Thủ khoa đại học bây giờ ra sao?
Không vùi đầu vào sách vở, nhiều thủ khoa đã tự hoàn thiện mình bằng những bài học vô giá từ cuộc sống.
Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS, thuộc Tập đoàn FPT), vốn là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Anh từng đậu thủ khoa 2 trường ĐH danh tiếng là Bách khoa TPHCM (27,5 điểm) và Luật TPHCM (26,5 điểm) vào năm 1991.
Cuộc sống cũng là trường đại học lớn
Năm đó, Phạm Minh Tuấn thi 3 trường ĐH: Bách khoa TPHCM, Luật TPHCM và Ngoại thương. Dù 2 trường đầu đậu thủ khoa nhưng anh vẫn định học Trường ĐH Ngoại thương cho “nhàn”. Đến những ngày cuối cùng, Phạm Minh Tuấn đột ngột chuyển hướng sang học Bách khoa. Tổng giám đốc FPT IS tâm sự chuyện học hành của anh có nhiều điều không như ý, các kế hoạch từ nhỏ đều không thành hiện thực và rẽ sang hướng khác.
Tổng Giám đốc FPT IS Phạm Minh Tuấn từng là thủ khoa của 2 trường ĐH tại TPHCM.
Xuất phát điểm là thủ khoa đầu vào nhưng khi ra trường, Phạm Minh Tuấn chỉ tốt nghiệp với tấm bằng loại trung bình khá. Theo anh, trường ĐH lúc ấy quy định sinh viên được phép trượt 3 môn mà không cần thi lại. Thế là những môn học thấy chán, anh bỏ luôn!
Mặt khác, quyết định đi làm từ năm thứ ba cũng lấy của Tuấn kha khá thời gian trong khi nhiều sinh viên chỉ tập trung lo việc học. Dù vậy, chàng sinh viên khóa đầu tiên của Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa TPHCM chẳng hề hối tiếc vì quyết định này.
“Thời điểm đó, mình không thể sở hữu 1 chiếc máy tính ở nhà. Vì vậy, việc đi làm thêm là cơ hội rất quý để mình làm quen với máy móc hiện đại cũng như có được những bài học kinh nghiệm cho bản thân” – anh Tuấn thổ lộ.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, Phạm Minh Tuấn gia nhập Tập đoàn FPT vào năm 1996. Từ vị trí một lập trình viên, quản trị dự án, sau 18 năm, giờ anh đã trở thành tổng giám đốc FPT IS. Cựu thủ khoa sinh năm 1974 này từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại FPT như: giám đốc FPT Software TP HCM, phó tổng giám đốc FPT Software…
Trước khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc FPT IS vào năm 2014, Phạm Minh Tuấn đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp Công nghệ FPT, chuyên nghiên cứu phát triển và cung cấp giải pháp công nghệ tổng thể về dịch vụ công, như triển khai các dự án hạ tầng về quản lý giao thông vận tải, y tế.
Giúp bệnh nhân vượt cửa tử
Là thủ khoa đầu vào năm 2000 đồng thời là thủ khoa đầu ra năm 2006 của Trường ĐH Y Hà Nội, anh Đinh Huỳnh Linh chọn con đường trở thành bác sĩ nội trú, sau đó được trường giữ lại làm giảng viên.
Cấp 2 học chuyên toán nhưng tự nhận mình không thông minh xuất sắc, Đinh Huỳnh Linh chuyển sang học chuyên hóa Trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội. “Bạn bè thi kinh tế, ngoại thương nhưng tôi thấy mình không hợp. Làm doanh nhân đòi hỏi sự táo bạo, đột phá nhưng ngành y không hẳn phải thông minh kiệt xuất, chỉ cần cù, chăm chỉ, cẩn thận, ân cần với bệnh nhân. Điều đó rất hợp với tôi” – Đinh Huỳnh Linh tâm sự.
Đậu ĐH với số điểm 30,5 (được cộng 2 điểm nhờ kết quả đậu tốt nghiệp THPT rất cao) nhưng mãi đến năm thứ ba, Linh mới thấy hài lòng về con đường anh đã chọn. “Khi đến bệnh viện, gặp nhiều bệnh nhân, tôi thấy những kiến thức thực tế thú vị hơn rất nhiều so với sách vở” – anh chiêm nghiệm. Chàng thủ khoa này đã chọn trở thành bác sĩ lâm sàng chuyên ngành tim mạch.
Theo Linh, ban đầu, cảm giác sử dụng ống nghe đem đến sự thú vị của trí óc khi có được chẩn đoán chính xác chỉ nhờ vào các giác quan và kiến thức của bản thân. Một lý do nữa khiến anh say mê ngành này là các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch não, tăng huyết áp đang chiếm tỉ lệ lớn trong cộng đồng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người bệnh.
Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú năm 2010, Linh trở về Trường ĐH Y Hà Nội làm giảng viên bộ môn tim mạch. Anh cho biết làm giảng viên ở trường vất vả hơn bởi mỗi ngày vẫn phải làm việc tại Khoa Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai 14 giờ. Tuy nhiên, đó là cơ hội lớn của Linh khi được làm việc với những chuyên gia đầu ngành rất giỏi. Mặt khác, anh thích công việc giảng dạy, chuẩn bị bài và tìm tòi các hướng tiếp cận để sinh viên dễ hiểu.
Đinh Huỳnh Linh vừa hoàn thành khóa học tại Viện Tim mạch Quốc gia Singapore nên rất muốn áp dụng những kiến thức mới giúp bệnh nhân vượt qua những khoảnh khắc sinh tử. Linh cho rằng với ngành y, 8 năm là khoảng thời gian ngắn nên anh còn phải học hỏi rất nhiều mới hoàn thiện năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp để trở thành một thầy thuốc giỏi.
Thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra, cơ hội du học mở toang trước mắt Linh nhưng anh vẫn chọn thi bác sĩ nội trú trong nước. “Đặc thù của ngành y khác hẳn các ngành khác, những trải nghiệm phải trên thực tế bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, sự trải nghiệm này tốt hơn những nơi khác. Vả lại, mình hành nghề ở Việt Nam thì phải thực hành trên người bệnh Việt Nam” – bác sĩ Linh bộc bạch.
(Còn tiếp)
Theo Yến Anh
Người Lao Động