MẸ ĐỐP

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 15-06-2016, 15474 Views

ThLan

“MẸ ĐỐP”

(Viết về chị Phạm Thúy Lan, nguyên PCT phụ trách Ban TT-TL kiêm TBT Bản tin nội tộc)

 

Ngày xưa phương tiện truyền thông như điện thoại, loa truyền thanh đâu có, nên vai trò của “Mẹ Đốp” cực kì quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng của làng xã. Vai trò của “Mẹ Đốp” “quan trọng” không kém gì lý trưởng hoặc trưởng thôn, thậm chí còn quan trọng hơn nữa kia! Vì “Mẹ Đốp” còn chưa trải chiếu trên sân đình thì các bô lão trong làng cũng chẳng có chỗ ngồi để bàn việc làng việc nước; rồi họp bàn xong “Mẹ Đốp” không đi rao thì dân chúng cũng chẳng biết các quan viên trong làng ra những lệnh gì để thực hiện! Cứ nghĩ đến hình tượng ấy so với những gì chị Lan đã làm tôi liền mạo muội đặt cho chị cái biệt danh “Mẹ Đốp”. Lúc đầu một số người phản đối, bảo như vậy là thiếu tôn trọng chị Lan. Còn đa số thấy tên đó vừa ngộ lại vừa có ý nghĩa. Khi tôi giải thích thì số không tán thành trước kia cũng gật gù về cái hàm ý của cái tên ấy. Nhân dịp Bản tin nội tộc kỷ niệm 10 năm thành lập và ra được 40 số, tôi đã làm bài thơ “Mẹ Đốp” tặng chị, được cả mấy chục thi hữu hoạ thành một chùm thơ nói lên khá đầy đủ sự đóng góp cũng như bản chất của chị Lan. Bài thơ ấy như sau:

 

“MẸ ĐỐP”

“Mẹ Đốp” cái tên thật quá hay

Đúng là công bộc của thời nay

Trưởng ban biên tập lo năm tháng

Đầu mối thông tin bận tối ngày

Nội trợ gia đình hơi chểnh mảng

Việc công họ Phạm quá hăng say

Khen ai khéo đặt cho tên ấy

Khẳng định công lao chị bấy nay(1).

 

“Mẹ Đốp” Phạm Thị Thuý Lan sinh ra ở một vùng quê tỉnh Nam Định, ấy là thôn Hoàng, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản trong một gia đình gia giáo có nề nếp, gia phong khắt khe nhiều đời. Thân phụ của chị là ông giáo, rồi theo kháng chiến chuyên về tuyên truyền, sau chuyên nghiên cứu về văn học nghệ thuật, giao thiệp rộng. Thân mẫu của chị là một phụ nữ xuất thân trong gia đình Nho học, lại được tiếp xúc nhiều với “khách văn” của chồng nên hiểu biết, đảm đang, giàu lòng nhân ái. Cũng như các anh chị em trong nhà, chị được bố mẹ cho đi học đến nơi đến chốn và luôn học giỏi có tiếng ở vùng; có thời điểm (năm 1957-1958) ba chị em ruột cùng học Trường Phổ thông cấp II (lúc đó 3 huyện mới có 1 trường cấp II, trường Cấp II thời đó là cao lắm) được cả huyện ngưỡng mộ. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp năm 1966, chị được phân về Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Nông thôn (nay là NXB Nông nghiệp) bởi có tiếng là văn hay chữ tốt và “mọt sách” từ nhỏ. Sau đấy chị tự thu xếp vừa làm việc vừa học tại chức Đại học Kinh tế quốc dân và được bổ túc nghiệp vụ báo chí trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Với nghề biên tập, chị đã đi tìm hiểu thực tế nông nghiệp hầu khắp miền Bắc và sau giải phóng lại đi hầu khắp các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên, tổ chức biên soạn và biên tập hàng trăm đầu sách phục vụ nông nghiệp. Năm 2000 nghỉ hưu với chức danh Trưởng ban Biên tập NXB Nông nghiệp, cũng bởi có nghề biên tập và được tiếng “đầu như tự điển” chị được mời về Viện nghiên cứu và phổ biến Kiến thức Bách khoa để làm bộ sách “Kiến thức bách khoa” với hơn một trăm đầu sách khoa học các ngành; rồi khi Hà Nội chuẩn bị Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, người ta lại giao cho chị làm Trưởng phòng Biên tập để tổ chức biên soạn và biên tập bộ sách Bách khoa thư Hà Nội gồm 17 tập với hơn 5.000 trang in khổ A4 cho UBND Tp. Hà Nội.

Mặc dù là con gái đã xuất giá, nhưng sốt ruột vì gia phả của họ mình bị cháy khi thực dân Pháp đốt làng năm 1949 nay không còn tài liệu gì để dựng lại gia phả, bố chị thì vừa bắt đầu viết gia phả lại bị tai biến mạch não rồi bị liệt luôn đến khi từ trần năm 1990, suốt từ năm 1995 chị mò mẫm tìm thông tin để viết gia phả của họ mình, đến tận năm 2005 cũng đã xong được phần cơ bản.

Chị Lan tham gia Ban liên lạc dòng họ Phạm – Phạm Xá (nay là dòng họ Phạm Đạo Soạn) từ năm 2001, chị có nhiều đóng góp cho hoạt động của dòng họ này, đặc biệt là công tác khuyến học, rồi trở thành Phó Chủ tịch của Hội đồng dòng họ Phạm Đạo Soạn. Ông Phạm Minh Liêm, Chủ tịch HĐ dòng họ Phạm Đạo Soạn đã giới thiệu chị vào Ban Biên tập Bản tin Nội tộc Thông tin Họ Phạm Việt Nam vì biết khả năng viết lách của chi  (nhưng vẫn giữ chị là PCT HĐ Dòng họ Phạm Đạo Soạn phụ trách Khuyến học).

Khi Ban TT-TL Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ VI, anh Phạm Thế Chiến TBT trang web, anh Phạm Văn Hồng – Phó Ban TT-TL nói rằng: “Chị Lan là người đầu tiên không chỉ của Ban TT-TL mà cả ở TTr xứng đáng được vinh danh”. Trong cuộc họp Thường trực mở rộng khóa VI lần cuối (ngày 23/07/2015 tại nhà anh Phạm Thiện Căn) để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu HĐTQ họ Phạm nhiệm kỳ VII, khi bàn đến danh sách vinh danh những người có nhiều đóng góp cho việc họ, anh Phạm Văn Dương đã có ý kiến “Vinh danh lần này chị Lan phải là số 1”, mọi người trong cuộc họp đều tán thành ý kiến ấy, nhất là anh Phạm Quang Hoàn nay là PCT Thường trực HĐTQ HP VN khóa VII.

Bài viết này tôi chỉ xin nêu lên một số đóng góp chính của chị.

Đầu tiên phải kể đến công lao chị đóng góp cho Bản tin nội tộc – chị là linh hồn của bản tin “Thông tin họ Phạm Việt Nam”. Sau khi nhận chức Tổng biên tập bản tin thay anh Phạm Cầu năm 2010 chị đã bỏ nhiều công sức không kể ngày đêm cho Bản tin. Chị đã đi dự rất nhiều cuộc họp của các cấp HĐHP tất cả các tỉnh thành phố, các huyện thị, các xã, các HĐGT các dòng họ không kể gần xa, vừa là đại diện cho Hội đồng vừa kết hợp lấy tin bài. Xin nhớ rằng việc đi địa phương như vậy không những tốn rất nhiều sức lực, thời gian mà còn tốn tiền nữa, nguồn thu của Bản tin không đủ nên những người làmphải tự bỏ tiền nhà ra. Nhiều trường hợp chị đã liên hệ qua điện thoại đến các nơi để nắm tình hình rồi viết thành bài. Những bài viết của chị rất chất lượng nhờ chị có “nghiệp vụ báo chí”. Chính sự chịu khó thu thập tin tức viết bài của chị giúp mọi hoạt động họ Phạm ở các địa phương đều được đăng tải trong Bản tin và trên Trang web. Các bạn đọc nhất là ở các địa phương – những nơi được giới thiệu trong Bản tin và trang web đều rất tự hào, thường gọi điện đến cám ơn chị. Rất vui là, do chị thường xuyên có quan hệ qua lại với các địa phương, thư từ nhiều, nên Bưu điện thuộc cả địa chỉ của chị, có nhiều thư (kể cả thư chuyển tiền) ghi sai địa chỉ nhưng có tên chị, hoặc ghi nhầm tên người nhận mà chỉ cần có chữ Tổng biên tập Thông tin họ Phạm Việt Nam là thế nào cũng tới tay chị.

Làm bản tin bài vở là quan trọng nhất, nhưng những vấn đề khác còn khó khăn phức tạp hơn đó là việc in ấn và phát hành. Trong đó khâu theo dõi bạn đọc rất phức tạp vì có nhiều người đóng tiền luôn cả mấy năm liền nên phải theo dõi đến khi hết phải thông báo cho họ; rồi bạn đọc trong họ phần lớn là cao tuổi nhớ nhớ quên quên nhiều khi không thu được tiền. Những khi đi nhận tiền cũng thật là vất vả, có những hôm mưa to, gió lớn hoặc nắng gắt khi nhận được giấy báo của Bưu điện đều phải tức tốc đi nhận ngay. Riêng tiền xe ôm đi nhận tuy mỗi lần không nhiều nhưng gộp lại cũng là một khoản đáng kể! Rồi gửi đi mà bạn đọc không nhận được, họ lại gọi cho chị, chị lại phải gửi bù thì những khoản ấy cũng không tính vào đâu được. Rất may là có nhiều bạn đọc ủng hộ Bản tin nên có thể bù được những thất thoát ấy. Đáng quý là bà con ở nông thôn tuy nghèo nhưng vẫn ủng hộ tuy chỉ một, hai chục ngàn.

Từ khi chị nhận làm Bản tin thì nội dung cũng như hình thức ngày càng được cải tiến. Nổi bật nhất là thông tin phong phú, bìa đã được in 4 màu, có rất nhiều ảnh màu minh hoạ, bài viết nào cũng có ảnh, vừa sinh động, đẹp mắt vừa tăng thêm thông tin, được bà con hoan nghênh.

Việc thứ hai: Trong Thường trực chị là người đi địa phương dự các cuộc gặp mặt, hội nghị, lễ khuyến học khuyến tài nhiều nhất. Có khi chỉ là Hội đồng cấp xã, cấp huyện thị, thậm chỉ là chỉ của một hội đồng gia tộc, nhiều khi đi rất xa mà chị chỉ đi một mình. Chị đến nhiều nơi có thể nói khắp các tỉnh miền Bắc: Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Hoà Bình, Bắc Ninh, Hà Giang, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Quảng Bình… ra cả đảo Lý Sơn từ khi còn rất ít người ra đảo này và chưa ai trong Ban liên lạc họ Phạm biết về đảo này, và đặc biệt chuyến vào Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam vừa qua để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho bà con ở những nơi chị đến. Chị còn luôn chịu khó tìm gặp các vị ở các địa phương xa có công việc ra Hà Nội như Cà Mau, Lý Sơn, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Định,… để thăm hỏi, giữ mối quan hệ đồng tộc thân thiết, đồng thời nắm tình hình ở các địa phương. Bởi vậy chị được các địa phương và nhất là các bạn đọc của Bản tin yêu mến.

Việc thứ ba vừa là ưu điểm cũng vừa là khuyết điểm là chị luôn “bao sân” cho các Ban chuyên trách khác, cho nên chúng tôi vẫn gọi đùa chị “là ủy viên dự khuyết của mọi Ban”. Ví dụ cho Ban văn hoá xã hội: những lần vinh danh thì quan trọng nhất là phải tìm được danh sách và địa chỉ các vị được vinh danh, danh sách và địa chỉ của các cháu được khen thưởng, hai công việc mất rất nhiều thời gian và sức lực. Lần nào cũng vậy chị là người tìm được nhiều địa chỉ nhất, mời được nhiều người nhất. Sau vinh danh còn phải lọ mọ đi trao bằng vinh danh cho các vị không đến dự, trao giải thưởng khuyến học cho các cháu vắng mặt rất vất vả. Chị “bao sân” cho Ban lễ tân, những cuộc đi hành hương hoặc dự các cuộc hội nghị của địa phương chị cũng là người lo tổ chức đoàn đi, ứng tiền túi lo sắm lễ rồi lại kĩu kịt mang theo. Chị lúc nào cũng tay ôm tay xách nào là lễ, nào là Bản tin sách vở để làm quà tặng địa phương. Ở những cuộc gặp mặt lớn cũng vậy, chị cũng lễ mễ mang sách đi bán, không hết lại lếch thếch mang về. Nhà chị là căn hộ tập thể cũ kĩ chật ních thế mà cũng thành cái “kho  sách” của Hội đồng. Cuộc họp nào chị cũng đi trước về sau nhưng có ai biết đó là đâu! Chị là người duy nhất trong Thường trực chưa hề vắng mặt trong bất kì cuộc họp nào. Bà con ở các tỉnh thành xa về muốn đến Phạm tổ linh từ dâng hương cũng gọi đến chị. Chị lại phải đích thân đưa vào Đình Ngoại hoặc chỉ đường rất tỉ mỉ cho bà con. Chị lại còn tích cực đi vận động tài trợ cho Quỹ tấm lòng vàng của HĐ, ví như cuộc đi vận động ở tận xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, Nam Định hay ở Đa Hội, TX Từ Sơn, Bắc Ninh – đi năm lần bảy lượt, chi phí thì mình chịu còn tiền vận động được thì nộp cho Quỹ Hội đồng.

Một đóng góp rất quan trọng nữa của chị là đầu mối, là trung tâm liên lạc với các hội đồng địa phương. Các anh ấy thường chỉ gọi đến cho chị. Họ tâm sự với chị về những khó khăn vất vả khi làm việc họ ở địa phương, thậm chí cả những tâm sự riêng tư, họ còn xin ý kiến “chỉ đạo” bởi chị rất quan tâm đến đời sống của bà con, trở thành như người nhà của bà con trong họ cả nước. Chính vì thế chị nắm rất vững tình hình các địa phương, cho nên trong công tác tổ chức cán bộ chị đề xuất những người tham gia việc họ, những người được vinh danh, ghi công vì việc họ, mừng thọ đều rất chuẩn xác. Với các cuộc họp mặt lớn, các lễ Giỗ Tổ chị mới là người nắm được cụ thể số người các địa phương đến dự để báo số lượng cho Ban lễ tân đặt mâm. Chính vì thế tháng nào cước điện thoại của chị đều trên dưới một triệu đồng mà không biết thanh toán với ai?!

Chị rất có công trong việc biên soạn, tổ chức in ấn 2 tập sách quan trọng của Hội đồng “Họ Phạm trong cộng đông dân Viêt” từ khâu cung cấp tư liệu, biên soạn, biên tập rồi mi trang, trình bày, đến in ấn và phát hành. Việc in ấn 2 cuốn sách đó chị tự xoay xở vốn không phải lấy vào tiền quỹ của HĐ và không những không bị lỗ như mọi người tưởng mà lại còn có lãi nộp quỹ, thật là một kì tích! Ngoài ra chị còn đảm nhận khâu in ấn các tài liệu cho các cuộc hội nghị, đây là chức năng của văn phòng, nhưng văn phòng không lo được chị lại phải “ôm”, những việc này tốn rất nhiều thời gian và công sức, ví dụ in mấy chục bằng vinh danh chị phải cùng cơ sở in in cho từng người, giấy mời và các thứ giấy tờ lặt vặt phục vụ hội nghị có hôm đến nửa đêm mới xong.

Chị còn là một trong những người sáng lập CLB thơ Đường luật Phạm Đạo Phú, chị có công rất lớn trong việc xuất bản ba tập thơ của CLB: 300 bài thơ Đường luật, Thơ tình họ Phạm Thế sự. Và trong các tập thơ ấy, chị là một trong những người có nhiều bài nhất.

Chị còn là người rất có công trong việc vận động thành lập CLB tuổi trẻ họ Phạm Việt Nam, là người đầu tiên nhen nhóm việc tập họp các cháu, luôn luôn theo dõi sát sao mọi hoạt động của CLB Tuổi trẻ. Được các bạn trẻ rất quý mến, tại cuộc họp mặt lớn nào của dòng họ cũng như các cuộc sinh hoạt của CLB, các bạn trẻ cũng xúm xít chung quanh và tranh nhau chụp ảnh lưu niệm với “cô Lan”, “bác Lan”.

Đúng là chị là con người tận tụy với công việc, chu đáo với mọi người, kính già yêu trẻ, ai cũng yêu mến.

Thông thường nữ nhi khi đã lấy chồng thì phải chăm chút cho nhà chồng, làm các việc họ của nhà chồng, đằng này là nữ mà lại bỏ công sức ra lo cho dòng họ của mình (tất nhiên vẫn phải hoàn thành trách nhiệm với nhà chồng) có lẽ là một trường hợp hãn hữu có một không hai.

Trước khi dừng bút, tôi lại nhớ đến ý kiến anh Dương, anh Chiến, anh Hồng rằng chị Lan phải là người được vinh danh đầu tiên – Đúng thế, vì suốt những năm qua chị đã quên ăn quên ngủ lo việc họ từ những việc nhỏ như in ấn tài liệu đến những việc lớn như đầu mối thông tin, đóng góp vào công tác tổ chức cán bộ của Hội đồng. Và xin kết thúc bằng bài thơ của anh Phạm Văn Dương họa bài “Mẹ Đốp” của tôi:

Đầy tớ nhân dân ai có hay

Vác tù và tổng của thời nay

Thông tin đi đến từng thời khắc

Bài vở lại qua suốt cả ngày

Bếp núc, áo cơm hơi đại khái

Văn thơ, nghiên bút quá mê say

Thức khuya, dậy sớm vì dòng họ

Danh hiệu tuyên dương xứng đáng thay.

 

Tp. HCM, 25/09/2015

Các bài viết khác :