Một tấm bài vị thờ tướng quân Phạm Cự Lạng

Người đăng: phoipha, Ngày đăng: 14-08-2016, 156742 Views

Trong dịp về dự lễ công nhận “Di tích lịch sử – văn hóa Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng” ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, tôi được ông Phạm Mậu Ngọ cho xem một bản viết tay có chữ Nho và phiên âm sao chép nội dung tấm bài vị đang thờ ở từ đường họ Phạm Mậu. Được biết, chính tấm bài vị đã góp thêm cứ liệu để hoàn thiện hồ sơ Di tích. Ngôi đền Di tích tọa lạc trên khu đất gia truyền của họ Phạm Trọng, nhưng phần mộ và tấm bài vị thờ Ngài lại do họ Phạm Mậu truyền đời hương hỏa. Tương truyền hai dòng họ này “sâu rễ bền gốc” ở đất làng Khang Thượng từ hơn một ngàn năm nay là trực duệ “cành liền một cội” của Ngài. Trong dân gian quanh vùng, Ngài giản dị, thân quen là Mòi Tướng quân. Giới Nho học xưa nay ở ngôi làng quê hương thứ hai của Ngài đều biết rõ húy danh Ngài là Phạm Mậu Chuân. Sách Việt điện u linh ghi tên Ngài là Phạm Cự Lưỡng, Đại Việt sử ký toàn thư viết là Phạm Cự Lạng, Việt sử lược chép là Phạm Cự Bị.

Bản sao chép mà tôi được ông Ngọ cho xem có 41 chữ Nho: 高 族 (-> 祖) 前  家 朝 (-> 頒) 敕 贈 加 (0 – tạm dịch)…2/3 (-> 頒… 贈) 總 兵 副 都 統…使 國 府…  電 國 重 串? 奠 尉…-> 都 -> 壯 大 將 軍 … 相 公 諱 諒 言 -> 謁 忠 敏 ㄓ 靈  và 38 chữ phiên âm: Cao tổ tiền gia ban sắc tặng gia ban tặng tổng binh phó đô thống… sứ quốc phủ…điện quốc trọng xuyến điện úy đô tráng đại tướng quân… tướng công húy Lượng yết  Trung Mẫn chi linh. (Xem ảnh). Dễ thấy nó vừa thừa lại vừa thiếu để mô tả nội dung tấm bài vị. Vả lại, các chữ trên tấm bài vị cũng không dễ luận đọc do được viết ken sít, gần như gối lợp lên nhau và nét chữ thì phần đã bị thời gian làm phai mờ, phần đã bị nhòe nhoẹt, bị che phủ bởi các lớp nhũ tô đè lên nhau một cách bừa bãi dường như chẳng cần biết đến chữ nghĩa gì ráo. Tôi đã nẫu óc tự hỏi: “Làm sao lại có thể bất cẩn đến độ cẩu thả như vậy nhỉ?”. Có lẽ đó là một phần lý do khiến bao lần tôi mang ảnh chụp tấm bài vị đi “xin chữ” mà hầu như không có kết quả mang về.

Sau một thời gian tìm hiểu, nhiều lần học hỏi những người thạo chữ, rồi trao đổi cùng anh em trong các ngành Phạm Mậu, Phạm Trọng, Phạm Đăng ở thị trấn quê nhà, tôi đã tiếp thu 27 trong số 41 chữ Nho của bản sao chép và “luận” ra được 24 chữ khác, gộp lại là 51 chữ “hợp lệ”: vừa có tự dạng tương hợp với các dấu nét và thứ tự trên tấm bài vị, vừa có ngữ nghĩa phù hợp với văn từ  và quy lệ lập bài vị. Thứ tự chữ theo hàng dọc ở tấm bài vị được chuyển thành hàng ngang từ trái sang phải như sau:  黎 左 右 曹 正 招 討 使 開 府 儀 同 三 司 平 章 軍 興 兵 振 武 暐 諄 諡 / Cao tổ Tiềntriều sắc tặng tả hữu tào chánh tổng binh phó đô thống chiêu thảo sứ khai phủ nghi đồng tam ty bình chương quân quốc trọng sự điện úy hưng binh chấn võ vĩ đại tướng quân Phạm tướng công húy Chuân thụy Trung Mẫn chi linh. (Các chữ nét nghiêng là tiếp thu từ bản sao chép)

Tuy vậy, vẫn còn những nét chữ mờ nhòe ở nơi rốt cùng của tấm bài vị. Một vài  người đã “quen” với văn từ bài vị cho rằng ở đó chỉ có thể là chữ “vị 位 ” hoặc “vị tiền/前 位”. Cái lý chung của phép lập bài vị là thế. Nhưng những vết chữ còn lờ mờ ở đó không có dáng vẻ gì để có thể đọc là “vị /位” hoặc “vị tiền/位 前” (đọc dọc) hay “vị tiền/前 位” (đọc ngang). Chúng cũng không có vẻ là một niên đại bởi hình nét của chúng không có chút gì tương hợp với bất kì một cặp chữ nào trong số tên gọi các năm theo hệ Can – Chi.

Căn cứ vào tự dạng đã bị nhợt nhòe tôi giả định chúng có thể là một trong các cặp chữ: “CẩnThành/誠 謹”, “Cẩn Thức hay Cẩn Chí /識 謹” hoặc “Bằng Thức/軾 憑” (đọc phải sang trái). Tôi  nghiêng về triển vọng “Bằng Thức/軾 憑” bởi  ở mé cực tả có vẻ là bóng dáng của bộ “xa/車” hơn là bộ “ngôn/言”. “Bằng thức” là hành vi tỏ lòng cung kính trong ứng xử của hiền nhân quân tử thời xưa.

Luận đoán là vậy. Nhưng lý giải như thế nào đây cho sự hiện diện rất lạ lùng của các cặp chữ này ở một tấm bài vị?

Thế rồi, một sự tình cờ đã cho manh mối. Mới đây, khi về quê vào hôm Rằm tháng Năm vừa rồi, tôi lại ghé thăm ông Ngọ như bao lần trước. Hôm đó, thật là bất ngờ, lần đầu tiên tôi được nghe ông nói bộ đồ thờ gồm hoành phi, câu đối, ngai và bài vị là do một ông quan lớn trong triều “tặng” gia đường Phạm Mậu. Ông Ngọ không gọi là “tiến cúng” mà  gọi là “tặng”. Ông cho biết thêm là phía sau câu đối trước kia còn có chữ đề tặng. Nhưng ông không biết người tặng là ai, họ tên là gì, chỉ nhớ lời các cụ mấy đời truyền lại rằng người tặng là một ông quan lớn trong triều.

Rất tiếc là bộ hoành đối đó nay không còn nữa. Bộ hiện đang phụng tự tại từ đường họ Phạm Mậu là bản sao của bộ cũ. Cỗ ngai thì đã có nước sơn mới ở một phần phần chân đế. Duy có tấm bài vị là còn nguyên bản.

Do có ba chữ “前 黎 朝/Tiền Lê triều” nên từ lâu tôi đã hiểu rằng niên đại của tấm bài vị chỉ có thể là từ Hậu Lê đổ về sau. Liên tưởng đến “ông quan lớn trong triều” như lời ông Ngọ, tôi nghĩ: “Ông quan lớn trong triều nào ở tận Thăng Long hay Phú Xuân mà lại biết tường tận gia cảnh và có quan hệ như thế nào với nhà trưởng họ Phạm Mậu để có thể “tặng” một món đồ thờ như vậy?”. Rồi… trong đầu tôi lóe lên: “Trời đất ạ! Sao lại ngẫu nhiên trùng khớp kỳ lạ vậy?!… Là Ngài ư? Chính là Ngài rồi! Ông quan lớn trong triều…”.

Số là, hôm ấy, như đã hẹn trước với một người chú họ làm thày cúng ở làng, tôi mang về hai bản sao chụp. Trong khi nói chuyện với ông Ngọ, tôi đang lăn tăn về “ông quan lớn trong triều” thì sực nhớ ra các bản sao này. Đó là các bản phụng sao hai đạo sắc phong đề cùng một ngày “Mười Tám tháng Ba năm Khải Định thứ hai”, nội dung là: vua Khải Định chuẩn tứ việc phụng sự hai vị nhân thần đều nguyên quán làng Khương Thượng. Một đạo: ”Sắc Ninh Bình tỉnh, Yên Khánh phủ, Khương Thượng xã, Xuân Mai giáp phụng sự Tiến công Thiếu khanh Phan Đình Tư hưởng nhã chi thần…”. Một đạo: “Sắc Ninh Bình tỉnh, Yên Khánh phủ, Yên Vân tổng, Khương Thượng xã, Hậu Hào giáp phụng sự Lê triều Thái phó Thiếu bảo Anh nghị Tướng quân Thùy trung hầu chi thần…”.

Vị thứ nhất đã rõ danh tính.

Còn, “Lê triều Thái phó Thiếu bảo Anh nghị Tướng quân Thùy trung hầu” thì chính là “Quan Thượng Thùy” như dân làng tôi thường gọi; húy danh Ngài là Tạ Hữu Tư, hiệu danh là Danh Thùy. Tạ Danh Thùy là cái tên khá quen thuộc trong văn truyện chữ Nho, Nôm và chữ Việt Nam hiện đại có liên quan đến lịch sử cuối Lê, đầu Nguyễn. Ngài là quan thị phò tá liên thông hai đời vua Lê Hiển Tông và Lê Chiêu Thống, từng cầm quân phò Lê chống Tây Sơn nhưng thất bại. Nhà Lê mất, Ngài mai danh ẩn tích 17 năm cho đến khi nghe tin nhà Nguyễn đã đánh bại Tây Sơn lập quyền thống trị cả nước mới đến ra mắt hoàng đế Gia Long. Hoàng đế khen ngợi đức trung và ngỏ ý tái dụng Ngài. Nhưng khi đó Ngài đã 62 tuổi nên xin được về quê dưỡng lão để dạy bảo con cháu. Sinh thời, Ngài là một bậc kì tài, có ngoại hình cao lớn và sức khỏe phi thường, “là người cơ trí, giỏi văn học, biện luận như gió”. Ở triều đình, vào lúc tột đỉnh danh vọng, Ngài cũng là một đại cự thần có tước vị tương đương vị danh tướng đồng hương của mình tám trăm năm trước – Mè Tướng quân Phạm Mậu Chuân trong dân gian cũng là Thái úy Phạm Cự Lạng trong sử sách. Ở quê nhà, Ngài là láng giềng của nhà trưởng họ Phạm Mậu xóm Viềng.

Với thân thế như thế, kiến văn như thế, tâm thế như thế, vị thế đồng hương, láng giềng như thế, thêm vào đó là sự ngẫu nhiên trùng khớp kỳ lạ trong cùng một dịp đã kể trên như thế… hẳn Ngài là ứng viên duy nhất để là “ông quan lớn trong triều” mà ông Ngọ đã nhắc đến. Và 17 năm mai danh ẩn tích của Ngài hẳn là có can hệ tới sự tô đè “cẩu thả” cố ý vùi lấp chữ nghĩa trên tấm bài vị đã từng khiến tôi nẫu óc. Là bậc hậu sinh, Ngài tỏ lòng ngưỡng mộ bằng cách “tặng” gia đường hậu duệ bậc tiền bối đồng hương một bộ phụng tự và – tôi ngờ rằng – tự tay ngài cầm bút trải tâm tình của mình lên tinh khôi lớp sơn son chỉ vừa kịp ráo để được khom mình cung kính cùng hai chữ “Bằng Thức/軾 憑” dưới chân tấm bài vị. Chẳng dễ có mấy ai có thể có duyên biểu đạt hai chữ đó như phong bẩm ở Ngài. Cơ trí và tài hoa kể cũng lạ thường.

Vậy là khúc mắc ở hai chữ cuối cùng đã được giải tỏa. Và nếu luận giải này đúng người đúng việc thì tấm bài vị và cỗ ngai của từ đường họ Phạm Mậu ít nhất cũng hơn 200 tuổi. Giờ đây đã có thể đọc đủ 53 chữ trong nội dung tấm bài vị đó:

高 祖 前 黎 朝 敕 贈 左 右 曹 正 總 兵 副 都 統 招 討 使

開 府 儀 同 三 司 平 章 軍 國 重 事 奠 尉 興 兵 振 武

暐 大 將 軍 范 相 公 諱 諄 諡 忠 敏 ㄓ 靈                                                    軾 憑

Cao tổ Tiền Lê triều sắc tặng tả hữu tào chánh tổng binh phó đô thống chiêu thảo sứ khai phủ nghi đồng tam ty bình chương quân quốc trọng sự điện úy hưng binh chấn võ vĩ đại tướng quân Phạm tướng công húy Chuân thụy Trung Mẫn chi linh                       Bằng thức

Đó là luận giải nội dung tấm bài vị theo hiểu biết của tôi mà tôi muốn được chia sẻ ở đây. Rất mong mọi người cùng tìm hiểu và trao đổi ý kiến để cùng rõ thêm.

Phạm Đăng Hiến

Các bài viết khác :