Người hết lòng với việc Họ cả nước

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 27-07-2016, 160504 Views

Lởi BBT: Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài cuối cùng trong loạt bài “Những tấm gương hết lòng vì việc Họ!

Dao4

NGƯỜI HẾT LÒNG VỚI VIỆC HỌ CẢ NƯỚC

Tác giả Phạm Thế Chiến viết về Pgs.Ts. Phạm Đạo, nguyên Chủ tịch HĐHP khoá VI.

 Đông chí Năm Canh Dần (17 tháng Một, tức 22-12- 2010), dòng họ Phạm Đông Đồ lại tổ chức họp mặt toàn thể con cháu trong họ đang làm ăn, sinh sống ở mọi nơi (theo Tộc ước, 5 năm một lần), từ Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội) đến Quế Võ (Bắc Ninh), Yên Dũng (Bắc Giang)… về làm Lễ giỗ Thuỷ tổ. Và, mừng thay, tại Lễ giỗ năm này, sau 5 năm tôi biết và đưa dòng họ tôi đến và tham gia các hoạt động của tổ chức họ Phạm Việt Nam, bà con trong họ được tiếp đón các vị khách quý là những người đang giữ trọng trách trong Ban Liên lạc HPVN, đứng đầu là PGS.TS. Phạm Đạo – Trưởng ban Liên lạc khoá V!

Năm ấy, ông đã thuộc hàng “nhân sinh thất thập cổ lai hi”, một người có dáng hình nhỏ nhắn nhưng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn tuyệt vời. Bà con trong họ ai cũng cảm mến ngay từ cái bắt tay khi mới gặp, bị lôi cuốn khi tiếp chuyện ông, nhất là khi ông thay mặt Ban liên lạc phát biểu, giới thiệu về tổ chức và về truyền thống họ Phạm Việt Nam… Chính tại buổi Lễ này, tôi đã “bị” ông và các vị trong BLL cảm hoá, lôi cuốn tham gia làm việc họ. Trong thời gian cùng các ông làm việc họ, càng ngày tôi càng hiểu về ông rõ hơn từ thân thế, sự nghiệp, đến nhiệt tâm đóng góp không vì mình cho tổ chức họ Phạm trong cả nước…

Những ngày đầu tham gia việc họ chúng tôi thường đến nhà nhau cả buổi để trao đổi về những vấn đề liên quan đến các chương trình vi tính, từ word đến photoshop, proshow producer… và những vấn đề liên quan đến việc biên tập, đăng tin và quản lý trang tin điện tử của họ ta. Khi “giải lao” nhâm nhi trà lá, chuyện trò, tôi được biết ông có một bản “lý lịch” khá đẹp! Ông sinh trước tôi 5 năm (1940) ở đúng nơi xưa tôi từng trọ học phổ thông: thôn Xuân Phương, Phúc Thắng, Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay là Khu Xuân Bến, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Từ năm 1952 ông được Nhà nước gửi sang Trung Quốc học phổ thông rồi Đại học. Năm 1963 ông tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Kỹ sư viễn thông. Về nước ông làm giảng viên Trường Cán bộ Bưu Điện Truyền thanh (sau là trường Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc). Năm 1968 được tuyển đi Hungari làm Nghiên cứu sinh, bảo vệ xong Luận án và nhận bằng PTS Kỹ thuật năm 1973. Về nước ông được đề bạt Trưởng bộ môn nghiên cứu “An toàn thông tin” của Viện KHKT Bưu Điện, năm 1978 làm Chủ nhiệm khoa Hữu tuyến trường Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc. Từ năm 1982 ông được “nhấc” lên  làm Vụ phó Vụ TCCB Tổng cục Bưu Điện, 1990-1996 làm Giám đốc Công ty Điện toán & Truyền số liệu (VDC), cùng năm này được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư, rồi làm Chánh Văn phòng Tổng cục Bưu Điện, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu.

Ngay sau năm nghỉ hưu, năm 2002 ông đã chính thức tham gia BLL với cương vị là Trưởng ban thông tin và kết nối dòng họ, kiêm Tổng Biên Tập Bản tin nội tộc; năm 2008: Giữ chức Tổng thư ký kiêm TBT trang web hophamvietnam.org, rồi làm Trưởng BLL họ Phạm Việt Nam khoá V, Chủ tịch HĐTQ họ Phạm Việt Nam khoá VI.

Tôi có cảm nhận, ông nhận sổ hưu nhưng không nghỉ hưu. Ngoài tham gia làm việc họ, ông còn tham gia hoạt động ở nhiều tổ chức xã hôi khác, như: Ủy viên BCH Hội Hữu nghị Việt – Trung khoá II, III và IV, Ủy viên BCH Hội Hữu nghị Việt – Hung  khoá I (kéo dài hơn 10 năm), Chủ nhiệm CLB văn thơ Bưu điện, Ủy viên BCN CLB thơ luật Đường Phạm Đạo Phú, TBT các trang web: CLB văn thơ Bưu điện, TBT trang web gia đình kehe.name…

Cùng làm việc họ với ông, tôi ngày càng cảm phục ông ở cái tâm, đã hết lòng vì việc họ, bỏ công bỏ sức, thời gian và tiền túi lo tổ chức và tham dự mọi sự kiện. Riêng với trang web của họ, ông là một trong những người đầu tiên lo mọi khâu chuẩn bị cho ngày trang web chính thức ra mắt bạn đọc (31/1/2005). Ông và cháu Phạm Khánh Dương, một già một trẻ nhưng họ rất thân thiết, quan tâm thăm hỏi tạo điều kiện giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng bỏ nhiều công sức, thời gian để duy trì và phát triển trang web này. Rồi sau này, khi việc quản lý trang web đã bàn giao sang tôi nhưng ông vẫn luôn quan tâm, chỉ đạo bảo đảm nội dung và hình thức ngày càng tốt, đẹp và thu hút được nhiều bạn đọc hơn.

Sau nhiều năm cộng tác với ông và mọi người trong Hội đồng, tôi biết rõ thêm, suốt gần 20 năm làm việc họ ông đã dành thời gian đi dự hàng trăm buổi giỗ húy kị, khánh thành từ đường, khuyến học khuyến tài,… của các HĐGT khắp đất nước, nhất là những dịp đầu xuân. Mỗi khi về dự các Đại hội sự kiện, gặp mặt của các HĐHP địa phương, bao giờ ông cũng đến thắp hương ở một nhà thờ họ hoặc bàn thờ gia tiên của một gia đình nào đó. Ông coi đó là những cuộc hành hương về dâng hương lên các vị tiên tổ tuy không phải trực hệ với mình, nhưng vẫn là một nhánh, một cành của các dòng họ Phạm chúng ta. Ngay như dòng họ Phạm Đông Đồ (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội) chúng tôi, ông đã về không chỉ một lần mà là nhiều lần. Ông còn dành thời gian tìm hiểu về truyền thống kháng chiến anh dũng của một xã anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ việc đến thăm địa đạo Nam Hồng, các di tích của “Làng kháng chiến”…

Về địa phương nào cũng vậy, ngoài việc thăm hỏi bà con trong họ, ông đã truyền đạt lại cho mọi người rõ về truyền thống họ Phạm Việt Nam ta, về tổ chức Hội đồng họ Phạm các cấp, động viên bà con làm tốt việc họ, giữ gìn và phát huy truyền thống của họ ta. Là một ông già đôn hậu, có tấm lòng rộng mở, am hiểu chuyện dòng họ, thế sự và chuyện trò vui vẻ, đi đến đâu ông cũng được bà con trong họ quý mến, đón tiếp như anh em ruột thịt…

Sau gần 20 năm làm việc họ, nhiều năm làm người đứng đầu trong tổ chức Hội đồng họ Phạm cả nước, tuổi đã cao lại có nhiều việc riêng, việc chung khác phải lo, từ khoá VII, ông nghỉ việc Hội đồng toàn quốc HPVN, cũng như “về hưu” lần thứ hai. Tuy nghỉ việc Hội đồng nhưng tâm trí ông vẫn luôn dành cho việc họ, ông vẫn dành thời gian, tài chính… tham gia mọi hoạt động của Hội đồng các cấp, từ trung ương đến các địa phương tổ chức với tâm thế của một tộc viên mẫu mực. Ông còn ấp ủ viết một cuốn Hồi ký làm việc họ, để lại cho thế hệ trẻ và mọi người đang và sẽ làm việc họ như một cuốn sách “gối đầu giường”…

Mong sao trong họ ta ngày càng có nhiều người toàn tâm toàn lực làm việc họ như ông – PGS.TS. Phạm Đạo.

Hà Nội, ngày 24/9/2015

Phạm Thế Chiến

 

Các bài viết khác :