Ngày 22/7/1922, trong bộ quốc phục áo dài khăn đóng giản dị mà trang trọng, ông (Phạm Quỳnh – D.T chú) “cả gan” trình bày trước Ban Luân Lý Chính trị Viện Hàn lâm Pháp về Một vấn đề dân tộc giáo dục. Lời nói thật khúc chiết, hùng hồn, tha thiết, bằng một giọng văn tiếng Pháp mẫu mực, khiến các viện sĩ Pháp phải phá lệ, đồng loạt đứng dậy vỗ tay hồi lâu khi ông vừa dứt lời. Một hiện tượng chưa hề có trong lịch sử viện hàn lâm đầy uy tín này. Báo chí Pháp đương thời đã loan tin lạ này trên trang nhất, đăng lại bài diễn văn, kèm theo là bức ảnh ông mặc áo gấm, bế trong lòng cô con út mới sinh được mấy tháng.
(…) “Chống lại chính sách ngu dân của bọn thực dân Pháp đang thi hành ở nước ta, ông dõng dạc nói trước những đại biểu của tinh hoa trí tuệ và lương tâm Pháp hiện diện tại Viện Hàn Lâm Pháp những lời sau và đã được họ tán thưởng hoàn toàn:
“- Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng. Chúng tôi là một quyển sách dày đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai đã từ mấy mươi thế kỷ. Quyển sách ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp với thời trang, nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên dòng chữ cũ. Vấn đề là phải giáo dục người Việt Nam thế nào cho vừa truyền được học thuật cao thượng đời nay, vừa không đến nỗi khiến chúng tôi mất giống, không còn quốc tính, để biến thành một dân tộc vô hồn, không còn có tinh thần đặc sắc gì nữa, như mấy thuộc địa cổ của Pháp kia.” Nhà báo Nguyễn Trung đã viết như thế trong bài Phạm Quỳnh, người nặng lòng với tiếng ta (Nguyệt san Công giáo và Dân tộc số 141 tháng 9 năm 2006).
Nhưng, ở đầu cuốn Pháp du hành trình nhật ký, chỉ thấy ông viết: “Tôi được quan Thống sứ Bắc kỳ cử sang Đại Pháp thay mặt cho Hội Khai trí Tiến đức để dự cuộc đấu xảo Marseille, lại được quan Toàn quyền đặc phái sang diễn thuyết tại mấy trường lớn ở Paris, ngày 9 tháng 3 tây năm 1922 (tức là ngày 11 tháng 2 ta), xuống Hải Phòng để đáp tàu Armand Béhic về Pháp.” Bấy giờ, về học lực ông chỉ tốt nghiệp trường Trung học bảo hộ. Nên khi sang Pháp, ngày thứ năm 18/5/1922 ông viết trong nhật ký (Đăng trên báo Nam Phong – DT chú): “Cả ngày hôm qua xem điện Panthéon là nhà kỷ niệm các danh nhân nước Pháp. Ở trọ đi ra gần lắm, cách có vài phố. Đi qua con đường d’Ulm, thấy trường Cao đẳng sư phạm (Ecole Normale Supérieure), trong bọn học sinh thường gọi tắt là “cái nhà đường d’Ulm” (la maison d’Ulm), nhà cũng thường thôi, không lấy gì làm to lớn đẹp đẽ lắm, nhưng có cái vẻ nghiêm trang bình tĩnh, thật là một nơi học hành cao thượng. (…) trong lòng cảm phục cái chí cao của kẻ thanh niên nước Pháp, mà lại bùi ngùi cho cái công học hành dở dang của mình. Than ôi! mình không phải là không có cái lửa nhiệt thành về sự học, nhưng mà sinh trưởng vào giữa buổi thanh hoàng học không ra gì cả, nho đã chẳng ra nho, mà Tây cũng chẳng thành Tây. Phàm sự học phải cho đến nơi đến chốn thì sở học sở hành mới điều hoà dung hợp nhau, mà gây nên cái nhân cách thanh cao. Hễ còn dở dang, còn nửa chừng, thì không ra con người gì cả. Ông cha mình mấy mươi đời học nho, nghiệp nhà đến mình là đoạn tuyệt. Bây giờ muốn cầu làm ông đồ cổ, bàn nghĩa tính lý, ngâm thơ nhà Đường, nhắp dăm ba chén chếnh choáng cho tiêu sầu khiển hứng, bảo mươi lăm thằng trò chẹt biết dã, giả, chi, hồ, an nhàn vô sự, ngày tháng vui qua, cũng không được nữa. Nói đến học Tây, thì chẳng qua học mấy câu tiếng tây để đi làm thuê, cũng tự biết còn thiếu thốn, muốn ra công học thêm, nhưng thày đâu sách đâu, ở trường thông ngôn ra, được học mấy ông hương sư ở Tây sang, thế đã là tột phẩm rồi, nào đã bao giờ được từng ngồi qua cái ghế một trường Đại học như trường Sư phạm này? Mà đã không được học đến bậc đó, thì còn mong lập nên sự nghiệp gì về đường học vấn? Dở dang, dở dang, thôi mình đã đành là một con người dở dang! – mà cả nước mình cũng là một nước dở dang! (…)
“Nhưng mà thôi, đã sinh vào buổi lỡ làng thì cũng phải chịu cái phận hẩm hiu vậy, biết sao bây giờ? Duy Phải biết rằng học đã chẳng ra gì, thời làm cũng chẳng nên chi, vì có gốc mới có lời, vốn ít mong sao được lời to? Cho nên cũng chớ có mong mỏi những sự to tát quá sức không làm nổi; chỉ nên hinh hương chúc vọng cho kẻ đến sau này họa được may mắn hơn mình chăng…”. Rõ là ông còn tự ti như vậy, thì vì sao, chỉ sau có hai tháng, ông lại đã đăng đàn diễn thuyết được ở viện Hàn lâm Pháp. Một việc không được Thống sứ Bắc Kỳ lẫn Toàn quyền Đông Dương giao. Mà chắc là cũng…không dám giao cho ông, vì không thể tin là có thể được mẫu quốc chấp nhận cho một tên dân bản xứ trẻ tuổi, không có học vị gì, lên diễn đàn Viện Hàn lâm. Vậy tại sao lại có chuyện lạ đó. Có phép lạ gì chăng…
Trong Pháp du hành trình nhật ký ngày thứ bảy, mùng 8 tháng 7, ông viết: “Tối ăn cơm ở nhà ông bà V. .Từ bữa nhân đến chơi với ông con là André được biết hai cụ, thì hai cụ cũng có lòng yêu mến, cố hẹn làm thế nào tối hôm nay cũng đến ăn cơm để nói chuyện. Hai cụ lại hẹn đến trước giờ ăn cơm để nói chuyện được lâu. Cơm nước xong mãi đến 11 giờ khuya mới về trọ.” Và thứ ba 11 tháng 7 lại viết: “Trưa hôm nay ăn cơm ở nhà cụ ông cụ bà V.. Bữa nay chỉ có một mình, không có khách nào lạ cả. Chuyện trò rất vui vẻ và thân mật. Hai cụ thật có bụng quá yêu mà mình đối với hai cụ cũng một lòng kính mến.” Rồi thứ bảy, 15 tháng 7 năm 1922: “Hôm nay hẹn với cụ V. đến thăm ông bác sĩ Lyon – Caen là vĩnh viễn thư ký Hội Hàn lâm, ban Chính trị Luân lý học, tại nhà riêng ông đường Soufflot, trước cửa đền Panthéon.
“Mấy lần nói chuyện với cụ V., cụ vẫn khuyên nên vào diễn thuyết ở Hội Hàn lâm. Nhưng làm thế nào vào nói được ở một chốn tôn nghiêm như thế? Cụ nói rằng cụ có quen biết nhiều ở Viện Hàn lâm, để cụ sẽ giới thiệu cho ông vĩnh viễn thư ký là người chủ trương các việc đó. Bởi thế nên hôm nay cùng nhau đến thăm ông Lyon Caen. Ông dạy pháp luật ở trường Đại học Paris, tuổi đã cao, thật ra thái độ một nhà bác học thâm nho. Tiếp ân cần tử tế lắm; nói chuyện hồi lâu, rồi cụ V. mới ngỏ ý muốn có dịp cho mình được vào diễn thuyết ở Hội Hàn lâm, để trước là các ngài Hàn lâm biết được một người Việt Nam có học thức, sau là cho mình được bày tỏ ý kiến tư tưởng của người Nam ở một nơi cao nghiêm danh giá. Bác sĩ cũng hiểu các lẽ đó, nhưng có ý ngần ngại nói rằng: “Hội Hàn lâm còn có một kỳ hội đồng cuối tuần lễ này nữa thời giải tán để nghỉ hè, mà kỳ hội đồng này nhiều việc quá. Vả trừ các thông tín hội viên (membres correspondants) của Hội ở các nơi, còn người ngoài vào đây nói cũng ít. Người Đông phương thời năm trước có một ông bác sĩ Ấn Độ cũng vào diễn thuyết ở Hàn lâm, nhưng ông thuộc tiếng Anh hơn tiếng Pháp, nên nói khó nghe lắm. Tôi xem ông đây nói tiếng Pháp được, song xin để tôi liệu thu xếp xem có đủ thì giờ để ông nói ngay kỳ hội đồng sau này không.” – Bác sĩ hỏi định diễn thuyết về vấn đề gì; mình cũng đột ngột chưa định gì cả, nói sẽ chọn một đề về giáo dục hay văn hoá. Bác sĩ hẹn vài ba hôm sẽ trả lời cho cụ V. biết.
“-Vào diễn thuyết ở Hàn lâm, thật mình không bao giờ dám mơ tưởng đến sự đó. Việc này mà khởi ra thật là tại cụ V.; việc này mà thành được cũng nhờ cụ V.” Và thứ ba, 18 tháng 7 năm 1922: “ Hôm nay nhận được thư của ông Vĩnh Viễn thư ký Hội Hàn lâm bảo cho biết rằng Hội Hàn lâm sẽ vui lòng nghe mình diễn thuyết kỳ hội đồng ngày thứ bảy 22 tháng 7 này, xin đúng 2 giờ ngày ấy tựu tại Hội sở. – Thế là cái mơ tưởng hoang mang nay sắp thành sự thực đây. Nửa mừng mà nửa sợ, mừng là thật là một cái hạnh ngộ ít có, một sự vẻ vang không gì bằng; sợ là không biết nói làm sao cho nghe được, để khỏi phụ lòng các ngài có bụng chiếu cố đến, khỏi gây ra cái cảm giác xấu về người An Nam. Các ngài trong Hội Hàn lâm chắc là chưa từng biết người An Nam bao giờ; nếu mình nói năng không ra gì thì các ngài sẽ xét người nước mình ra thế nào? Bây giờ mới biết rằng kẻ sất phu cũng có trách với nước là thế. Mình chẳng có danh vị gì mà cũng phải lo đến quốc thể đây: Chà! chà! ghê quá! Không biết các ngài quyền cao chức trọng, đại biểu cho cả quốc gia, thì lo đến đâu; có lẽ đến không ăn không ngủ được chắc?!”
Rồi thứ tư, 19 tháng 7 thì: “Hôm nay ở nhà soạn diễn thuyết.
“Nghĩ trong các vấn đề thiết yếu cho người mình không gì bằng vấn đề giáo dục. Bèn khởi thảo một bài tỏ rõ cái tình trạng sự giáo dục ở nước ta, phân trần những điều lợi hại, những sự khó khăn, và hỏi ý toà Hàn lâm nên giải quyết thế nào cho hợp lẽ. Đại khái nói rằng nước Việt Nam là một nước cổ, vốn đã có một cái văn hoá cũ, nhưng cái văn hoá cũ ấy ngày nay không thích hợp với thời thế nữa, cần phải có cái văn hoá mới đời nay thì mới có thể sinh tồn được trong thế giới bây giờ. Hồi đầu quý chính phủ dạy người An Nam chẳng qua là dạy lấy ít tiếng tây để sai khiến các công việc cho dễ, chưa phải là truyền bá văn minh học thuật gì. Gần đây mới gọi là bắt đầu ban bố một cái học cao hơn trước một chút. Nhưng trong sự truyền bá cái học mới ấy, có nhiều nông nỗi khó khăn, quý chính phủ vẫn chưa giải quyết được ổn thoả. Nếu dân Việt Nam là một dân mới có, chưa có nền nếp, chưa có lịch sử gì, thì quý quốc cứ việc hoá theo tây cả, dạy cho học chữ tây hết cả, đồng hoá được đến đâu hay đến đó. Nhưng ngặt thay, dân Việt Nam không phải là một tờ trắng muốn vẽ gì vào cũng được; tức là một tập giấy đã có chữ sẵn từ đời nào đến giờ rồi. Nếu bây giờ viết đè thêm một chữ mới nữa lên trên, thì e thành giấy lộn mất. Cho nên bây giờ dạy khắp chữ tây cho người An Nam từ tuổi nhỏ đến tuổi lớn, như ở các trường Pháp Việt ngày nay, kết quả chỉ đủ làm cho người An Nam mất tính cách An Nam mà chửa chắc đã hoá được theo tây hẳn, thành ra một giống lửng lơ thật là nguy hiểm. Muốn tránh sự nguy hiểm ấy, chỉ có một cách: là dạy cho trẻ con An Nam bằng tiếng An Nam cho hết bậc tiểu học, lấy cái phổ thông giáo dục bằng quốc văn làm gốc, như thế vừa tiện và vừa mau, vì không mất thì giờ học một thứ tiếng ngoại quốc dở dang không đến nơi và không dùng được việc gì. Học trò đã được bằng tiểu học tốt nghiệp bằng tiếng An Nam rồi, bấy giờ mới kén chọn người nào có sức được học lên các bậc trên nữa, như trung học, đại học, thời cho vào một trường dự bị chỉ chuyên học tiếng Pháp, nhưng học theo cách tấn tốc, như người Pháp học tiếng Anh tiếng Đức, nghĩa là học như học tiếng ngoại quốc vậy. Học thế chỉ vài ba năm có thể thông chữ Pháp đủ theo được các lớp trung học như bây giờ. Như thế mới khỏi được cái nguy hiểm thành một hạng người dở dang, tốt nghiệp ở trường tiểu học ra, chữ tây không đủ dùng được việc gì mà cái phổ thông thường thức học bằng chữ tây cũng còn mập mờ chưa lĩnh hội được hết, còn tiếng của nước nhà thì hầu như quên cả, v.v… – ấy bài diễn thuyết định đại cương như thế, nhưng còn phải phô diễn thế nào cho nghe được.”
Tiếp đến thứ năm ngày 20 tháng 7: “Chiều hôm nay lại ăn cơm ở nhà cụ ông cụ bà V. . Hai cụ vẫn định một buổi mời ông nghị viên Marcel Sembat và phu nhân để giới thiệu cho mình nói chuyện. Nguyên bà nghị viên là chị em thân thích với bà cụ V., nên hai nhà thường đi lại với nhau thân lắm. Ông Sembat thì ai hơi thuộc lịch sử chính trị nước Pháp ngày nay, chắc cũng đã biết tên và biết tiếng cả. Ông là một tay lãnh tụ trong đảng xã hội (…)Hôm nay nhân ông nghị bà nghị sắp đi nghỉ hè ở núi Alpes, hai cụ mời đến ăn cơm tối, để thừa dịp giới thiệu cho mình được biết. (…)Sau bàn đến vấn đề giáo dục ở bên ta. Đề này chính là cái đề mình định diễn ở Hội Hàn lâm nay mai; lại là cái đề vẫn thường thảo luận với cụ V., cụ rất đồng ý với mình: phàm tiểu học cần phải dạy bằng quốc ngữ, không thể dạy bằng ngoại ngữ được, đó là một lẽ tất nhiên. Một đứa con trẻ tiếng nước mình không thuộc thì học tiếng nước nào rồi cũng khó; trước hết phải dùng quốc ngữ để vỡ vạc trí khôn của con trẻ đã, nhiên hậu học tiếng ngoại quốc mới mau hiểu. Ông Sembat thời lại xét cái vấn đề ra một phương diện khác, ra phương diện chính trị. Ông là một nhà chính trị, lại là một nhà chính trị ý kiến rất rộng rãi, vì thuộc về đảng xã hội. Đối với ông thì việc khai thuộc địa là cái sự nghiệp của bọn tư bản, ông không ưa gì bọn tư bản và sẵn lòng đề huề với kẻ lao động, tức là dân thuộc địa. Vậy trong vấn đề này là ông vị dân thuộc địa, – tức là vị người An Nam mình, – mà nói. (…). Người An Nam ở dưới quyền chính trị nước Pháp, muốn vận động về đường chính trị tất phải biết tiếng Pháp, đó là một điều cố nhiên rồi. Nhưng có phải là nhất ban quốc dân An Nam đều có thể vận động về chính trị được không? Chẳng qua chỉ là một bộ phận gồm những người tai mắt, kẻ thức giả trong nước, mới có tư cách vận động mà thôi; bọn đó thời phải biết tiếng Pháp cho thật thông, dẫu tốn công phu đến đâu cũng phải học cho kỳ được. Còn phần nhiều người thì cần nhất bây giờ là học lấy cho mau biết những điều thường thức cần cho người ta ở đời này. (…) Cho nên dù thế nào mặc lòng, số người An Nam học được tiếng Pháp vẫn là số ít, còn phần nhiều phải học bằng tiếng nước nhà mới mau biết những điều thường thức.” Ngày thứ 6, 21 tháng 7: “Hôm nay đã thảo xong bài diễn thuyết ở Hội Hàn lâm. Mai đã phải dùng đến rồi, không kịp mượn người đánh máy. Thôi cứ thế này đem đọc cũng được. Nhưng trước khi ra đọc ở Hội Hàn lâm, phải nên diễn tập trước một lần. Không gì bằng đem đọc thử cho hai cụ nghe, được chăng thế nào hai cụ sẽ bảo. Vả cụ ông đã cho biết rằng có lẽ mai cũng không ra nghe ở Hội Hàn lâm được, vì cụ hiện đương có giấy ứng cử vào chân Hội, không muốn đi lại vội. Như thế thời đọc trước cho cụ nghe, tưởng cũng là một cái nhã ý đối với cụ. Vậy ngâm nga riêng một mình rồi, liền đem cả bản thảo lại đường Saint Germain. May hai cụ đều có nhà cả. Tỏ ý đọc trước để hai cụ nghe, hoặc có chỗ nào sai suyễn hay sơ suất xin hai cụ chỉ giáo cho, hai cụ lấy làm cảm động lắm. Để đồng hồ bên cạnh, đọc thong thả rõ ràng, vừa đúng hai mươi phút, thế là hợp với cái thời hạn đã định. Còn nội dung thế nào, lời lẽ có nghe được không, hay là rườm tai khó hiểu? Xin cụ cứ thực tình dạy cho. Hai cụ chỉ chữa cho vài cái “phốt” chữ tây vô ý không biết, còn thời nhất định quyết rằng nghe được, không những nghe được mà lại có cái giọng nhiệt thành bạo dạn, chắc sẽ có ảnh hưởng, không đến nỗi là những lời không ngôn. Hai cụ đã phán đoán như thế, dù là bởi bụng khoan dung muốn khuyến lệ cho kẻ tuổi trẻ lòng thành, hay là vì cách lễ nhượng không muốn kích thích cái thói “tự đắc của con nhà văn” mà chỉ trích cho hết những chỗ khuyết điểm, dù thế nào mặc lòng, mình cũng tạm yên tâm, để ngày mai có thể vững vàng mà ra đối diện với các quan Hàn lâm Đại Pháp. – Hai cụ cũng mừng cho và nói rằng nghe bài diễn thuyết mới biết cái vấn đề giáo dục ở nước Nam phiền phức là dường nào, và lòng nguyện vọng của người Nam cũng chánh đáng là dường nào.”
“Sáng nay không đi chơi đâu, chỉ bữa ăn đi một lát, rồi về nghỉ ngơi để sửa soạn ra Hội Hàn lâm. Phân vân không biết mặc tây phục hay mặc quốc phục. Đã có bộ jaquette, nếu mặc tây thì cũng tùng tiệm được. Nhưng nghĩ lại, gặp những cơ hội như lúc này mà nỡ bỏ quốc phục đeo tây phục, thì cũng tủi cái áo cái khăn anh đồ quá; thôi thì cứ mặc An Nam, chỉ dẫu đi ngoài phố thiên hạ chỉ trỏ nữa cũng chẳng hề gì. Trước hãy đến đón cụ V. để cụ hướng đạo và giới thiệu cho các ông phần việc, kẻo lạ lùng không biết đường nào mà dò. Nhà Hội Hàn lâm này cũng là một cái lâu đài cổ ở thành Paris, mặt tiền trông ra sông Seine, trước có cái cầu gọi là “Cầu Văn nghệ” (Pont des Arts). Phong cảnh có vẻ cổ thời. (…)Vào hỏi ở phòng thư ký, rồi có người đưa đến phòng hội đồng. Ban Luân lý Chính trị thường họp hội đồng cùng một phòng với ban Văn học duy khác ngày mà thôi: phòng này gọi là phòng Tự điển, vì ban Văn học thường họp để làm Tự điển ở đấy. (…)Mình vẫn tưởng rằng hôm nay chẳng được đông lắm, nhưng cũng được vài ba chục ngài (toàn ban chỉ có bốn chục ngài cả thảy). Không ngờ lác đác chỉ có vài ba cụ nữa đến, thế mà thôi, cả thảy được mươi mười hai người, kể cả các nhà báo. Lúc bấy giờ cũng hơi lấy làm thất vọng. Cái thói con nhà văn vẫn hay tự đắc: có lẽ nào các cụ Hàn được tin ông P. Q. diễn thuyết mà lại không hăm hở kéo nhau đến nghe cho thật đông! Đáng lẽ cả bốn chục ngài phải có mặt ở đấy, không thiếu một ngài nào mới phải! Sau hỏi ra mới biết rằng những khi hội đồng thường chỉ có thế thôi, không mấy khi được đến mười lăm ngài có mặt. Vả lại nay đã đến đầu hè, phần nhiều các ngài đi ra bể lên núi nghỉ mát cả, đến được thế này đã là đông rồi đó. Khi đã ngồi đâu vào đấy, thấy một ông cụ đầu râu bạc phơ, lưng khom khom chống cái ô đi vào; các cụ đều đứng lên chào một cách kính trọng lắm. Cụ mới vào đó chính là cụ Alexandre Ribot, nguyên thủ tướng Đại Pháp, hiện có chân ban Chính trị và ban Văn học Hội Hàn lâm. Năm nay tuổi đã cao lắm, – nghe đâu ngoài 80, – thường đau yếu, ít khi đến họp hội đồng được, hôm nay thấy đến, cử ban đều lấy làm mừng rỡ lắm. Cụ ngồi vào ghế, rồi ngài ban trưởng khai hội đồng. Chương trình kỳ hội đồng hôm nay có hai bài “thông cảo” (communications), tức là bài diễn thuyết cho các cụ Hàn nghe, rồi xét có nên thì sẽ đăng vào sách “Biên tập” của Hội Hàn lâm: một bài của ông giáo trường Đại học thành Rennes có chân thông tín của Hội, một bài của mình (…) Đoạn rồi đến lượt mình; ai đọc cứ ngồi chỗ nấy, không phải đứng dậy. Mình cố đọc cho to tát dõng dạc để các cụ nghe cho dễ; xem dáng các cụ cũng chú ý nghe. Đọc hết bài dừng lại thì thấy các cụ đều vỗ tay một hồi. Có ý nhận lúc ông giáo Đại học đọc lúc nãy thì không có vỗ tay. Sau về nhà nói chuyện với cụ V. mới biết rằng lệ thường ở Hội Hàn lâm nghe đọc những bài “thông cảo” không có vỗ tay bao giờ, hôm nay các cụ đặc cách vỗ như thế là có ý biệt đãi vậy. Trong bài “thông cảo” của mình có kể rõ về cái vấn đề giáo dục ở nước ta khó khăn là dường nào và hỏi ý các ngài Hàn lâm nên giải quyết thế nào (…) Ông trưởng ban nói trong bài diễn thuyết sở dĩ dẫn chứng lời của một vị Hàn lâm như thế thật là đủ tỏ rằng ý kiến của Hàn lâm cũng không khác gì ý kiến của diễn giả. Diễn giả sợ cách giáo dục của chính phủ Pháp ở nước Nam không phải đường, kết quả đến làm mất hết cái cốt cách tinh thần của dân tộc An Nam, làm “mất giống” An Nam đi. Cái hiểm tượng đó cũng đáng lo thật; diễn giả muốn hỏi toà Hàn lâm nên làm thế nào cho tránh khỏi. Vấn đề phiền phức, không thể trong một buổi thảo luận mà giải quyết ngay. Nhưng toà Hàn lâm xin chú ý; vấn đề đã trình bày ra như thế, hoặc có ngài nào trong ban muốn nghiên cứu, sẽ có thư từ bàn bạc với diễn giả, và thử nghĩ xem có cách nào giải quyết được ổn thoả cả mọi đường; nếu quyết định được một cái chương trình thoả đáng, mà cả ban thuận nhận thời lâm thời Hội Hàn lâm sẽ sẵn lòng vận động với chính phủ Đại Pháp cho có thể thi hành được. Hiện nay hẵng xin cám ơn diễn giả đã có lòng tin cậy toà Hàn lâm mà đem một vấn đề quan trọng như thế trình bày cho biết một cách rõ ràng mà thâm thiết như vậy. – Nghe diễn thuyết xong thì các người ngoài lùi về và hội đồng vào họp trong buồng trong, để bàn việc kín.
“Ở Hội Hàn lâm ra, về thẳng đường Saint Germain để nói chuyện cho hai cụ biết. Hai cụ lấy làm mừng lắm. Lại nghe nói khi đọc xong cử tọa có vỗ tay, hai cụ lấy làm lạ, nói xưa nay ít khi như thế, lần này thế là các cụ Hàn có ý biệt đãi khách phương xa lắm đó. Hai cụ lại nói rằng các ngài Hàn lâm thường không hay đến hội đồng đông bao giờ, ngay như ở ban Văn học phải làm Tự điển mà mỗi lần cũng chỉ mươi lăm vị là cùng. Song các bài “thông cảo” đều có đăng vào sách “Biên tập”, tức cũng như quyển tạp chí của Hội, như thế thì người không đến nghe rồi cũng được đọc, tất có ảnh hưởng to. Cụ ông hứa rằng nếu không ở Paris được lâu thì khi nào in bài vào sách “Biên tập” của Hàn lâm, cụ sẽ thương thuyết với nhà in lấy riêng ra mấy trăm bản, rồi gửi sang An Nam cho.”
Thì ra việc đọc diễn văn tại Viện Hàn lâm Pháp là hoàn toàn do sáng kiến của riêng Phạm Quỳnh, không “ thỉnh thị” ý kiến của cấp trên nào. Chỉ bằng vào tài năng và lòng yêu nước nồng nàn, với thái độ chân thành khiêm nhường, có văn hóa cao của mình, ông đã thuyết phục được các bạn bè Pháp, đứng đầu là cụ V., một người cha của một bạn trẻ Pháp của Phạm Quỳnh.
Càng tìm hiểu về nhà văn hóa Phạm Quỳnh, ta càng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: Ông quả là một thiên tài, một người yêu nước thương dân đến tận tâm can.