Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu

nhà thơ phạm sỹ sáuPhạm Sỹ Sáu sinh năm 1956 tại Hoà Vang, Quảng NamSinh trưởng ở làng Xuân Thiều, xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang, nay thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Thời trung học ở trường Phan Chu Trinh, Phạm Sỹ Sáu may mắn được học Việt văn với những người thầy giỏi như Trần Xuân Mai, Dương Ngọc Tạo, Nguyễn Đình Trọng. Những người thầy đã chỉ ra được cái hay cái đẹp và đem lại cho học trò tình yêu mãnh liệt đối với văn chương dân tộc. Học hết bậc trung học, năm 1974 Phạm Sỹ Sáu vào Sài Gòn học Trường đại học Khoa học để lấy chứng chỉ thi vào Trường đại học Y khoa. Hai năm sau ngày đất nước thống nhất anh thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi sang chiến trường Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Cuộc đời nhà thơ Phạm Sỹ Sáu “vận” với con số 8. Những bài thơ đầu tiên anh làm vào năm lớp 8. Sau ngày miền Nam giải phóng anh ngừng sáng tác, cho tới năm 1978 khi ở quân ngũ mới có cảm hứng viết lại. Năm 1988, từ chiến trường nước bạn trở về, anh rời quân ngũ, hoạt động văn học chuyên nghiệp. Và như một định mệnh, mười bài thơ đầu tiên mà Phạm Sỹ Sáu viết khi học lớp 8 ở Đà Nẵng là về chiến tranh. Cũng dễ hiểu thôi, khi ấy cả miền Nam là một chiến trường, mà thành phố Đà Nẵng là một trong những căn cứ chiến lược quân sự lớn nhất do Mỹ đổ đôla xây dựng. Tiếng bom gầm đạn xé, cuộc sống thời chiến không tránh khỏi “phủ sóng” lên tâm hồn thơ bé Phạm Sỹ Sáu. Để rồi gần mười năm sau, anh trở thành một trong những nhà thơ viết về chiến tranh nổi bật thế hệ mình, thế hệ thứ ba của những người – lính – thi – sĩ lớn lên khi nước nhà thống nhất, tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Giống như thơ Phạm Tiến Duật thời chống Mỹ, thơ Phạm Sỹ Sáu chinh phục lòng người bởi đời sống tươi rói của chiến trường, mà ở đó không chỉ có đạn bom, không chỉ có bắn giết nhau, mà còn có tình yêu và lòng khát khao vô bờ về một cuộc sống bình thường của người lính. Trong bộ phim tư liệu Phạm Sỹ Sáu- Điểm danh đồng đội do VTV3 thực hiện cuối năm 2003, một đồng đội của anh là nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng thơ Phạm Sỹ Sáu là biên niên của những người lính trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Điều đó chẳng cường điệu chút nào. Cho tới nay nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã xuất bản các tập thơ: Hãy mở lòng ra mùa thu tới (1973), Khúc ca vào chiến dịch (1982), Điểm danh đồng đội (1988), Chia tay cửa rừng (2002), Khúc ca đồng đội(2008) và trường ca Ra đi từ thành phố (1994). Trong sổ tay của nhiều người, nhất là những người lính Tây Nam, tôi đã gặp những bài thơ thời chiến của Phạm Sỹ Sáu được ghi chép một cách trân trọng: Điểm danh đồng đội, Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ, Thơ lính tặng những người con gái chưa quen, Trước đền Ăngco Vat, Với Poi Pét mùa mưa,… và đặc biệt là Hành tráng sĩ mới, bài thơ làm bằng thể hành mang âm hưởng Tống biệt hành của Thâm Tâm nửa thế kỷ trước, trong đó có đoạn:

“Không là Kinh Kha ngày xưa qua sông Dịch

Không là thở than của khúc Tống biệt hành

Tráng sĩ chừ qua sông, qua sông

Sóng vỗ mạn phà hề sóng vỗ

Trận tiền chừ là nơi súng nổ

Cung kiếm chừ là khẩu AK

Chung rượu chừ tráng sĩ hề không say

Lòng say con mắt ai…”

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *