Xây dựng Tộc phả

Người đăng: phoipha, Ngày đăng: 21-12-2015, 7593 Views

BBT: Tộc phả (hay Gia phả) là dạng sử dòng họ/ gia tộc truyền đời cho các thế hệ sau, là tư liệu quý cho các dòng họ khác tìm hiểu kết nối. Tộc phả đã được các dòng họ quan tâm biên soạn từ hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên, do điều kiện chủ quan và khách quan, không phải các dòng họ đều đã lập được Tộc phả; cách viết, nội dung và mức độ chi tiết các thông tin được đưa vào Tộc phả của mỗi dòng họ cũng khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu và khả năng cập nhật của từng dòng họ. Trang tin của Hội đồng họ Phạm Việt Nam đã đăng những bài liên quan đến việc lập Tộc phả , như bài GIA PHẢ CHỮ HÁN và GIA PHẢ THỜI NAY của ông Phạm Thúc Hồng, nay xin đăng tiếp bài ĐỀ CƯƠNG XÂY DỰNG TỘC PHẢ của ông Phạm Thanh Hùng.

Đây là những bài viết phản ánh nhận thức của từng tác giả, các Hội đồng gia tộc có thể tham khảo và tùy nghi vận dụng khi lập mới hoặc tục biên Tộc phả của dòng/ chi họ mình.

Bạn đọc có thể góp ý tham luận cho chuyên mục này để có thể chắt lọc, đi đến cách tiếp cận phổ cập và phù hợp hơn với tình hình phát triển của nền kinh tế – xã hội.

***

ĐỀ CƯƠNG XÂY DỰNG TỘC PHẢ

Nước có sử, nhà có phả. Phả thể hiện cội nguồn, truyền thống, kinh nghiệm và sự phát triển của một gia tộc, một dòng họ qua quá trình lịch sử. Đối với các gia tộc thuộc Hội đồng toàn quốc Họ Phạm Việt Nam, khi xây dựng phả, có thể sử dụng cụm từ “gia phả” hoặc “tộc phả”, trên cơ sở ý tưởng như sau:

 I- NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ TÍNH NGUYÊN TẮC

1- Xây dựng phả phải thực sự khách quan, khoa học. Phản ánh trung thực sự vật, hiện tượng, không tô vẽ, phóng đại. Chú ý xem xét cả hai mặt tốt, xấu; tích cực, tiêu cực trong quá trình phát tiển của dòng họ. Cần dựa vào tư liệu tin cậy, đối chiếu, phân tích, gạn lọc hợp lý.

2- Phải có quan điểm lịch sử. Căn cứ vào bối cảnh cụ thể của từng giai đoạn lịch sử để xem xét sự vật, hiện tượng, đánh giá tư tưởng, hành động của tiền nhân một cách khách quan, toàn diện.

3- Nhuần nhuyễn quan điểm đoàn kết, đại đoàn kết trong quá trình xây dựng phả (gia phả, tộc phả).

Trong khi tâm nguyện “Giang sơn muôn dặm một nhà, đồng tông họ Phạm đều là anh em”, thì phải quán triệt sâu sắc tinh thần “họ Phạm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Không được viết bất cứ điều gì gây ảnh hưởng không tốt đến các dòng họ khác. Tránh dùng hình thức so sánh với dòng họ khác để làm nổi dòng họ của mình.

4- Xây dựng phả là một quá trình, không vội vàng, cũng không cầu toàn; thận trọng, nhưng phải mạnh dạn; tập thể, dân chủ, nhưng phải chủ động, phát huy tính tích cực của từng người.

5- Bình đẳng nam nữ, nội ngoại. Cần chú ý đưa thông tin đầy đủ về nữ giới; nếu là phả ký phải ghi rõ trình độ văn hóa, tài năng, sự thành đạt và quá trình cống hiến cho họ hàng, làng xóm, quê hương đất nước … (nếu có).

II- BỐ CỤC GIA PHẢ

Lời nói đầu

Trước lời nói đầu, nếu cần có thể viết lời tựa; nhưng thông thường chỉ viết tiêu đề lời nói đầu bao hàm những nội dung chính là: Mục đích viết phả, đặc điểm lớn và thành tích nổi bật của dòng họ; Việc tổ chức, qui tắc viết phả; Khái quát những mặt đạt được, những điểm còn hạn chế, yêu cầu hoặc kêu gọi (nếu cần).

Chương viết về nguồn gốc dòng họ.

Phần này chỉ viết với các dòng họ lâu đời hàng ngàn năm, chí ít cũng bảy tám trăm năm. Họ Phạm chúng ta, đến nay có phả của dòng họ Phạm Đạo Soạn viết phả 628 năm, 26 đời cũng không bố cục riêng chương này mà chỉ tóm tắt những nội dung cần thiết ghép vào chương thủy tổ.

Chương viết về thủy tổ

Nội dung chính của chương này viết cụ tổ cao nhất của dòng họ, gọi là thủy tổ. Viết đầy đủ tên húy, tên tự, tên hiệu, tên thụy của thủy tổ. Nếu thạo về Hán Việt, nhất là các cụ sinh ra từ thế ký XX lại đây, nên dùng họ tên khai sinh, họ tên thường dùng, bí danh, tên hiệu sẽ dễ hiểu hơn.

Cần viết về nguồn gốc, xuất xứ của thủy tổ, có thể khái quát những nội dung viết ở chương nguồn gốc dòng họ ghép vào chương này mà không bố cục chương nguồn gốc dòng họ. Về khái quát nguồn gốc xuất xứ, của thủy tổ tùy thuộc vào tư liệu và sự cân đối nội dung của chương này cũng như cân đối toàn bộ nội dung cuốn phả. Đại thể là phải đầy đủ tiểu sử, lai lịch, hành trang và nếu thủy tổ có cống hiến cho họ hàng, làng xóm, nhất là công trạng với đất nước thì cần nêu đầy đủ, khách quan, trung thực.

Thông thường, nếu viết phả của các dòng họ vài ba chục đời thì nên ghép hai chương này thành một chương với tiêu đề là Chương một: Thủy tổ, hoặc Chương một: Thủy tổ và nguồn gốc dòng họ. Kết thúc chương này cần nêu sự phân chia tiếp theo và có sơ đồ phả hệ biểu hiện.

Về tổ quán, cần viết về địa lý, như địa danh hành chính (tên xóm, xã, huyện, tỉnh) đặc điểm đường sá, sông suối, chợ, đình chùa, ngành nghề truyền thống, từ đường, mồ mả tổ tiên… lịch sử, quá trình phát triển đến nay. Nội dung này, có thể khái quát những nét chính, cụ thể và sơ đồ, bản đồ nên đưa xuống phụ lục.

Các chương viết cụ thể về nội tộc

Tiêu đề các chương này tùy thuộc vào sự phân chia của các gia tộc, các dòng họ và cách viết của tác giả mà đặt cho phù hợp. Tộc phả của Dòng họ Phạm Đạo Soạn (628 năm, 26 đời) phân chia theo thứ tự: Cành, ngành, đại chi, chi, tiểu chi, chi nhánh hoặc phái. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không cần phân chia thành các cành và về khái niệm thì ngành phải nhỏ hơn chi, nên viết là chương chi một, chương tiếp là chi hai… Chúng tôi đề nghị chưa nên tranh luận khái niệm này mà chỉ cần thống nhất trong từng gia tộc, đặc biệt là thống nhất trong mỗi cuốn phả.

Đây là nội dung chính của cuốn phả (gia phả hoặc tộc phả) được thể hiện bằng “phả đồ” hoặc “phả ký” hoặc kết hợp “phả đồ” và “phả ký” . Phổ biến hiện nay là viết “phả ký” kết hợp “phả đồ”, với sự kết hợp giữa văn xuôi và sơ đồ minh họa những nội dung cốt lõi nhất.

Có thể viết phả hệ hết đời này đến đời khác theo thứ tự từ cụ tổ đến đời mới nhất (tạm gọi là “hệ ngang”). Cũng có thể viết theo từng chi hoặc ngành hết chi hoặc ngành này đến chi hoặc ngành khác, theo thứ tự bắt đầu từ chi hoặc ngành cả (tạm gọi là “hệ dọc”).

Đối với các dòng họ nhiều đời thì nên kết hợp cả hai phương pháp (hệ ngang và hệ dọc) một số đời đầu theo “hệ ngang” (khoảng 5 – 6 đời) khi dậu duệ đông đúc thì viết tiếp theo “hệ dọc”, theo từng chi hoặc ngành, nhưng mỗi chi vẫn ghi tiếp từ trưởng chi ngược lên thủy tổ.

Thứ tự đời trên, ngành trên viết trước, đời dưới, ngành dưới viết sau. Trong gia đình thì người sinh trước viết trước; tuy nhiên với những gia đình đã quen thứ tự con bà cả bất kể lớn bé đều là anh chị, con bà lẽ là em, thì khi viết phả cần tôn trọng trật tự đó, nếu thay đổi thứ tự mới thì phải được gia chủ nhất trí.

Cổ xưa các cụ thường chỉ viết nam, không viết nữ. Gần đây, nhiều phả đã viết cả nam và nữ; có phả viết đầy đủ trai, gái, dâu, rể, con nuôi, con ngoài giá thú, đầy đủ nội, ngoại. Tuy nhiên, vẫn có mức độ khác nhau, như có quan niệm viết về nữ chỉ viết đến con, không viết cháu; nhưng thực tế có phả đã viết nữ thành một ngành như nam. Điều này, tùy thuộc vào tình hình cụ thể các gia tộc, các dòng họ bàn bạc thống nhất quyết định.

Viết về mỗi người cần thể hiện đủ họ tên (khai sinh, thường dùng, bí danh …) ngày tháng năm sinh, quê quán, chỗ ở hiện nay, công việc từ sau khi học phổ thông đến khi viết phả (nếu có điện thoại, email thì càng tốt). Họ tên vợ (chồng) và điểm những nét nổi bật về nhà vợ (chồng) như họ tên bố mẹ và gia cảnh… Viết về người đã qua đời thì thêm tên hiệu và ngày tháng năm từ trần.

Trên tinh thần đó, tùy thuộc vào tình hình cụ thể để các gia tộc, dòng họ thống nhất nội dung viết cho hợp lý; đương nhiên là viết được đầy đủ vẫn tốt hơn (Gia phả ngành Phạm Viết – xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, viết tương đối đầy đủ, cụ thể như nội dung nêu trên).

Cách thể hiện cần chú ý thêm:

Phả của dòng họ nhiều đời cần đặt ký hiệu, như đời ký hiệu là D, ngành là N, chi là C, tiểu chi là T, phái là P… Ví dụ: Khi đọc Phạm Thanh Bình D19/N1/C3/T2/P3 – sẽ hiểu là trong dòng họ ông Bình đời 19, ngành cả, chi 3, tiểu chi 2, phái 3.

Khi viết tổ bà, nếu có chính thất, thử thất, kế thất, thiếp thì phải theo đúng thứ tự, cuối cùng mới ghi phụ chú (nếu cần)

Chương viết về truyền thống tốt đẹp của dòng họ

Tùy thuộc vào các dòng họ, thông thường cần chú trọng các nội dung sau:

– Tinh thần lao động, sản xuất, công tác.

– Tinh thần hiếu học, những chi, phái và tấm gương tiêu biểu.

– Truyền thống về phẩm chất, đạo đức

– Truyền thống xây dựng gia đình hạnh phúc

– Truyền thống yêu nước, trung thành với Tổ quốc, những cống hiến cho nước, cho dân tiên biểu (nếu có)…

Sắp xếp thứ tự như thế nào và cách thể hiện các nội dung trên đây ra sao là tùy thuộc vào đặc điểm tình hình cụ thể của các gia tộc, các dòng họ.

Kết luận :

Có thể viết hoặc không, tùy thuộc vào các dòng họ; chí ít cũng nên có lời yêu cầu đóng góp ý kiến, bổ sung, chỉnh sửa, kêu gọi tiếp tục cung cấp tư liệu, lượng thứ những khiếm khuyết trong quá trình xây dựng phả…

Phụ lục :

– Địa lý, lịch sử tổ quán.

– Từ đường, mồ mả tổ tiên.

– Danh sách tiến cúng xây dựng gia tộc, dòng họ

– Những ngày giỗ quan trọng, như giỗ thủy tổ, cô tổ, tổ ngành, tổ chi, tiểu chi…

– Thống kê số người trong họ và từng chi, ngành trong họ đến khi viết phả (tùy thuộc khả năng thu thập số liệu và ý định của ban biên tập)

– Danh sách liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công.

– Những người đỗ đạt cao và đạt danh hiệu cấp Nhà nước (tùy từng gia tộc qui định cụ thể)

– Các tư liệu khác (tùy từng gia tộc xác định thêm, nếu xét thấy cần thiết).

 III- MẤY NÉT CẦN QUAN TÂM KHI VIẾT PHẢ

1- Công việc hàng đầu là làm rõ ý định, hình thành để cương sơ bộ, thu thập tư liệu.

– Thống kê đầy đủ bà con các ngành, chi, phái, các gia đình theo nội dung viết về từng người như nêu trên.

– Nghiên cứu phả cũ tiền nhân để lại và phả của các chi, ngành (nếu có).

– Tư liệu chính sử và kết quả nghiên cứu từ hội thảo khoa học (nếu có)

– Tư liệu dã sử, thần phả, ngọc phả, thần tích, truyền thuyết (nếu có)

– Phả có liên quan, nhất là phả tộc cội nguồn, như một số họ ở Kim Sơn, Ninh Bình cần nghiên cứu phả Phạm tộc Trà Lũ và Phả tộc Dòng họ Phạm Đạo Soạn…

2- Xác định thủy tổ và sưu tầm học vị, chức tước, phẩm hàm của tiên tổ.

Thủy tổ là vị tổ đầu tiên trong phả, bên trên còn có khởi tổ đối với các dòng họ khoảng 700 – 800 năm đến trên nghìn năm; lên cao, với bề dày dòng họ vài ba ngàn năm thì vị tổ cao nhất gọi là viễn tổ.

Học vị, chức tước, phầm hàm của tiên tổ thường được lưu tại nhà thờ họ, miếu, đền và bảo tàng các cấp, kể cả quốc gia, như Văn Miếu Quốc Tử Giám…việc tìm kiếm khai thác phải rất công phu, cần kiên nhẫn, làm lâu dài, bổ sung vào phả dần dần.

3- Phải có kế hoạch bổ sung phả thường xuyên.

Sự thêm, bớt theo hướng tăng lên là quy luật phát triển tất yếu của các dòng họ, nên ngay sau khi hoàn thành cuốn phả phải có kế hoạch thu thập tư liệu. Vì vậy, các hội đồng gia tộc, hội đồng họ các cấp (xã, huyện, tỉnh và Hội đồng toàn quốc) phải có ban tộc phả và kết nối dòng họ để phân công phụ trách, thu thập tư liệu thường xuyên bổ sung nội dung phả./.

Ghi chú:

Hiện nay, có một số sách đang lưu hành, nếu bà con có nhu cầu tham khảo thì tìm đọc:

1- Tác giả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ: Gia phả khảo luận và thực hành – Nhà xuất bản văn hóa – năm 1992.

2- Tác giả Nguyễn Thế Nguyên: Viết Gia phả – suy nghĩ và thể hiện – Nhà xuất bản Hà Nội – năm 2008.

3- Tác giả Phạm Côn Sơn, Trương Sĩ Thắng: Gia phả Biểu mẫu và lược biên hướng dẫn – Nhà xuất bản văn hóa dân tộc – năm 2009.

Các bài viết khác :