NHẠC XUÂN của Ba Nhạc sĩ Họ PHẠM
Phạm Đình Chương (tên thật)
Với nghệ danh Hoài Bắc (Ảnh dưới cùng), P.Đ.C cùng các anh em Hoài Trung (trên cùng), Thái Thanh (bên phải), Thái Hằng (bên trái) lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng.
HỌ PHẠM CÓ NHIỀU NHẠC SĨ TÀI HOA, NỔI TIẾNG:
1/-PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG với Ly Rượu mừng
Mùa Giáng sinh vừa đi qua như một đám rước rộn ràng đã khuất ở cuối phố thì người ta liền chuẩn bị mừng Xuân. Phải chăng, nhạc Giáng Sinh thường gây buồn man mác vì cũng gây niềm luyến tiếc không khí tưng bừng đón Tết ngày xưa? Mùa Đông càng buốt giá thì nỗi nhớ lại như càng đậm…
Ngày xưa, ở quê nhà, thì cả tháng trước Tết chúng ta vẫn nghe từ máy phát thanh, hoặc từ nhà mình, hoặc từ nhà… hàng xóm những ca khúc vui tươi đặc biệt của mùa Xuân.
Chúng ta nhớ Phạm Đình Chương (14/11/1929 – 22/8/1991)
-Nhớ trước hết và hơn cả, vì không có Tết nếu không có Ly Rượu Mừng. Khởi đầu cho chương trình bao giờ cũng bằng ca khúc này. Không có lời chúc tụng nào đầy đủ cho mọi ngành mọi giới bằng sáng tác bất hủ này. Nếu Tây phương có bài Auld Lang Syne, được Pháp hóa thành Ce n’est qu’un au revoir, là biểu tượng của giờ phút cuối của một năm, thì Ly Rượu Mừng đánh dấu một khởi đầu đầy hy vọng của năm mới với nét nhạc cùng âm hưởng tươi sáng, rộn rã.
Khi còn đủ cả năm người trình bầy ca khúc, Ban hợp ca Thăng Long là một kết hợp tuyệt diệu. Ba giọng nữ Thái Thanh, Thái Hằng, và Khánh Ngọc quyện nhau như một. Giọng caonam của Hoài Trung vững vàng dũng mãnh hòa với giọng Hoài Bắc (tức tác giả) giữ bè ba rất điêu luyện.
Đặc biệt hơn hết là lúc coda tức là đoạn kết, Hoài Trung hát ad lib câu “ước mơ hạnh phúc nơi nơi”… thật sung mãn và nghệ thuật. Những giọng kim nam dù có mạnh và điêu luyện đến đâu cũng không địch nổi một Hoài Trung ở câu này, như được viết cho riêng Hoài Trung. Cái chất giọng vang vang, ngời ngời tỏa sáng đó thật hợp với lời chúc hạnh phúc gửi đến mọi người…
Lời bài hát: Ly Rượu mừng
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công dân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
á a a a…
Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình đang phơi phớị…
-Phạm Đình Chương còn một bài viết về Xuân vui tươi là Đón Xuân nhịp Swing rất Mỹ. Lời ca trong bài là những ước vọng một mùa Xuân thái hòa, tái dựng lại một cuộc sống vui tươi, xóa đi những đau thương buồn khổ. Ngày nay, chúng ta thường nghe bài này trong khiêu vũ trường.
-Nhưng, đã nhớ xuân xưa thì phải nhắc đến Xuân Tha Hương, cũng của Phạm Đình Chương.
Nhạc phẩm được viết trước năm 1954 mà đã mang tâm sự kẻ tha hương thấy khao khát trở về đón Xuân nơi quê mẹ. Ca khúc được viết trên nhịp Boston chậm buồn. Cung nhạc Ré trưởng làm nét buồn bâng khuâng luyến nhớ chứ không ủ ê như trên cung thứ. Phạm Đình Chương viết bản nhạc rất công phu. Bình thường, bản nhạc có một điệp khúc, mà trong bài này, ông viết hai điệp khúc. Như Dương Thiệu Tước khi viết Ngọc Lan vậy. Vì thế ca khúc khá dài, ít khi được hát nguyên bài hai lần mà chỉ một lần rưỡi là tối đa. Xuân Tha Hương còn là nhạc đề của cuốn phim Người Mỹ Trầm Lặng (The Quiet American Man) từ cốt truyện của Graham Greene.
-Ngoài ra Phạm đình Chương còn sáng tác một bài về Xuân mang tựa đề Lá Thư Mùa Xuân. Bài hát có lời ca hơi “chiến dịch” vì ông viết vào thời Đệ nhất Cộng hòa khi phong trào nhập ngũ được phát động. Lời ca diễn tả tâm trạng người vợ trẻ khi Xuân về nhớ đến chồng đang gìn giữ biên cương nơi xa xôi. Nàng ước mong Xuân về mang lại thanh bình yên ấm cho quê hương và nhắn nhủ ngừi yêu bền tâm chiến đấu. Như bài thơ xưa của Hoàng Cầm, nàng nhắc đến con thơ mới thôi bầu sữa (tức là còn bé lắm) để chồng thêm nhiệt huyết có ngày trở về…
2/- PHẠM DUY với Hoa Xuân
Phạm Duy Phạm Tuyên
Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn (5/10/1921 – 27/01/2013)
Người nhạc sĩ đem cuộc đời mình hiến dâng cho âm nhạc và đem âm nhạc gắn liền với quê hương như một định mệnh là Phạm Duy. Ông có nhiều ca khúc trác tuyệt về Xuân.
-Phổ biến là Hoa Xuân, viết năm 1953 trên nhịp Slow tha thiết. Lời ca xưng tụng mùa Xuân nơi thôn ổ. Có đàn em bé ngoài đê, có chàng trai ngắt bông hoa biếu người thiếu nữ tuổi xuân thì. Xuân trong hồn người tỏa hương với đất trời. Đây là một trong những ca khúc hát dễ hay, người dễ nghe. Bài hát nào của Phạm Duy hát nghe cũng thuận, điều này dễ hiểu, vì ngoài lãnh vực sáng tác ông là một ca sĩ.
-Xuân Thì là bài Xuân ca đáng nhớ khác của Phạm Duy. Nhịp Luân vũ 3/4 chầm chậm, khoan thai dìu dặt rất thích hợp với cấu trúc lục bát của lời ca. Phạm Duy viết bài này năm 1952, có lẽ do chiến sự tạm lắng đọng trước khi kết thúc thảm khốc, nên lời ca về Xuân mà vẫn nặng không khí chiến tranh với hình ảnh hoa đào nở trên vết mòn chiến xa và nét nhạc mang âm hưởng Nhật Bản man mác.
-Khi viết Xuân Ca thì tâm trạng tác giả đã khác. Ca khúc là niềm vui trọn vẹn giữa Đất trời. Xuân từ trong lòng mẹ cha, và từ đó góp chung lời kêu gào thiết tha cho một mùa
-Có lẽ mùa Xuân của Phạm Duy đẹp nhất là… về đêm. Một bài Xuân ca rất sớm viết từ năm 1948 tại chợ Neo, Thanh Hóa, là để tặng Thái Hằng, người bạn trăm năm. Đó là Đêm Xuân, một bài ca xưng tụng tình yêu. Bàng bạc trong toàn bài là một xúc cảm chân thành, Xuân vĩnh cửu. Xuân ca soạn theo ngũ cung Việt Nam. tha thiết và còn có ý vỗ về nữa. Từ hình ảnh đôi chim uyên đến báo tin Xuân đã về đến tiếng câu hát buồn và tiếng đàn ru hồn… tất cả đưa đến tình yêu, và yêu rồi thì xin đừng nhạt phai…
Không hiểu vì sao trong những ca khúc viết tặng vợ, nhạc sĩ Phạm Duy hay đề cập đến cây đàn. Từ cây đàn trong Đêm Xuân khiến lòng thiếu nữ xốn xang đến cây đàn dâng cho người yêu góa bơ vơ trong Tạ Ơn Đời… Chính Phạm Duy cũng không ngờ “nàng” lại đi trước. Hình ảnh góa phụ ôm cây đàn bơ vơ là hình ảnh của chính mình. Ngậm ngùi biết.
Lời bài hát: Hoa xuân
Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn
Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cầy trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ ngàn nơi
Thấy hoa tươi cuời bỗng thương đời
Xuân! Hoa còn tươi mãi
Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui
Xuân! Hoa nở vì ai
Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai
Có một chàng thi sĩ miền quê
Ngắt bông hoa biếu người xuân thì
Có một đàn em bé ngoài đê
Hát câu i tờ đón Xuân về
Những đoàn người trên luống cầy nâu
Thấy hoa xuân phép lạ ra màu
Bỗng nhủ lòng ra sức cầy sâu
Tiếng ca như thể tiếng kinh cầu
Hoa bèn yêu bóng dáng cần lao
Bắt tay nhau tránh cuộc cơ cầu
Người cùng mùa đã thoát vực sâu
Sức reo hoa nở lúc Xuân đầu
Xuân! Hoa tỏa hương mới
Nhân quần ân ái đã kêu đòi niềm vui
Xuân! Hoa là tình tôi
Đua nở cùng ai cùng quyến luyến mọi nơi
Có một bầy thôn nữ nhìn hoa
Chúc cho Xuân vui vẻ thái hòa
Có một vài tóc trắng thầm mơ
Ước cho hoa nở mãi không già
3/-PHẠM TUYÊN với Gửi Nắng cho Em
Sinh năm 1930, là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng, cựu Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, tác giả của bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng“, một bài hát cộng đồng được nhiều người hát tại Việt Nam. Năm 2012, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Những ngôi sao ca đêm, Từ Làng Sen, Đêm trên Cha Lo, Tiến lên Đoàn viên, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.
Gửi Nắng Cho Em -Tác giả: Phạm Tuyên
Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ
Trời Sài Gòn xanh cao quyến rũ
Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam
Muốn gửi ra em một chút nắng vàng
Thương cái rét của thợ cày thợ cấy
Nên cứ muốn chia nắng đều ra ngoài ấy
Có tình thương tha thiết của trong này
Anh vẫn hiểu sức vươn của những cánh đào
Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày Tết
Như cây thông vững vàng trong giá rét
Em hãy làm cây thông xanh nghe em
Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm
Hai vựa thóc cùng nặng tình của đất
Cùng vào trận một ngày vui thống nhất
Hơn lúc nào anh thấu hiểu lòng em
Gửi nắng cho em gửi nắng cho em
Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay.
LỜI KẾT
Dòng họ PHẠM hãnh diện về các Nhạc sĩ tài hoa của họ PHẠM. Đặc biệt, hai nhạc sĩ Phạm Duy và Phạm Tuyên đều đã nhiệt tình tham gia Hai Đêm nhạc họ Phạm tại TpHCM trong năm 2011 và 2012 nhân Ngày Giỗ của Ngài PHẠM TU –Thượng Thủy tổ của Họ PHẠM VIỆT NAM.
Hội đồng Họ Phạm Quận Gò Vấp hân hạnh báo tin:
-KÍNH MỜI THAM DỰ TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM TP . HỒ CHÍ MINH KHÓA 3 ( 2015 – 2020 ): Ngày 26-4-2015, Hội đồng họ Phạm TpHCM sẽ tổ chức Đại hội Hội đồng họ Phạm TpHCM khóa 3 nhiệm kỳ 2015-2020, theo đúng Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Hội đồng Họ PHAM VIỆT NAM.
-Họ Phạm TpHCM sẽ tổ chức khánh thành Nhà Tưởng niệm Thượng thủy tổ PHẠM TU tại Miền Tây Nam Bộ -thời gian sẽ thông báo sau ( tọa lạc tại xã Tường Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long). Đây thật sự là một niềm tự hào của TpHCM và các tỉnh phía Nam với Nhà Tưởng niệm PHẠM TU, để cùng với PHẠM TỔ Linh Từ, xã Thanh Liệt, Hà Nội, chúng ta cùng nhau dốc sức phát triển Họ PHẠM ngày càng phát triển rực rỡ hơn nữa.
Trước thềm Năm mới Xuân Ất Mùi -2015, thay mặt Hội đồng Họ Phạm quận Gò Vấp và
dòng tộc Phạm Vũ tại TpHCM, người viết xin kính chúc Quý vị Đồng tộc Họ PHẠM và Gia quyến.
Một Năm Mới “Thân Tâm An Lạc”
PHẠM VŨ ĐỘNG (Bút danh: PHẠM VŨ)