Donald Phạm, Vị Sư Trẻ Người Mỹ Gốc Việt Thọ Giới Tỳ Kheo Tây Tạng

Người đăng: huan-yngoc, Ngày đăng: 23-10-2014, 3613 Views

Donald Phạm, Vị Sư Trẻ Người Mỹ Gốc Việt Thọ Giới Tỳ Kheo Tây Tạng
unnamed (19)
Danh tăng Phật giáo
Nhà sư trẻ gốc Việt trở thành “Cao tăng” Tây Tạng
Hè năm nay, tôi có dịp đến Dharamsala, tiểu bang Himachal Pradesh, Bắc Ấn. Đây là nơi ở của Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng khoảng 4.000 người dân Tây Tạng, được mệnh danh là “Tiểu Lhasa” tại Ấn Độ. Hay tin có một vị “tiểu Tăng” người Mỹ gốc Việt đang theo học chương trình Phật học cao cấp tại nơi này, tôi đã đến tìm thầy hai lần song không gặp. Về Việt Nam, do tình cờ, tôi phát hiện một vài tờ báo đã tường thuật khá chi tiết về thầy; đặc biệt, nhật báo OC Register, một tờ báo lớn của Hoa Kỳ, đã cử một nhóm phóng viên sang tận Ấn Độ để thực hiện một loạt phóng sự bốn kỳ về thầy với tiêu đề: The Boy Monk, hơn 17.000 chữ. Một tờ báo bằng Việt ngữ tại Hoa Kỳ còn cho biết, Xuân Đinh Hợi vừa qua, vị Tiểu Tăng họ Phạm đã được chính Đức Đạt Lai Lạt Ma thực hiện nghi thức truyền thọ Tỳ kheo giới. “Đây là người Việt Nam đầu tiên được truyền thừa trong lịch sử hơn ngàn năm của Phật giáo Tây Tạng”, tờ báo này xác nhận.

Từ cậu bé Donald Phạm

Sinh ra trong một gia đình cha mẹ là người Việt, tại thành phố Laguna Niguel thuộc vùng Orange County, miền Nam California, Hoa Kỳ, thưở nhỏ Donald Phạm thích đọc truyện giả tưởng và mơ ước sau này sẽ trở thành nhà văn hay bác sĩ. Thế nhưng, như một nhân duyên tiền định, cậu học sinh xuất sắc ưa chơi kèn clarinet và chơi máy game Nintendo này đã gặp được Đức Lạt Ma Kyabje Lati Rinpoche, một trong những cao Tăng Tây Tạng, hiện là cố vấn về Lý luận (Tsen-shabs) của đức Đạt Lai Lạt Ma khi cậu vừa tròn 4 tuổi. Vị Lạt Ma danh tiếng ấy sau này trở thành vị thầy dạy của Donald Phạm dưới sự chỉ định của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Chị Huyền, mẹ của Donald Phạm cho hay, năm 1985, khi mang thai cậu, chị vẫn còn mang tâm trạng đau buồn về cái chết của mẹ chị vào một năm trước đó. Một hôm, chị bắt gặp quyển sách Cái Chết, Thân Trung Ấm và Tái Sinh (Death, Intermediate State and Rebirth) của Lạt Ma Lati Rinpoche – quyển sách đã làm thay đổi cuộc đời chị. Hằng đêm, chị đọc quyển sách một cách say mê, thích thú trong khi bầu thai đang lớn dần lên. Và Donald Phạm đã chào đời một cách nhẹ nhàng vào ngày 18-3-1986.

Năm 1990, vô tình đọc được mẩu tin cho biết Lạt Ma Lati Rinpoche đang đến thăm và giảng pháp tại một ngôi chùa tại Los Angeles, chị hết sức mừng rỡ. Hôm sau, chị chở ba đứa con đến nghe đại sư thuyết pháp. Ngay khi đại sư Lati vừa bước vào tòa giảng, chú bé Donald, lúc ấy được 4 tuổi, nhoài người về hướng ngài và rơi khỏi ghế khiến trên trán nổi một cục u thật lớn. Nhưng Donald vẫn thản nhiên không hề la khóc… Trong suốt hai tuần lễ thuyết giảng của vị Lạt Ma này, mấy mẹ con chị đến nghe giảng hầu như không sót ngày nào.

Cả gia đình chị Huyền đều là Phật tử của một ngôi chùa Tây Tạng tại Los Angeles. Mỗi tuần ba lần, chị Huyền phải lái xe trên một đoạn đường dài 90km để đến chùa nghe đại sư trụ trì Geshe Tsultim Gyeltsen thuyết pháp. Phật tử trong chùa đều rất mến đại sư Tsultim Gyeltsen và thân mật gọi ngài là Geshe-la (Geshe là học vị tương đương tiến sĩ trong Phật giáo Tây Tạng, phải mất ít nhất 20 năm để hoàn tất chương trình). Một lần, chị Huyền nhẹ nhàng rầy con trai không chịu chú ý nghe thầy giảng, Donald bảo rằng cậu vẫn chăm chú nghe. Chị Huyền kể: “Tôi nói: OK, vậy ngày hôm nay Geshe-la giảng điều gì, con nói cho mẹ nghe thử xem? Và cháu trả lời ngay tức thì: Geshe-la bảo tâm ý con người lăng xăng như con khỉ”. Nghe con trai trả lời, chị Huyền thực sự kinh ngạc, vì cậu mới chỉ là một đứa bé bốn tuổi.

Lần khác, cô em gái Christine lỡ tay đánh bể đĩa thức ăn và lo sợ khóc òa. Thấy em khóc, Donald nhẹ nhàng an ủi: “Em đừng có lo sợ. Nó chỉ là một đồ vật thôi mà. Nếu em cứ mãi để ý và chấp chặt vào những điều nhỏ nhặt như vậy thì làm sao em có thể từ bỏ xác thân này khi chết?” Nghe đứa con trai khuyên em như vậy, cả hai vợ chồng chị Huyền anh Hỷ cùng mở to mắt nhìn con, lòng đầy kinh ngạc. Chị Huyền kể lại: “Tôi không bao giờ quên được cảnh tượng khi cháu nói điều đó. Lúc bấy giờ cháu chỉ mới có 5 tuổi”.

Lần khác, trên đường đưa con đến chùa, chị vừa lái xe vừa mở radio để nghe chương trình phát thanh tiếng Việt. Chương trình ca ngợi những thành công của cộng đồng người Việt tại hải ngoại trong nhiều lãnh vực như: bác sĩ, kỹ sư, luật sư… Nghe thế, Donald đang ngồi trên băng ghế sau liền chồm về phía trước, hỏi: “Mẹ, tại sao có quá nhiều bác sĩ, kỹ sư và luật sư trong cộng đồng người Việt mà chưa có một vị Luận sư Phật giáo nào cả? Con sẽ là một Geshe đầu tiên!”

Đến vị “Đại Cao Tăng” Tây Tạng

Chị Huyền tin rằng đây chính là biểu hiệu rõ ràng về đời sống tâm linh của Donald và cậu có thể sẽ trở thành tu sĩ. Chị trình bày điều này cùng đại sư trụ trì. Nghe chị kể, Geshe-la rất vui mừng nhưng khuyên chị hãy âm thầm theo dõi xem Donald phát triển tâm linh theo chiều hướng nào. Ngài hiểu rằng, ở Tây Tạng, các bậc cha mẹ cho con mình theo tu học tại tu viện là điều bình thường. Nhưng đây là Laguana Niguel, Hoa Kỳ, cách Tây Tạng nửa vòng trái đất.

Mặc dầu vui mừng khi biết Donald muốn xuất gia và cậu bé này hoàn toàn có đủ những tố chất để sống một đời sống thanh cao khắc khổ, song Geshe-la cũng hiểu được để sống một đời Tăng sĩ, nhất là tại Ấn Độ, quả là một điều không dễ. Geshe-la đề nghị vợ chồng anh chị Huyền-Hỷ nên thực hiện một chuyến viếng thăm Ấn Độ, tìm hiểu đời sống tăng sĩ trong một thời gian để có được những kinh nghiệm thực tế cho chính mình trước khi quyết định về Donald. Đại sư cho biết cuộc sống trong một tu viện là cả một đại dương, “có nhiều trân châu quý giá nằm sâu trong lòng biển cả, nhưng cũng có những bầy cá mập kinh người”.

Năm 1995, khi Donald Phạm lên 9, cha mẹ cậu quyết định sang thăm tu viện Mundgod, thuộc tiểu bang Karnatala ở miền Nam Ấn Độ. Đó là tu viện Gaden Sharte của dòng Gelugpa Phật giáo Tây Tạng – tu viện trưởng chính là ngài Tulku Lati Rinpoche. Đến mùa Xuân năm 1999, khi Donald 13 tuổi, gia đình cậu quyết định mời Geshe-la cùng đưa cậu sang Ấn để cậu bắt đầu một cuộc trải nghiệm tu tập.

Nghe tin cháu chuẩn bị sang Ấn, ông ngoại Donald đã cực lực ngăn cản. Ông không muốn đứa cháu trai thông minh, ngoan ngoãn của mình sống đời khắc khổ. Theo ông, Donald hoàn toàn có thể trở thành một bác sĩ và giúp đỡ những người nghèo khổ nếu cậu muốn, nhưng để trở thành một tu sĩ thì không nên. Chị Huyền bảo rằng sau khi đến Ấn Độ, nếu cảm thấy không thích hợp với đời sống tu viện, Donald có thể hoàn tục. Cô chị và em gái của Donald cũng không muốn cậu xa gia đình.

Thế nhưng kế hoạch vẫn không thay đổi. Cả nhà quyết định cùng sống với Donald tại tại tu viện Gaden Shartse, thành phố Mundgod thuộc bang Karnataka vùng Nam Ấn trong 6 tuần lễ. Đời sống tại ngôi tu viện hết sức nghiêm khắc: thức dậy lúc 5 giờ sáng thực hiện một thời kinh dài; 7 giờ sáng điểm tâm (đều đặn với trà có pha muối và bơ cùng những mẩu bánh mì nâu xám cứng ngắt); tiếp theo là 4 tiếng đồng hồ dành cho việc học hỏi kinh luận cá nhân chỉ có một thầy một trò. Buổi ăn trưa vào lúc 12:30. Sau đó là 4 tiếng nữa cho việc tham vấn cá nhân. Sau bữa ăn tối là thời gian các tăng sinh cùng nghe giảng giáo lý hoặc tranh luận nội điển cho đến 9 giờ tối. Thời khóa biểu như thế được áp dụng nghiêm nhặt trong suốt cả tuần, trừ ngày thứ Hai để các tăng sinh có thời gian lo những công việc cá nhân.

Ngày 14-2-1999, ngày đầu năm mới theo lịch Tây Tạng, Donald chính thức được nhận lễ thế phát quy y từ Geshe-la. Buổi lễ được tổ chức theo nghi thức cổ truyền với 1.500 Tăng sĩ tại tu viện tham dự. Donald Phạm được trao cho pháp danh Konchog Kusho Osel. Trong tiếng Tây Tạng, “Kusho” có nghĩa là vị sư rất mực cao quý, tức “Ðại Cao Tăng”; “Konchog” có nghĩa là hiếm hoi và quý giá, như trong nhóm chữ “Konchog Sum”, nghĩa là Tam Bảo; còn “Osel” nghĩa là Tịnh Quang (Clear Light). Như vậy, giờ đây Donald Phạm chính thức trở thành: Đại cao Tăng Bảo Tịnh Quang! – song nhiều người vẫn thích gọi chú một cách thân mật là Thầy Don.

Sau lễ thế phát và thọ giới, thầy Don cùng gia đình được phép lên Dharamsala để diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma và được ngài ban phước lành. Thầy cũng được chụp hình với vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo Tây Tạng. Bên cạnh vị Đạo sư cao quý, bậc được tin là hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm, nước mắt thầy chảy dài vì sung sướng. Ngài dạy: “Hãy cố gắng tu học để trở thành một tu sĩ tốt, và một tu sĩ có đời sống đơn giản”.

Tại sao một cậu bé vừa mới xuất gia lại được ban cho pháp danh có nghĩa là Đại Cao Tăng? Vấn đề có thể được nhìn nhận như thế này: Tulku Lati Rinpoche, thầy dạy của Kusho, thường được Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ định trực tiếp chỉ dạy cho những vị sư trẻ được xác nhận là tái sinh của một vị đạo sư, một guru. Như vậy, phải chăng người ta xem thầy Don chính là hậu thân của một trong những Đại Cao Tăng Tây Tạng?

Trở thành một Geshe-la

Trong tiếng Tây Tạng, Geshe có nghĩa là Luận sư Phật học (Tiến sĩ Phật học Tây Tạng); Geshe-la là một vị cao tăng giáo lý uyên thâm và sở đắc những kiến giải tâm linh thực chứng trong Phật pháp.Chị Huyền từng nói với thầy Don rằng, nếu thầy có trở thành tu sĩ thì chị mong Thầy học xong học vị Geshe, và sau đó học cho xong học vị Lharampa (hậu Tiến sĩ PG Tây Tạng), và rồi vào học Tantric College (Học viện Kim cang thừa), và sau đó thì “nên lên núi retreat (nhập thất) vài năm để thực chứng”.

Chương trình Geshe bao gồm: 8 năm đầu theo học chương trình nhập môn với các môn học Lý luận cơ bản, Tâm và chức năng của tâm, tranh luận, cùng các môn về ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, thi ca v.v… Kết thúc giai đoạn nhập môn, học viên phải tiếp tục theo học: Bát nhã Ba la mật (7 năm); Trung quán luận (3 năm); Giới luật (1 năm); A tỳ ðạt ma luận (2 năm); Lý luận Phật giáo (suốt khắp các năm). Như vậy, phải mất hơn 20 năm mới học xong Geshe, và nhiều người phải bỏ cuộc. Trên toàn thế giới, hiện chỉ có khoảng 200 Geshe. Giáo trình đào tạo ở đây còn nặng hơn mọi trường tư thục ưu tú nhất của Mỹ. Và không có các màn giải trí qua truyền hình, chơi game, nghe nhạc từ DVD… Cũng không có quà vặt, máy giặt, máy xấy, nước nóng phòng riêng…

Donald là người ngoại quốc đầu tiên được chấp nhận vào tu viện Gaden Shartse nổi danh. Đây quả là điều đặc biệt. Sau gần ba năm học tập, thầy đã gặt hái được những tiến bộ đáng kể. Giờ đây thầy đã có thể đọc và nói đúng giọng Lhasa, một ngôn ngữ quý phái của kinh đô Tây Tạng. Thầy có thể làm thơ bằng tiếng Tây Tạng. Thế nhưng nhiều khi thầy không khỏi cảm thấy khó khăn giữa một không gian van hóa khác xa với nước Mỹ, nơi thầy sinh ra và lớn lên.

Vì vậy, thầy được phép chuyển đến Dharamsala, một vùng núi thuộc Hy Mã Lạp Sơn, nơi ở của Đức Đạt Lai Lạt Ma để theo học tại Học Viện Lý Luận Phật Giáo IBD (Institute of Buddhist Dialectics) – chương trình học còn có cả Triết học Tây phương, Khoa học chính trị, Văn học Tây Tạng, và thi ca. Ngôi trường này chỉ có 300 sinh viên, và Thầy Don là người trẻ nhất song được chú ý vì khả năng lãnh hội lẫn tranh luận. Thầy còn được khen là từ tốn, khiêm nhường và thường trầm lặng trước mối quan tâm của truyền thông báo chí. Nhiều người đã luận rằng Kusho có thiện nghiệp để trở thành sư, và có phúc duyên được hướng dẫn bởi những vị cao tăng để theo đuổi Phật học đến chỗ thâm sâu. Hiệu trưởng Học viện IBD, ngài Pema Dorjee, tin rằng thầy Don được tiền định để qua Ấn Ðộ tu học: “Ðây phải là có duyên lành từ kiếp trước. Tôi tin rằng Kusho có nghiệp rất lành, nghiệp này đẩy Kusho qua Ấn Ðộ để làm sư, rồi lại học triết học Phật giáo tới chỗ thâm sâu. Kusho quá trẻ, có một gia đình rất tốt, và có nhiều thân nhân, nhưng Kusho thực sự muốn tu học Phật học. Ðúng vậy, Kusho thực sự muốn. Chính Kusho đã quyết định”, ngài nói.

Năm nay, vừa tròn 22 tuổi, Kushu (thầy Don) đã thọ giới Tỳ kheo với chính đức Đạt Lai Lạt Ma, trở thành Shakya Bikshu Tenzin Drodon (Tenzin: người nắm giữ Phật pháp; Drodon: cứu độ chúng sinh – một pháp danh ít có trong hệ thống Tăng già Tây Tạng). Con đường tu học của thầy vẫn còn rất dài. Thầy cho biết, sau khi kết thúc chương trình Geshe, thầy còn phải học thêm về những đặc tính đa diện của Phật giáo Việt Nam và phải thông thạo tiếng Việt để tiếp xúc với Phật tử Việt Nam.

Đầu năm 2007, gặp lúc ông ngoại lâm trọng bệnh, thầy đã trở về Hoa Kỳ để viếng thăm ông, “để cầu nguyện cho tâm của ông ngoại được thảnh thơi, vững mạnh và buông xả hết mọi ưu phiền”. Càng luống tuổi, ông ngoại của thầy càng thấy ra hai lẽ. Phần mình, thì đời người quả là hữu hạn. Phần cháu ngoại Donald, việc cháu trở thành Tăng sĩ là một điều lành. Ông đã thực sự thấu cảm được việc cháu đi tu là một phước duyên.

Điều này quả thực là một niềm an ủi rất lớn đối với thầy, trợ duyên cho thầy vững tiến trên con đường tu học, không chỉ để trở thành một Geshe-la, mà còn trở thành một người giác ngộ.
Đỗ Thiền Dăng

Các bài viết khác :