Họ Phạm Thanh Thủy Thượng tổ chức lễ tạ và kỵ bà Thái phi Phạm Thị Ngọc Chân

Người đăng: phoipha, Ngày đăng: 21-12-2015, 178938 Views

Ở Thừa Thiên Huế có “Họ có hai nhà thờ”. Đó là Họ Phạm Bá làng Thanh Thủy Thượng. Nhà thờ họ ở mặt tiền QL 1A, thuộc phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy; và nhà thờ Bà Thái phi Phạm Thị Ngọc Chân tại làng Thanh Thủy Chánh, phường Thủy Thanh.

Lễ tạ và kỵ bà Thái phi Phạm Thị Ngọc Chân

Lễ tạ và kỵ bà Thái phi Phạm Thị Ngọc Chân

Nhà thờ Bà Phạm Thị Ngọc Chân được xây dựng vào năm 1675; trùng tu lần thứ nhất vào năm 1705; trùng tu lần 2 năm 1926-1927; trùng tu lần 3  năm 2000.

Năm 2014 con cháu nội ngoại góp công đức tiếp tục xây dựng các công trình: tường bao, nghi môn, bình phong, lư hương, dựng bia.

Lễ tạ công trình trùng tu được tổ chức đồng thời với lễ kỵ Bà thường niên, nhằm ngày mồng Tám tháng Chạp năm Giáp Ngọ (27-1-2015). HĐTQ Họ Phạm VN và HĐHP Thừa Thiên Huế đã về dự lễ tạ và dâng hương tưởng niệm bà Thái phi.

Nhân dịp này HPMT xin được giới thiệu tiểu sử và công đức của Bà.

Bà là trưởng nữ của Ngài Phạm Bá Tùng, Thuỷ tổ họ Phạm Bá làng Thanh Thủy Thượng. Bà sinh năm 1454. Năm 1471, lúc vừa 18 tuổi, được tiến cung vua Lê Thánh Tông.Theo gia phả soạn vào năm 1789, bà Ngọc Chân được phong Hồng Quận phu nhân, tiền triều Chánh cung Hoàng Thái phi.Tuy nhiên, theo Hoàng Lê Ngọc Phổ thì vua Lê Thánh Tông chỉ có hai Hoàng hậu, có danh tánh và quê quán rõ ràng. Có thể bà Ngọc Chân được tuyển làm phi tần nên ngọc phả không thể chép hết. Sau khi vua Lê Thánh Tông qua đời bà Ngọc Chân vẫn sống trong cấm cung. Thời loạn Mạc Đăng Dung bà xin vua Lê cho được hồi tôn, về sống ở cố hương, giữa lòng kính trọng, ngưỡng mộ của nhân dân làng Thanh Toàn. Ba năm sau, vào ngày mồng 9 tháng Chạp năm Ất Dậu – 1525, bà Phạm Thị Ngọc Chân mất tại làng Thanh Toàn. Họ Phạm làng Thanh Thủy Thượng thờ tự và chăm sóc mộ phần; lễ giỗ bà hàng năm được tổ chức vào hai ngày mồng 8 và 9 tháng Chạp tại nhà thờ bà ở tiền làng Thanh Thủy Chánh.

Nội tẩm nhà thờ bà Phạm Thị Ngọc Chân

Nội tẩm nhà thờ bà Phạm Thị Ngọc Chân

Nội tẩm nhà thờ bà Phạm Thị Ngọc Chân

Nội tẩm nhà thờ bà Phạm Thị Ngọc Chân

Trước khi được tiến cung gia sản bà Ngọc Chân quản lý đã có đến 65 mẫu ruộng tại Cồn Má. Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên chấp chính Đàng Trong, chúa ban cấp 8 sào ở tiền làng để lập nhà thờ bà; cấp 3 mẫu tự điền ở Cồn Má để làng và họ phụng thờ bà; mộ phần của của bà được táng tại đây. Vì thế xứ ruộng này về sau có tên gọi là xứ Mộ Cung (mộ bà cung phi), vùng đất nằm giữa hai làng Thanh Thủy Chánh và Thanh Thủy Thượng. Do sự kính trọng và ngưỡng mộ bà Ngọc Chân mà có một số huyền thoại, truyền thuyết, cho đến ngày nay vẫn còn lưu truyền trong người dân làng Thanh Thủy Chánh và Thanh Thủy Thượng. Ví dụ như huyền thoại kể rằng: Bà là công chúa nhà trời, mỗi lần bà đi hái rau trên bầu trời đều có đám mây ngũ sắc che phủ đầu bà…

Năm Khải Định thứ 2 (1917) bà được ban đạo sắc phong Thuận Uyển Dực bảo trung hưng linh phò Tôn thần. Năm Khải Định thứ 9 (1924), nhân Tứ tuần đại khánh tiết, nhà vua gia tặng bà danh hiệu Trai Tĩnh Trung đẳng Thần.

Đạo sắc phong Thuận Uyển Dực bảo trung hưng linh phò Tôn thần

Đạo sắc phong Thuận Uyển Dực bảo trung hưng linh phò Tôn thần

Giáp Thượng, xã Thanh Thủy, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên.

Phụng thờ thần Hoàng thái phi Phạm Thị Ngọc Chân, Hồng quận phu nhân, phò nước giúp dân lâu nay linh ứng.

Cho nên, nay theo mệnh lớn nhớ ơn thần che chở nên phong là thần Thuận uyển, Dực bảo, Trung hưng.

Được chuẩn thuận theo cũ mà phụng thờ thần để được phò hộ dân đen ta.

Hãy tuân theo.

Khải Định năm thứ 2 (1917) tháng 3 ngày 18 âm lịch.

Ngày nay, trên mảnh đất nguyên thủy là 8 sào linh do triều đình ban cấp, mặc dù quy mô đã thu hẹp, nhưng nhà thờ cẫn còn giữ những dòng văn tự lưu dấu tích về Bà. Ở Tiền đường có tấm biển Thái Phi tự (nhà thờ Bà Thái phi) và đôi câu đối:

Thủy tú sơn cao nguyên hiện xuất

Thanh phong minh nguyệt tự Bồng lai

(Nước biếc non cao nguyên xuất hiện

Trăng thanh gió mát tự Bồng lai)

 

Bạch ngọc giai tiền liên cửu phẩm

Hồng quang cung thượng nguyệt tam thu

(Trước thềm bạch ngọc, sen chín phẩm

Trên cõi Hồng quang, nguyệt ba thu)

Cặp câu đối ngợi ca cốt cách thanh cao của Bà, thể hiện giữa một quê hương tươi đẹp, phảng phất không khí lung linh của huyền thoại.

Trong nội tẩm có bức hoành phi đề 3 chữ “Nữ Trung Anh” (Đóa hoa đẹp nhất trong giới nữ lưu), và cặp liễn đối:

Chánh niệm ôn lương thiên thu bỉnh kiến

Trung trinh nghĩa liệt chung cổ ân văn

(Chánh niệm ôn hòa, lương thiện nghìn thu vẫn thấy

Trung trinh nghĩa liệt, ơn đức xưa sau còn nghe)

Lời ca ngợi phẩm chất thiện lương, tính cách trung trinh tiết liệt và ơn đức của một con người nữ lưu danh tiếng của quê hương.

Bài và ảnh: Phạm Hữu Thanh Tùng

Một số hình ảnh tại lễ Kỵ bà Phạm Thị Ngọc Chân

Các bài viết khác :