DÒNG SÔNG TUỔI THƠ –
MỘT DÒNG SÔNG CHẢY MÃI KHÔNG BAO GIỜ CẠN
Thơ Phạm Đao. – Lời bình Trịnh Quốc Thắng
Dòng sông tuổi thơ
Làng He tôi có sông Cà Lồ
Nước hai mùa lúc sâu, lúc cạn
Đi qua miền đất bạc màu
Trăn trở…
Ký ức tuổi thơ theo ta suốt cuộc đời:
… Những buổi chiều tắm mát, chăn trâu
“Muốn biết bơi để chuồn chuồn cắn rốn”!
Lặn ngụp thi nhau mò trai, bắt hến
Tận bây giờ mùi cua nướng còn thơm
Những con muỗm đồng chín tới vàng ươm
Lửa rơm cháy đến cuối đời vẫn ấm
Mặt mũi lấm lem, bắt khăng, thả đáo
Đời xế chiều vẫn tiếc tiếng cười xưa
Những cánh diều nâng ao ước tuổi thơ
Tiếng sáo vi vu, lời ru của mẹ
Vầng trăng nghiêng, thẹn thùng ngực trẻ
Má lúm đồng tiền, nửa miệng cười duyên
Những con sông tôi đã từng qua
Danube(1), Hadson(2), sông Seine(3), Dương Tử(4)…
Mỗi con sông diệu kì mời gọi
Trong lòng tôi vẫn chỉ một Cà Lồ
Nước đục, trong theo tháng, theo mùa
Là biển lớn của tôi thời thơ bé
Mỗi khi về làng tôi lặng lẽ
Chỉ một mình đứng ngắm dòng sông
Hạt nước nào đã nhuốm muối biển Đông?
Hạt nước nào đã tan vào trong máu?!
Ôi! Dòng sông quê hương yêu dấu
Chở tuổi thơ tôi về biển lớn cuộc đời!
P.Đạo
——————
(1) Sông Danube chảy qua các nước Châu Âu,
(2), (3), (4)) Các sông ở New York, Paris và Trung Quốc
Lời bình
Như lời một bài hát:
“Quê hương ai cũng có một dòng sông bên nhà
Như ai tôi cũng có một dòng sông tuổi thơ”
Dòng sông tuổi thơ của Nha thơ Phạm Đạo chính là con sông Cà Lồ chảy quang cái làng He cổ kính ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Sông Cà Lồ không phải là một dòng sông đẹp, thậm chí còn ít người biết đến, nhưng với Phạm Đạo nó là dòng sông đẹp nhất. Anh đã so sánh với những dòng sông nổi tiếng thế giới như sông Sen, Danuyt, …
Mỗi con sông diệu kì mời gọi
Trong lòng tôi vẫn chỉ một Cà Lồ.
Có vẻ cực đoan, vì sông Cà Lồ làm sao có thể so sánh với những con sông lừng lẫy kia. Nhưng đọc câu thơ của Felelo, một thi sĩ người Pháp
Không ở đâu yêu quí nhất
Hơn xóm làng mảnh đất quê hương
Thì tôi tin Phạm Đạo nói thật, anh đã nói đúng tình cảm của mình và nói hộ cho bao nhiêu người khác về tình yêu quê hương và quê hương là chùm khế ngọt, là con đường nhỏ từ làng ra bờ sông ngập tràn hoa xoan tím rụng, là những vạt hoa cải vàng rực rỡ nắng chiều. Để cho anh và bạn bè
Những buổi chiều tắm mát chăn trâu
Lăn ngụp thi nhau mò trai bắt hến
Tận bây giờ mùi cua nướng còn thơm
Những con muỗm đồng chín tới vàng ươm
Những câu thơ thật sinh động, những chấm phá của một bức tranh màu nước, ta thấy hiện lên một làng quê thanh bình với những đám mây trắng bay qua bầu trời, cánh đồng lúc tháng mười sau mùa gặt, và những làn khói của lũ trẻ đốt rơm nướng cua, nước cá. Trong thơ có họa, Nhà thơ đã vẽ được bức tranh đầy màu sắc và sinh động.
Với những câu thơ thật thơ
Đời xế chiều vẫn tiếc tiếng cười xưa
Những cánh diều nâng mơ ước tuổi thơ
Và tôi rất yêu cái cách tả thực mờ ảo này của anh
Vầng trăng nghiêng, thẹn thùng ngực trẻ
Nhưng nếu như chỉ dừng lại ở đây, thì bức tranh ấy tuy có đẹp cũng sẽ lẫn vào bao bức tranh khác. Và khó vượt được “Chợ tết” của Đoàn Văn Cừ! Những cảm xúc cháy bỏng đến độ thăng hoa đã làm cho tác giả có được câu thơ:
Lửa rơm cháy đến cuối đời vẫn ấm
Nhờ có câu thơ này mà bài thơ mới thực sự thơ và nhờ có câu thơ này mà Nhà thơ Phạm Đạo mới trở thành Thi sĩ Phạm Đạo!
Tôi đã đọc rất nhiều bài thơ viết về dòng sông quê hương như bài “ Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh, hay sông Thao, sông Lô, sông Chảy, sông Hậu, sông Tiền, … mối dòng sông đều cho tôi một cảm xúc khác nhau.
Và chính tôi cung viết một bài thơ về dòng sông quê tôi, dòng sông tuổi thơ. Dòng sông Lô. Tôi cũng có may mắn như Nhà thơ Phạm Đạo được đi qua nhiều dòng sông nổi tiếng trên thế giới và bản nhạc “Sông Danuyp xanh” là bản nhạc tôi yêu thích nhất, nhưng ngay cả đứng bên bờ dòng sông Danuyp bạt ngàn hoa tuylip nở thì tôi vẫn nhớ cái dòng sông Lô quê tôi, và vì thế tôi đồng cảm với Nhà thơ Phạm Đạo và cũng thêm yêu con sông Cà Lồ quê anh. Một con sông đẹp hơn trong kỷ niệm, mặc dù con sông Cà Lồ không còn chảy nữa.
Nhưng con sông Cà Lồ trong thơ Phạm Đạo thì vẫn trong xanh và vẫn còn chảy mãi!
Ôi dòng sông quê hươn yêu dấu
Chở tuoir thơ tôi về biển lớn cuộc đời
Tôi thuộc rất nhiều bài thơ, nhưng bài thơ “Dòng sông tuổi thơ” thì tôi không thuộc. Có một câu rất nổi tiếng của Nhà thơ Vũ Quần Phương
“Khi gặp được thơ rồi thì quên chữ quên câu”
Tôi đã quên chữ, quên câu, nhưng bài thơ thì tôi nhớ và “ngọn lửa rơm” trong thơ Phạm Đạo thì vẫn cháy trong tôi, cháy trong chúng ta suốt cả cuộc đời.
Hà Nội, 20/11/2016