DÒNG HỌ PHẠM ĐÔNG ĐỒ

Người đăng: huan-yngoc, Ngày đăng: 03-11-2014, 10062 Views

DÒNG HỌ PHẠM ĐÔNG ĐỒ
A- Tổng quan Dòng họ Phạm Đông Đồ
Dòng họ Phạm Đông Đồ có Gia phả được viết bằng chữ Hán do Cụ nho sinh chúng thức Kim Sơn đường Phạm Bá Cảnh biên soạn và viết lời tựa vào năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), năm 1821 và 1829 được các cụ đời sau bổ sung tiếp; lần sau cùng được cụ Phạm Danh Chính thuộc đời thứ 12 bổ sung vào năm Canh Thìn (1880), niên hiệu Tự Đức thứ 33.
Cuối năm Canh Thìn – 2000, Gia phả dòng họ đã được tục biên, ghép nối hoàn chỉnh từ Cụ Thủy Tổ đến đời thứ 18, Hội đồng Gia tộc đã thông qua và in phát cho các chi lưu giữ, phát triển tiếp, nay đã được các chi tục biên đến đời thứ 19.
Cùng với Phả ký, từng chi đã lập Phả đồ. Riêng chi Mậu còn in Phả đồ khổ lớn treo tại Nhà thờ chi.
1. Dòng họ Phạm Đông Đồ có Thủy tổ là CHÂN TÌNH công (sinh thời thuộc niên hiệu Hồng Đức, khoảng từ 1460-1497). Cụ cùng với cụ Minh Lương công vốn cùng nội tộc, không rõ từ đâu chuyển vế ấp Vệ, Xã Đông Đồ (nay là xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Tp Hà Nội) lập nghiệp.
TP (1)
2- Sự phát triển của dòng họ: Từ đời thứ tư dòng họ đã phân ra 8 chi là: 1- chi Giáp, 2- chi Ất, 3- chi Bính, 4- chi Đinh, 5- chi Mậu, 6- chi Kỷ, 7- chi Canh, 8- chi Tân.
Hiện nay 5 chi lập nghiệp gần nhau và giữ được mối liên hệ dòng tộc bền chặt với nhau là:
– Chi Giáp, Ất, Binh, Đinh, Mậu ở tại Nam Hồng, Huyện Đông Anh, Tp Hà Nội;
– Chi Canh từ Nam Hồng ra Tiền Phong và Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Tp Hà Nội), từ đó phát triển lên Hương Gián (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) và một số về Quế Võ, Từ Sơn…
– Nhưng đến nay vẫn chưa biét 2 chi: Kỷ và Tân ở đâu, phát triển tiếp thế nào. Mong sao con cháu 2 chi này hiện sinh sống nơi đâu, sớm biết tìm về cội nguồn để cùng cả họ thờ phụng Tổ tiên.
BD
Theo số liệu các chi họ tổng hợp năm 2010, con cháu từ đời thứ 15-18 của 5 chi có hơn 1.230 đinh: chi Giáp – 260 đinh, chi Ất – 280 đinh, chi Bính – 130 đinh, chi Đinh – 36 đinh, chi Mậu – 125 đinh, chi Canh hơn 400 đinh. Đến nay, Phạm tộc Đông Đồ ta đã phát triển đến đời thứ 19, số đinh tăng lên hơn 1500.
3. Nhà thờ Tổ họ
Ntho
Nhà thờ Tổ họ được xây dựng lâu, trên khuôn viên rộng khoảng 2 sào Bắc bộ, ở Thôn Đìa, xã Nam Hông, được tu bổ, tôn tạo nhiều lần vào các năm 1920, 1985 và 2000.
Các chi Bính, Mậu, Canh còn có nhà thờ Tổ chi.
4. Mộ tổ họ: Mộ tổ đặt tại cánh đồng trước thôn Đìa, được đại trùng tu bề thế vào năm 2005.
Mo
5- Giỗ tổ: Dòng họ lấy ngày Đông chí để tổ chức Giỗ tổ.
Giỗ Tổ họ: cứ 5 năm một lần, dòng họ tổ chức Lễ giỗ Tổ tại Nhà thờ Tổ họ, họp mặt toàn thể con, cháu, dâu, rể nội ngoại.
Giỗ Tổ chi: được tổ chức hàng năm theo truyền thông: trước khi làm Lễ ở nhà thờ chi, mọi người đi tảo mộ Tổ họ, Tổ chi và vào Nhà thờ họ dâng hương Bái Tổ họ.
B- Tổ chức Dòng họ Phạm Đông Đồ
1. Thế tự trong Gia tộc:
Dòng họ Phạm Đông Đồ được phân theo các cấp: Dòng họ > Chi > Cành > Nhánh…
Họ có Trưởng họ, Chi có Trưởng chi, Cành – Nhánh có Trưởng cành – Trưởng nhánh.
Trưởng họ, Trưởng chi, Trưởng Cành – Nhánh trưởng được suy tôn theo thứ tự gia phong.
2. Hội đồng Gia tộc
Dòng họ có Hội đồng gia tộc, từng Chi có Hội đồng chi tộc, có nhiệm kỳ 5 năm, do toàn họ hoặc toàn Chi bầu ra để điều hành mọi việc họ. Hội đồng gia tộc và Hội đồng chi tộc là tập thể lãnh đạo cao nhất, điều hành mọi việc họ của Gia tộc hay của Chi tộc.
Hội đồng Gia tộc lập các Ban: Ban Trị sự, Ban Khuyến học – Khuyến tài, Ban Tư liệu – Thông tin, Ban tài chính; và các Ban được lập khi có việc cần, xong việc sẽ giải thể: Ban Tu tạo, Ban kiểm tra. Hội đồng chi tộc cũng có tổ chức và các bộ phận tương ứng như của HĐGT.
Hội Đồng Gia Tộc đã được tái lập từ năm 1985. Chủ tịch HĐGT hiện nay là ông Phạm Đức Chính – hậu duệ đời thứ 15 thuộc chi Giáp.
4- Tộc ước
HĐGT đã lập được Tộc ước, ban hành từ đầu năm 2011. Tộc ước có 8 chương, nêu Tổng quan Dòng họ; Quyền và bổn phận của các thành viên trong họ; Giỗ Tổ; Quản lý tài sản của Gia tộc; Việc hiếu – hỷ; Khuyến học – Khuyến tài; Lập và sử dụng quỹ họ; Khen thưởng và Kỷ luật. Từ đó nề nếp gia phong, truyền thống Tổ tông dòng họ luôn được con cháu giữ gìn, phát huy tốt.
C- Truyền thống dòng họ
Học hành: Thời phong kiến, có 2 cụ: Phạm Tuyền (Phạm Công Tình Trai) đỗ cử nhân năm Bính Ngọ (1846), Đỗ Phó bảng khóa Kỷ Dậu (1949) và làm quan Ngự sử trong triều. Cụ Phạm Thư Đạo đầu thế kỷ 20 được cử làm Kỳ tả tướng quân. Thời kháng chiến, có cụ Phạm Hiểu là người học rộng, đã đứng ra làm hương sư, lập trường dạy chữ quốc ngữ ở xã. Nay có 3 người có bằng tiến sỹ, phó giáo sư.
Cách mạng: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người trong họ đã đấu tranh chống lại chính quyền tay sai (cụ Phạm Đình Lượt, Phạm Kha); Đi tiên phong thành lập nhóm Việt Minh đầu tiên (cụ Phạm Tuần, Phạm Văn Ngôn); Sớm giác ngộ, gia nhập tổ chức Đảng từ ngày đầu lập chi bộ và trực tiếp lãnh đạo chi bộ (các ông Phạm Văn Tuần, Phạm Văn Ngôn, Phạm Văn Dẫn, Phạm Văn Cư (từ năm 1946-1952); Là nòng cốt của tổ chức dân quân du kích xã trong kháng chiến chống Pháp (Xã đội trưởng Phạm Văn Kết (19 năm liền) đã phát triển lực lượng và chỉ huy đội dân quân du kích xã bám trụ giữ làng, sáng tạo xây dựng “Làng kháng chiến”: đào hệ thống địa đạo dài hơn 11 km dưới lòng đất nối liền 4 thôn, hệ thống thành lũy cao và hào sâu quanh các làng, 2 680 hố tác chiến, 465 hầm bí mật và nhiều hầm chông, cạm bẫy.
Hàng trăm con em trong họ đã tòng quân đánh giặc, nhiều người được phong hàm cấp tá. 52 người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc: 24 liệt sỹ chống Pháp, 24 liệt sỹ chống Mỹ và 4 liệt sỹ chống chiến tranh biên giới; mẹ Phạm Thị Quy (có 3 con là liệt sỹ chống Pháp) được phong Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Xây dựng quê hương đất nước: Đảng bộ và Ủy ban xã các khóa luôn có người họ Phạm tham gia cấp ủy và chính quyền, trung bình là 3-5 ủy viên, có khóa tới 7-8 ủy viên. Từ khóa 8 (1966-1967) đến khóa 28 (2011-2012), có 4 người họ Phạm là Bí thư Đảng ủy xã (7 khóa), 1 người là chủ tịch xã (1 khóa). Nhiều người là lãnh đạo Huyện và Thành phố như cụ Phạm Dẫn 17 năm làm Bí thư Huyện ủy Đông Anh, từng là Thành ủy viên, Đại biểu Quốc Hội; cụ Phạm Giáp từng là Phó Bí thư, Chủ tịch Huyện Đông Anh. Dòng họ có nhiều đóng góp xứng đáng với Danh hiệu xã Anh hùng của Thủ đô.
Hoạt động trong tổ chức Họ Phạm Việt Nam: Hội đồng Gia tộc biết và tham gia hoạt động của tổ chức họ Phạm Việt Nam từ năm 2005. Hàng năm HĐGT đều tổ chức cho tộc viên tham gia các hoạt động do HĐHP Tp Hà Nội và của HĐTQHPVN tổ chức. Hiện nay dòng họ có một số tộc viên đang tham gia hoạt động ở Hội đồng họ Phạm các cấp:
– 1 tộc viên là ủy viên thường trực HĐTQHPVN, làm Tổng Biên tập website hophamvietnam.
– Ông Trưởng họ – Chủ tịch Hội đồng Gia tộc là UVHĐHP Tp Hà Nội, làm Chủ tịch Hội Đồng họ Phạm Huyện Đông Anh.
– 1 tộc viên làm Chủ tịch, 1 tộc viên làm Phó chủ tịch HĐHP huyện Mê Linh.
– 1 tộc viên là ủy viên HĐHP tỉnh Bắc Giang, phó Chủ tịch HĐHP huyện Yên Dũng.
***
Qua bài viết này, Hội đồng Gia tộc họ Phạm Đông Đồ rất mong bà con họ ta ở các nơi có thông tin liên quan đến các cụ Tổ của dòng họ và hậu duệ của chi Kỷ và chi Tân thì báo giúp để tìm hiểu kết nối. Mọi thông tin xin báo cho Tổng Biên tập website hophamvietnam, E-Mail: phạmtc45@gmail.com.
Phạm Thế Chiến
Hậu duệ đời thứ 15, chi Mậu

Các bài viết khác :