“Lương y” của dòng họ

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 20-03-2016, 19795 Views

PHong

LƯƠNG Y CỦA DÒNG HỌ

(viết về bác Phạm Hồng, cố TTK BLL họ Phạm Việt Nam)

 

 

Hôm nay tôi điểm lại phần “Những tấm gương còn sáng mãi” thấy thiếu bác Phạm Hồng, một vị Tổng thư ký khoá III của BLL họ Phạm Việt Nam. Nhớ tới bác tôi lại nhớ đến vóc dáng của bác, người tầm thước, hơi đậm một chút, lúc nào cũng sôi nổi, luôn hết lòng với anh em.

Bác Phạm Hồng sinh ngày 17 tháng 01 năm 1933 tại Hà Nội. Bác xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha làm nhà giáo.

Do sớm giác ngộ cách mạng, tháng 7 năm 1948, mới 16 tuổi, bác tình nguyện tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam (Thiếu sinh quân). Ngày 30 tháng 11 năm 1956 bác đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong quá trình công tác, bBác đã luôn luôn học tập, rèn luyện có kết quả và đã trở thành một Tiến sĩ khoa học, sau đó được phong hàm Phó Giáo sư chuyên ngành thiết kế công trình quân sự. Bác đã hoàn thành tốt mọi công tác được giao. Do những công lao cống hiến xuất sắc đối với đất nước, bác đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Đến tháng 12 năm 1994, do điều kiện sức khoẻ, bác đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội cho nghỉ hưu.

Khi nghỉ hưu, bác đã tham gia rất nhiệt tình vào các hoạt động xã hội nơi cư trú. Từ năm 1996 bác tham gia các hoạt động của Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập và Ban liên lạc Hậu duệ Trần triều Điện soái Phạm Ngũ Lão mà bác là một hậu duệ huyết thống của Người.

Từ năm 2002, với chức danh Tổng thư ký Ban liên lạc toàn quốc họ Phạm Việt Nam, Trưởng ban liên lạc Hậu duệ Danh tướng Trần triều Điện soái Phạm Ngũ Lão, bác đã dành nhiều thời gian cho hoạt động chung của của Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam và cho việc nghiên cứu biên tập gia phả và kết nối dòng họ Phạm Ngũ Lão trong toàn quốc. Bác đã dồn tâm sức cùng các vị trong Ban Thường trực tổ chức và điều hành rất có hiệu quả hoạt động của Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các cuộc họp mặt hàng năm của Ban liên lạc Họ Phạm Việt Nam, làm kỷ yếu từng cuộc họp mặt rất chu đáo và tổ chức thực hiện triển khai các quyết định trong các cuộc họp mặt này.

Mặc dủ tuổi đã cao, lại có bệnh, nhưng Tổng thư ký Phạm Hồng cùng các vị trong Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam đã nhiều lần đi về các dịa phương xa có đền thờ danh nhân họ Phạm để nghiên cứu và giúp đỡ bà con là hậu duệ hoặc sinh sống tại các địa phương này hiểu biết về danh nhân và vận động mọi người tổ chức huy động từ mọi nguồn trùng tu, nâng cấp các đền thờ đó. Cho đến nay, bà con ở Nam Sách, Hải Dương (nơi có đền thờ Phạm Chiêm, công thần nhà Ngô), ở xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, Bắc Giang (nơi có hậu duệ và nhà thở Phạm Văn Liêu, công thần nhà Lê) và nhiều địa phương khác vẫn nhớ những ký niệm ấm áp về “bác Hồng”.

Bác đã cùng một số vị trong Ban Thường trực tổ chức biên soạn và xuất bản bộ sách “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt” – một bộ sách đã được các thành viên họ Phạm Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh đón nhận. Nhiều dòng họ đã căn cứ vào những tư liệu, sự kiện nêu ra trong bộ sách này để biên soạn hoặc chỉnh lý Tộc phả dòng họ. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước rất quan tâm và hoan nghênh bộ sách ra mắt bạn đọc.

Bác cũng đã biên soạn nhiều cuốn sách giúp các thành viên trong dòng họ tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Danh tướng Phạm Tu, Danh tướng Phạm Ngũ Lão và một số danh nhân khác của dòng họ, các cuốn sách giúp cho các vị Trưởng lão nắm được các phong tục, tập quán, nghi lễ tổ chức Lễ gia tiên, biên soạn các bài phúng viếng các thành viên trong dòng họ khi qua đời, bàn về cách viết gia phả, tộc phả, v.v…

Ngoài ra, với nhiệt tình sâu sắc về sức khoẻ tuổi già, bác đã biên soạn và phát hành nhiều tập sách nhỏ giới thiệu các phương pháp, các bài thuốc phòng bệnh và chữa bệnh, chủ yếu là để biếu các Tôn trưởng của dòng họ và các vị cao niên trong bạn hữu của bác, trong các Ban liên lạc của  dòng họ .

Do những cống hiến to lớn của bác cho hoạt động của Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam và hoạt động dòng họ Phạm, bác Phạm Hồng đã được Thường trực Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam tặng bằng Ghi công năm 2006 và bằng Vinh danh năm 2011 về những công hiến lớn lao của bác trong hoạt động của họ Phạm Việt Nam.

Bác rất tự hào là hậu duệ của Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Bác và anh Phạm Xuân Giá đã có rất nhiều công trong việc sưu tầm, viết ra cuốn Tộc phả dòng họ và làm thành một “Phả cây” rất đồ sộ để tại nhà anh Phạm Xuân Giá.

Bác cũng là người đã bỏ nhiều công để viết ra cuốn “Cẩm nang làm gia phả” một cách rất hiện đại, được bà con trong họ và cả các họ khác đánh giá cao và viết theo. Chính tôi khi viết gia phả, tộc phả của dòng Phạm Văn Viết đã viết theo sự hướng dẫn của cuốn “cẩm nang” ấy.

Bác là Đại tá công binh, và cũng được các đồng đội cử làm Trưởng Ban liên lạc của Binh chủng ấy. Bác cũng bỏ rất nhiều công sức cho các hoạt động của BLL ấy. Khi nói đến những đóng góp của bác cho hoạt động của dòng họ Phạm thì phải thừa nhận vai trò năng động của bác trong việc điều hành việc họ. Trong các cuộc họp bác là người đề ra nội dung để mọi người góp ý rồi Trưởng BLL quyết định. Đến khi thực hiện bác cũng rất tỉ mỉ, có nhiều sáng tạo vận dụng vào các hoàn cảnh khác nhau nên công việc họ khá trôi chảy. Tôi đơn cử như cuộc họp mặt toàn quốc ở Thái Bình, bác và mấy anh em khác đã đi tiền trạm xuống từ hôm trước để cùng BLL họ Phạm tỉnh Thái Bình lo chu tất mọi công việc.

Bác còn là người soạn thảo “Chúc văn” đọc tại đền thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão cũng như đình thờ Thương thuỷ tổ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu. Hai bản “Chúc văn” đó khá súc tích. Được các BLL tham khảo để dùng trong các cuộc họp của địa phương.

Bác cũng rất chịu khó viết các tài liệu về họ Phạm. Bác cũng là một trong những người chủ chốt dự thảo cuốn “Họ Phạm Việt Nam trong cộng đồng dân Việt”, ngoài ra bác còn có công biên soạn 3 tập tài liệu về hoạt động dòng họ ấn hành nội bộ.

Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của tôi với bác Phạm Hồng là bác rất chịu khó sưu tầm các bài thuốc cả Đông y lẫn Tây y, rồi tự in ấn, photo làm nhiều bản tặng bà con đến dự các cuộc họp, các cuộc gặp mặt. Cuốn sau lại có nhiều điều được bổ sung hơn cuốn trước. Chúng tôi vẫn gọi đó là những “Cẩm nang” sức khoẻ mà bác tặng cho mọi người để có sức khoẻ là nguồn hạnh phúc của gia đình, để có sức khoẻ mà làm việc họ. Rất nhiều bà con họ Phạm nhận được những món quà quý giá đó đã làm theo và rất có công hiệu. Rất nhiều người còn photo lại tặng bạn bè. Chẳng nói đâu xa, bà xã nhà tôi coi cuốn sách đó là cuốn gối đầu giường và áp dụng nhiều bài thấy rất có tác dụng. Chính vì vậy chính bà con đã đặt cho bác biệt hiệu “Lương y của dòng họ”. Cũng là tỏ lòng biết ơn và ghi nhận tấm lòng của bác.

 

Tp.HCM, 03/10/2015

 

Các bài viết khác :