Nhạc sỹ Phạm Tuyên

pham-tuyenbài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”, một bài hát cộng đồng được nhiều người hát tại Việt Nam.Thân thế và sự nghiệpÔng sinh ngày 12 tháng 1 năm 1930, quê ở xã Lương Ngọc, huyện Bình Giang, Hải Hưng. Ông là con thứ 9 của nhà báo Phạm Quỳnh (1892-1945).Năm 1949, ông công tác tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, khóa V. Năm 1950, là Đại đội trưởng tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Trong thời gian này, ông đã có những chùm ca khúc về Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, về Thiếu sinh quân Việt Nam.Năm 1954, ông được cử làm cán bộ phụ trách Văn-Thể-Mỹ tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh,Trung Quốc). Từ năm 1958, ông về nước, công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ đạo về biên tập âm nhạc. Từ đó cho đến năm 1975, ông đã sáng tác nhiều bài hát được nhiều người biết như Bài ca người thợ rừng, Bài ca người thợ mỏ, hợp xướng Miền Nam anh dũng và bất khuất, Bám biển quê hương, Yêu biết mấy những con đường, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Từ làng Sen, Đêm Cha Lo, Từ một ngã tư đường phố.Bài Như có Bác trong ngày đại thắng được ông sáng tác đêm ngày 28 tháng 4 năm 1975, tập và thu âm ngay trong chiều ngày 30 tháng 4 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt 17 giờ cùng ngày của Đài tiếng nói Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.Sau 1975, ông có những ca khúc phổ biến như: Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào, Màu cờ tôi yêu(thơ Diệp Minh Tuyền), Thành phố mười mùa hoa (1985, thơ Lệ Bình,…).Ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do được ông sáng tác ngay trong đêm của ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979. Ca khúc này đã mở đầu cho trào lưu cho dòng nhạc “biên giới phía Bắc” nhưng không còn được lưu hành kể từ khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc được cải thiện. Ông có sáng tác nhiều cho lớp trẻ. Nhiều bài hát thiếu nhi đã trở thành bài truyền thống qua nhiều thế hệ như: Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Hành khúc Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hát dưới cờ Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Đêm pháo hoa, Cô và mẹ,…Ông còn viết nhiều bài cho tạp chí, Đài phát thanh và truyền hình giới thiệu về thẩm mỹ âm nhạc, về tác giả và tác phẩm, là người đề xướng và chỉ đạo nhiều cuộc thi mang tính chất toàn quốc như Tiếng hát hoa phượng đỏ, Liên hoan Văn nghệ truyền hình toàn quốc, nhiều năm là Chủ tịch Hội đồng giám khảo của nhiều Hội diễn toàn quốc về văn hoá- văn nghệ của Bộ văn hoá và nhiều ngành khác trong nước. Ông là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1963 đến năm 1983.Ông hiện đã nghỉ hưu và sống tại Hà Nội.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên được đề cử là công dân thủ đô ưu tú
Trong danh sách đề cử 10 công dân thủ đô ưu tú năm nay có nhà văn Tô Hoài, nhạc sĩ Phạm Tuyên… Năm ngoái, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã nhận danh hiệu này.

   Ban Thi đua Khen thưởng thành phố Hà Nội vừa lựa chọn 10 gương mặt tiêu biểu, trình UBND thành phố xét, công nhận danh hiệu công dân thủ đô ưu tú năm 2011. Trong số 10 công dân ưu tú được đề cử có nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà văn Tô Hoài.

   Nhạc sĩ Phạm Tuyên năm nay 81 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông được đánh giá là một trong những nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam trong nền âm nhạc hiện đại, với gia tài đồ sộ hơn 500 ca khúc. Nhạc sĩ đã viết lịch sử đất nước bằng những bài ca hào hùng, sôi nổi, có tác dụng cổ vũ nhân dân kịp thời và có giá trị ghi dấu thời gian. Với những cống hiến của mình, ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và đang được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên. Ảnh: S.T.
Với nhiều đóng góp cho Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Tuyên được đề cử vào danh sách công dân thủ đô ưu tú. Ảnh: S.T.

   Đối với Hà Nội, Phạm Tuyên có nhiều đóng góp lớn, cùng đồng nghiệp sáng tác, cổ vũ các phong trào cách mạng với nhiều tác phẩm sống cùng năm tháng. Ông đã sáng tác nhiều bài hát về Hà Nội như Hát dưới trời Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Có một mùa thu Hà Nội, Hà Nội những đêm không ngủ, Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không.

   Nhà văn Tô Hoài, 91 tuổi, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất cửa ngõ thủ đô. Gần một thế kỷ chứng kiến thăng trầm, đổi thay, ông đã cống hiến trí tuệ, là cuốn từ điển sống về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội, thuộc lớp nhà văn hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Với sức làm việc phi thường, nhà văn đã có trên 200 tác phẩm lớn nhỏ, trong đó có gần một nửa là tác phẩm về đất và người Hà Nội. Hiện nay, dù tuổi đã cao, nhà văn vẫn nghiên cứu, viết về Thăng Long – Hà Nội, đồng thời có kế hoạch in lại các tác phẩm kể chuyện về Thăng Long xưa.

   Với những đóng góp cho thủ đô và đất nước, ông đã vinh dự nhận được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội; UBND thành phố Hà Nội trao giải thưởng Thăng Long; Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội.

   Ngoài 2 gương mặt trên, trong danh sách đề cử còn có nhà báo, nhà nghiên cứu Giang Quân; thiếu tướng Trịnh Thanh Vân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, nguyên phó Tư lệnh chính trị Quân khu thủ đô, Bí thư Đảng ủy Quân khu thủ đô; Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, giáo sư tiến sĩ khoa học Trần Vĩnh Diệu; bác sĩ Nguyễn Thị Đức Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh pôn; ông Nguyễn Gia Thọ, chủ nhiệm Hợp tác xã Song Long; sư thầy Thích Đàm Lan; bà Trương Thị Nhân, nguyên Chủ tịch Hội khuyến học phường Phạm Đình Hổ, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải thuê tàu…

Nguyễn Hưng( Vnexpress.)

 
Nhạc sĩ Phạm Tuyên trong đêm nhạc Ho Phạm tại Tp.Hcm tháng 8/2011 Ảnh tư liêu BLL họ phạm Tp. HCM

Nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

TT – Liên quan đến việc đặc cách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, chiều 26-8 Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã chủ trì cuộc họp bàn về việc “đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên” với sự tham gia của các bên liên quan: Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Vụ Thi đua và khen thưởng (Bộ VH-TT&DL), Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Thủ tướng, Ban Tuyên giáo trung ương, Cục Nghệ thuật biểu diễn…

Sau khi nghe ý kiến của các bên tham dự, cuộc họp đã đi đến kết luận: nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và đưa danh sách các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên vào diện xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010.

     Chiều 27-8, đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trực tiếp đến nhà nhạc sĩ Phạm Tuyên đưa công văn này (do chủ tịch Đỗ Hồng Quân ký ngày 27-8), đồng thời đề nghị nhạc sĩ Phạm Tuyên gửi bản đăng ký tác phẩm, công trình theo mẫu về Hội Nhạc sĩ Việt Nam trước ngày 10-9.

     Như vậy, theo thời hạn của Hội Nhạc sĩ đưa ra, việc trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm nay sẽ lùi lại muộn hơn dịp 2-9 như mọi lần.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ về nội dung công văn, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng ông sẽ nghiên cứu về việc đăng ký các tác phẩm bởi nhạc sĩ vẫn nhất quán cho rằng ông không viết đơn xin giải thưởng. Trong công văn gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng chỉ gửi kèm theo “bản đăng ký tác phẩm công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh” chứ không hề có đơn xin giải thưởng.

HOÀNG ĐIỆP ( Báo Tuổi Trẻ

Một tượng đài âm thanh
Một người bạn thuở nhỏ và thuở đi chiến trường vừa gọi điện cho tôi: “Tại sao không có tên nhạc sĩ Phạm Tuyên trong danh sách đề cử những nhạc sĩ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh?”.

Tôi không biết trả lời anh ra sao, vì chính tôi cũng rất thắc mắc về điều này, một “thắc mắc không biết hỏi ai”. Bạn tôi là một người say mê âm nhạc cách mạng (bây giờ ta hay gọi là “nhạc đỏ”), và anh đã chép tay rất nhiều ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ Việt Nam, trong đó đặc biệt là những ca khúc của Phạm Tuyên mà anh rất yêu. Cũng có một chút duyên riêng: Hồi nhỏ, khi học ở Khu học xá Nam Ninh – Trung Quốc, người thầy dạy nhạc của bạn tôi chính là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nhưng không phải vì “đạo thầy trò” mà trò ngưỡng mộ thầy, mà vì những ca khúc của Phạm Tuyên – hồi ấy là những ca khúc viết cho thiếu nhi – đã khiến đám học trò nhỏ chúng tôi say mê. Bởi nó trong trẻo và thấm đẫm tình yêu nước, yêu cuộc sống. Khi chúng tôi lớn lên, gia nhập quân đội và thành những người lính đi chiến trường, âm nhạc của Phạm Tuyên theo suốt chúng tôi trên những chặng đường hành quân, nhất là trên những nẻo rừng Trường Sơn. Bài hát Chiếc gậy Trường Sơn là bài hát được chúng tôi hát nhiều nhất khi đi bộ xuyên rừng, khi bị những cơn sốt rét hành hạ.

 
Nhạc sĩ Phạm Tuyên – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Vào chiến trường Nam Bộ, tôi nhớ, khoảng tháng 12 năm 1972 ở ven lộ Bốn Mỹ Tho, khi nghe đài báo tin B52 Mỹ ném bom Hà Nội, tôi đã bật khóc. Tôi khóc vì đã biết về sự tàn khốc của bom rải thảm từ B52, vì thương Hà Nội và cũng vì ở Hà Nội còn cha mẹ tôi, không biết có kịp sơ tán hay chưa. Sau giải phóng, tôi mới biết trong thời điểm ấy chính cha mẹ tôi cũng phải đội bom B52, giống như con mình phải đội bom B52 ở chiến trường Nam Bộ. Nhưng, điều gây xúc động lớn cho tôi còn hơn cả tin B52 ném bom Hà Nội lại chính là khi tôi được nghe, qua sóng của Đài phát thanh tiếng nói VN, bài hát của Phạm Tuyên “B52 tan xác rơi trên bầu trời/Hào khí Thăng Long sáng lên ngời ngời…”, do nghệ sĩ Trần Khánh và hợp ca của Đài tiếng nói VN thể hiện. Nỗi đau được nén lại đến tột cùng, và hùng khí của một dân tộc cũng được đẩy lên tới tột đỉnh. Những ai đã sống đúng thời điểm ấy mới cảm thấy hết được sức lay động của ca khúc mà Phạm Tuyên cho biết là ông đã sáng tác ngay tại căn hầm tránh bom của Đài tiếng nói VN, khi vừa viết xong đã được các ca sĩ của đài thực hiện ngay và đưa lên sóng phát thanh. Như một người lính, tôi mang ơn Phạm Tuyên vì ca khúc ấy của ông, nó đã khiến tôi yên lòng khi nghĩ về Hà Nội và những người thân yêu của mình đang dưới tầm bom hủy diệt. Âm nhạc không chỉ mang đến cảm xúc, mà còn giữ cho ta niềm tin và hy vọng.

Suốt cuộc đời sáng tác âm nhạc hơn 60 năm của mình, Phạm Tuyên đã thuộc hoàn toàn về Cách mạng, và âm nhạc của ông xứng đáng là “một tượng đài bằng âm thanh” của Cách mạng và cuộc chiến tranh vệ quốc. Có thể Phạm Tuyên còn viết nhiều ca khúc hay về tình yêu, về cuộc sống bình thường, nhưng tôi có cảm giác, phần chính yếu trong âm nhạc của ông là những bài hát về lòng yêu nước, về thân phận của một dân tộc muốn bảo vệ nền độc lập của mình thì phải chấp nhận nén chặt đau thương để sống còn. Âm hưởng của âm nhạc Phạm Tuyên là âm hưởng của “bi kịch lạc quan” theo nghĩa đẹp đẽ nhất của thuật ngữ đầy đối chọi này.

Thanh Thảo (Thanh niên )

Các ấn bản

§  Nhạc Lý cơ bản (Khu học xá TW-1956)

§  Tập ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn (Nhà xuất bản Âm nhạc 1973); Tập ca khúc Phạm Tuyên (Nhà xuất bản Văn hoá, 1982); Gửi nắng cho em (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1991); Ca khúc Phạm Tuyên (50 bài, Nhà xuất Âm nhạc, 1994);

§  Băng Audio-cassette Gửi nắng cho em (Saigon Audio, 1992); Lời ru của đêm (Công ty đầu tư phát triển, Bộ Văn hóa Thông tin – 1993);

§  Sách âm nhạc: Các bạn trẻ hãy đến với âm nhạc (Nhà xuất bản Thanh niên, 1982), Âm nhạc ở quanh ta (Nhà xuất bản Kim Đồng, 1987).Chú voi con ở bản Đôn(Nhà xuất bản Âm Nhạc, 1990).Cánh én tuổi thơ (Nhà xuất bản Kim Đồng, 1997)

Các tác phẩm tiêu biểu

§  Đảng đã cho ta mùa xuân

§  Chiếc gậy Trường Sơn

§  Con kênh ta đào

§  Gởi nắng cho em

§  Lời ru của đêm

§  Màu cờ tôi yêu

§  Như có Bác trong ngày đại thắng

§  Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng

§  Từ một ngã tư đường phố

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *