Xã Hương Toàn ở về phía bắc thành phố Huế, thuộc huyện Hương Trà, nay là thị xã. Là xã thuần nông nhưng Hương Toàn có đời sống kinh tế khá giả, đất đai màu mỡ nhờ phù sa của sông Bồ bồi đắp hàng năm. Trong xã có nhà thờ tộc Phạm Văn ở làng Triều Sơn Trung và làng Nam Thanh, nhà thờ họ Phạm Hữu ở làng Cổ Lão. Làng Cổ Lão thành lập hồi thế kỷ 16; Ngài khai canh họ Phạm. Gia phả họ Phạm Hữu ghi: Do chiến tranh nhà thờ tộc bị cháy, nên khi soạn lại có một số đời bị thất lạc. Trước đây họ có ba nhánh, nay còn hai. Nhà thờ họ và nhà thờ các nhánh đều khang trang, toạ lạc ở khu đất rộng và đẹp, hướng đông nam, phía trước là con sông Bồ và cánh đồng rau màu xanh mướt quanh năm. Theo truyền thống, hàng năm họ Phạm Hữu tảo mộ vào ngày mồng 8 và 9 tháng hai âm lịch. Ngày nay, theo chủ trương chung của xã, tất cả các họ trong làng đều tảo mộ vào hai ngày 10 và 11 tháng hai.
Nhà thờ họ Phạm Hữu làng Cổ Lão
Theo gia phả, do hậu duệ sao lục không đầy đủ, và theo văn tế của làng cho thấy tiền hiền họ Phạm Hữu khá nhiều người có công trạng, được nhà vua sắc phong, chọn làm phò mã. Ngài Thuỷ tổ là Phạm Hữu Cấy, sắc phong Hiển thuỷ tổ khai khẩn tôn thần. Đời thứ ba, văn tế làng có ghi danh Quan Tấn chơn lộc đại phu thái thường tự khanh Phạm Quý Công. Đời thứ tư có Doãn thuận tú thần quan tấn bình trị khanh bình khương dinh ký lục tuấn đức hầu Phạm Quý Công; Doãn thuận tú thần quan tấn bình trị khanh phụng huấn đạo đại phu thái thường tự khanh bình thuận dinh ký lục bảo đức hầu Phạm Quý Công; Triều liệt đại phu chánh dinh Phạm Hữu Ân quý công phủ quân; Tướng thần lại di đức nam Phạm Hữu Dủ. Đời thứ sáu có Phạm Hữu Huệ, quan chí cai bộ tào đằng long hầu minh nghĩa đô uý quản cơ Phạm Quý Công tôn thần. Đời thứ tám có Phạm Đức Hoà, quan chí huấn đạo tặng nghiêm oai thống chế; Phạm Hữu Tuấn, ký lục bảo đức hầu. Đời thứ chín có Phạm Hữu Tâm, quan chí sắc phong đặc trấn tráng vũ quốc gia thượng trụ tân phước quận công. Đời thứ mười có Phạm Hữu Xuân, ấm thọ tân phước bá xuất chánh quan chí Sơn Tây (đề đốc tặng thống chế nghiêm oai tướng quân). Đời thứ mười một có Phạm Hữu Hoá, ấm sanh Tú tài quan chí bộ công biện lý. Có vợ là công chúa, con vua Minh Mạng. Phạm Hữu Giáp, quan chí Thuân An tấn thương tư vụ.
Nhà thờ nhánh 2 họ Phạm Hữu
Riêng Phạm Hữu Tâm (đời thứ chín) chúng tôi đã tìm được tên của ông trên bia võ công ở Võ Miếu Huế. Thuở nhỏ Phạm Hữu Tâm theo nghiệp bút nghiên nhưng lại thông võ lược. Năm Đinh Tỵ (1797), ông phò giá Nguyễn Phúc Ánh. Năm Gia Long thứ nhất (1802), ông được làm Khâm sai Cai cơ, nhưng sau phạm lỗi nên bị cách chức. Đến năm Nhâm Ngọ (1822), năm Minh Mạng thứ 3, đang phụ trách tải lương, giữa đường gặp quân Man tập kích, ông đốc suất quân sĩ đánh đuổi, nên được ban thưởng chức Cai đội; sau đó thăng dần đến chức Vệ úy đổi đi trấn giữ Biên Hòa; rồi đổi làm Vệ úy Tả trực ở dinh Thần Sách lo việc dẹp giặc ở Nam Kỳ. Gặp lúc Lê Văn Khôi nổi lên ở Gia Định, ông tham dự vào việc đánh thành Phiên An, lập được nhiều chiến công, chỉ sau một năm đã thăng đến Thống chế, rồi sung làm Tham tán Đại thần ở quân thứ Gia Định. Sau đó dẹp được quân Xiêm ở Thuận Cảng nên ông được phong tước Tân Phước Tử. Năm Minh Mạng 16 (1835), các đạo quân Triều đình tiến đánh hạ được thành Phiên An, ông được ban thưởng và gia phong tước Bá; cuối năm ấy, lại thăng hàm Thái tử Thiếu bảo; qua năm sau thăng chức Thự Đô thống.
Phía trước nhà thờ là cánh đồng ven sông Bồ
Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), ông lo việc xây đắp bờ sông tả Hộ thành và bắc cầu Đông Hội. Năm đó gặp dịp đại kế xét công lao các quan, ông được xếp có công lao lớn nên được phong Tiền quân Đô thống phủ Đô thống Chưởng phủ sự, tấn phong tước Tân Phước Hầu, cho khắc tên vào bia Võ Công. Năm Kỷ Hợi (1839), ông được lĩnh chức Tổng đốc An Tĩnh, rồi lại đổi làm Tổng đốc Hà Ninh. Năm Tân Sửu (1841) Thiệu Trị thứ 1, ông được thăng hàm Thái tử Thái bảo. Năm ấy, nhân lễ Ninh lăng vua Minh Mạng, ông về Kinh dâng hương, được vua Thiệu Trị cho triệu đến, bảo rằng : Ngươi là đại thần có công lao kỳ cựu, Tiên đế vẫn có ý chọn dùng. Trước đây, có nghe quốc tang, đã xin làm lễ viếng. Trẫm thấy Hà Nội là chỗ quan trọng, nên hay lưu lại. Nay triệu ngươi về, ngươi có thể giúp trẫm những điều trẫm không nghĩ đến…
Một tờ sắc phong lưu giữ ở nhà thờ nhánh 2
Đến kỳ Đại kế (lệ ba năm một lần triều đình tổ chức xét công, tội của các quan để thăng thưởng, hoặc giáng phạt), vua Thiệu Trị lại xuống dụ khen thưởng công lao của ông và ban thưởng cho ông một cái đai vàng mã não khảm ngọc châu. Qua năm Nhâm Dần (1842) ông bị bệnh ở Hà Nội, vua cho sứ đến thăm hỏi và ban sâm quế, lại cho Thái y từ Kinh đến nơi khám bệnh. Khi bệnh quá nặng, ông xin phép trở về quê, và về đến Nghệ An thì mất. Vua ngậm ngùi nói rằng: Phạm Hữu Tâm lúc tuổi trẻ lập được nhiều chiến công. Khi thờ Hoàng khảo ta, từng làm quan trong Kinh ngoài biên, có nhiều công lao hãn mã, được thánh ân hậu đãi, ban tước để đền công, lưu lại để giúp đỡ trẫm, thật là bề tôi rường cột của nước nhà… Vua truy phong cho ông tước Quận công, và ban tên thụy Trung Túc, thưởng thêm gấm vóc các loại, sai Thị vệ đi ngày đêm đến ban cấp; còn chuẩn cho ngựa trạm đưa linh cửu về quê. Đến ngày an táng, còn cấp cho 3 ngàn quan tiền, sai quan binh đến tế hai lần.