Chính cung Hoàng Hậu của Vua Quang Trung

Theo chính sử, hoàng đế Quang Trung có ít nhất 7 bà vợ và dự định cầu hôn với công chúa nhà Thanh, nhưng việc không thành vì ông đột ngột băng hà. 

Vua Quang Trung là một trong những nhân vật vĩ đại trong lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XVIII, với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc cùng những trận đánh dẹp loạn trong nước và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào…   Sách Những khám phá về hoàng đế Quang Trung ghi rằng, vua có Chính cung hoàng hậu họ Phạm, Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân, hoàng hậu Bùi Thị Nhạn và các bà vợ khác, như: bà mẹ của Nguyễn Quang Thùy, bà Trần Thị Quy người Quảng Nam, bà Phi họ Lê người Quảng Ngãi, bà Nguyễn Thị Bích người Quảng Trị.1

   Chính cung hoàng hậu họ Phạm   Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, bà họ Phạm năm 16 tuổi được Nguyễn Huệ chọn làm vợ. Năm 1788, bà được phong làm hoàng hậu, lúc đó tròn 30 tuổi. Như vậy, Chính cung hoàng hậu sinh vào khoảng năm 1759, kém Nguyễn Huệ (sinh năm 1753) 6 tuổi.   Sách Tây Sơn Tiềm Long lục chép, hoàng hậu họ Phạm tên thật là Phạm Thị Liên, người Bình Định, là anh em ruột với Hộ giá Phạm Văn Ngạn, Giả vương Phạm Văn Trị, Thái úy Phạm Văn Tham và Thái úy Phạm Văn Hưng. Bà Phạm Thị Liên lại còn là anh em cùng mẹ khác cha với Thái sư Bùi Ðắc Tuyên và Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật.    Bà Phạm Thị Liên là một phụ nữ thôn dã, hiền lành, gắn bó với Nguyễn Huệ trong những “chặng đường vì nước vì dân” nên được ông rất mực quý trọng và thương yêu. Chính cung họ Phạm sinh hạ được 5 người con: 3 trai, 2 gái. Trong số con trai, Quang Toản được lập làm Thái tử, về sau là người kế tục sự nghiệp của vua Quang Trung nhưng không lấy gì làm xuất sắc. Hai người còn lại: một tên Quang Bàn, được phong Tuyên công Lãnh Ðốc Trấn Thanh hóa; một tên Quang Thiệu được cử làm Thái tể. Về con gái, có một người lấy Nguyễn Văn Trị, viên phò mã giữ cửa biển Tư Hiền, bị Nguyễn Ánh bắt vào năm 1801.   Theo các tài liệu của Phái bộ Truyền giáo Nam Hà, nhất là lá thư của giáo sĩ Girard đề ngày 25/11/1792 gửi giáo sĩ Boiret ở Macao, thì khi hoàng hậu lâm bệnh, vua Quang Trung đã cho mời thầy thuốc người Âu đến chữa bệnh và đến khi hoàng hậu mất thì nhà vua đau đớn vật vã đến phát điên phát cuồng. Bà mất ngày 29/3/1791, nhưng đến ngày 25/6, mới đưa đi chôn cất. Bà được truy tặng là Nhân Cung Ðoan Tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Vũ Hoàng Chính Hậu. Mộ chôn ở dưới chân núi Kim Phụng, phía Tây thành phố Huế.

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *