Hậu suy ngâm-2

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 06-11-2016, 3053 Views

Hậu suy ngẫm-2

tdung3

BA CÂU NÓI TRONG MỘT BUỔI SÁNG THANH BÌNH

Một quán nhỏ trên bãi biển Nha Trang. Tôi ngồi uống cà phê. Đối diện là một thanh niên, chừng hai lăm tuổi, đang đọc báo. Trước mặt anh ta là ly sữa và một chiếc bánh kem đặt trên đĩa.
Gió sớm se lạnh. Một cô gái từ phía biển đi vào, da trắng, khuôn mặt thanh tú, mệt mỏi. Cô đi chân đất, bộ bà ba đen ướt sũng, mái tóc dài nước chảy ròng ròng. Cô ngồi xuống chiếc ghế cạnh chúng tôi và thản nhiên cầm bánh ăn. Anh thanh niên đưa tờ báo sang bên đủ để nhìn xem chuyện gì rồi lặng lẽ đẩy nhẹ cốc sữa về phía cô gái và tiếp tục đọc báo.
Ông chủ quán ôn tồn nói:
-Tại sao cô làm vậy?
Cô gái nói thản nhiên:
-Tôi đói.
Anh thanh niên mắt không rời trang báo, nói đủ nghe:
-Tôi trả tiền.
Ăn bánh uống sữa xong, cô gái lẳng lặng bước ra khỏi quán.

Nhiều năm qua rồi mà thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ lại câu chuyện nhỏ này với một cảm giác bình yên. Chàng thanh niên xử sự một cách nhẹ nhàng, giản dị như vậy, phải chăng vì sự tử tế vốn “thường trực” trong tâm thức của anh.

AI DẠY

Hồi chiến tranh, mỗi lần đi công tác, tôi hay đội mũ sắt, mặc áo blu-dông bộ đội màu cỏ úa. Một lần, trên đường về, tôi qua chợ Lục ngạn Bắc giang mua con gà.
Xung quanh cô bán gà có đến năm sáu bà, trông vẻ như người Hà nội sơ tán đến. Tôi chưa nói năng gì, cô gái bán ngay cho tôi con gà ngon nhất và hình như rất rẻ.
Mấy bà nói:
-Tại sao bán cho chúng tôi một giá bán cho anh ấy một giá?
Cô gái thản nhiên nói:
-Chồng em cũng là bộ đội, em bán rẻ cho anh ấy ở đây thì ở nơi khác người ta lại bán rẻ cho chồng em.
Câu nói cứ như vọng lại từ… đời xưa. Chữ nghĩa mộc mạc giản dị thế chắc là cô học được từ ông bà, cha mẹ, rồi trở thành nếp sống nếp nghĩ trên đồng đất quê nhà.
Thời “hiện đại” không ai nói thế. Nếu chăm đọc báo, học thuộc bài theo “chương trình giáo dục” thì chắc cô sẽ nói “uyên bác” hơn và cũng “bay bổng” hơn…

HƯ CẤU

Đọc tiểu thuyết, nhiều khi người ta say sưa mê mẩn với các tình tiết, với câu với chữ, mặc dù biết một phần hoặc tất cả là hư cấu. Truyện khoa học giả tưởng hoặc truyện kinh dị hư cấu đã đành, còn các tác phẩm tầm cỡ của những Sheakspeare, Lev Tolstoy, O’Henry, Mc Cullogh, Stephan Zweig, Walter Scott, Cervantes, Ngô Thừa Ân, Hugo, Balzac…thì chắc là hư cấu quá nửa đến 99%. Nhưng những tác phẩm đầy hư cấu của họ để lại cho loài người một kho tàng đồ sộ những giá trị thẩm mỹ cao, làm ấm lòng người, khơi gợi tính nhân bản và tình yêu cuộc sống. Bằng sự li kì của các tình tiết, tạo dựng câu chuyện hợp lí, văn chương sắc sảo, chúng làm người đọc quên đi tất cả để hân hoan, đau đớn, chua xót cùng nhân vật…
Bỗng một hôm nhận ra một điều: Riêng về khoản hư cấu thì các bậc văn hào đó không “mạnh dạn” bằng các nhà chính trị.
Làm chính trị “bất chấp mọi thủ đoạn, tất cả cho mục đích”. Đó là tuyên ngôn trang trọng! Dựng chuyện, xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, cố tình làm án giả, án oan…”chơi” tất! Hư cấu tội trạng, hư cấu thành tích, hư cấu cả lý lịch của bản thân để leo lên cao.
Trên thế giới này, quốc gia nào cũng thế cả. Hàng vạn trang tin, sách báo “hư cấu chính trị” đầy trên mạng, trên các giá sách, cả trong các nhà bảo tàng lịch sử và sách giáo khoa (!)
Một loại “hư cấu” khác nữa là không đặt điều, không bịa đặt tất cả mà cấu véo bớt sự thật, có mười điều chỉ nói dăm ba điều thôi. Người Pháp có câu: “Nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì nhưng một nửa sự thật chỉ là sự lừa dối” (Un demi pain est toujours du pain alors qu’une demi vérité n’est que mensonge!)
Báo chí và truyền thông nước nào cũng đều rất thành thạo cái ngón trò này.

ĐI CHỖ KHÁC CHƠI !

Bà vợ đang căm cụi nấu món ăn. Ông chồng định giúp một tay. Bà bảo ông lên nhà đi, đụng vào hỏng hết của tôi bây giờ…
Ông bố đang say sưa làm việc gì đó, thằng bé vào đùa nghịch. Ông bảo: Đi chỗ khác chơi để bố làm việc.
Ở một cơ quan nọ, có một ông đụng đâu hỏng đấy, nói những câu mà cười không được mếu không xong, lại hay xía vào mọi việc. Người ta không thể bảo ông “đi chỗ khác chơi” vì ông là….thủ phó của cơ quan(!) Anh em còn bảo nhau: Ông ấy sẽ có cống hiến lớn nhất nếu ông ấy… đừng làm gì cả!
Đọc trên báo giấy, báo mạng (tinh lề phải!), thấy có mấy ông to hơn ông thủ phó kia nhiều mà nói những câu ngu ngơ để đời, hoặc làm những việc tai hại, để thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí gây hại cho đất nước nặng nề không thể tính bằng tiền. Biết thế lắm nhưng người dân không thể bảo mấy ông đó “đi chỗ khác chơi” được, vì mấy ông to rồi, dân xin gặp còn khó, bảo gì được! Nhiều khi “nhà nước” cũng thấy nhưng không bỏ đi được, một ông to lắm nói lâm ly: “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc, các đồng chí!”, ý ông muốn nói là: “méo mó có hơn không”. Cho nên nhiều việc cứ méo xẹo. Đành chịu vậy.

THƯƠNG CÁI THÂN MÌNH

Trong cuộc sống luôn luôn gặp những tấm gương xả thân quên mình như lao vào đám cháy cứu người; không ngại mệt mỏi, đêm ngày giành giật với thần chết để cứu sống người bệnh hoặc người bị nạn. Đến như các cháu bé yếu ớt như cái lá nhỏ còn lao xuống nước cứu bạn khỏi đuối nước v.v. Trong những khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc đó những người tử tế không nghĩ gì đến bản thân.
Nhưng trong đời thường thì nhiều khi chả cần “quên mình” người ta vẫn cứ quên, không thương chính mình. Bia rượu thuốc lá xài thả cửa, ăn uống vô độ, chơi thâu đêm, ngủ nghê được chăng hay chớ. Học hành để làm giàu thêm kiến thức thì càng là chuyện…xa xỉ….
Quả thật, tụ tập bạn bè, một chút bia rượu thuốc lá cũng là một cái thú, một thú vui tao nhã. Người ta chỉ nói Cai với người Nghiện thôi. Không nghiện thì không cần cai. Với những người ăn chơi miệt mài “thà chết không chịu hy sinh, liều mình như chẳng có, không cần biết đến ngày mai” thì không dám bàn rồi.
Khi thấy các bạn trẻ hăng say tập thể hình, tập võ, mình thấy có thiện cảm. Không phải vì họ yêu thể thao mà trước hết vì họ yêu…bản thân mình. Những con người như thế sẽ không ham mấy trò chơi bời phá sức phá đời và tất nhiên họ xa lánh những chuyện tiêm chích, đâm chém…

Tạp chí Le Point của Pháp viết về hoạt động của các bộ phận của cơ thể trong một ngày, có những thông tin thú vị:

Tim:        Đập 100.000 lần.
Chuyển tải 8.600 lít máu, tương đương 15 tấn máu.
Phổi:       Hít vào và thở ra 12 mét khối không khí.
Gan:       Cấp 1 lít mật cho túi mật để xả vào ruột 25 lần.
Sản xuất 2 lít dịch tiêu hoá.
Thận:      Lọc 1.700 lít máu.
vân vân…
Một ngày là thế thì tính ra trong 70 năm tuổi đời, tim chuyển tải 383 ngàn tấn máu, tương đương sức chở của 76 ngàn chiếc xe tải 5 tấn. Thận lọc 43 triệu lít máu, tương đương sức chứa của 215 thùng phuy!
Ai làm những việc đó? Cái thân mình chứ ai!
Xin hãy thương lấy cái thân mình, cái món quà của tạo hoá, của cha mẹ cho…

GIÃN NỞ

Albert Einstein đã từng nói: “Có hai thứ vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người…” (Two things are infinite: the universe and human stupidity – Albert Einstein)

Lại nghĩ lan man…Các nhà khoa học đã chứng minh vũ trụ đang giãn nở và giãn nở với tốc độ ngày càng tăng. Và cuộc sống thì chứng minh rằng sự ngu xuẩn cũng…giãn nở và giãn nở với tốc độ ngày càng tăng (!)
Những con người vĩ đại về chính trị, triết học, văn học, hội hoạ, âm nhạc, của nhân loại trong các thế kỉ trước đã vắng bóng và chả thấy nhân vật mới nào xuất hiện, tuy rằng những người tầm cỡ nhân tài thì không ít. Những người cầm cân nảy mực điều hành đất nước ngày nay còn xa mới so được với những người đồng cấp ở thế kỷ trước về trí tuệ, tài năng và nhân cách…
Thử gõ các “từ khoá”: Syrie, Iraq, IS, Pháp Luân Công, Lưỡi bò, Vinashin,  Bauxit, Cây xanh Hà nội, Formosa, Ống nước sông Đà, Đường sắt trên cao…và nhiều nhiều nữa sẽ hình dung được sự “giãn nở” ngu xuẩn này. Chưa ai tìm ra…cái “phương trình” mô tả cái hiện tượng giãn nở đó; nhưng “qui trình” thì đã có nhiều và mọi sự bung bét đều…”đúng qui trình”.

CÀNH GAI

Nhà hiền triết nói: Tư tưởng anh thế nào thì cuộc sống của anh như thế, hoặc: Cuộc sống anh thế nào là do anh muốn sống như thế. Ở đây không nói những nghịch cảnh trong đời sống vật chất mà nói về tinh thần và tư tưởng. Một người luôn luôn kêu khổ, rất giỏi trong việc tìm ra nỗi khổ của mình, lúc nào cũng tính toán muốn được hơn nữa, chỉ lo mất cái này hụt cái kia mà thực ra về vật chất họ sướng, trong khi một người khác sống đạm bạc mà thanh thản. Vậy nhìn tổng quát, hai người đó ai sướng hơn ai?
Hạnh phúc và niềm vui còn tuỳ thuộc ở cách nhìn đời. Bữa tiệc thừa mứa của ngon vật lạ, đóng bộ com lê ca vát, vừa ăn vừa căng óc ra đấu trí đấu khẩu liệu có sướng hơn là ăn mặc xuềnh xoàng ngồi cùng bạn bè và người thân ăn bữa cơm với vài ba món vừa ngon vừa lành? Tất nhiên thấy sướng hay thấy khổ là tuỳ người.
Ngắm một cành hồng có người tiếc rẻ: Bông hoa đẹp thế mà lại nở trên một cành gai! Người khác lại tấm tắc: Một cành gai mà nở ra một bông hoa đẹp thế!
Một người bảo, thằng bé học thì giỏi nhưng lắm bệnh tật; người khác nói, thằng bé lắm bệnh tật nhưng học giỏi.
Trong từng trường hợp, hai cách nói có hoàn toàn giống nhau không?
Mỗi sự vật là một sự tồn tại khách quan; nhưng “mầu sắc” nó như thế nào lại tuỳ thuộc cách cảm nhận của con người.

Các bài viết khác :