NGƯỜI PHÁT HÀNH
Sau một đợt rét đậm, rét hại trời Hà Nội sáng nay hửng nắng, cây cối hai bên đường như tươi hẳn lên. Tôi đến thăm bác Phạm Xuân Giá, người đã được vinh danh trong buổi Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập BLL họ Phạm Việt Nam (23/10/2011) vì đã có nhiều công lao đóng góp cho hoạt động dòng họ (hôm đó bác không đến nhận bằng vinh danh được vì tuổi cao lại vừa bị tai biến mạch máu não, vận động rất khó khăn). Tôi với bác cùng công tác trong ngành Bưu điện nên đã quen biết nhau khá lâu, vì vậy cuộc trò chuyện của chúng tôi vừa mang tính đồng tộc lại vừa có cả tính đồng nghiệp nên càng thân tình hơn. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện.
Cả cuộc đời gắn bó với ngành Bưu điện
Bác Giá sinh năm 1932, năm nay đã 81 tuổi. Bác sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Vũ Hoà, xã Lịch Bài, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Bố mẹ mất sớm để lại bốn anh em trai côi cút. Bác phải đi làm con nuôi cho một gia đình ở quê. Năm mới 15 tuổi bác đã xin vào ngành Bưu điện làm bưu tá chuyên đi phát thư, phát báo kiêm chân giao thông viên đi khắp huyện phát công điện. Khi Pháp đánh chiếm Thái Bình bác không làm giao thông viên nữa mà ở lại làm trong văn phòng của Bưu điện huyện, rồi lên Bưu điện tỉnh.
Hoà bình lập lại bác được cử đi học Trường Ngoại ngữ khoa Trung – Nga. Năm 1958, sau khi tốt nghiệp bác được về Tổng cục Bưu điện làm ở Vụ Liên lạc quốc tế với chức danh phiên dịch viên tiếng Hoa. Sau đó bác chuyển sang Vụ Tổ chức cán bộ chuyên trách quân sự. Trong thời gian chống Mỹ cứu nước bác ở trong Ban chỉ huy của Tiểu đoàn tự vệ do bác Vũ Văn Quý, quyền Tổng cục trưởng làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn tự vệ của ngành Bưu điện cũng trực chiến, đào hầm, bảo vệ cơ quan, tham gia bắn máy bay Mỹ xâm nhập bầu trời Hà Nội,… như hầu hết lực lượng Tự vệ của Thủ đô lúc ấy để chống lại chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Năm 1978 bác được điều sang làm Trưởng phòng Hành chính quản trị của Tổng cục Bưu điện. Rồi bác chuyển sang Ban Thanh tra của Tổng cục. Trước khi nghỉ hưu bác làm Chủ tịch Công đoàn khối cơ quan của Tổng cục Bưu điện và sau đấy là khối cơ quan Bộ Bưu chính Viễn thông.
Hậu duệ của Danh tướng Phạm Ngũ Lão
Tôi được biết cuốn Tộc phả của dòng họ bác có tới 25, 26 đời tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ là một trong những dòng họ có kết nối xa xưa nhất. Tôi hỏi bác kinh nghiệm về “công trình” này. Bác rất khiêm tốn nói rằng: Thực ra có lẽ là sự may mắn nhiều hơn vì dòng họ bác có một cuốn gia phả rất cũ đã nát mất nhiều trang hoặc ố vàng không rõ ràng nữa. May mà bác có chút lưng vốn tiếng Trung Quốc nên đã cặm cụi nghiên cứu dịch cuốn gia phả ấy ra. Trong gia phả đã ghi rõ cụ tổ của nhà bác là cháu 5 đời của Phạm Ngũ Lão. Cụ Phạm Ngũ Lão sinh ra cụ Phạm Đắc Vị, cụ Vị lại sinh ra cụ Phạm Đắc Danh. Cụ Danh đưa gia đình về lấn biển khai hoang lập ấp ở Thái Bình, sinh ra được năm anh em trai. Cụ Tổ nhà bác là một trong năm anh em ấy.
Bác triệu tập các vị thuộc năm chi trên đề nghị họ xây dựng gia phả của chi họ. Bác đã chuẩn bị sẵn các mẫu biểu như trong các sách hướng dẫn viết gia phả để các chi thu thập thông tin rồi gửi về chỗ bác. Bác lại mất thời gian hàng năm trời để hiệu chỉnh các thông tin cho chính xác. Sau khi đã có được kết quả tổng kết liền triệu tập bà con đến để “thông qua”, rồi lại về cùng các trưởng chi bổ sung những thông tin mới và sửa đổi những số liệu chưa chính xác. Bác lại làm nhiệm vụ tổng hợp và lại mời cả đại gia tộc đến “thông qua”. Bác đã vẽ thành một “Phả đồ” lớn treo trang trọng nơi thờ cúng Tổ tiên. Phải mất đến gần 2 năm vất vả không những chỉ riêng mình bác mà còn các chi khác cũng như toàn thể bà con dòng họ, đến mãi năm 1995 mới có được cuốn gia phả với 25, 26 đời như hiện nay.
Bác vướng víu với cây nạng “4 chân” lần từng bậc cầu thang đưa tôi lên gian thờ mãi trên tầng 5 của ngôi nhà để tận mắt thấy thành quả của cả gia tộc bác. Bác rất tự hào về việc này, bác gọi đứa cháu ngoại gỡ tấm “Phả đồ” ấy xuống cho tôi chụp hình (xem hình trong bài). Tôi vừa bấm máy vừa nghĩ: thật phải là người hết sức tâm huyết với dòng họ mới có thể bỏ nhiều công sức đến thế nhằm hoàn chỉnh cuốn Gia phả nhiều đời để lại cho con cháu mai sau một “bảo bối” vô giá như thế này!
Người “phát hành” tư liệu dòng họ tận tuỵ
Bác Giá tham gia hoạt động dòng họ rất sớm, từ tháng 2 năm 1999, nghĩa là từ Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam khóa I, ngay khi BLL được thành lập 4 tháng, trong “Tiểu ban” Thông tin tư liệu. Bác tâm sự: Trong Tiểu ban này có rất nhiều vị tâm huyết như Thạc sĩ Sử học Phạm Huy Khánh, PGS.TS. Phạm Hồng, nguyên Tổng thư ký BLL họ Phạm Việt Nam khóa III. Các bác ấy đã viết nhiều sách và tài liệu dòng họ Phạm ta. Tôi chỉ làm nghiệm vụ in ấn và “bán” các tài liệu sách vở ấy ở các cuộc họp mặt họ Phạm toàn quốc cũng như ai đến mua tại nhà riêng. Công việc này tưởng là đơn giản mà cũng khá phức tạp vì tình trạng thất thoát tài liệu khá phổ biến, vì vậy gọi là bán nhưng thực ra chỉ là thu lại tiền photocopy thôi mà cũng khó khăn.
Bác tâm sự: “Việc này tuy bận rộn nhưng cũng thú vị, nhất là khi gặp bà con họ Phạm ta ở nước ngoài về tìm đến tận nhà để mua tài liệu (trong đó có nhạc sĩ Phạm Duy), họ rất trân trọng những tài liệu ấy và cám ơn BLL và các tác giả các cuốn sách và tài liệu về dòng họ. Những lúc ấy tôi thấy hả lòng hả dạ”.
Tôi trộm nghĩ công việc của bác có vẻ như rất đơn giản nhưng lại có ý nghĩa rất lớn vì giúp được nhiều bà con dòng họ ta tìm hiểu về cội nguồn mà đó chính là một trong những tôn chỉ mục đích quan trọng của hoạt động dòng họ. Bác xứng đáng có được một danh hiệu “Người truyền bá dòng họ” tích cực nhất.
Tôi hỏi bác: “Anh thấy thế nào về những hoạt động của dòng họ ta hiện nay?”. Bác vui vẻ trả lời: “Tôi rất phấn khởi vì các hoạt động của các anh trong thời gian qua: Việc chấn chỉnh lại tổ chức, thay Ban liên lạc họ Phạm thành Hội đồng họ Phạm có 5 cấp trên toàn quốc là rất tốt, biểu hiện sự tiến bộ về chất của hoạt động dòng họ. Tôi rất khâm phục các anh ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức được Đêm nhạc họ Phạm “Mọi trái tim – một tấm lòng” gây được nhiều tiếng vang trong và ngoài nước và rất nhiều các hoạt động đầy ý nghĩa khác. Tôi tin rằng với Ban lãnh đạo hiện nay gồm những người vừa tâm huyết vừa có trình độ hoạt động dòng họ ta sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn”.
Tiễn tôi ra về bác còn lần từng bậc cầu thang xuống tầng để hai anh em cùng chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm. Bác còn nói thêm: “Giá mà tôi không bị tai biến, chân cẳng không thế này để cùng các anh tham gia các hoạt động của dòng họ như ngày xưa thì vui biết mấy”.
Khi ra về, ngồi trên ô tô buýt tôi cứ nghĩ miên man: giá mà trong dòng họ ta ai cũng tận tụy hết lòng như bác Giá, cùng nhau gánh vác việc họ dù chỉ là những việc rất bình thường như “bán” tài liệu về dòng họ thì hoạt động dòng họ của chúng ta sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa!
Hà Nội, 24 /02/2012