Tuổi trẻ sôi nổi

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 14-03-2016, 9944 Views

TNghia3a

TUỔI TRẺ SÔI NỔI

(Viết về anh Phạm Cầu – Phó Chủ tịch thường trực

Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam)

 

Ban biên tập trang web chúng tôi vừa mới cùng nhau mở thêm mấy chuyên mục, còn đang thiếu bài cho các chuyên mục ấy. Thế là tôi lại đóng vai “ký giả bất đắc dĩ” đến nhà anh Phạm Cầu để viết một bài cho chuyên mục “Gương trong họ”. Chiều qua trời vẫn âm u và rất lạnh, tôi đi xe ôm đến nhà anh Cầu.

Anh lúi húi pha trà, chúng tôi bắt đầu vào việc luôn. Sau đây là câu chuyện tâm sự giữa chúng tôi.

Pha Lê (PL): Anh cho biết đôi nét về gia cảnh của anh và những kỷ niệm sâu sắc nhất thời đi học.

Phạm Cầu (PC): Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, nhưng nói đúng hơn là một gia đình nhà nho. Các cụ nhà tôi trước đó đã có đến bảy, tám đời dạy chữ Nho. Ông nội tôi đã vác lều chõng đi thi, cũng đỗ đạt hẳn hoi nhưng không ra làm quan mà lại theo con đường truyền thống về làng mở lớp dạy chữ thánh hiền cho lũ trẻ. Anh cả tôi và tôi cũng đều theo nghiệp cha ông, làm nghề dạy học.

Về gia cảnh của gia đình chúng tôi cũng có điều đáng nói. Đó là cụ Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng – một vị lãnh đạo cuộc khởi nghĩa “Phù Lý cự Trần” không thành. Sau khi nhà Trần biết tin cụ đã mất tại Hương Đường Cái Thị, liền ra lệnh “tru di tam tộc” của cụ Phạm Sùng, nên mọi người sợ hãi phải lánh nạn sang Hải Dương. Đến thế kỷ XVI, cụ Phạm Thiện Phúc được cha cho về quê ngoại (trang Nguyễn Xá, huyện Duy Tân, trấn Sơn Nam Hạ) để thăm hỏi họ hàng bên ngoại. Nhưng vì sợ bị nhà Trần tàn sát nên cả họ đã phân tán đi nhiều nơi, chủ yếu là đến vùng Thái Bình, Thanh Hoá; đến lúc cụ Phạm Thiện Phúc nghe lệnh cha về thăm vẫn chưa có ai dám trở lại quê cũ. Các bô lão trang Nguyễn Xá đã tiếp đãi cụ Phạm Thiện Phúc. Thấy cụ Phạm Thiện Phúc khôi ngô tuấn tú, cụ Trưởng tộc họ Đinh ở thôn Đông (thôn Nhất ngày nay) đã thuyết phục cụ Phạm Thiện Phúc ở lại quê ngoại sinh cơ lập nghiệp. Sau đó cụ Trường họ Đinh cấp đất làm nhà, cấp ruộng để cày cấy và gả con gái cho. Qua nhiều thế kỷ, đến nay đã trở thành một dòng họ Phạm lớn  của thôn Nhất  ngày nay. Vị trí nhà thờ họ Phạm ngày nay chính là nơi ở đầu tiên của gia đình cụ Phạm Thiện Phúc – khởi thuỷ tổ họ Phạm của chúng tôi. Trong nhà thờ này lưu lại một Đại tự ghi “Tiên tổ thị hoàng” – nghĩa là Tổ  tiên của dòng họ này đích thị là Thành hoàng làng (Thanh Tĩnh Đại phu, Đông Hải Đại vương Phạm Sùng).

Thời niên thiếu của tôi không có gì đặc biệt. Tôi là một đội viên thiếu nhi Cứu quốc và là một học sinh giỏi khi học ở quê nhà. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, tôi là học sinh duy nhất của quê nhà  thi và trúng tuyển vào học trường Trung học Nguyễn Trãi, Hà Nội (vùng tạm chiếm) từ năm 1949. Đến năm 1953 tôi được đón ra “vùng tự do” .

Năm 1955 giải phóng Thủ đô, tôi lại về học tiếp ở trường Nguyễn Trãi. Tại đây tôi tham gia công tác của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội (tại đường phố, tại trường học và tại CLB thiếu nhi thuộc Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, nay là Cung văn hoá thiếu nhi Hà Nội). Sau đó tôi được chuyển về học ở Trường Phổ thông cấp ba Hà Nội. Tôi đã tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm tại đây.

Sau khi tốt nghiệp cấp ba phổ thông, tôi được chọn vào học Đại học Sư phạm Hà Nội (không có thi tuyển vì thời kỳ này đất nước ta rất cần người có trình độ văn hoá cấp ba để tuyển vào các trường Đại học.

Kỷ niệm sâu sắc nhất thời trai trẻ là tôi rất hăng hái tham gia hoạt động của Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Chúng tôi tham gia cứu trợ nhân dân khu lao động Lương Yên trong vụ bão lụt năm 1956. Chúng tôi cùng nhân dân ở đó làm mọi việc để giảm thiệt hại do bão lụt gây ra. Nhiều hôm tối mịt mới về. Một hôm ông anh tôi về nhà hỏi tôi đi đâu mà bây giờ vẫn chưa nấu cơm ăn. Còn một kỷ niệm khác là một lần tôi bị ốm nặng. Khi các bạn và thầy giáo chủ nhiệm Phạm Bình đến thăm gọi cửa, tôi vừa đứng dậy khỏi giường thì ngã lăn ra. Anh em phải vào đỡ tôi lên giường. Mọi người lục khắp căn phòng bé tí của tôi chẳng thấy cái gì có thể ăn được, thế là đoán ngay là tôi bị đói. Họ tức khắc rủ nhau đi kiếm gạo về cho tôi. Không hiểu họ làm thế nào mà chỉ một lúc sau họ đã khuân về cho tôi mấy bao gạo tốt. Thế mới biết đi cứu đói cho dân lại quên cứu đói cho chính mình – anh nói thêm – hồi thanh niên nó hăng hái thế đấy!

Một kỷ niệm khác bây giờ vẫn nhớ như in – tôi được phân công về công tác ở CLB thiếu nhi Hà Nội – tiền thân của Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội bây giờ. Lúc ấy các cô cậu mới lớn đến đây tập múa hát, chơi thể thao, bơi lội khá đông. Có cô mới 14, 15 tuổi đã biết yêu đương. Khi gia đình biết chuyện đến trách móc chúng tôi. Thế là tôi triệu tập các em và “sạc” cho chúng một trận ra trò để chấn chỉnh chuyện yêu đương “lăng nhăng” đó. Sau đấy có em đến tâm sự: Anh ơi! Chuyện riêng của chúng em thôi mà anh đưa ra chấn chỉnh giữa thanh thiên bạch nhật, trước đông người như thế em cho là không tế nhị đâu! – Tôi thấy đó  đúng là một bài học cho sự ấu trĩ thời non trẻ của mình. Một kỷ niệm khác. Một hôm từ CLB thiếu nhi về đến nhà, sắp đi ngủ  mới phát hiện cái “két bạc” (để tiền thu lệ phí cho các em vào bơi lội hoặc chơi thể thao) chưa khoá lại, thế là giữa đêm tôi cuốc bộ từ Phù Đổng Thiên Vương lên chỗ làm việc để khoa “két” lại.

PL: Còn quá trình công tác về sau của anh thì sao?

PC: Sau đấy tôi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội học tập, mà hồi ấy không phải thi vào như bây giờ đâu, được chọn vào luôn. Vừa vào học được ít ngày thì Ban Giám hiệu nhà trường giới thiệu tôi đi dạy toán ở Trường văn hóa ban đêm của Học viện Nguyễn Ái Quốc Trung ương, làm luôn Tổ  trưởng bộ môn Toán. Tôi dạy ở đây được hai năm. Và vì thế trong giai đoạn này tôi có “tiền lương giáo viên”, lại có học bổng nên sinh hoạt cũng khá thoải mái, sẵn sàng bao các cuộc liên hoan gặp gỡ các đồng chí công tác ở Trường Quang Trung (anh em thường gọi tôi là Anh Cả).

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được giới thiệu đến làm ở Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng. Lúc đầu tôi chẳng hiểu ban ấy họ làm những gì, trong khi tôi lại thích làm giáo viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng Tổ chức đã dự kiến phân công, nên tôi đã xin nhà trường giới thiệu đến Ban Tuyên giáo Trung ương tìm hiểu trước rồi về báo cáo sau ý kiến của bản thân tôi.

Đến nơi được các bác ở đấy cho biết rõ chức năng nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng. Trong khi nghe trình bày về chức năng nhiệm vụ và tổ chức của Ban từ Trung ương đến địa phương, tôi cảm nhận như là các vị này đã thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của mình. Tôi bị thuyết phục và cuối buổi trao đổitôi nhận về làm việc tại Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng. Và ngay hôm sau, tôi đã xách cặp đến làm việc tại Vụ huấn học do đồng chí Đào Duy Tùng làm Vụ trưởng.

Làm việc ở Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, tôi không thoái thác bất kì sự phân công nào: Công tác chuyên môn do Vụ trưởng phân công, công tác Đoàn thanh niên theo Chương trình hoạt động của Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy. Tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và tích cực thực hiện.

Tôi đã được thủ trưởng cơ quan cho đi đào tạo bồi dưỡng liên tục ở trong nước và ở nước ngoài để đáp ứng yêu cầu công tác của cơ quan. Tôi đã nhận được 3 bằng đại học và nhiều chứng chỉ đào tạo.

Từ một giáo viên cấp ba được đào tạo tại Đại học Sư phạm, tôi đã nhanh chóng trở thành một chuyên viên của cơ quan Đảng. Từ một Phó trưởng phòng, rồi Trưởng phòng tôi đã được phân công làm Giám đốc Trung tâm thông tin tư liệu của  Ban Khoa giáo Trung ương Đảng, v.v… cho đến tận khi về hưu. Về tâm nguyện làm nghề thầy giáo của tôi, tôi vẫn được thực hiện. Tôi đã tham gia giảng dạy ngoại ngữ ở Văn phòng Trung ương Đảng, tham gia giảng dạy về công nghệ thông tin cho cán bộ của Đảng từ Trung ương đến các Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước.

Trong suốt hơn 40 năm công tác ở cơ quan tham mưu chiến lược tuyến cuối cùng của Đảng, tôi đã được sự chỉ bảo chí tình của các bậc đàn anh đi trước  nên công việc và cuộc sống trôi đi, nói chung là bình lặng, không có sóng gió. Khi có điều gì mắc mớ thì đã có các “cây đa cây đề” chỉ dẫn giúp đỡ giải quyết, kể cả việc gia đình. Đó là một thuận lợi mà ít người có được. Đương nhiên, theo tôi, đó cũng có “hệ lụy” trong cuộc đời tôi. Tôi có cảm giác mình như là một chú “gà công nghiệp”, ít va chạm trong cuộc sống đầy sóng gió, cạm bẫy; ít tiếp xúc và phải giải quyết xử lý đối với các hoàn cảnh hết sức éo le, phức tạp,… Rõ ràng, tôi ít được chà xát trong thực tiễn cuộc sống hết sức phức tạp đời thường..

PL: Nguyên nhân nào dẫn anh đến tham gia việc họ chung cả nước?

PC: Trong họ nhà tôi, ở ngoài Bắc nay chỉ có tôi gọi là có điều kiện và khả năng viết được gia phả của họ mình nên ngay từ khi còn đang công tác tôi đã được các cụ lão thành trong họ trao cho việc tìm tư liệu nói về các vị tổ tiên của dòng họ. Các cụ đề nghị tôi phải tìm cách đến được các địa danh ghi trong gia phả gốc mà các cụ tiền bối đã để lại; phải đến được cội nguồn quê cha đất tổ để sưu tầm tài liệu và kết nối dòng họ.

Khi tôi đến gặp anh Phạm Văn Phong, Trưởng BLL họ Phạm Hưng Yên, đầu tiên cũng chỉ là mục đích tìm hiểu những thông tin từ BLL họ Phạm Hưng Yên về cụ Phạm Bạch Hổ, cụ Phạm Sùng, về họ Phạm hương Đường Cái Thị ở Hưng Yên có ghi trong Gia phả gốc họ Phạm quê tôi để về báo cáo với các cụ trong họ, cũng là để chuẩn bị viết về dòng họ mình.

Trong khi nghe anh Phong giới thiệu, bấy giờ tôi mới biết có BLL họ Phạm Việt Nam từ năm 1996. Anh cho tôi xem Bản tin nội tộc. Là một Phó Tổng biên tập một tạp chí ở cơ quan Trung ương Đảng nên tôi có ngay ý định tham gia hoạt động này, tôi cho rằng nó hợp với nghề nghiệp của tôi. Thế là khi về Hà Nội tôi đã tìm đến nhà anh (Phạm Đạo) để tìm hiểu và gửi luôn anh 2 bài để đăng vào Bản tin số tới. Từ ngày đó, anh Phạm Đạo, rồi anh Vũ rất nhiệt tình mời tôi tham gia Ban biên tập Bản tin. Tôi gắn bó với Bản tin từ đó.

Năm 2005, theo đề nghị của anh Phạm Hồng và được Thường trực chấp nhận, tôi tham gia Ban thư ký với chức danh Phó Tổng thư ký thường trực BLL họ Phạm Việt Nam. Năm 2007 anh Phạm Đạo lại  giao cho tôi làm Tổng biên tập Bản tin nội tộc.

Tôi đã giúp anh Phạm Hồng xử lý nhiều công việc của BLL họ Phạm Việt Nam, tiếp nhiều vị của BLL họ Phạm địa phương đến trao đổi về hoạt động của dòng họ; tiếp nhận và hướng dẫn khai thác các Gia phả của dòng họ để phục vụ việc kết nối dòng họ. Tôi đã chủ động xử lý các thông tin tư liệu để xuất bản được nhiều sách phục vụ cho việc họ, đặc biệt là bộ bản thảo họ Phạm trong cộng đồng dân Việt; đã cùng anh Phạm Hồng chuẩn bị tài kiệu cho các cuộc họp mặt toàn quốc của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam và sau đó triển khai các quyết định đã thông qua trong cuộc họp mặt, v.v…

Về Bản tin nội tộc, tôi đã đảm nhận nhiệm vụ của Tổng  biên tập Bản tin nội tộc trong mấy năm liền. Bản tin đã phát triển ngày một tốt, nội dung ngày càng phong phú, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu bạn đọc Bản tin; đã tự trang trải được kinh phí hoạt động của Bản tin. Một số khó khăn của Bản tin, nhất là bài viết và kinh phí hoạt động dần dần được khắc phục.

Đến năm 2010 công việc của Thường trực Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam ngày càng nhiều; vả lại nhiều vị tham gia Bản tin nội tộc đã nắm vững và thuần thục trong việc xử lý công việc của Bản tin nội tộc, được sự đồng ý của Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam, tôi chuyển giao lại Chức vụ Tổng biên tập Bản tin nội tộc cho chị Phạm Thúy Lan.

Từ khi tôi chính thức tham gia BLL họ Phạm Việt Nam đến nay, có thời gian giữ cương vị Phó Tổng biên tập, rồi Tổng biên tập Bản tin nội tộc, có thời gian làm Phó Tổng thư ký thường trực rồi Tổng thư ký BLL họ Phạm Việt Nam, có thời gian làm Phó Trưởng ban liên lạc họ Phạm Việt Nam, và cho đến nay là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam. Mới thoáng qua mà đã đến 10 năm rồi. Nhanh quá!

Thật không may cho tôi là tôi bị bệnh hiểm nghèo, vào dịp Tết năm 2012 tôi phải đại phẫu. Lúc đầu thấy mừng vì bệnh đã lui, sức khoẻ tăng dần, nhưng qua một năm tôi thấy sức khoẻ đã xuống nhiều. Do tuổi cao và bệnh tật, tôi không kham nổi nữa, dù một số việc còn dang dở, tôi chưa yên tâm, như việc hoàn thành toàn bộ bản thảo cuối cùng bộ sách “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt” mà tôi trăn trở nhiều năm để xuất bản chính thức vào năm 2012-2013. Nhân dịp họp Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam lần này, tôi xin các anh chị cho tôi rút khỏi Thường trực Hội đồng họ Phạm Việt Nam để vị khác thay tôi hoàn thành tốt chương trình hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam khóa VI. Tôi rất mừng trong cuộc họp Thường trực, các anh chị đã chấp nhận đề nghị của tôi.

PL: Anh đã từng là Tổng biên tập Bản tin nội tộc, anh cho biết những nỗi gian nan vất vả của những người làm Bản tin để mọi người cảm thông. Vì hiện nay còn có người cho rằng chúng ta những người làm Bản tin có nhiều lộc lắm.

PC: Anh đã lăn lộn với Bản tin, anh rõ quá rồi. Nhưng thôi, để ông già này nay đã xin nghỉ Thường trực Hội đồng nói cho nó khách quan hơn. Chính anh đã lường trước được hết những khó khăn phức tạp của việc làm Bản tin nội tộc nên ngay từ đầu anh đã thay mặt cho BLL họ Phạm Văn Viết ủng hộ 1.000.000đ để bắt đầu làm Bản tin với số vốn “còm” và theo phương châm tự trang trải, có quyền chủ động trong thu chi,  không nhập chung vào quỹ chung do Ban tài chính phụ trách. Anh Phạm Khắc Di rất tán thành phương châm hoạt động này. Anh Di còn nói, Bản tin nội tộc tự lo được kinh phí hoạt động là giỏi lắm rồi, không yêu cầu Thường trực giải quyết tiền nong cho hoạt động của Bản tin là “phúc” rồi. Đừng làm khó cho hoạt động của Bản tin. Chắc anh đã biết, có rất nhiều người cả năm không trả tiền Bản tin, có người cả mấy năm không trả, danh sách ấy tôi vẫn còn giữ. Có thể nói, Bản tin thường thất thu tới một phần ba vì mấy lý do khác nữa, đó là: Thường trực dùng Bản tin nội tộc để cho Ban liên lạc làm quà đi dự các cuộc họp các BLL ở các điạ phương, dự các Lễ khởi công, hoàn thành Từ đường, ngày húy kị của các dòng họ… Anh nghĩ xem, số lượng Bản tin ấy có thu được đồng nào không. May mà có một số bà con thông cảm đã ủng hộ cho Bản tin, và chúng ta đã lấy số tiền ủng hộ ấy để bù nên Bản tin vẫn duy trì được đến tận ngày nay (Danh sách ủng hộ Bản tin đều đã lần lượt đăng tải trên mỗi số và có báo cáo tài chính hàng năm công khai trước các cuộc họp Thường trực).

Còn sự vất vả của cả BBT Bản tin trong mỗi kì phát hành đã được các anh nêu đầy đủ trong số đặc biệt kì niệm 10 năm ra bản tin rồi, tôi không nhắc lại nữa.

Khi tôi viết bài này, tôi còn quên chưa nhắc đến sự đóng góp rất lớn của anh Cầu đến mảng Tư liệu dòng họ. Anh đã chủ biên cuốn “Danh tướng Phạm Bạch Hổ – một thủy tổ của họ Phạm Việt Nam thế kỷ thứ X”, rồi cùng anh Phạm Hồng Vũ biên soạn cuốn “Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng và hậu duệ”. Anh là người có công lao trong các lần xuất bản “thăm dò” cuốn “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt”, thậm chí anh chị đã bỏ tiền túi ra để in cuốn đó với 2 tập giá nội bộ mà đã lên tới 90.000đ/cuốn.

Anh đã dùng mọi phương tiện của gia đình để phục vụ hoạt động dòng họ, nào là máy tính, máy quét, máy in. Những lần sửa chữa nâng cấp đều mất khá nhiều tiền nhưng anh đâu có tính toán, cống hiến hết lòng cho việc họ! Ngay cái máy ảnh anh còn đưa cho chị Lan mượn dài dài để đi chụp ảnh lấy tin khi Bản tin chưa có tiền sắm được.

Khi chia tay anh, ngoài trời rất lạnh nhưng tôi thấy trong lòng ấm ấp trước tình cảm anh em của những người hết lòng vì dòng họ như anh. Một bài ngắn như thế này sao nói hết được những đóng góp của anh cho dòng họ.

Mong anh mạnh khỏe để tiếp tục làm cố vấn cho chúng ta trong việc họ sau này.

 

Hà Nội, cuối tháng 12/2012

                                          

 

 

 

Các bài viết khác :