Nhân 109 năm ngày mất Nhà thơ Tú Xương (29-01-1907 – 29-01-2016)
NHỚ NHÀ THƠ GÔC HỌ PHẠM: TRẦN TẾ XƯƠNG (1870-1907)
Trần Tế Xương, tự là Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh, tên cha mẹ đặt là Trần Duy Uyên sinh ngày 5-9-1870 (mồng 10 tháng Tám năm Canh Ngọ) tại số nhà 247 phố Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai) thành phố Nam Định, xưa là làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh, trong một gia đình dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần là bởi vào đời Nhà Trần lập công lớn được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Thân sinh của Ông là nhà nho Trần Duy Nhuận. Cụ Nhuận có 9 người con, 6 trai, 3 gái, Ông là con trưởng.
Ông đi học sớm và nổi tiếng thông minh. Nhưng ông lận đận về đường khoa cử: đi thi từ năm 15 tuổi nhưng hỏng hoài, sau 3 lần thi mãi tới năm 24 tuổi (1894) mới đỗ Tú tài, sau đó lại trượt Cử nhân 5 khoa liền. Ông đậu Tú tài nên người đời thường gọi ông là Tú Xương. Năm 1903 ông đổi tên thành Trần Cao Xương nhân khoa thi năm Quý Mão với hy vọng đỡ “đen đủi” trong khoa thi.
Ông cưới vợ rất sớm. Vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Cho nên ông vừa là người gốc họ Phạm, vừa là rể họ Phạm. Bà Phạm Thị Mẫn là người làng nổi tiếng khoa bảng Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, quê hương cụ Lập Trai, Thảo Đường Cư sĩ Phạm Quý Thích, nay là làng Lương Đường, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Gia đình bà Phạm Thị Mẫn đến đời bố mẹ thì dời sang sinh sống ở Nam Định. Ông bà có 8 người con – 6 trai và 2 gái. Bà Tú tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình, mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà quán xuyến. Công việc kiếm sống cho gia đình của bà là buôn bán nhỏ (tiểu thương). Điều đặc biệt là chính bà đã đi vào thi phẩm của chồng như một nhân vật điển hình hấp dẫn.
Đúng năm ông đậu tú tài (1894) thì ngôi nhà số 247 phố Hàng Nâu bị cháy. Cụ Nhuận làm lại xây bằng gạch, nhưng rồi ngôi nhà đó lại bị người khác chiếm đoạt. Khi mất ngôi nhà của ông nội và bố để lại, gia đình ông Tú chuyển đến nhà số 280 cùng phố mà sau này địa phương đã xếp hạng là di tích lưu niệm, ngôi nhà này là do mẹ vợ nhà thơ chia cho con gái.
Trần Tế Xương mất đột ngột ngày Rằm tháng Chạp năm Bính Ngọ (29-01-1907), trong một đêm rét mướt tại quê ngoại, làng Đê Tứ, huyện Mỹ Lộc, nay là Tp Nam Định. Năm đó, nhà thơ mới ba mươi bảy tuổi.
37 năm cuộc đời ngắn ngủi với tám khoa thi đều hỏng, dấu ấn lều chõng cùng với cảnh nghèo vừa là nguồn đề tài phong phú vừa là nỗi đau dằn vặt giúp ông làm nên những vần thơ tuyệt tác để Nguyễn Công Hoan suy tôn là “bậc thần thơ thánh chữ”.
Tú Xương có một công trình văn học khá đồ sộ. Thơ ông là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là gốc. Hiện nay mới chỉ thấy thơchữ Nôm của Trần Tế Xương viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một thi sĩ bậc thầy. Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, bọn rởm đời lố lăng trong buổi giao thời. Bên cạnh đó đề tài người vợ trong thơ của Tú Xương cũng rất được quan tâm và đón nhận. Tú Xương rất trân trọng vợ mình, ông viết về vợ như một sự tri ân. Không chỉ vậy, ông còn hiểu rõ nỗi khổ của những người nông dân và viết về họ với một sự cảm thương chân thành.
Tú Xương có “môn Phái”, “môn đệ”, đó là hiện tượng hiếm trong lịch sử tác gia Việt Nam. Tên của ông là Trần Tế Xương, có lúc đổi thành Trần Cao Xương. Nhưng đây là chữ “xương” với nghĩa “thịnh vượng” (còn có nghĩa là đẹp, thẳng). Sách xưa có chữ “Đức giả xương” (người có đức, thịnh vậy). Không phải là “xương” theo nghĩa “xương thịt”. Nhưng người đời sau, mấy vị chuyên làm thơ trào phúng đã cố tình đùa nghịch và “xuyên tạc”, gắn cho cái nghĩa xương thịt, để rồi tự nguyện suy tôn Tú Xương (thịt) lên bậc tổ sư, còn mình là môn đệ. Và như thế là lịch sử văn học Việt Nam ở thế kỷ 20 bỗng nhiên có một “môn phái” gồm Tú Xương, rồi Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc và thêm “chi phái”: Tú Poanh, Đồ Phồn cũng là dòng tú, cử, đồ với nhau cả. Vinh dự thay cho vị tổ sư Tú Xương!
Tú Xương được đời sau tôn kính và suy tôn. Nhà văn Nga M.E. Saltykov Shchedrin nói: “Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”, Nguyễn Khuyến khóc Tú Xương “Kìa ai chín suối xương không nát / Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn” đã nói lên sự bất tử của thơ văn Trần Tế Xương- con người bước không qua tuổi 37 ấy.
Xuân Diệu xếp Tú Xương thứ 5 sau bốn thi hào dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm. Ðặng Thai Mai khen Tú Xương là “Thầy Tú biết cười”. Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam. Có người đã tôn Tú Xương là “nhà thơ thiên tài”. Còn Xuân Diệu cho sự tồn tại của Tú Xương trong văn chương dân tộc là vĩnh hằng. Nhưng có lẽ, suy tôn ông là “bậc thần thơ thánh chữ” như Nguyễn Công Hoan thì mới xứng đáng với thi tài của một tâm hồn đầy nhân bản, một tấm lòng nghệ sĩ đôn hậu thủy chung nơi ông.
Ngôi mộ Tú Xương nằm khiêm nhường giữa vườn cây bên cạnh hồ Vị Xuyên. Ngày trước còn mộ cỏ, xung quanh đóng mấy cái cọc quây sợi xích sắt, sau này mới xây kiên cố, có dựng bia hẳn hoi. Cả hai mặt bia đều có khắc thơ: Mặt trước là hai câu thơ của Ông, mặt sau là hai câu thơ được cho là của Nguyễn Khuyến khóc Tú Xương.
Hai câu mặt trước là hai câu trong bài SÔNG LẤP của Tú Xương:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò
Hai câu mặt sau:
Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn.
Hai câu thơ của Nguyễn Khuyến nói lên sự trường tồn của thơ Trần Tế Xương.
Tiếc rằng, tại Nam Định, quê hương Ông, trong cuộc bỏ phiếu đặt tên cho Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định, tên Ông lại bị “rớt” giống như Ông luôn luôn thi trượt thuở sinh thời, cuối cùng Giải hưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định lại mang tên “Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định” là một danh nhân thiên về lĩnh vực toán học hơn là văn học! Âu cũng là số phận của Ông!
Là một người đồng tộc của Ông, một đồng hương của Nhà thơ, nhân ngày Giỗ Ông lần thứ 109, bằng bài viết này, xin dâng một nén tâm nhang lên bàn thờ Ông với sự cảm thông và lòng kính trọng sâu sắc với một nhà thơ tài ba và một tâm hồn nhân hậu mà cuộc sống nhiều gian nan trắc trở.
PHẠM THÚY LAN
Nhân đây, xin gửi vài bài thơ Vịnh Tú Xương của một số nhà thơ của CLB Thơ Đường luật Phạm Đạo Phú.
Bài xướng:
VỊNH TÚ XƯƠNG
(Ngũ độ thanh – bát vận đồng âm)
Khá giỏi nghề thơ phận vẫn nghèo
Đàn con ngán ngẩm vợ eo xèo
Tường hoen mái thủng nhà xiêu vẹo
Bụng rỗng chân gầy má bủng beo
Bực lũ phò Tây đành chửi xéo
Căm loài hại nước phải cười nheo
Thi nhiều trượt mãi đời xui xẻo
Ngả mũ Thành Nam phục Tú Phèo !
Văn Cường
Các bài họa:
CỤ TÚ NGHÈO
(Ngũ độ thanh – bát vận đồng âm)
Mắc nợ đường thi sẽ phải nghèo
Oằn vai vợ lão gánh tôm xèo
Dân lành sợ hãi loài ma quỷ
Tỉ phú vui đùa lũ cọp beo
Đít thủng quần tây cười nhạt nhẽo
Lưng gù áo thụng hỏi mè nheo
Nhàm thơ mọt sách đem tùng xẻo
Phận hẩm đời ôi nghĩ chán phèo !
Phạm Viết Kha
VÕNG THƠ NGHÈO
( đương đối, lưu thủy đối, bát vận đồng âm)
Đời ơi tội lắm cảnh thơ nghèo
Vợ ngán con buồn nói ỉ eo.
Túi rỗng tiền không mồm méo xẹo
Văn hay chữ tốt bụng tong teo.
Có còn ham tiếng ngời muôn nẻo
Hay đã tan rồi mộng bám đeo.
Cơm áo xem thường nên mới vẹo
Đành xin chấp nhận võng nằm treo.
…tbc-Ngọc Toàn.