Suy ngẫm – 6

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 18-10-2016, 4150 Views

Mời các bạn xem tiếp phần 6 tập đoản văn SUY NGẪM của tác giả Lê Thanh Dũng

Suy ngãm – 6

Quên đi

Có điều gì khó chịu hay buồn bực người ta thường tự nhủ hoặc khuyên nhau: Quên đi.
Thời kỳ hội nhập quốc tế, người ta cũng nói: Hãy quên đi quá khứ để hướng tới tương lai.
Đó chỉ là cách nói.
Thực tế ai cũng hiểu rằng chuyện riêng và chuyện của cả dân tộc có muốn quên cũng không quên được.
Ôm mãi nỗi đau hoặc mối thù là không thông minh nhưng cố quên đi những bất hạnh của cả dân tộc là ngu xuẩn và còn là tội ác. Vả lại đừng bao giờ ngây thơ mà nghĩ rằng nếu ta quên thì họ cũng quên. Không những họ không quên mà họ còn đang toan tính tiếp.
Không nhắc lại quá khứ nhưng không được phép quên.
Trong cuốn Viết dưới giá treo cổ, Julius Fusic, người Séc, chiến sĩ chống phát xít trước khi chết đã nói một câu nổi tiếng mà người đời sau còn nhắc mãi: Hỡi con người, tôi yêu các bạn. Các bạn hãy cảnh giác!
Câu châm ngôn của người Anh: If a man fools you once, shame on him; if he fools you twice, shame on you. (Nếu ai đó lừa bạn một lần thì hắn đáng xấu hổ, nếu hắn lừa bạn hai lần thì bạn đáng xấu hổ.)

Ai cần ai

Chẳng mấy ai có thể làm theo được lời cụ Nguyễn Công Trứ: Đã mang tiếng ở trong trời đất – phải có danh gì với núi sông.
Nhiều người bệnh tật, không có điều kiện học hành hoặc vì quá nghèo còn cố trụ vững để nuôi sống chính mình thậm chí gia đình, con cái mình; nhiều người khỏe mạnh không những phải luôn luôn tìm cách sống được, sống tốt mà còn phải nâng cao năng lực làm việc của mình, khẳng định chỗ đứng của mình trong một cơ quan, một công ty, nói rộng ra là trong xã hội.
Một con người tuy bé nhỏ nhưng không có một con người thì chẳng có loài người và chẳng có gì cả. Cái bu-gi cần cái xe máy để có môi trường hoạt động nhưng cái xe máy cũng cần cái bu-gi mới chạy được. Vấn đề muôn thuở của con người và cái bu-gi: đó là chất lượng.
Thiết nghĩ chẳng nên trách người ta không trọng dụng mình. Một nhân viên nên làm sao để cơ quan phải cần mình; một cầu thủ nên làm sao để đội bóng phải cần mình; một đại biểu Quốc hội nên làm sao để Quốc hội phải cần mình. Không nên chỉ nghĩ ngược lại.
Quả là không hề dễ dàng, nhưng tình hình bây giờ nó thế, biết làm sao được.
Thời buổi kinh tế thị trường, con người cũng là hàng hóa. Người ta chọn người như chọn hàng, vậy “con người-hàng hóa” phải chứng minh mình là đồ xịn, có thể không xuất chúng nhưng ít nhất là đúng “thứ” người ta cần.
Câu nói Đừng hỏi Tổ quốc làm gì cho ta, hãy hỏi ta đã đóng góp được gì cho Tổ quốc nghe có vẻ lớn lao và xa vời như kinh thánh; một chủ doanh nghiệp trẻ tuổi và thành đạt nói cụ thể hơn: Các bạn trẻ thường hỏi được nhận lương bao nhiêu, vậy đồng thời xin bạn hãy trả lời, bạn sẽ kiếm cho công ty bao nhiêu?
Các cụ nói rất nôm na: Ăn thì đã vậy múa gậy làm sao.
Suy cho cùng đó là chuyện ai cần ai.

Lương tâm

Người có lương tâm cứ làm điều lành, điều thiện mà chẳng nghĩ nhiều đến hai chữ lương tâm. Trong số họ nhiều người tin vào lương tâm của người khác. Về những kẻ bất lương chuyên nghiệp thì chẳng nói làm gì, nhiều người “lương thiện” gây hại cho người khác mà cứ tỉnh như không. Rất tiếc, tính xấu này hay có ở không ít người có chức có quyền. Họ quên mất khái niệm xin lỗi, càng quên đền bù. Trong đầu họ, chỗ của lương tâm đang để trống.
Tôi có hai anh bạn, thời trẻ một anh cậy quyền cậy thế chơi xấu anh kia, làm anh ta điêu đứng khổ sở. Số phận vẫn “cho” chúng tôi giao du với nhau cho đến nay. Một hôm, tôi sinh chứng hâm hâm, làm bài thơ:
Bạn chơi xấu
Người ta gượng đứng dậy
Bao năm qua
chuyện cũ xa rồi
Thanh thản được
là người quen độc ác
mà day dứt chẳng yên
là còn chút tình người
Thế là khổ
đằng nào cũng khổ…

Bốn nhăm năm thoắt trôi đi
Ba người bạn cũ uống bia bên hồ
Chẳng ai nhắc chuyện ngày xưa
Biết trong mái tóc bạc phơ nghĩ gì…

Nói cho văn hoa thế thôi chứ tôi biết anh kia chẳng “khổ” và cũng chẳng “nghĩ gì” cả.
Ai thích “khổ” hộ, “nghĩ” hộ những người như thế, xin cứ tự nhiên!

Hỏi

Mục đích hỏi chuyện để hiểu người khác nhưng đồng thời người hỏi cũng sẽ bộc lộ mình. Cho nên hỏi bạn bè, người thân thì không sao, hơn nữa còn là sự giao lưu để hiểu nhau hơn, thân nhau hơn.
Nhưng ai đó định hỏi đối thủ thì… coi chừng, bi hài ở chỗ chưa biết anh có biết thêm được gì ở đối phương hay không mà qua câu hỏi của anh, đối phương biết anh đã biết gì và chưa biết gì, đối thủ còn biết người hỏi mình là ai, hiểu biết đến đâu, tính cách ra sao. Đâu phải cứ “hỏi đại” biết thêm được thì tốt, không thì thôi. Coi chừng càng hỏi càng lỗ.

Trả lời

Người hỏi thông minh bao giờ cũng nhận được câu trả lời, cho dù được trả lời bằng sự… lặng im. Nếu im lặng cũng là một cách trả lời thì đôi khi một cái nheo mắt, một cái mím môi… cũng đã là quá nhiều. Người hỏi phải hiểu được “câu trả lời” đó. Ai đó bảo: Im lặng là đồng ý. Đó là cách hiểu giản đơn và đần độn. Có khi câu trả lời rất dài mà chẳng có nội dung gì, người nghe thông minh sẽ phải biết đó là cái dốt của một người ít kiến thức hay là cái khôn của một người hiểu biết nhiều nhưng… “láu cá”.

Bình phẩm

Bình phẩm người khác là tự do của mỗi người, có người bảo: Tôi có mồm tôi nói, ai cấm được tôi! Vâng đúng thế, nhưng đừng quên rằng khi anh bình phẩm người khác, thì đồng thời anh đang bình phẩm… chính mình. Bởi vì nghe anh bình phẩm người khác, người ta biết anh là người thế nào – trước cả khi người ta biết người bị bình phẩm có thực như anh bình phẩm hay không.

Khen chê

Khen chê người khác cũng là tự do của mỗi người, nhưng người tự trọng không chờ ai ban cho hay tước mất quyền khen chê của mình, mà chính họ sử dụng nó một cách chừng mực. Có những câu nhận xét, cho dù đúng, nhưng người này nói được; người khác không nên nói; lúc này nói được; lúc khác không nên nói.
Người được khen và bị chê hãy xem người đã khen chê mình là người thế nào, nếu đó là người tử tế có nhân cách thì mình nên xét mình kỹ hơn; còn nếu họ là người chẳng ra gì thì chẳng nên bận tâm lắm.
Nhưng đừng bao giờ quên là: Lời khen chẳng làm mình hay hơn; lời chê chẳng làm mình tồi hơn. Mình thế nào vẫn là thế.

Buôn

“Buôn (dưa lê)” không phải bao giờ cũng dở, nó giúp người ta xả stress, giúp người ta vui vẻ với bạn bè. Nếu bảo “buôn dưa lê” là mất thì giờ thì cũng không sai, nhưng cuộc vui chơi giải trí nào mà không mất thời gian? Thể thao thể dục cũng tốn thời gian tốn công sức tốn cả tiền bạc kia mà! Nhưng không phải là mất không – nó được cái gì đó bổ ích. Vì vậy buôn dưa lê cũng như… buôn thứ khác, cái dở nếu có, không phải là ở hành vi buôn mà là ở “món hàng” và cách buôn. Không được buôn hàng cấm, không được buôn gian bán lận. “Buôn dưa lê” không nên nói bậy nói tục, không nên cạnh khóe khích bác ai mà nên lành mạnh vui vẻ cho cả mọi người, không gây hại cho mình và cho người khác. Nếu được như vậy thì “vụ” buôn này có lãi, cùng lắm là… hòa vốn, cái lãi đó là: được vui, được cười, thậm chí cười ra nước mắt! Trong cái “chợ” này trí óc của người ta phải vận động ra trò, do đó người ta sảng khoái và minh mẫn.
Có điều khi buôn nên… thỉnh thoảng nhìn đồng hồ.

Yêu

Có người có nhiều mối tình nhưng yêu ai cũng đằm thắm chân tình; có người cả đời chỉ yêu một người mà cũng không yêu cho ra hồn, vật vờ lười nhác… Tình yêu đâu phải như một phép chia mà càng chia càng nhỏ. Nói vậy không phải khuyến khích thói trăng hoa mà để phản bác lại sự tầm thường hóa tình yêu, coi tình yêu tựa như bài toán cộng trừ nhân chia. Người ta hay nói đến sự kỳ diệu của tình yêu nhưng thường cắt nghĩa tình yêu một cách thô thiển và thường… lạm phát khi dạy bảo chuyện yêu đương.

Nghệ sĩ và Chính khách

Các nghệ sĩ thường rất coi trọng sự làm mới mình. Họ nói rất chí lý: Đến khi nào đó mình tự chán cả chính mình thì làm sao hy vọng công chúng không chán mình!
Ấy thế nhưng làm chính trị thì khác. Thời nào và ở đâu cũng vậy kẻ cầm quyền thường thâm thù đổi mới, họ chỉ đổi mới một cách cực kỳ hạn chế khi có nguy cơ sụp đổ mà thôi. Cho nên ở đâu và bao giờ cũng tồn tại hai phái, bảo thủ và cấp tiến (ở một số thể chế độc tài thì gọi là trung thành và gây rối). Nghệ sĩ thì rất sợ sự nhàm chán. Làm chính trị lại thì trái lại, phải tự cắt dây thần kinh cảm giác để không thấy nhàm chán, để có thể nói mãi, nói ngày này qua ngày khác điều mà chính mình không tin và bi hài hơn nữa là biết rằng người nghe chẳng ai tin, thậm chí chẳng có người nghe nào(!) Họ có bản lĩnh nói điều… cần nói, cho dù biết mười mươi không phải sự thật, cho dù tự biết mình đang nói dối và biết chắc rằng người nghe cũng biết mình nói dối.
Vì thế chẳng chính khách nào làm được một nghệ sĩ cho tử tế và cũng chẳng có nghệ sĩ nào làm được chính khách cho ra hồn.
Không thiếu những bi kịch cho những người định đóng cả hai vai. Ông A làm chính khách thì khá, ông B làm nghệ sĩ thì hay, ông C làm cả hai thì vừa không được “trên” tin lại vừa bị anh em xa lánh, và ở cả hai vai, ông đều… bị nghi ngờ, vì làm chính trị mà “a-ma-tơ” như… nghệ sĩ và làm nghệ sĩ mà… xảo quyệt như chính khách. Uống cà phê thì ngon, ăn đậu rán chấm mắm tôm cũng ngon nhưng chớ bỏ mắm tôm vào… cà phê. Con dơi cho mình là khôn: đi với chim thì tự nhận là chim, đi với chuột thì tự nhận là chuột, vậy là dễ sống. Nhưng thật oái oăm: Bọn chim bảo nó là chuột, bọn chuột bảo nó là chim(!)… Nó chẳng biết chơi với ai, vì chẳng ai biết nó là ai và vì chính nó cũng chẳng biết mình là ai.

Sám hối

Gần đây xuất hiện một số văn nghệ sĩ nổi tiếng một thời đã đánh giá lại và tự phê phán về những gì mình đã nghĩ và đã làm trong quãng đời đã qua của mình. Mỗi người có cách đánh giá về sự “sám hối” của họ. Riêng tôi, cảm giác của mình về những nhà trí thức này là cảm phục, tôi không dám nói là đáng thương vì thế là sỉ nhục họ. Họ là người vô cùng nhạy cảm, rất mong manh, mà bây giờ bị đánh một đòn từ chính trong lương tâm ra. Trong quan trường người ta nói “văn hóa từ chức” mà hầu hết vì bổng lộc còn chưa làm nổi, vậy thì những người, danh giá và danh hiệu đầy mình, không ai hỏi mà tự vấn lương tâm rồi sám hối thì thật đáng phục vô cùng. Chứng tỏ họ đầy chất nhân văn và vẫn đáng kính trọng hơn vạn lần, khác xa những kẻ không bao giờ xét mình, hoặc xét rồi thấy tội rồi vẫn ôm lấy ghế, không bao giờ biết nhục.
Người ta đi tìm tài sản bị mất, tìm người thân thất lạc, nhưng cuối đời lang thang đi tìm cái tôi đã mất! Mà nào có ai lấy đâu, tự mình vứt đi đấy chứ. Chua chát lắm. Đau lắm chứ và cũng dũng cảm lắm chứ. Tôi đã từng yêu họ bây giờ cũng không hề khiên cưỡng mà nói rằng: Tôi vẫn yêu và kính trọng họ. Cuối đời, họ vẫn vắt kiệt tâm hồn và đã viết ra những tác phẩm nhân văn đích thực và vì thế họ vẫn sống. Những tác phẩm trước kia của họ vẫn nguyên vẹn giá trị nhưng đó là giá trị lịch sử, giá trị của vật đối chứng cho những gì họ viết vào cuối đời.

Biết sợ

Nhà tôi thường cứ vài tháng, một năm lại mất một con mèo, con thì bị bắt trộm để được đề bạt là tiểu hổ; con thì chết vì ăn phải bả chuột.
Vậy mà con mèo mướp hiện nay của nhà tôi nuôi đã gần chục năm, nặng hơn 3kg vẫn khỏe mạnh, đuôi dài, dáng đi oai vệ mà uyển chuyển như hổ thật, bắt chuột rất thiện nghệ.
Nuôi lâu quen tính, tôi nhận ra rằng con mèo này có hai đặc điểm:
Một là không ăn tạp, ăn liều. Có lần nó cùng con mèo khoang đen trắng nhà tôi bị trúng bả chuột, bác sĩ chữa được cho nó, còn con khoang vốn ăn tham và ăn tạp cho nên bác sĩ bó tay.
Người ta nói: Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra là thế.
Hai là nó dát, nghe tiếng xe máy nổ to cũng chạy về, đứng cửa thập thò mãi mới dám ra ngoài, có người lạ là chạy biến, nhà có khách là nằm bẹp trên tum, cấm thấy bóng dáng đâu.
Một nhà văn tài năng, trông vẻ ngoài cũng hầm hố, câu văn cũng bặm trợn, rừng rú, vậy mà ông nói gần như một bí quyết sống: phải biết sợ.
Con mèo nhà tôi nó biết sợ cho nên nó sống lâu.
Các cụ còn nói: Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Đâu phải các cụ khuyến khích tính nhút nhát.
Biết sợ chẳng có gì xấu cả.
Ai đó vỗ ngực rằng ta chẳng biết sợ là gì thì hoặc là nói mẽ hoặc cuộc đời anh ta cũng chẳng ra sao.
Lại đụng đến triết lý biết mình như đã nói ở trên.

Tiên trách kỷ hậu trách nhân

Người ta bảo có điều gì không hay xảy ra với mình thì nên trách mình trước, trách người sau. Đối với mọi điều “răn dạy” của người xưa cũng như người nay đều nên suy nghĩ thử vận dụng vào trường hợp cụ thể của mình. Lời khuyên này cũng vậy.
Nhưng với riêng tôi, tôi chẳng theo.
Thứ nhất, không trách ai cả, trách để làm gì? Anh đã nghĩ đúng và nghĩ hết về những điều người ta làm để đến nỗi anh phải trách chưa? Có đúng sự thật như anh nghĩ không, có nghĩ oan cho người ta không? Và nếu đúng thì chắc gì anh đã hiểu hết hoàn cảnh, lý do của việc người ta làm. Nhưng quan trọng hơn cả là: Trách để làm gì? Nếu có đủ mọi lý do để cho thấy người ta cố tình xấu chơi thì trách cũng chẳng để làm gì. Nhưng nếu họ vô tình gây ra hậu quả xấu cho mình thì cũng không nên trách, trái lại còn an ủi họ để họ đỡ phải day dứt ân hận. Vậy là chẳng có khe hở nào cho sự trách móc cả.
Còn trách mình. Quả là có nhiều việc mình làm dở, nên tự trách mình. Nhưng cũng nhiều việc mình “vô tội”, mình chẳng có lỗi gì sao cứ phải cố tìm ra lỗi để “tự trách mình” cho ra vẻ cao đạo. Tội tình gì mà mình phải đổ oan cho mình?
Có cái lý gì khi cứ nhất nhất “trách người một trách mình mười”? Vô lý và vô bổ. Thế mà khối người nghe, lại còn khuyên “truyền miệng” cho người khác(!)

Thời gian

Thời gian là tiền bạc, thời gian là vàng ngọc… Cứ nói khơi khơi thế thôi nhưng mấy ai đã để tâm tìm hiểu cho kỹ và đối xử với thời gian một cách tử tế.
Thời gian là tiền bạc, thời gian là vàng ngọc… nhưng mấy ai đặt câu hỏi tiếp theo: Tiền bạc của ai, vàng ngọc của ai. Câu trả lời có vẻ như là: của chính người có nó, của tôi, của bạn, của mỗi người?
Chưa chắc!
Phải khẳng định một điều rằng: Khoảng thời gian đó ông trời cho từng người, không phải cho tập thể!
Ông trời cho ta mỗi người bao nhiêu năm tuổi, thì thời gian ấy là của mỗi người chúng ta. Nói chung thời gian đó là để học, để làm việc, để chơi, để nghỉ, để làm nghĩa vụ… Liều lượng sử dụng bao nhiêu là tùy người, tùy giai đoạn tất nhiên phải tính cả đến thời gian chi cho… những ngẫu hứng, những bất trắc…
Thực ra chẳng ai kỹ tính và viển vông đến mức vạch kế hoạch chi tiết cho cả đời. Ở đây chỉ muốn nói rõ ràng một điều: Đó là tài sản của mỗi người. Người ta còn nói đến quỹ thời gian. Vậy ai là thủ quỹ nếu không phải chính từng người chúng ta?
Sau đây mới là điều đáng nói: Người ta có thể phung phí hoặc sử dụng không hiệu quả tài sản-thời gian của mình. Nhưng luật pháp nào cho phép cậy tủ, hay thò tay vào túi người ta mà moi cái “tiền bạc”, cái “vàng ngọc” ấy?
Chuyện thường thấy, nhất là trong các cơ quan công quyền, là người ta bị lừa hoặc bị lùa đến các cuộc họp vô bổ; chưa nói vô vàn các cuộc họp “thông thường”, ngay cả các cử tọa đáng kính của cơ quan quyền lực cao nhất cũng buộc phải nghe diễn giả đọc ê a theo những điều đã in trong tập giấy các vị đã có và đang cầm trong tay, để làm gì? Rà soát lỗi chính tả chăng? Nhiều cơ quan có lệ, dành một buổi để họp giao ban hàng tuần, tức 1/10 thời gian làm việc (mỗi tuần 5 ngày). Vậy là trong thời gian làm việc 40 năm (từ 20 tuổi đến khi về hưu), những người chủ chốt (trong diện “được” họp giao ban) đã dùng đến 4 năm làm việc chỉ để… họp giao ban(!) Cứ cho là những cuộc họp đó đều cần thiết nhưng có đáng đến thế không? Đó là chưa kể “đại hội” các loại, nào đoàn thể, hiệp hội, nào truyền thống, nào phát động thi đua, học tập, noi gương, báo cáo điển hình, đón quan trên về “nói chuyện”… Cộng tất cả lại sẽ tốn thêm vài năm nữa.
Tất nhiên, là một thành viên trong cơ quan, tổ chức, xã hội thì phải có nghĩa vụ đóng góp tài sản-thời gian của mình vào việc chung, nhưng ai qui định mức đóng góp? Ai ghi chép? Tiền bạc kia mà, vàng ngọc kia mà!
Người ta có thể câu cá, nhậu nhẹt, chat mạng, đi du lịch, chơi thể thao, thậm chí có thể nằm khểnh cả ngày, cả tuần; nhưng đó là người ta đang sử dụng tài sản của chính mình, nếu bận đến ai thì cũng là có thỏa thuận, hai bên đều vui vẻ…
Hành vi cướp hoặc đánh cắp “có tổ chức” hoặc “lịch sự” hơn là… ngang nhiên lấy không tài sản-thời gian của người ta, nói to chuyện một chút (nhưng đúng) là lấy không một phần đời của người ta thì có phải là bất lương?

tdung1c  tdung3

Các bài viết khác :