Đôi nét về họ Phạm Việt Nam

Người đăng: admin, Ngày đăng: 17-11-2013, 3569 Views

Việt Nam có 6 dân tộc có người mang Họ Phạm:

* – 1 / 165 họ của người Kinh,
* – 1 / 11 họ của người Mường,
* – 1 / 11 họ của người Tày,
* – 1 / 172 họ của người Việt gốc Hoa,
* – 1 / 49 họ của người Việt gốc Khmer.
* Dân tộc Thái có người họ Phạm vốn là họ Khằm/Cầm chuyển sang

Trong các dân tộc ít người khác của Việt Nam, như dân tộc Chăm, tuyệt nhiên không có người nào họ Phạm.

Họ Phạm ở Việt Nam là một trong những dòng họ tương đối lớn (ước tính trên 5 triệu người) nhưng chưa một lần có người làm Vua; nhiều người họ Phạm là “Lương đống của xã tắc”

Nhân vật lịch sử họ Phạm đầu tiên trong chính sử là Danh tướng Phạm Tu – khai quốc công thần triều Tiền Lý, đã có công: đánh đuổi quân Lương (542), đánh tan quân xâm lấn Lâm Ấp(543), dựng Nhà nước Vạn Xuân (544)

Theo các bản Thần phả, Thần tích sự xuất hiện các vị họ Phạm sớm hơn, như :

* – Nam Hải Đại Vương Phạm Hải , và ba anh em Phạm Vĩnh (Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng Thái Thượng đẳng Thần) thế kỷ III trước CN, giúp Vua Hùng thứ 18 đánh Thục
* – Tướng quân Phạm Gia – tướng của An Dương Vương, 208 trước CN lui quân về vùng Hoài Đức
* – Phạm Danh Hương chồng của Bát Nạn nữ tướng quân (thời Hai Bà Trưng)

Họ Phạm ở Việt Nam có thể có hai nguồn gốc chính: từ cộng đồng tộc Việt trong Bách Việt của nước Văn Lang, Âu Lạc xưa, từ nguồn gốc ở các tỉnh miền Nam Trung quốc di cư sang và được Việt hoá. Ngoài ra còn có họ Phạm từ các dòng họ khác đổi sang như họ Mạc,…

Các dòng họ Phạm – Việt Nam không có một ông tổ duy nhất. Do vậy, BLL họ Phạm Việt Nam đề nghị suy tôn Đô Hồ Đại vương Phạm Tu là một Thượng Thuỷ tổ họ Phạm Việt Nam. Ông là nhân vật lịch sử đầu tiên của dòng họ Phạm có công lao đối đất nước đã được ghi vào sử sách. Chúng ta cũng không quên công lao các vị đã sinh thành dưỡng dục Thượng thủy tổ. Tại miếu Vực có thờ hai vị thân sinh và Đô Hồ Đại vương.

Họ Phạm Việt Nam có sự chuyển cư rất mạnh lan tỏa trong vùng châu thổ sông Hồng, rồi vào Ái Châu (Thanh Hoá). Từ Thanh Hoá lại có sự chuyển cư trở lại vùng Sơn Nam Hạ (ngày nay là các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) và vào miền Nam Trung bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, … mạnh nhất là vào thời Lê (thế kỷ thứ XV).

Đặc biệt trong thời đại hội nhập quốc tế, người họ Phạm định cư ở nhiều nước trên thế giới

Các bài viết khác :