Tình bạn

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 17-05-2016, 27079 Views

11.PM Thong

TÌNH BẠN

 

Con người ta sinh ra trên đời này cần có một đời sống tinh thần phong phú trong đó tình bạn là vô cùng quý giá. Ở một khía cạnh nào đó tình bạn còn vượt cả tình yêu vì có những điều chỉ có thể nói với bạn chứ không thể nói với người yêu được. Tình bạn khi đã đến mức tri âm, tri kỷ thì tồn tại đến suốt đời, nâng bước chúng ta vững bước trên con đường đời đầy chông gai khúc khuỷu. Có những người bạn từ hồi nhỏ, từ khi cắp sách đến trường. Tôi và anh Thông thì lại khác: mãi đến xấp xỉ “thất thập cổ lai hi” thì chúng tôi mới gặp nhau.

Không biết có phải hai anh em cùng họ Phạm hay là chúng tôi đều có tâm hồn thơ mà đến với nhau tự nhiên thân tình đến thế. Tục ngữ ta có câu “Giàu vì bạn…” thật chí lý. Câu nói ấy cũng rất đúng với tình bạn của chúng tôi. Khi có anh, thật sự tôi đã “giàu” lên không phải là tiền bạc mà là tình cảm, là sự trải nghiệm; từ vốn sống của anh, tôi đã học được rất nhiều ở anh về cách sống lịch lãm, một bản lĩnh của con người từng trải.

Khi tôi đến nhà chơi, anh chị coi tôi như người thân trong gia đình, tiếp đãi ân cần chu đáo không khác gì với một người em ruột thịt (tôi kém anh Thông 6 tuổi).

Trong nhà anh có một nơi gây ấn tượng cho tôi nhất đó là phòng thờ thật trang nghiêm, cổ kính mà lại hiện đại: phía trước thờ Phật, phía sau thờ gia tiên. Đặc biệt bên tường có một mảng phù điêu đắp mô hình ngôi nhà ở quê khi anh chào đời. Một con người như thế ắt tâm phải sáng. Chính vì vậy từ khi tham gia việc họ anh rất năng nổ và tận tâm.

Tôi rất xúc động khi anh đưa bài thơ “Đêm sông Hàn” của tôi vào tập thơ “Nhịp cầu hai thế kỷ” tái bản, ngoài bìa 4 của cuốn thơ còn in bản nhạc do nhạc sĩ Lê Xuân Thọ phổ bài thơ ấy rất trang trọng. Tại đêm thơ nhạc “Nhịp cầu hai thế kỷ” còn có nghệ sĩ Thu Hương trình diễn ngâm bài thơ trên của tôi.

Tình bạn của chúng tôi lại thân tình hơn nữa khi cả hai anh chị đều tham gia Câu lạc bộ thơ Đường luật họ Phạm. Thơ tình của anh Thông rất hay nhưng thơ Đường luật thì quả thật anh mới chập chững bước vào. Anh thường gửi trước cho tôi những bài thơ luật Đường còn có vẻ hơi “vụng về” nhờ tôi sửa trước khi gửi cho các thành viên khác của Câu lạc bộ. Tôi đã mạo muội sửa cho anh, mà trong lòng vẫn thắc mắc: Phu nhân của anh giỏi thơ Đường luật sao anh không nhờ sửa – Chắc là “Bụt chùa nhà không thiêng” đây!

Nhân dịp, xuân Quý Tỵ rục rịch thay thế mùa đông Nhâm Thìn, những trang giấy trắng tinh trên bàn viết lao xao đòi chữ. Bỗng dưng tôi nhớ đến đôi bạn “già” trên dải đất miền Trung đầy nắng gió, để viết một bài ngắn về họ, đưa vào “Phụ trương” của Bản tin nội tộc số Tết. Và, tôi đã sưu tầm được một “bản sơ yếu lý lịch” rất độc đáo ghi lại đây để mọi người cùng chia sẻ:

Đó là một cặp uyên ương của Câu lạc bộ thơ Đường họ Phạm, chàng “thi sĩ” nửa mùa tập làm thơ Đường với “cô nàng thi nhân” Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Đường thành phố Đà Nẵng, cả hai người đều đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi”. Họ gặp nhau khi tuổi mới ngoài đôi mươi. Chàng – sinh viên Khoa Xây dựng, nàng – cô gái Hóa vô cơ cùng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, quen nhau khi vác súng 12,7 li lên ụ pháo bắn máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Hà Nội của những năm 1960. Rồi họ cùng nhau cất cao tiếng hát dưới làn mưa đạn của quân thù và trong nhà cưới Trăm Hoa. Anh lại làm thơ:

… “Trăm hoa

Âm ỉ lửa tình cháy lên thành ngọn đuốc.

Em: Có mẹ già

Anh: Có người con của Bác

(đất nước còn chưa thống nhất)

Đông đủ bạn bè,

Ngân lên tiếng hát

Thăng Long – Hà Nội – Tình Yêu.

Lễ cưới của chúng ta

Khép lại trong lòng chiều,

Mùa Thu – Đất Thánh

Vai em gồng gánh

Lưng anh gùi hạnh phúc

Vật lộn với đời

Bước đến ngày….ni..

Đôi trai “tài” gái “sắc” năm nào sau những tháng năm vật lộn với đời, đã nghỉ hưu. Con cái đều thành đạt. Cháu nội đều ngoan hiền. Ông, bà vui thú điền viên bên những vần thơ mộc mạc, trong sáng, mượt mà.

Anh là hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng. Năm 1995 anh xuất bản tập thơ đầu “Cưới Trăng”; rồi “Có một loài hoa”, in chung “Thơ hái dọc đường”; thơ đăng trên Tập san, Tạp chí Non Nước. Gần đây nhất, năm 2012 anh cho ra mắt tập thơ “Men rượu men tình”. In chung tập thơ “Nhịp cầu hai thế kỷ” xuất bản năm 2000, tái bản năm 2012. Cùng với thơ, anh đã tham gia viết truyện kể về nữ du kích trong lòng địch: Nguyễn Thị Cận, dày 400 trang; viết nhiều bài ký đăng trên Tạp chí Đô thị Phát triển, và Tập san Điện Bàn. Nhiều báo ở Trung ương đã đăng thơ của anh trước năm 2000.

Chị là Phó Chủ nhiệm CLB thơ Đường Tp. Đà Nẵng, hội viên CLB thơ Hàn Giang, Thái Phiên của thành phố Đà Nẵng gần hai chục năm nay kể từ ngày hưu trí. Chị đã in chung hàng chục tập thơ với CLB Hàn Giang và Thái Phiên. Xuất bản các tập thơ: “Luỹ tre làng; Nửa vầng trăng; “Lãng đãng hoàng hôn” với các thể thơ mới và lục bát. Đặc biệt chị cho ra đời tập thơ viết theo thể thơ Đường luật: “Chiều thu” được đánh giá khá chắc tay.

Hai kỹ sư chuyên ngành Xây dựng và Hóa vô cơ tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào những thập niên 60 của thế kỷ trước, bây giờ đã trở thành hai “nhà thơ” không chuyên, họ lãng đãng hoàng hôn bên nhịp cầu hai thế kỷ giữa lòng thành phố Đà Nẵng với nắng gió sông Hàn, ngập tràn hạnh phúc. Đó là kỹ sư Phạm Minh Thông và Nguyễn Thị Bảy, đều là hội viên CLB thơ Đường họ Phạm thân yêu của chúng ta. Trong tập thơ “300 bài thơ luật Đường họ Phạm” vừa xuất bản (NXB Văn học, 2012), anh có 7 bài, đặc biệt là chị có 3 bài rất hay.

 

Hà Nội, 18/01/2013

Các bài viết khác :