Nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo
Có 3 đặc điểm lớn để có thể xác định Đại tá Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20:
* Khác với Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo là người duy nhất có thể tác động trực tiếp đến chính quyền Sài Gòn . Là sỹ quan cao cấp trong quân đội VNCH lai có lực lượng trong tay, ông chính là người đã trực tiếp đạo diễn và tham gia chỉ đạo hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển nền chính trị Miền Nam những năm 64-65, gây mất ổn định nghiêm trọng chế độ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam. Nếu cuộc đảo chính với Lâm Văn Phát gạt Nguyễn Khánh năm 1964 thành công, Phạm Ngọc Thảo trở thành thủ tướng VNCH thì lịch sử có thể đã có những thay đổi lớn.
* Khác với Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo hoạt động đơn tuyến, không hề có đồng đội trực tiếp hỗ trợ mà chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Bác Hồ và Lê Duẩn . Ông không làm công tác đưa tin đơn thuần mà lớn hơn là được giao nhiệm vụ “thay đổi chế độ tại miền Nam” (tương tự như mục tiêu regime change của Mỹ tại I-rắc, nhưng nếu như Mỹ phải dùng đến hàng chục vạn quân thì ta chỉ dùng 1 mình Phạm Ngọc Thảo và ở chừng mực nào đấy đã thành công). Sự nguy hiểm của Phạm Ngọc Thảo đối với tồn vong của chế độ miền Nam lý giải tại sao chính quyền Thiệu-Kỳ phải quyết bằng mọi giá thủ tiêu ông.
* Ông là một con người cực kỳ dũng cảm và tài năng. Mỹ đã từng chọn ông để đào tạo trở thành Tổng thống tương lai của VNCH, đến khi nguy hiểm đã cận kề dù Đ/c Võ Văn Kiệt khuyên ông có thể ra căn cứ nhưng ông vẫn quyết tâm ở lại để tổ chức vụ đảo chính cuối cùng. Việc lớn không thành, bị bắt và tra tấn dã man nhưng Phạm Ngọc Thảo vẫn không để lộ tung tích của mình. Cho đến lúc hy sinh, không ai biết ông là một chiến sỹ tình báo CS. Nghe tin ông hy sinh, Bác Hồ và ông Lê Duẩn đã khóc. Sau này, trong dòng đề tựa trong cuốn Ván Bài Lật Ngửa, nhà văn Trần Bạch Đằng đã trân trọng viết “Tưởng nhớ anh Chín T. và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng”.
——————————————————
* Đại tá Phạm Ngọc Thảo sinh năm 1922 tại Sài Gòn, nguyên quán ở tỉnh Bến Tre.
Ông xuất thân trong một gia đình điền chủ có quốc tịch Pháp. Tốt nghiệp trung học Công giáo Taberd ở Sài Gòn và có theo học ngành công chính.
Sau năm 1945 theo kháng chiến chống Pháp. Sau hiệp định Genève, ông dạy học ở Sài Gòn, Vĩnh Long và nhờ Ngô Đình Thục giới thiệu với tổng thống Diệm.
Giữ các chức vụ trong chính quyền Sài Gòn: tỉnh đoàn trưởng Bảo an Vĩnh Long, chỉ huy trưởng Bảo an Bình Dương, tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre).
Sau đảo chính tổng thống Ngô Đình Diệm, ông được phong đại tá làm Tuỳ viên Báo chí trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng, rồi Tùy viên văn hóa tại Đại sứ quán Việt Nam CH tại Mỹ.
Ngày 19-02-1965, ông cùng các tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát tham gia đảo chính không thành. Sau khi chạy trốn không thoát, ông bị bắt và bị đánh đến chết, hưởng dương 43 tuổi.
Sau năm 1975 nhà nước CHXHCN Việt Nam mới công bố ông là tình báo và truy phong liệt sĩ, quân hàm đại tá.