Ngày 21-9-2006, các hãng tin AP, DPA, Reuters… đã đồng loạt đăng bài viết thể hiện sự chia buồn sâu sắc khi nhận được tin thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn qua đời vì lâm trọng bệnh. Những bài viết đều đánh giá cao tài năng và thái độ làm báo trung thực của thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn trong suốt thời gian hoạt động gián điệp bằng cách dẫn lại câu nói nổi tiếng của ông: “Tôi chiến đấu vì hai điều: độc lập và công lý xã hội”.
Hãng tin AP: “Trong lịch sử tình báo chiến tranh, hiếm có người nào thành công như ông Ẩn. Ông đã sống hai cuộc đời qua cuộc chiến kéo dài gần 15 năm ở Đông Dương, vừa là một nhà tình báo cộng sản, vừa là một nhà báo”.
Hãng tin DPA: “Trong suốt thời gian xảy ra chiến tranh, ông Ẩn được biết đến với biệt danh “ông trùm của các cơ quan thông tấn VN”, một phóng viên xuất sắc với những bài phân tích chính trị sắc bén trên các hãng tin quốc tế như Reuters, Christian Science Monitor và tạp chí Time”.
Một điểm nổi bật ở thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn khiến các báo bày tỏ sự nể phục là ông đã viết báo bằng ngòi bút ngay thẳng của một phóng viên chân chính. “Ông ấy từng nói rằng làm phóng viên hay làm gián điệp chỉ khác nhau ở chỗ ai là người đọc thông tin của ông”.
THANH TRÚC tổng hợp
LÀM PHIM VỀ PHẠM XUÂN ẨN
Bộ phim tài liệu 10 tập của Hãng TFS Đài truyền hình TP.HCM về thiếu tướng tình báo, anh hùng Phạm Xuân Ẩn đến nay đã tạm xong phần quay (tư liệu) nặng nhọc nhất để chuẩn bị dựng hậu kỳ.
Đoàn làm phim đang gấp rút từng ngày vì biết được diễn biến xấu về sức khỏe của vị tướng đã bước vào tuổi 80.
Cuộc đời của vị tướng trải dài các hoạt động tình báo thầm kín suốt từ cuộc kháng chiến chống Pháp, làm việc trong ba lực lượng quân đội, đi học ở Mỹ, làm báo cho tạp chí Time và nhiều hãng tin phương Tây ở Sài Gòn trước 1975, chiến công không phải đại chúng luôn luôn biết được.
“Dấu vết” cá nhân người tình báo luôn ẩn sâu không chỉ để che mắt địch, mà dường như là đặc điểm riêng biệt nhất của nghề. Vì thế, các phim tài liệu của VN rất khó khăn trong việc kiếm tìm, đưa ra bằng hình ảnh.
“Dấu vết” Phạm Xuân Ẩn
Nữ đạo diễn của phim – chị Lê Phong Lan – cũng gặp những khó khăn chung của các đạo diễn VN khi làm phim tài liệu, nhưng nỗi khốn khó kiểu kinh phí chỉ 5 triệu đồng cho một tập phim không làm cho họ bỏ cuộc. Chị nói: “Chúng tôi không thể có kinh phí khổng lồ hàng chục triệu đô để làm như những phim VN – thiên lịch sử truyền hình hay Cuộc chiến 10.000 ngày…
Tài liệu của họ ngồn ngộn không thể sánh kịp, nhưng dù sao họ đều đứng bên ngoài để dùng phương tiện đầy đủ phân tích cuộc chiến tranh. Mình đứng trong cuộc, chắc chắn sẽ có nhiều điều lý thú hơn nhiều nếu mình biết làm việc và còn phải gặp may nữa…”.
Điều kiện làm phim thật căng thẳng. Đoàn làm phim chỉ cần đi một chuyến quay tư liệu lưu trữ ở Hà Nội thôi là hết sạch kinh phí cho một tập phim. Vậy mà đạo diễn Phong Lan, nhà quay phim Huỳnh Lâm không chỉ làm việc với mấy chục nhân vật tại TP, còn ra Huế, đi Đà Nẵng, sân bay Chu Lai, Núi Thành, đi Khe Sanh, Quảng Trị, đường 9 Nam Lào, đi làng Vây, sân bay Tà Cơn… những tên đất thường vang lên trong các bài ca và bản tin truyền chiến công nức lòng cả nước trong thời chiến.
Sao chị phải đi tới những miền xa ấy, nơi chắc chắn không có một “dấu vết” nào của nhân vật chị đang miêu tả? – “Chúng tôi đi làng Vây để chờ vì nghe có đoàn cựu binh Mỹ sẽ tới đây. Họ không chỉ muốn xem lại cứ điểm đầu tiên quân đội VN đánh bằng xe tăng”.
Cũng như vậy, đoàn làm phim còn kịp phỏng vấn cả đoàn làm phim của BBC đang quay phim ở nhà hàng Givral, Continental, Caravelle…, đạo diễn John Murphy đưa theo người cựu binh da đen Emanuel Holloman tới các nhà hàng xưa kia để quay phim cảnh anh lính da đen cầm trên tay những tấm hình cũ chụp tại đây đã mấy chục năm.
Vậy đó, ở Khe Sanh, Quảng Trị, hay ở giữa phố xá của TP.HCM cũng vẫn gặp những đoàn người trở lại như thế…
Vì sao đoàn làm phim tới những nơi đó, nơi mà nếu có làm một cuộc khảo sát cũng sẽ chẳng ai biết Phạm Xuân Ẩn? Câu trả lời rất đơn giản: Khe Sanh, đường 9, làng Vây… những nơi quân ta chiến thắng nhờ công sức góp phần của những người tình báo như Phạm Xuân Ẩn.
Hình bóng họ không có ở đó, nhưng tin tức tình báo của họ giúp quân đội chiến thắng lẫy lừng ở chính những nơi này. Hoặc là những nhà hàng, nơi người anh hùng của chúng ta xưa kia hay tụ tập cùng giới báo chí, nơi tiếp xúc, trao đổi tin tức. Có lẽ ông cũng chỉ như vị thực khách kia, nói chuyện hài hước, sống cuộc đời nguy hiểm giữa lòng địch…
Tìm một người, thấy nhiều người
Đi tìm dấu vết xưa, đoàn làm phim phát hiện cả một đội ngũ những con người tuyệt vời, những câu chuyện cảm động về một bà Ba nông dân làm giao liên dũng cảm, cũng là một anh hùng. Một ông Mười Kho, Ba Minh, Tư Cang, Tám Thảo, Tám Chứa, mỗi người có một chuyện đời làm say mê lòng người. Họ là những cán bộ chiến sĩ ở Cụm 63 của Phạm Xuân Ẩn.
Như ông Ba Minh – một trong các cụm trưởng H63, người đã nhận những cuốn phim tài liệu do ông Ẩn chụp gửi ra, những “tài liệu mà T.Ư của ta được đọc trước cả tổng thống của đối phương”.Câu chuyện cuộc đời của những bà Ba, Tư Cang, những người cũng được phong anh hùng, có vẻ đã quen thuộc với người đọc VN vì đã có sách viết về họ.
Nhưng với giáo sư ĐH Mỹ, nhà văn Larry Berman, người đã từng có ba tác phẩm viết về VN, thì ông vẫn khao khát muốn gặp, muốn nghe chuyện của họ. Larry muốn gặp những con người như thế, cũng như khi gặp và nghe Phạm Xuân Ẩn trò chuyện, vị giáo sư ĐH này bảo mình “như một học trò”.
Không ai dạy Ẩn, dù rằng anh học ở Mỹ về nghề báo chí. Chính là anh đọc rất nhiều, giao tiếp rất nhiều. Anh gặp hầu hết các nhân vật quan trọng của Mỹ, các tướng tá lừng danh của Sài Gòn cũ. Hai đặc điểm nổi bật ở anh Ẩn là: quá giỏi nghề và trung thực. Đó là nhận xét của Larry. Ông đang đi vào đoạn cuối hoàn thành cuốn sách quan trọng viết về Phạm Xuân Ẩn. Sách dự kiến phát hành vào tháng 4-2007 tới đây.
Với nữ đạo diễn Phong Lan, ngạc nhiên thú vị nhất cho tới khi đóng máy quay là phát hiện một điều: “Toàn bộ câu chuyện tìm về nhân vật Phạm Xuân Ẩn lại tình cờ dẫn tôi tới câu chuyện của cả một mạng lưới tình báo thần kỳ, những người tài ba và can đảm nhất đã vẽ nên bản đồ chiến sự VN. Mà ông Ẩn ở một mảng riêng biệt.
Không phải ngẫu nhiên vô lý do mà các nhà văn Pháp, Mỹ, VN bỏ ra cả chục năm, đi tới đi lui tới đất nước này tìm hiểu để viết sách về Phạm Xuân Ẩn. Mình là người VN mà vẫn còn phải khám phá mãi chưa xong”.
Người VN trầm lặng
Nhà báo nước ngoài Moley Safer cho rằng nếu Graham Greene nhìn VN theo một cách nào đó, ông có thể viết cuốn tiểu thuyết Người VN trầm lặng với Phạm Xuân Ẩn là nhân vật mẫu. Nhà văn Henry Kamm thì đánh giá: “Tướng Ẩn – một trong những nhân viên tình báo cộng sản bí mật gan dạ nhất ở Sài Gòn trong suốt cuộc chiến tranh chống Hoa Kỳ…”. Nhà văn Nguyễn Khải đã lấy nguyên mẫu Phạm Xuân Ẩn cho nhân vật tiểu thuyết của mình thì nói chuyện gần hơn; ông kể về người con cả của ông Ẩn học ở Nga, ở Mỹ, tốt nghiệp luật ở Harvard nhưng về VN để sống với cha đã già yếu. Nguyễn Khải nói: có thể nói muốn biết người cha này tốt mức độ nào thì tốt nhất là xem đứa con.
Nói về Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Khải bảo khi tiếp xúc không thấy ông có vẻ gì tình báo hay nhà báo mà như một người anh, một người bạn. “Sống trong lòng địch như vậy, chắc ông phải có lòng tin, làm việc với bao hi vọng lớn cho tương lai. Thế nên gặp ông, tôi yêu, kính và có phần xấu hổ vì tiêu cực của đời sống. Xấu hổ cho nghề. Mình viết, nhưng có đặt ra những chuyện đó không? Chưa cảnh báo, tiên liệu, ngòi bút chưa lên tiếng được…”.