Người làm dạng danh cho tiên tổ

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 25-02-2016, 4006 Views

IMG_2461

NGƯỜI LÀM RẠNG DANH TIÊN TỔ

(Viết về bác Phạm Đình Nhân, nguyên Phó trưởng Ban thường trực BLL họ Phạm Việt Nam)

Bác Phạm Đình Nhân có một “trích ngang” rất đáng tự hào khiến lớp người đi sau như tôi rất nể trọng. Bác sinh ngày 10/09/1932 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình viên chức thời Pháp thuộc. Cha bác là Phạm Đình Thực, nguyên là tham tá công chính từ những năm 1925, đã từng tham gia làm nhiều công trình giao thông và các công trình kiến trúc thuộc hệ thống đường sắt và đường bộ từ Bắc vào Nam những năm 20 và 30 của thế kỷ trước. Cha bác là người con trai thứ tư của cụ Phạm Đạm, cháu đích tôn danh nhân Phạm Thận Duật, người thôn Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Mẹ bác là Vũ Thị Thanh, một người phụ nữ nội trợ hiền hậu quê ở thôn Thắng Động, xã Khánh Thượng, trước thuộc huyện Yên Khánh, nay thuộc huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Bà là cháu ngoại của danh nhân Vũ Phạm Khải, người thôn Phượng Trì cùng xã Yên Mạc. Bác thừa hưởng nền giáo dục của hai gia tộc họ Phạm và họ Vũ và còn là chắt ngoại của nghĩa sĩ Cần vương Phạm Bành, vị thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Ba Đình lịch sử vì bà nội của bác bà Phạm Thị Muội, là con gái của Án sát Phạm Bành.

Thời kì 1953-1954 bác Hoạt động trong phong trào “Học sinh kháng chiến” vùng tạm chiếm nội thành Hà Nội. Đến những năm 1954, 1955 bác làm cán bộ Văn phòng Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, cán bộ Ban Học sinh Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, thành viên Đoàn Đại biểu Thanh niên và Sinh viên Việt Nam dự Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ V, tháng 8/1955 tại Varsovie, Ba Lan. Những năm 1955-1957 bác làm cán bộ Ban Liên lạc quốc tế Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Thời kỳ 1957-1963 bác được cử đi học tại Khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học bác được nhà nước phân công về Viện Thiết kế Bộ Công nghiệp nhẹ, và bác đã kinh qua các công tác: kỹ sư, tổ trưởng thiết kế Kiến trúc – Xây dựng, Phòng Kiến trúc và Phòng Dệt sợi; kỹ sư, chuyên viên quản lý kỹ thuật, Phòng Quản lý kỹ thuật rồi Phòng Tổng hợp; chủ biên một số Quy chế, tiêu chuẩn kỹ thuật thiêt kế xây dựng; chuyên viên, Chủ nhiệm thiết kế các công trình Dệt, Sợi, Nhuộm; chuyên viên, Chủ nhiệm các Dự án công trình Dệt Sợi Nhuộm; chuyên viên, Chủ nhiệm Ban Quản lý thi công tổng hợp các công trình công nghiệp nhẹ. Tháng 12/1993, bác nghỉ hưu khi Viện Thiết kế Bộ Công nghiệp nhẹ chuyển thành Công ty Tư vấn, Thiết kế và Dịch vụ đầu tư thuộc Bộ Công nghiệp Việt Nam (INFISCO).

Sau khi nghỉ chế độ, tôi còn cảm thấy bác làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn. Tôi chỉ xin đơn cử ra đây những việc lớn, những công trình để lại nhiều ấn tượng: Công trình tiêu biểu nhất của bác năm 1994 là cuốn “Về con người và sự nghiệp Phạm Thận Duật”. Sang năm 1995 bác lại đầu tư xây dựng cuốn phim video “Cuộc đời và sự nghiệp Phạm Thận Duật”. Năm 1996, bác tham gia thành lập Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam, sau đó trở thành Tổng thư ký từ năm 1998, rồi từ 2002 đảm nhiệm Phó Trưởng ban Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam rồi Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam đến hết năm 2011. Trong năm ấy bác còn biên soạn và xuất bản cuốn “Phạm Thận Duật, Sự nghiệp văn hóa, sứ mệnh Cần vương”. Năm 1997, bác là thành viên sáng lập Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam và là Phó Giám đốc Trung tâm, hoạt động trong lĩnh vực sử học và văn hoá: quản lý tư liệu lịch sử và văn hoá, viết sách, nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn sách địa chí cho một số tỉnh và huyện, xuất bản sách, tổ chức hội thảo về danh nhân và các nhân vật lịch sử. Trung tâm này hoạt động liên tục cho đến ngày nay. Trong 2 năm 1997 và 1998, bác đã chủ biên nhiều bộ sách có giá trị như:“Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam – Những gương mặt tiêu biểu”,“Danh nhân Bùi Huy Bích”, “Những gương mặt trí thức”, “Danh tướng Phạm Tu và họ Phạm trong lịch sử” và là tác giả của cuốn sách lịch “Almanach – Những sự kiện lịch sử Việt Nam”. Những cuốn sách này đã được xuất bản trong các năm 1998 và 1999. Cuốn “Almanach – Những sự kiện lịch sử Việt Nam” xuất bản năm 1999, tái bản năm 2002 và là 1 trong 10 đầu sách bán chạy nhất trong các năm 2000 và 2002 theo thống kê của báo Thể thao và Văn hoá. Năm 2000 là một dấu mốc son trong cuộc đời. Bác đã hoàn thành một bộ sách đồ sộ “Phạm Thận Duật toàn tập”. Và thành lập “Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật”, tiền thân của “Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật” ngày nay, một sự kiện hi hữu từ trước đến nay. Qua công trình rất có ý nghĩa này, tôi và rất nhiều người trong và ngoài họ Phạm đều đã đánh giá cao công trình này vì đã góp phần trong sự nghiệp phát triển sử học và khuyến học đồng thời làm rạng danh tiên tổ. Vì vậy bác đã nhận được Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Sử học Việt Nam” của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Những năm 2001 đến 2003 bác lại tập trung đầu tư cho dòng họ tại quê hương như xây dựng từ đường, làm đường dẫn vào khu nhà thờ, biên soạn bộ Tộc phả họ Phạm Yên Mô, v.v… Các năm tiếp theo bác tiến hành nhiều công việc củng cố và phát triển Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, nâng tầm ảnh hưởng của Quỹ lên một tầm cao mới.

Từ năm 2008 bác bắt đầu mở rộng chương trình Từ thiện – xã hội của Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật ra nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ngãi, Quảng Trị nhằm cứu trợ nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em tàn tật, người mù, người già cô đơn, tổ chức các chương trình khám bệnh phát thuốc miễn phí và tặng quà cho đồng bào nghèo và gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ, tổ chức chương trình khám mắt và mổ mắt thay thủy tinh thể cho đồng bào bị kém mắt, v.v… Một chương trình đầy tính nhân văn được bà con và chính quyền những nơi được hưởng rất cảm kích và hoan nghênh tấm lòng hỉ xả của gia đình bác. Người đồng hành và bỏ ra nhiều công sức nhất trong các chuyến đi làm từ thiện ấy là phu nhân của bác – nhà Báo Trịnh Thị Liên. Với những công sức đó bác đã được nhận nhiều Kỷ niệm chương như Kỷ niệm chương “Vì Nạn nhân chất độc da cam” của Trung ương Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Những năm gần đây bác bắt đầu nghiên cứu Phật học và sưu tầm tài liệu viết và xuất bản một số cuốn sách về Phật giáo như cuốn “Lời Di huấn – Phật giáo và những bài kệ truyền pháp” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản 1.000 cuốn khổ 16x24cm, dày 450 trang, trình bày và dịch thơ 160 bài kệ của các vị Tổ Phật giáo ba nước Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam và một số sách về giáo lý Phật học. Bác bắt đầu quy Phật tu tại gia rất nghiêm túc. Đồng thời bác lại quan tâm đến thơ ca nhiều hơn. Bác đã có 7 tập thơ đã được xuất bản ra trong những năm qua như cuốn “Mưa và Nắng”,”Vườn xưa lối cũ”, “Hoa Bằng Lăng”. v.v… do Nhà xXuất bản Văn học xuất bản. Thơ của bác mượt mà và không kém phần lãng mạn. Bác cũng mới tham gia họ nhà “Phây”, bác liên tục đăng những bài thơ lên đó. Rất nhiều người đọc những vần thơ chữ tình ây không hề biết đó là thơ của một vị cao niên đã ngoài 80 tuổi.

Bác là một trong những người sáng lập ra BLL họ Phạm Việt Nam và đã đảm nhiều trọng trách như Tổng Thư ký, Trưởng Ban Tài chính, Phó trưởng Ban, rồi Phó trưởng Ban Thường trực BLL họ Phạm Toàn quốc Việt Nam. Bác là một trong những cây đa, cây đề của BLL họ Phạm Việt Nam. Bác là một nhà lý luận, một người biên soạn hầu hết các văn kiện của BLL toàn quốc khóa III, IV, V. Bác cũng là người sáng lập ra Quỹ Tấm lòng vàng vận động những nhà hảo tâm công đức tài chính để có kinh phí tổ chức thành công Lễ Vinh danh nhân tài và khuyến học Họ Phạm Việt Nam lần thứ nhất tại Văn Miếu Quốc Tử Giám có tiếng vang lớn trong và ngoài nước.

Bác Phạm Đình Nhân còn có công lớn trong việc thành lập CLB Doanh nhân họ Phạm Việt Nam. Trong tình trạng quỹ hoạt động dòng họ luôn “âm”, bác thấy chỉ có một cách khắc phục căn bênh trầm kha đó là thành lập CLB doanh nhân để hi vọng lôi kéo các doanh nhân quan tâm đến việc họ tham gia CLB, họ sẽ trích một phần lợi nhuận đóng góp cho Quỹ giúp cho BLL có thêm điều kiện hoạt động

Bác là một trí thức đa tài, hoạt động trong nhiều lĩnh vực nên đã có không ít những bài báo viết về bác, biểu dương bác có những đóng góp cho lĩnh vực ấy. Anh Phạm Đình Điểu, nguyên Tổng thư ký BLL họ Phạm Việt Nam đã có một bài viết khá đầy đủ về bác trong quá trình tham gia việc họ (đã được đăng trên web dòng họ ngày 24/04/2012).

Trong bài này tôi chỉ nêu lên một số ấn tượng của tôi về những hoạt động và chính con người bác với một sự kính nể thực sự. Tôi và hầu hết anh chị em trong BLL họ Phạm Việt Nam (nay là HĐHP) các khoá đều có chung một nhận định: Bác là người làm rạng danh dòng họ, tổ tiên mình. Tôi đã lấy ý ấy đặt tên cho bài viết này!

Tp. HCM, 23/09/2015

 

Các bài viết khác :