PGS Phạm Vinh Quang – Sống là cống hiến

Người đăng: huan-yngoc, Ngày đăng: 01-09-2014, 1517 Views

PGS Phạm Vinh Quang – Sống là cống hiến

Giới nghệ thuật mới biết Phạm Vinh Quang qua một số tình khúc. Giới y khoa, anh là bác sĩ phẫu thuật, PGS, TS, đại tá – Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật lồng ngực – mạch máu – nội tiết Bệnh viện 103.

Nguồn từ baomoi.com

Kỷ niệm 54 ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2009)

Tiếng sáo và ngã rẽ cuộc đời

Phạm Vinh Quang có năng khiếu về sáo từ nhỏ. Nhưng sinh ra trong thời bom đạn, đất nước chia cắt, cả bốn anh em Quang phải sơ tán lên Hà Bắc tránh bom đạn. Anh vẫn không thể nào quên những ngày nắng cháy đồng đi mò cua, bắt ốc, cắt rạ, quét lá để mưu sinh… Thỉnh thoảng, bố mẹ anh lại đạp xe suốt đêm từ Hà Nội về thăm các con.
PVQ

Cuộc sống thẫm đẫm những ngày cơ cực, nhưng ước mơ được làm một nghệ sĩ thổi sáo chưa bao giờ tắt trong anh. Mơ ước của bố anh muốn cả 4 người con cùng chơi trong một dàn nhạc. Ông cho người con cả học múa, Quang học sáo, còn 2 em gái học violon và violoncel. Chỉ tiếc rằng, ước mơ chưa thành hiện thực thì phụ thân của anh đã ra đi mãi mãi…

8 tuổi, Phạm Vinh Quang theo học khoa sáo Trường âm nhạc Việt Nam (Khi ấy trường cũng phải sơ tán lên Hà Bắc). Bao kỷ niệm vui, buồn với mái trường, với thầy cô, bạn bè vẫn còn nguyên vẹn trong anh. Năm 1968, anh trúng tuyển và theo học lớp tiếng Nga của trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà nội. Năm 1972, Phạm Vinh Quang theo học khóa đào tạo bác sỹ dài hạn  của Học viện Quân y và tốt nghiệp bác sỹ năm 1979. Anh được giữ lại trường và được phân công về công tác tại bộ môn khoa phẫu thuật lồng ngực- mạch máu- nội tiết- Bệnh Viện 103 – Học viện quân y. Dù sống trong môi trường khoa học, nhưng tình yêu nhạc trong anh vẫn luôn cháy bỏng. Anh thèm hát như đứa trẻ tập nói, thèm được nghe những âm thanh phát ra từ ô cửa của nhạc viện – nơi cất giấu tuổi thơ của anh.

Năm 1989, Phạm Vinh Quang được cử đi nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm y học quân sự ở Bad Saarow, Cộng hoà dân chủ Đức. Gần 2 năm xa xứ cũng đủ để anh thấm thía hai tiếng quê hương. Có những đêm nhớ da diết lời ru của mẹ, nhớ nồng nàn tiếng sáo đêm rằm, nhớ mùi Tết Hà Nội… anh bật dậy viết  những dòng nhật ký bằng âm nhạc. Ca khúc Nhớ mẹ đã ra đời trong đêm viễn xứ ấy. Anh nghêu ngao hát – lời hát cất lên từ trái tim của kẻ cần bù đắp tâm hồn. Ngoài hiên, tuyết phủ đầy trên những lối đi về. Và anh đã đã dịch bài Nhớ Mẹ, trong đó có một đoạn lấy âm hưởng của bài Ru con – dân ca Nam bộ sang tiếng Đức như món quà tinh thần của người con xa xứ tặng những bà mẹ Đức!” .

Không chỉ giỏi tiếng Nga và tiếng Đức, Phạm Vinh Quang còn sử dụng tốt tiếng Anh và Pháp. Bằng tình yêu và lòng kính trọng nhạc sĩ Đỗ Nhuận, anh đã dịch bài hát Việt Nam quê hương tôi và nhiều ca khúc Việt Nam khác sang nhiều thứ tiếng. Cũng chính nhờ vốn ngoại ngữ giỏi, anh thường xuyên được giao nhiệm vụ phiên dịch trong các Hội nghị Y học quân sự Việt Nam – Hoa Kỳ, phiên dịch cho một số đoàn khách từ Mỹ, Singapore… sang thăm Học viện và Bệnh viện 103. Anh còn  còn tham gia viết và biên soạn nhiều giáo trình, giáo án, sách phục vụ trong ngành Y khoa như cuốn Phẫu thuật lồng ngực phần cơ sở, Phẫu thuật lồng ngực phần bệnh học (NXB Y học)…

Hết lòng vì bệnh nhân

Nếu ai đó có dịp thăm phòng làm việc của anh tại Bệnh viện 103, chắc cũng sẽ giật mình vì quá đỗi giản dị. Anh chỉ nhún vai, mỉm cười: “Trên đời này không có gì đẹp bằng quả tim người khi nó còn đang đập. Cảm xúc tuyệt vời nhất đối với tôi là quả tim nhỏ nhoi ấy lại đang đập trên tay mình. Màu tim tím của các tĩnh mạch, màu đỏ của động mạch, màu vàng của mỡ… tất cả không phải là một bức tranh chết, mà chân thực, sống động. Nếu ai ý thức được sự sống ngàn vàng ấy, thì chuyện ăn, ở chỉ là phù phiếm”.

Ai đó nói rằng: “Phẫu thuật viên giỏi phải trưởng thành trên nghĩa địa”. Thế nhưng, gần 30 năm trên cương vị bác sĩ, anh chưa bao giờ mắc sai lầm và anh cũng không thể nhớ rõ bao lần giành  lại người bệnh từ tay tử thần. Bà Phương bị bệnh nhược cơ nặng trong một thời gian dài và nhập viện 103 trong tình trạng rất nặng, khó thở, khó nói, khó nuốt… Sau khi hội chẩn, bà Phương được PGS. TS. bác sĩ Quang trực tiếp phẫu thuật nội soi cắt bỏ tuyến ức. Do khối u tuyến ức phát triển lâu ngày, dính, nên trong quá trình phẫu tính, động mạch phổi trái đã bị rách, gây chảy máu rất nhiều. Mặc dù đã cố gắng cầm máu bằng clip, nhưng do động mạch phổi quá mỏng nên bác sĩ Quang phải mở ngực để khâu cầm máu động mạch phổi. Sau khi phẫu thuật, dù gặp nhiều khó khăn do toàn Bệnh viện 103 bị ngập, nhưng bác sĩ Quang vẫn lội nước để lo đủ máu truyền kịp thời cho bệnh nhân. Hiện nay bệnh nhân Phương đã khỏe mạnh hoàn toàn. Ca phẫu thuật này đã được kênh O2, Đài truyền hình Việt Nam phát sóng ngày mồng 6 Tết vừa qua.

Nhạc sĩ Phan Cường vẫn còn run khi kể lại trường hợp của mẹ vợ anh: “Hôm đó, tôi đang diễn ở Hạ Long thì nghe tin mẹ vợ phải nhập viện vì khối u ở lưng. Đúng lúc đó, anh Quang điện thoại hỏi đã phối khí xong bài hát mới gửi chưa. Tôi bảo, mẹ em đang nằm viện nên chưa làm được. Anh Quang nói một câu rất “nghệ sĩ”: Mang vào đây anh mổ cho! Tôi nghĩ ông này đùa không đúng lúc (vì không biết anh Quang là bác sĩ) nên trả lời cho qua chuyện.

Về Hà Nội, tôi nhờ người xác minh có phải anh Quang là bác sĩ ở bệnh viện 103 không, mới dám đưa mẹ nhập viện. Khi mẹ tôi chuẩn bị mổ mà tôi vẫn không hết lo vì “sợ” anh cũng giống một số nghệ sĩ khác “mắc bệnh” lơ đãng, nhỡ mổ xong quên trong bụng thì “chết. Cho đến giờ, mỗi lần gặp anh là tôi vẫn còn ngượng vì chuyện “bán tín, bán nghi” về trình độ chuyên môn của anh, nhưng anh chỉ cười… khà khà”.

Hương Bách hợp – nguồn cảm xúc vô bờ

Ít ai biết rằng anh còn là người có trái tim nhiều ngăn. Ngăn dành cho khoa học thì các bệnh viện lớn nhỏ trong nước đã quá rõ về anh là một bác sĩ phẫu thuật giỏi. Còn ngăn chứa âm nhạc thì chỉ đến khi album đầu tay phát hành người ta mới đặt câu hỏi: Phạm Vinh Quang còn tiềm tàng những gì nữa?

Hương Bách Hợp – là tên một người đàn bà – tên một loài hoa thanh khiết, đằm thắm – tên CD đầu tay của anh phát hành đầu năm 2009. Người đàn bà từ lòng biết ơn, kính trọng vị bác sĩ tài hoa đã cứu sống mẹ mình đến thấu hiểu những giá trị tinh thần của anh. Anh bộc bạch: “Tôi viết nhiều, nhưng người nhận cảm được âm nhạc của tôi sâu sắc nhất, chắc chỉ có Bách Hợp. Người đàn bà ấy đã tháo “chiếc vòng kim cô” của những ngày lầm lũi, những phút chống chếnh, đơn côi… để giờ đây tôi như được tái sinh, khoác lên người chiếc áo mới”.

Chính sự tác động mạnh mẽ về tinh thần ấy đã tạo ra bản “Tình ca không lời” như sự tỏ tình của tác giả với người ân. Nhiều tác phẩm của anh đã được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam thu thanh, dàn dựng và phát sóng như bản giao hưởng hợp xướng “Hà Nội nghìn năm”, “Thầy tôi”, “Mẹ tôi”, “Tình biển”…

Nghe nhạc của Phạm Vinh Quang, người ta thấy rõ sự chân thành – thật như một người viết nhật ký, nhưng đầy tứ thơ và triết lý. Hơn tất cả, đó là một tâm hồn đẹp, trong sáng, khát khao được yêu, được hiến dâng cho tình yêu… Ngày ra mắt album Hương Bách hợp, anh đã khóc trong vòng tay bè bạn, đồng nghiệp và tất cả công chúng yêu nhạc. Bó hoa cầm trên tay của người bạn thời thơ ấu Nhạc sĩ- tiến sĩ Đỗ Hồng Quân chưa kịp trao thì đôi mắt nhạc sĩ đã đỏ hoe khi nghe Phạm Vinh Quang hát bài “Buồn!”.

Người bác sĩ đa tài

Chưa đầy 6 tháng nhận chức Trưởng khoa, anh đã cùng tập thể bộ môn, khoa phẫu thuật lồng ngực phát triển và áp dụng nhanh chóng, thành công nhiều kỹ thuật mới, đặc biệt là phẫu thuật nội soi trong chuyên ngành phẫu thuật lồng ngực. Song song với niềm đam mê khoa học, tình yêu nhạc vẫn luôn nồng nàn. Anh đang hoàn thiện và chuẩn bị thu thanh bản giao hưởng hợp xướng Hà Nội nghìn năm và CD Mẹ tôi.  “Nhờ Âm nhạc đã cho tôi niềm hưng phấn, nỗi khát khao được cống hiến – Phạm Vinh Quang tâm sự.

Tôi xin mượn vài dòng ngắn gọn của nhạc sĩ Phan Cường nói về anh thay cho lời kết: “Phạm Vinh Quang – Phó giáo sư uyên bác – một bác sĩ giàu lòng nhân hậu – một nhạc sĩ tài hoa – người đưa đò tận tâm  – người sĩ quan quân đội sẵn sàng “vì dân quên mình” – một người anh, người bạn hóm hỉnh, đáng kính…!”.

Nguyễn Thịnh

Các bài viết khác :