TÌM HẬU DUỆ HAI NGÔI MỘ CỔ

Người đăng: huan-yngoc, Ngày đăng: 10-08-2014, 6425 Views

Tìm hậu duệ của chủ nhân hai ngôi mộ cổ ở TPHCM

Các ông Phạm Tất Đạt, Phạm Như Lợi, Phạm Lương Quang, từ Huế vào TPHCM nhiều lần để tìm hiểu về hai ngôi mộ Tổ (thuộc Phái Nhất, Chi Hai) hoang phế gần 200 năm nay. Hai ngôi mộ này nằm trong một quần thể mộ xây, được cho là nghĩa trang họ Phạm tại Gò Cây Quéo, Quận 2, TPHCM.

Gia phả tộc Phạm của ông Phạm Tất Đạt có ghi: Ngài Thế Tổ Ký Lục Văn Phu có vào ở Gia Định, Bến Nghé, thôn Long Điền, huyện Bình Dương làm chức Ký Lục. Ngài mất, mộ chôn ở Phan An, thôn Tân Trạch (chưa biết rõ địa danh này). Chánh phu nhân Bùi Thị Mai mộ chôn ở xứ Đồng Ông Tố, tỉnh Biên Hòa (ở đây không có địa danh này, chỉ có Giồng Ông Tố, chắc đã ghi nhầm).

Ngài Cao Tổ tham mưu Văn Tín và Chánh phu nhân Phan Thị Nghĩa mộ cũng đều táng ở Giồng Ông Tố, tỉnh Biên Hòa.

Ngài Cao Tổ Triệt Thanh Hầu, tham tri Bộ Lại và Ngài con là Tổng đốc Phạm Duy Trinh, và con cháu các Ngài đều đã biệt tin từ cuối đời Gia Long đến nay.

Phái thứ hai: Vào ở Gia Định, con cháu Ngài Văn Thể, Văn Thái đều ở Gia Định và cũng đã biệt tin từ lâu.

Được tin ở khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, Quận 2, TPHCM có phát hiện một quần thể mộ cổ, trong đó có 2 ngôi có bia: Mộ của ông Triệt Thanh Hầu, Phạm Quang Triệt, Tả tham tri Bộ Lại, và mộ ông Phạm Duy Trinh, Tham tri Bộ Binh, Tuần phủ Bắc Ninh, hộ lý Ninh Thái Tổng đốc quan phòng. UBND TPHCM đã có quyết định lập hồ sơ xếp hạng di tích để xét công nhận di tích LSVH của thành phố.

Ba ông Phạm Tất Đạt, Phạm Như Lợi, Phạm Lương Quang, đã đến Gò Quéo tìm hiểu khu mộ và 2 ngôi mộ cổ nói trên; đến Phòng VHTT Quận 2, Sở VHTT-DL, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM để xác minh và chụp ảnh 2 tấm bia mộ Ngài Triệt và Ngài Trinh. Các cơ quan chức năng đều xác nhận khu mộ cổ Gò Quéo là khu mộ cổ đầu triều Nguyễn, có nhiều khả năng là nghĩa trang họ Phạm bị hoang phế, hai tấm bia mộ hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM.

Gò Quéo (Gò Cát) là một gò rộng lớn cao 2,5m bao quanh bởi rạch Giồng Ông Tố. Khu mộ có 15 ngôi mộ cổ, táng cách xa nhau trên diện tích độ 2-3 hecta. Khu mộ có nhiều lùm cây mọc xanh tốt, 13 ngôi đã mất bia, 2 ngôi mộ còn bia tọa lạc trên gò cao, tuy bị hư hại nhiều, nhưng trông vẫn còn rất hoành tráng, cư dân ở đây gọi là lăng Ông Thượng (lăng Ngài Triệt) và lăng Ông Tổng (lăng Ngài Trinh); và gọi khu mộ này là nghĩa trang Họ Phạm. Dân quanh vùng nói hai ngôi mộ này rất linh thiêng, họ thường đến lễ bái, quét dọn. Họ còn treo đèn điện trước lăng thắp sáng mỗi đêm.

Đối chiếu với Gia phả, với các tư liệu nói trên, và bia ký của hai ngôi mộ cổ, các ông Đạt, Lợi, Quang đoan chắc hai ngôi mộ đó là mộ Ngài Phạm Quang Triệt và Ngài Phạm Duy Trinh. Khu mộ cổ có nhiều khả năng là nghĩa trang của chi họ Phạm này.

Do chiến tranh loạn lạc, gần 20 năm qua khu mộ và hai ngôi mộ cổ này bị hoang phế, nhờ Bảo tàng Lịch sử TPHCM phát hiện, con cháu mới tìm thấy. Trên cơ sở các tư liệu và kết quả điền dã, các ông Đạt, Lợi, Quang gửi thư ngõ, đề xuất:

Cho đem lư hương hai ngôi mộ đó nhập vào Nhà thờ Họ Phạm ở Truồi, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, để thờ cúng.

Tổ chức tìm hiểu khu mộ cổ đó có phải là nghĩa trang Họ Phạm hay không? Hậu duệ kế thế của hai Ngài hiện nay ở đâu?

Cử người giữ liên lạc với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM và cơ quan quản lí di tích. Phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục công nhận khu mộ và hai ngôi mộ đó là mộ của tộc Phạm.

Cử người lo hương khói và cúng kỵ hàng năm.

Rất mong nghe ý kiến của bà con Họ Phạm.

Thanh Tùng

untitled

Hậu duệ Ngài Phạm Quang Triệt ở TPHCM chụp ảnh lưu niệm ở khu mộ cổ.

untitled.png2
Mộ ngài Phạm Duy Trinh
untitled.png3

Mộ ngài Phạm Quang Triệt

Ghi chú:

Tài liệu về khu mộ và hai ngôi mộ cổ này được đăng trong các sách:

– Góp phần tìm hiểu lịch sử văn hóa 300 năm Sài Gòn – Gia Định (NXB TP.HCM)

– Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh con người và văn hóa trên đường phát triển (NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

– 300 năm Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết khác :