CỘI NGUỒN HỌ PHẠM TRÊN ĐẤT NƯỚC VIÊT NAM

Người đăng: huan-yngoc, Ngày đăng: 09-08-2013, 124207 Views

CỘI NGUỒN, TRUYỀN THỐNG HỌ PHAM TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

     Đáp ứng nguyện vọng của các Hội đồng địa phương của Họ Phạm muốn có tư liệu về họ Phạm và Giỗ Tổ, chúng tôi xin trích đăng bài dưới đây của PGS-TS  Phạm Đạo – Chủ tịch HĐTQHPVN .

Đây là một bài nêu khá đầy đủ và súc tích về cội nguồn, truyền thống dòng họ, sự phát triển tổ chức và các hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam.

 

KHÁI QUÁT VỀ CỘI NGUỒN, TRUYỀN THỐNG HỌ PHAM VÀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VN

 

     Nguyên Trưởng Ban BLL họ Phạm toàn quốc Việt Nam TS. Phạm Khắc Di đã có 2 câu thơ khái quát tôn chỉ mục đích hoạt động của Họ Phạm chúng ta, là:

 Vấn tổ tầm tông họ Phạm kết dòng.

     Và:

           Bắc Nam ngàn dặm một nhà,

           Bốn phương họ Phạm đều là anh em.

 

Vài nét về họ Phạm Việt Nam

1. Họ Phạm Việt Nam có từ bao giờ?

Họ Phạm Việt Nam xuất hiện đồng thời với các họ khác trên lãnh thổ Việt Nam cách đây hàng mấy chục ngàn năm. Ban đầu họ là tên gọi của một cộng đồng dân cư sinh sống trên một đia bàn nhất định (có khi đặt tên theo địa danh)

 

2. Có phải họ Phạm Việt Nam từ Trung Quốc sang không?

Điều này chưa được khẳng định, vì quá trình lịch sử hợp cư có thể có họ Phạm Từ TQ sang cũng có thể là ngay tại bản địa.

 

3. Tại sao lại lấy Phạm Tu là thượng thủy tổ họ Phạm Việt Nam?

*  Theo truyền thuyết thì con rể vua Hùng là người họ Pham.

* Một số mộ cổ ở Quảng Ninh, Thái Bình có ghi là “Phạm Công” có cách đây trên 2 ngàn năm. Phạm Công không phải là tên của một người nào đó mà là một cách xưng hô như : ông, ngài thời nay.

* Theo điều tra, cho đến nay, Họ Phạm Việt Nam có hàng chục ngàn dòng họ không cùng một gốc, không cùng huyết thống.

*  Theo sử sách (Đại Việt sử ký toàn thư) và các sắc phong còn lưu tại Đình thờ Phạm Tu (1) (2) thì người được lịch sử ghi chép rõ ràng:

Thân phụ của Phạm Tu là Phạm Thiều quê ở thôn Vực Mụ, xã Thanh Liệt, huyện Thường tín Hà Nội. Thân mẫu của Phạm Tu là Lý Thị Trạch cùng quê thân phụ  Phạm Tu.

Phạm Tu sinh ngày Mười hai tháng Ba năm Bính Thìn (476), mất ngày Hai mươi tháng Bấy năm Ất Sửu (545)

Phạm Tu là công thần số 1 thời tiền Lý: Nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam đế là Nhà nước độc lập có tổ chức đầu tiên của Việt Nam. Với cương vị là người đứng đầu Ban Võ (tương đương với Bộ trưởng bộ quốc phòng bây giờ).

 

Như vậy Phạm Tu (1) (2) (3) là người họ Phạm có công với đất nước xuất hiện đầu tiên trong chính sử được biết cho đến ngày nay, được sử sách ghi rõ ràng nên Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam suy tôn cụ là Thượng Thủy Tổ của họ Phạm Việt Nam.Việc suy tôn cụ Phạm Tu làm Thượng Thủy Tổ Họ Phạm VN có đủ căn cứ khoa học được Viện khoa học Lịch sử và Hội Khoa học Lịch sử VN đồng tình.

Còn có nhiều dòng họ Phạm khác như họ Phạm ở Kính Chủ Hải Dương, Họ Phạm Hồng Át ở Hưng Yên, Phạm Nhữ Tăng ở Quảng Nam Đà Nẵng, Phạm Bạch Hổ vv…nhưng đều xuất hiện sau cụ Phạm Tu nhiều thế kỷ.

Trần triều Điện soái Phạm Ngũ Lão- một danh tướng thời nhà Trần nhiều người biết đến, là hậu duệ đời thứ 25 của Phạm Tu

 

4. Họ Phạm là lương đống của xã tắc

a. Trước thế kỷ thứ XIX: Sử sách còn lưu danh rất nhiều danh nhân dòng họ Phạm trên mọi lĩnh vực, chỉ xin lược qua (chưa đầy đủ) và lấy mốc từ cuối thế kỷ thứ XIX trở về trước:

– Về các danh tướng, có thể kể: Phạm Tu (476-545), Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi, Phạm Bạch Hổ, Phạm Cự Lượng (thế kỷ X) (1) (2) (3)Phạm Ngũ Lão (1255-1320), Phạm Nhữ Tăng, Phạm Vấn, Phạm Đốc, Phạm Đình Trọng, …

– Về các văn thần có: Phạm Sư Mạnh, Phạm Tông Mại, Phạm Tông Ngộ, Phạm Công Trứ (1) (2), Phạm Gia Mô, Phạm Khiêm Ích, Phạm Phú Thứ, …

–  Các Sử gia: Phạm Công Trứ, Phạm Đình Toái, Phạm Thận Duật (1) (2) …

– Các nhà giáo nổi tiếng: Phạm Sư Mạnh, Phạm Văn Nghị, Phạm Huy Lượng, Phạm Qúy Thích …

–  Ông tổ nghề dệt chiếu: Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ.

– Các bậc văn thân chống Pháp cuối thế kỷ thứ XIX: Phạm Thận Duật, Phạm Hy Lượng,Phạm Nhữ Xương, Phạm Bành, Phạm Văn Nghị, Phạm Văn Ngôn, …

–  Về các tác gia Hán – Nôm: Tính đến cuối thế kỷ XIX có 41 tác gia họ Phạm, mà người sớm nhất là Thiền chiếu Thiền sư họ Phạm (1203)

–  Về khoa cử: họ Phạm có 216 vị (1)  (2)  (3)  (4) trong tổng số 2896 người đỗ đại khoa nho học (từ Phó bảng trở lên) trong cả nước chiếm tỷ lệ 7,45%, trong đó có 3 Trạng nguyên, 5 Bảng nhãn, 4 Thám hoa. Trong số 5232 người đỗ cử nhân triều Nguyễn có 369 vị, chiếm tỷ lệ 7.05%, trong đó có 14 vị đỗ Giải nguyên (đỗ đầu khoa), 18 vị Hương á (đỗ thứ nhì).

– Những vị Thánh, Tiên mang họ Phạm (theo truyền thuyết) được muôn dân trăm họ kính thờ, như Thánh Mẫu Liễu Hạnh – Phạm Tiên Nga (1)  (2)  hay Tiên ông Phạm Viên

b. Từ thế kỷ thứ XIX đến nay.

+ Trước cách mạng tháng 8:

Rất nhiều người họ Phạm tham gia phong trào Cần vương chống Pháp, nổi tiếng là Phạm Thế Hiển (đã có tên đường tại Tp. HCM).

+ Từ Cách mạng tháng 8 đến nay:

–  Về chính trị, quân sự, ngoại giao có Cố Thủ tướng Phạm Văn ĐồngCố Thủ tướng Phạm Hùng, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; các Bộ trưởng: Phạm Quang Nghị, Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch), Phạm Vũ Luận, Phạm Xuân Ẩn, Phạm Văn Trà, Phạm thị Hải Chuyền v.v. …

–  Về kinh tế, Khoa học kỹ thuật,  văn hóa xã hội: có rất nhiều người họ Phạm được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân, nghệ sỹ nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, rất nhiều nhà thơ nhà văn, nhạc sỹ nổi tiếng như: Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa) (1)  (2), Giáo sư viện sỹ Phạm Huy ThôngPhạm Ngọc Thạch, Phạm Song, Phạm Khắc, Phạm Kiệt,Hàn Mạc Tử, Phạm Duy, Phạm Tuyên (1)  (2) , Phạm Đức, Phạm Thế Hệ (Vũ Bão)…

 

5. Một số đặc điểm của họ Phạm

a. Họ Phạm là một dòng họ lớn trung bình, đứng thứ 5 sau các họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần… Dân số chiếm khoảng trên 6 triệu người (số này chưa chính xác). Phân bố trên hầu hết các tỉnh thành Việt Nam (đang lập bản đồ dòng họ) và nhiều nước khác.

b. Không có ai làm vua nên ít có sự biến đổi, chỉ có một vài họ chuyển sang như họ Mạc, họ Ngô chẳng hạn.

c. Có mười bà mẹ họ Phạm sinh ra vua, đó là: bà Phạm Thị Ngọc Duyên sinh vua Ngô Xương Xí, bà Phạm Thị Ngà (1)  (2) sinh ra vua Lý Công Uẩn (Thế kỷ 11), bà Phạm Thị Ngọc Trần sinh ra Vua Lê Thái Tông (TK 15), bà Phạm Thị Ngọc Hậu sinh ra Vua Lê Huyền Tông (TK 17), bà Phạm Thị Hằng (Từ Dũ) sinh ra vua Tự Đức (TK 19)…

 

Về tổ chức và hoạt động của Ban Liên lạc (nay là Hội đồng) họ Phạm Việt Nam

 

1. Về tôn chỉ mục đích hoạt động của BBL họ Phạm Việt Nam (cho tất cả các BLL họ Phạm hiện nay ở các địa phương và dòng họ)

– Nhằm tăng cường tinh thần tương thân tương ái của bà con đồng tộc dòng họ Phạm Việt Nam đoàn kết với các họ tộc khác (Bách tính), cùng phấn đấu góp phần xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh sánh với các nước trên thế giới như nguyện vọng hàng ngàn đời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

– Theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tìm về cội nguồn, nối kết dòng tộc khôi phục và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Trước hết là các hoạt động vấn tổ tầm tông, xây dựng và tục biên gia phả, tộc phả (tập trung xây dựng các Gia phả 5, 7 đời) rồi gắn kết với nhau thành các ngành lớn nhiều đời. Tìm Thủy Tổ của các ngành, các chi phái chưa gắn kết được với nhau.

– Thực hiện việc khuyến học khuyến tài, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tìm biện pháp giúp đỡ nhau cả về tinh thần và vật chất.

– Xây dựng văn minh dòng họ, chống các hủ tục như tế lễ linh đình, kéo bè kéo cánh gây mất đoàn kết trong làng xóm, phường xã, vv…

 

2. Sự hình thành BLL (nay là HĐ ) họ Phạm Việt Nam

–  Năm 24-10-1996, Ban Liên lạc các dòng họ Phạm tại Hà Nội được thành lập tại Đền thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão ở  Hà Nội, hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

–  Ngày 31-5-2002, phát triển và đổi tên thành Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam, hoạt động trên phạm vi toàn quốc.

–  Ngày 24-10-2011, tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 BLL họ Phạm Việt Nam khóa VI nhân kỷ niệm 15 năm thành lập, Hội nghị đã nhất trí đổi tên Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam thành Hội đồng họ Phạm Việt Nam cho phù hợp với sự phát triển tổ chức của dòng họ ta hiện nay.

– Với hệ thống tổ chức 5 cấp (gồm cấp Toàn quốc; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cấp huyện, quận; cấp xã, phường, thị xã, và cấp cơ sở là Hội đồng gia tộc). Hiện nay tổ chức của HĐHP đã có rộng rãi ở nhiều nơi, rải khắp từ đỉnh đầu Tổ quốc là Hà Giang tới mũi Cà Mau. Đã có 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổ chức của HĐHP như: TP Hà Nội, Tp. HCM, TP Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam-Đà Nẵng, Hà Giang, Quảng Ninh, Bình Định, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, v.v…

Có hơn trăm Hội đồng cấp quận huyện thị như: Đống Đa, Hà Đông, Đông Anh (Hà Nội); Quận 10, Quận 7,… (Tp HCM); Tiền Hải, Đông Hưng, Vũ Thư,… (Thái Bình); Xuân Trường, TP Nam Định (Nam Định); Tiên Lãng, Thủy Nguyên (Hải Phòng); Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam); Mộ Đức (Quảng Ngãi), Hoài Ân, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn (Bình Định), Uông Bí, Tp Hạ Long, huyện Hải Hà (Quảng Ninh), TP Hà Giang (Hà Giang), Cư M’Ga (Đắc Lắc), huyện Đam Rông (Lâm Đồng)….

Hàng trăm HĐ cấp xã, phường, liên xã phường như Trung Liệt, Quang Trung (Quận Đống Đa, Hà Nội), Trinh Lương, La Khê (quận Hà Đông), Nhân Chính (Hà Nam), Dư Hàng Kênh (Hải Phòng), xã Quang Minh (Vũ Thư), xã Xuân Thượng (Xuân Trường), phường Trần Phú (Quy Nhơn)…

Hàng trăm Hội đồng gia tộc, HĐ dòng họ lớn ở khắp nơi như Phạm Đạo Soạn (gốc Kính Chủ- Hải Dương), Trần triều Điện Soái Phạm Ngũ Lão (gốc Hưng Yên), Đông Đồ (Đông Anh, Hà Nội), Phạm Ngàn Ngu (Ninh Bình), Phạm Vũ Đôn Thư, Phạm Huy (Thanh Oai, Hà Nội), Phạm Văn Viết (gốc Sơn Tây), Phạm Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội), Phạm Đình (Thượng Hội, Đan Phượng), Phạm Nhữ (miền Trung, Bình Định), Phạm Khắc (Hà Tĩnh), Phạm Khắc (Bến Tre), Phạm Linh Kiệt (Nghệ An). ….

Panoama[1]

(CÒN TIẾP)

 

Các bài viết khác :