà mỗi lần nói phải khởi động lưỡi ba lần).
Nghĩ cũng tội nghiệp, nhưng biết làm sao!
Được cái này mất cái kia, đồng tiền thì gần đồng nghiệp lại xa, âu cũng lẽ thường.
Tôi được nghe một vị quan thổ lộ: Các ông sướng, đi công tác đến đâu cũng có bạn bè, xong việc là kéo nhau đi chơi. Mình ru rú ở khách sạn chẳng đứa nào thèm rủ đi đâu.
Ngẫm sự đời cũng oái oăm, mâm cao cỗ đầy thì dễ mà mấy vại bia bạn bè sao khó thế!

Lừa ai dễ nhất?

Con chó cứ nghe tiếng chuông là có cục xương… Vài ba lần lặp lại thì sẽ đến lúc chỉ nghe tiếng chuông là con chó đã rỏ dãi, không cần phải có cục xương.
Nhưng tiếp tục lặp lại vài ba lần có tiếng chuông mà không có xương thì con chó cũng thôi, không thèm rỏ dãi nữa.
Đó là thí nghiệm nổi tiếng về phản xạ điều kiện của Pavlov mà ai từng đi học đều biết.
Với đứa trẻ, chìa nắm tay ra cho nó, bảo trong đó có cái kẹo, nó cạy tay ra không thấy gì, lặp lại đến lần thứ ba thứ tư vẫn không có kẹo thì nó chẳng chơi nữa…
Chẳng dễ lừa mãi nó đâu.
Nhưng người lớn thì dễ lừa, người càng tử tế càng dễ lừa, trí thức càng uyên bác, càng thông thái càng dễ lừa, có thể lừa mệt nghỉ, lừa cả đời cũng được.
Họ nghe hứa hẹn, nhưng họ lại có thể tha thứ mọi sự lỡ hẹn.
Sở dĩ họ cả tin và dễ lừa vì họ tử tế và nghĩ ai cũng tử tế.
Không tin thì thử đi lừa mấy thằng lưu manh xem! Chúng nó tha lừa người thì thôi chứ sức mấy mà lừa được chúng nó.
Vậy nên hãy bảo vệ những người tử tế. Nhưng trước đó đừng lừa họ và đừng “đánh” họ.
Biện luận này nghe có vẻ chua chát quá. Nhưng đã thấm gì với sự chua chát của đời thực.

 

Các bài viết khác :