“Sử gia” họ Phạm

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 12-05-2016, 22781 Views

“SỬ GIA” HỌ PHẠM

10.PH Vu

Tôi quen anh Phạm Hồng Vũ trong một buổi họp của BLL họ Phạm Việt Nam tại nhà anh Phạm Đình Nhân tháng 5/2002. Lần đó tôi chính thức tham gia Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam và được phân công vào Ban Thông tin – kết nối dòng họ. Hôm đó thấy anh Vũ cứ hí hoáy ghi ghi chép chép làm tôi phải để ý. Anh mặc một chiếc áo bộ đội đã cũ, người cao to, khoẻ mạnh. Khi anh ngước mắt lên thấy tôi đang nhìn anh, anh liền nở một nụ cười rất tươi như để làm quen, tôi cũng đáp lại bằng một nụ cười hết sức thân thiện. Và tự nhiên tôi thấy rất gần gũi như người bạn thân lâu ngày mới gặp. Không ngờ sau này trong hoạt động dòng họ tôi với anh lại luôn sát cánh bên nhau, coi như anh em ruột thịt.

Tại buổi họp đó, khi bàn đến phải khôi phục lại Bản tin, tôi thấy rất rõ tầm quan trọng của Bản tin nội tộc nên đã thay mặt BLL dòng họ Phạm Văn Viết ủng hộ một triệu để lấy kinh phí làm Bản tin và tự nguyện tham gia làm bản tin. Rồi anh đề xuất với BLL giao cho tôi làm Tổng biên tập Bản tin. Những ghi chép của anh sau thành những bài viết về hoạt động dòng họ. Hai anh em cộng tác chặt chẽ với nhau suốt 5 năm trời, đến năm 2007 tôi giao lại cho anh Phạm Cầu làm Tổng biên tập Bản tin.

Anh tham gia rất tích cực vào việc biên tập tài liệu về dòng họ, đặc biệt là tập 3 bộ sách “Tư liệu dòng họ Phạm” – đó là những tư liệu rất quý để sau này BLL ra được bộ sách lớn “Họ Phạm Việt Nam trong cộng đồng dân Việt”.

Có lần tôi hỏi anh: Cậu có kỷ niệm gì về thời thơ ấu? Anh trả lời: Gia đình em có 6 anh em, anh cả đi bộ đội ở nhà còn 5 chị em, Khi em mới hơn 10 tuổi thì bố em mất, anh trai cả không có nhà, thế là em phải học cày ruộng. Khốn nỗi người còm nhom không vác nổi cái cày. Chị gái em phải vác hộ. Đến nơi buộc bò vào cày rồi đưa cho em điều khiển. Những đường cày đầu tiên xiêu xiêu vẹo vẹo còn đọng lại trong ký ức em đến tận bây giờ. Cày xong chị gái lại vác cày về, còn em thì đi chăn bò luôn.

Một lần khác tôi lại hỏi anh: Hồi cậu đi bộ đội có kỷ niệm gì sâu sắc nhất? Anh trả lời: Hồi em sang giúp bạn Lào giải phóng cánh Đông Chum (thuộc Quân khu II) khỏi quân ngụy Lào. Khi chúng em truy kích tiểu đội đã bắt được tù binh, lúc đầu cũng tưởng nó là một tên lính nhãi nhép. Ai ngờ khi đưa về Ban quản lý tù binh nó đã khai là Phó Quân khu 2. Thế là tiểu đội em được thưởng to về chiến công ngẫu nhiên ấy.

Tôi lại hỏi thêm: Trong đời lính xe tăng của cậu có trận đánh nào đáng nhớ nhất? Anh trả lời: Em nhớ nhất là trận đánh xe tăng ở Làng Vây. Anh biết không, lúc đó bọn em chỉ có một tiểu đoàn Tăng thiếu gần 20 chiếc (một tiểu đoàn đủ phải có 31 chiếc). Ấy là nói vậy thôi chứ do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan mà công phá đồn Làng Vây chỉ có một chiếc tăng duy nhất mang số hiệu 555. Chiến công có tiếng vang lớn, đơn vị tăng của em được thưởng huân chương…

Một lần anh tâm sự: Hình như em có duyên với công việc viết lách hay sao ấy. Sau khi đất nước thống nhất em được điều về dự tuyển người viết lịch sử cho quân đội. Một sĩ quan cao cấp phụ trách tuyển chọn đang phân vân không biết tuyển chọn như thế nào, tiêu chí gì và tiêu chuẩn ra sao. Ông nghĩ mãi mới nảy ra một ý – ấy là mỗi ứng viên đều phải viết một tiểu phẩm. Em đã viết tiểu phẩm về trận đánh tăng ở Làng Vây. Không ngờ được đánh giá cao và giữ lại làm nhiệm vụ viết sử cho quân đội (tiểu phẩm ấy sau được đoàn Văn công Quân đội dàn dựng đi biểu diễn ở nhiều nơi).

Tại sao tôi lại gọi anh là “Sử gia” họ Phạm? Ấy là suốt thời gian mười mấy năm làm “thư ký” cho các buổi họp của BLL anh đã hoàn thành hai tập sách có giá trị như cuốn sử – đó là “Biên niên sự kiện tập I (1996-2006)”“Biên niên sự kiện tập II (2007-2011)”. Nội dung của cuốn sách là ghi đầy đủ một cách vắn tắt các sự kiện hoạt động dòng họ theo thứ tự thời gian.

Một “công trình” khác của anh là tập “Danh tướng Phạm Tu (476-545)” in năm 2003 và tái bản có bổ sung năm 2012. Anh tâm sự với tôi sự vất vả khi sưu tầm tài liệu để viết cuốn sách đó – Cứ liệu lịch sử quan trọng là các sắc phong của các triều đại cho Phạm Tu có tất cả 18 sắc phong. Nhưng lâu nay không ai được đụng đến các sắc phong ấy. Phải xin giấy giới thiệu của chính quyền xã thì cụ thủ từ mới được phép cho xem. Có lần phải ra tận ngoài đồng để mời cụ thủ từ về đình lấy ra cho xem. Có một chuyện vui thế này: Khi trên đài nói về Lý Phục Man ở Sấu Giá có liên quan đến Phạm Tu. Chị Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã cuống cả lên tìm gặp em nói: “Bác Vũ ơi, làm thế nào chứ bên Sấu Giá họ bảo Phạm Tu chính là Lý Phục Man người làng Sấu Giá đó, họ nhận cụ Phạm Tu quê ở đó, họ tranh cụ Phạm Tu của chúng em rồi!”. Em phải động viên chị: “Không có chuyện ấy đâu, tôi đã tra văn bia ở Sấu Giá, các suất đinh của họ chẳng có ai họ Phạm cả thì làm sao cụ Phạm Tu lại ở Sấu Giá!” – nói thế chị mới yên tâm. Rồi lại chuyện vận động tài trợ kinh phí để in cuốn sách rất là vất vả, anh Vũ và tôi đi gõ cửa khắp nơi mới có đủ tiền in.

Có lần tôi hỏi anh Vũ: Cớ gì em đến với BLL họ Phạm? Vũ trả lời: Đó là do ông anh cả em “giao nhiệm vụ” cho đấy. Lúc đầu cũng chưa biết tham gia như thế nào và phải làm những việc gì, có hợp khả năng không? Nhưng nghĩ bụng thế thôi chứ đâu có dám chối từ “lệnh” của ông anh – các cụ đã dạy “Quyền huynh thế phụ” rồi còn gì! Thế là bắt đầu tham gia BLL họ Phạm Việt Nam từ năm 2000.

Phải thừa nhận anhVũ có khả năng về văn học. Anh đã cộng tác hoặc một mình viết được một số cuốn lịch sử cho quân đội nói chung và binh chủng xe tăng nói riêng cũng như mấy cuốn viết về họ Phạm như đã nói ở trên, anh còn biết làm thơ. Và chính tôi đã biên tập tập thơ “Cũng một kiếp người” của anh.

Anh còn có công dịch hàng chục cuốn gia phả bằng chữ Nôm cho các dòng họ Phạm trên khắp cả nước hoàn toàn miễn phí.

Năm nay vì hoàn cảnh gia đình anh chuẩn bị chuyển vào Nha Trang ở với con gái nên xin rút khỏi Thường trực. Anh có nhắn lại là các anh phải luôn chú ý đến mục tiêu của hoạt động dòng họ là vấn tổ tầm tông đã được quy định rõ ràng trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam.

Khép lại bài viết này chúng ta chúc anh mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc và luôn phát huy bản chất của “anh lính Cụ Hồ” trong mọi hoàn cảnh và tiếp tục sát cánh làm việc họ với chúng ta!

 

Hà Nội, 03/06/2013

 

 

 

10.PH Vu

Các bài viết khác :