Nhận xét Họ Phạm với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa

2Đội Hoàng Sa được thành lập từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển của Việt Nam và khai thác quần đảo Hoàng Sa suốt từ thời các Chúa Nguyễn (thời Lê Trung hưng), qua thời vương triều Nguyễn đến cuối thế kỷ XIX. Lực lượng của Đội Hoàng Sa được ấn định là trai tráng của xã An Vĩnh, Cù Lao Ré, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, nay là huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hoạt động của Đội Hoàng Sa (có nhiệm vụ kiêm quản Bắc Hải, tức là bao gồm cả Trường Sa) đã góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa hàng mấy thế kỷ nay.     Những người lính Hoàng Sa được nhà vua gọi là những “hùng binh”. Họ đã vâng mệnh triều đình đi làm nhiệm vụ khẳng định và bảo vệ chủ quyền của đất nước, mặc dù biết đi ra biển cả với thiết bị thô sơ là hiểm nguy, ra đi không hy vọng có ngày trở lại. Sử sách còn ghi rõ tên tuổi những vị cai đội, những binh phu thuộc các họ tộc quê ở Cù Lao Ré đi Hoàng Sa, Bắc Hải (tức Trường Sa) suốt hơn 300 năm, và người dân Lý Sơn cũng luôn khắc cốt ghi tâm về công lao của họ. Trong số những người này, các vị thuộc tộc Phạm được nhắc đến khá nhiều trong các trang quốc sử triều Nguyễn; đặc biệt có 2 vị được lấy tên đặt cho hai hòn đảo trên quần đảo Hoàng Sa là cai đội Phạm Quang Ảnh và Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật.

3

 

Phạm Hữu Nhât là một vị Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội của Đội Hoàng Sa. Năm Bính Thân-1836 ông vâng mệnh vua Minh Mạng đưa binh thuyền gồm khoảng 50 người đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc và dựng bia chủ quyền của triều Nguyễn tại quần đảo Hoàng Sa. Mỗi binh thuyền đem theo 10 cái bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, trên có khắc dòng chữ “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chi thử lưu đẳng tự” (nghĩa là: năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ). Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đội của ông đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật rồi về tâu trình với triều đình là đã hoàn thành nhiệm vu. Không biết ông đã đi được bao nhiêu chuyến, nhưng đến chuyến cuối cùng năm 1854 thì ông và nhiều người đã “bị mất tích” trên biển. Gia đình, họ tộc và quê hương đã an táng ông bằng một nấm mộ chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) không có hài cốt tại thôn Đông làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ Thủy tổ họ Phạm Văn, một trong 6 vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.. Các bộ chính sử của triều Nguyễn đều có ghi chép về sự kiện này và đánh giá công lao to lớn của ông trong việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa ; Tổ quốc khắc ghi công ơn của ông bằng việc đặt tên Hữu Nhât cho một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Các tư liệu còn lưu trữ trong Nhà thờ thứ phái họ Phạm Văn ở An Vĩnh (hiện do ông Phạm Văn Đoàn phụng tự) đã xác định Phạm Hữu Nhật tên thật là Phạm Văn Triều sinh năm 1804 mất năm 1854, con ông Phạm Văn Nhiên thuộc đời thứ tư của ông Thủy tổ họ Phạm Văn- một trong 13 vị tiền hiền khai phá đất đảo Lý Sơn. Vào dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa 19 tháng 2 âm lịch hàng năm, tộc họ Phạm Văn cúng tế vị tiền hiền Phạm Hữu Nhật bên cạnh việc tưởng nhớ các vị tham gia Đội Hoàng Sa đã hy sinh vì đất nước Phạm Quang Ảnh người làng An Vĩnh là một viên cai đội của Đội Hoàng Sa. Tháng giêng năm 1815 vua Gia Long Nguyễn Ánh phong ông làm cai đội của Đội Hoàng Sa và giao cho ông dẫn theo một đội quân gồm 70 người từ Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) đi đến Hoàng Sa và Bắc Hải để xem xét, đo đạc thủy trình, trấn giữ Biển Đông và tìm kiếm sản vật quý về cho triều đình. Mỗi chuyến đi 7 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8 thì quay về để tránh mùa biển động. Đoàn thuyền của ông đã đi được nhiều chuyến thành công, nhưng rồi trong chuyến đi cuối cùng gió bão của biển khơi đã giữ lại những người con của Tổ quốc. Vua Gia Long đã đích thân đến tận Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Ông và đồng đội đã được hóa thân vào những hình người nặn bằng đất sét và được cúng chiêu hồn suốt một đêm với sự có mặt của vua Gia Long, rồi làm lễ an táng như những người đã chết trên biển: 25 nấm mộ xếp thành một hàng trong đó ông Phạm Quang Ảnh đặt đầu tiên rồi đến 24 tử sĩ đồng đội của ông, đây là ngững ngôi mộ chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) đầu tiên ở Đảo Lý Sơn. Đến nay, sau hàng trăm năm, 25 ngôi mộ gió này đã kết liền với nhau thành một nấm mộ lớn dài hơn chục mét ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Ông được phong làm Thượng đẳng thần để hộ vệ và ban phúc cho những người vượt sóng gió Biển Đông và được nhân dân xã An Vĩnh thờ cúng như Thành hoàng. Ông trở thành người khai lập dòng họ Phạm Quang trên đảo Lý Sơn, ông được thờ trong Nhà thờ của dòng họ. Tổ quốc ghi nhớ công lao của ông bằng cách: một hòn đảo lớn trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa được đặt tên là đảo Quang Ảnh.   Có thể kể tên nhiều người họ Phạm khác nữa ở Lý Sơn có công lao trong việc xác lập và bảo vệ chủ quyền của nước ta trên Biển Đông trong thời Nhà Nguyễn. Chung ta rất tự hào vì dòng họ của mình có những người con đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, và sự hy sinh đó còn là bằng chứng về chủ quyền của đất nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *