Những câu thơ đẹp, những bài thơ hay

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 24-04-2015, 7456 Views

BHo910

NẮNG XUÂN là tập thơ thứ 2 của CLB thơ ca họ Phạm Phương Nam. Tôi không nói về nỗi gian truân khi in tập thơ này. Tôi chỉ muốn có đôi điều về các tác giả và những câu thơ, khổ thơ hoặc bài mà tôi tâm đắc – Âu cũng là một lẽ thường tình khi có trong tay tập thơ.
Trong làng thơ thế giới cũng như của Việt Nam ta, hiện tượng “Tác giả một bài” không phải là hiếm ví dụ như người ta chỉ biết Nhà thơ Vũ Cao qua bài thơ Núi đôi. Có thể Nhà thơ Vũ Cao còn sáng tác nhiều bài thơ khác nhưng chỉ cần bài thơ “Núi đôi” ông đã trở thành nổi tiếng.
Còn mỗi người làm thơ chúng ta có khi xuất thần có được câu thơ hay là rất quý

. Người ta thường nói chỉ cần một câu thơ người viết xứng đáng được gọi là Nhà thơ.
Đó chính là mục đích bài viết này của tôi. Tôi xin nhắc lại một lần nữa đó chỉ là những cảm nhận của tôi. Nhưng nếu được các bạn cũng cho là đúng thì là một may mắn của tôi. Tôi xin cám ơn trước những chia sẻ, đồng cảm ấy.
Trong bài thơ Em còn sống mãi – T9 của chị Phạm Thị Bút có câu: Cái chết của em hoá bình minh – T10. Đó là một câu thơ hay làm tôi nhớ đến Nhà Thơ Tố Hữu viết về anh Trỗi Có cái chết hoá thành bất tử. Còn ở đây chị Bút viết cái chết trở thành Bình minh chẳng là sáng tạo lắm sao!
Với Phạm Đạo tôi lại thích khổ cuối của bài thơ Lời ru Đồng Lộc:

Tôi mong sao
không bao giờ còn bom rơi, đạn nổ
để các em được làm mẹ
và cất lên những lời ru!

Đối với mỗi bài thơ khổ thơ cuối, hay câu kết là rất quan trọng nó nói lên được toàn bộ tư tưởng của bài thơ. Ở đây tác giả nói về chiến tranh thông qua sự hy sinh của những cô gái anh hùng Đồng Lộc và ước muốn hoà bình để những cô gái ấy có thể làm mẹ và cất lên những lời ru như bao bà mẹ trể khác!
Trong thơ tối kỵ là điệp từ, trùng ý. Thế nhưng Trúc Giang đã dùng cụm từ À không … bắt đầu cho nhiều khổ thơ trong bài Thì thầm đầu năm – T24. Sự trùng lặp ấy lại thật đáng yêu gây cho bạn đọc sự hào hứng nhất định và tất nhiên là nhớ mãi bài thơ. Đó chẳng phải là một thành công của tác giả hay sao!

Tôi thích hai câu:

Hạnh phúc đong đầy thời tuổi trẻ
Nay già vẫn toả ngát thơm hương

Của Nhà thơ Vũ Giang. Hai câu thơ đó nói lên sự bền vũng của tình yêu. Nó chính là điểm sáng của gia đình chúng ta vẫn giữ lại được trong cái xã hội xô bồ toàn màu sám hiện nay!

Bao nắng cháy bấy phấn hương cuộc đời

Câu thơ ấy của Lương Hoà có thể nói như một số Nhà thơ đã từng nói chỉ câu thơ ấy thôi Lương Lương Hoà đã có chỗ đứng trong văn đàn rồi. Thông thường nắng cháy nói lên sự vất vả của cuộc đời mà Lương Hoà lại gọi đó là phấn hương của cuộc đời thì thật là độc đáo!

Với Phạm Viết Kha tôi thực sự phục tài anh viết những bài thơ dài, những bài thơ “Khoán thủ thi”. Sự liên kết, liên hoàn giữa các khổ từ đầu cho tới cuối. Tuy vậy trong những bài thơ dài ấy vẫn có những câu rất hay ví dụ:
… …
Ta mang huyền hoặc tình hoa
Về xây ảo tưởng, mù loà niềm tin -T35 Trong bài Lỡ làng
Hai câu thơ trên không thể chỉ đọc lướt qua mà phải đọc đi đọc lại mới hiểu được ý tác giả , mới thấy được cái hay của câu thơ!

Bài thơ Đường luật Bến thưa-T39 của Khảo Mai gây cho tôi ấn tượng mạnh – Đó là một bài thơ luật Đường rất chỉnh về niêm luật tả cảnh bến sông thật sinh động. Đặc biệt hai câu kết:
… …
Lim dim ông lái nghe người gọi
Tỉnh giấc giật mình vội đáp : ơi!
làm chính tôi cũng phải giật mình vì sự ngộ nghĩnh đó!
Nhà thơ Phạm Đình Nghi có bài thơ Hội đánh đu ngày tết – T50 rất đáng đọc. Khi đọc bài thơ ấy làm chúng ta lại nhớ đến quê hương. Trong đó có mấy câu tả rất thú vị:
… …
Đôi chàng tài tử nghiêng mày liếc
Đôi ả tơ non tít mắt cười
Đu lướt rộn ràng đón gió mát
Mắt nhìn đắm đuối thả lòng vui

Trong tập này tác giả Phạm Thương Phan có một nhạc phẩm rất hay Bài ca họ Phạm Việt Nam mà còn góp mấy bài thơ. Tôi thích hai câu thơ giản dị mà ý nghia của Tác giả:
… …
Xuân quê đằm thắm thương yêu
Tết quê tình nghĩa bao điều khó quên
Tác giả nói quá đúng chỉ có Tết quê (nhất là ở miền Bắc) mới có được những kỷ niệm, những cảm nhận thật đặc biệt không dễ gì quên nỏi

… …
Con đi cuối đất cùng trời
Vẫn không quên vị mồng tơi cua đồng
Con đi uống nước trăm sông
Vẫn không quên vị cua đồng mồng tơi
Đó là những câu thơ tôi trích từ bai thơ Canh cua đồng của Nhà thơ Vũ Ngọc Phan. Mấy câu thơ tài tình ở chỗ tác giả đã lặp đi lặp lại để nhấn mạnh cua đồng mông tơi đó không chỉ là món ăn dân dã gắn với tuổi thơ mà còn là một biểu trưng cho quê hương mà ta mang theo nó suốt cuộc đời!

Tác giả Phạm Đình Phong chỉ góp vào tập thơ này một bài thơ duy nhất Thương quá miền Trung – Một bài thơ nói về nỗi lòng đau sót của tác giả trước thiên tai ở quê nhà – Bài thơ đã được phổ thành nhạc nên càng có sức lan toả.

Tôi rất thích bài Xin em giọt nắng của tác giả Phạm Ngọc Phương. Bài thơ vẻn vẹn có bốn cặp lục bát với hai câu kết thật hay:
… …
Cho xin giọt nắng rơi ngoài
Lúa anh săn, tóc em dài ngát hương
Chùm thơ xuân của tác giả Lê Quỳnh gồm 3 bài: Phúc – Thọ – Hoà, Nắng xuân và Chớ Vấn Vương ba bài thơ ngắn mà hay. Rất tiếc NXB đã chữa cụm từ phong trần thành cụm từ dặm trường làm sai lệch cả ý thơ của tác giả trong bài Chớ Vấn Vương:
Tóc đã bạc nhiều bởi phong sương
Dạn dĩ bôn ba bời phong trần
Buồn vui sướng khổ gì hơn thế
Hãy đón xuân về chớ vấn vương

Phạm Trí Thu có một cách thể hiện riêng của mình làm người đọc phải chú ý. Tạo được cái riêng, cái bản sắc của một Nhà thơ không dễ gì làm được. Giọng thơ anh khác lạ, nhưng không lạ lẫm. Nhiều người thơ muốn tỏ ra mình độc đáo đã “sáng tạo” ra những từ ngữ không thể chấp nhận được hoặc cách thể hiện ngô nghê mà anh ta cú tưởng là sáng tạo. Mấy bài thơ anh góp mặt trong tập này tôi thích bài đầu tiên Thạch thảo!

Ban mai kiêu hãnh sắc hương
Chiều tàn xơ xác cuối đường gió bay
Dẫu đời giông bão lá lay
Khi tàn – vẫn cốt cách dầy kiếp hoa.
Đó là 4 câu trong bài thơ ngắn có tựa đề là Hoa của Nhà thơ Phạm Trung Tín. Trộm nghĩ có lẽ không chỉ mình tôi thích bài thơ tứ tuyệt này mà nhiều bạn đọc cũng thích nó. Nó không cần một lời bình nào, tự nó đã như một bông hoa đầy sắc hương!

Tôi rất kính trọng Nhà thơ lão thành Phạm Văn Trân, có bút danh thật ý nghĩa: Bút Tâm. Làm thơ luật Đường rất khó vì niêm luật khác nghiệt của thể loại thơ Hàn lâm này. Những câu từ hình ảnh đều phải lựa chọn rất thấy đáo. Tôi thích 2 câu thơ sau của tác giả:
Dũng tướng xông lên ngời giáo mắc
Anh hùng xung trận loáng cung thương.
Ta đọc 2 câu này càng thấy khí phách của Thượng thuỷ tổ họ Phạm – Đô hồ Đại vương Phạm Tu. Hai câu thơ đầy hình tượng làm người ta liên tưởng đến Lão tướng quân đang tả xung hữu đột loang loáng cung thương, giáo mác sáng ngời!

Thơ của Phạm Thị Cúc Vàng cũng có cách thể hiện cũng rất mới tương tự như thơ của Phạm Trí Thu. Trong chùm thơ in tron tập Nắng Xuân này tôi tâm đắc nhất bài Hỏi tình của chị- Đó là một bài thơ chị viết theo thể Đường luật rất chỉn chu. Những hình ảnh, những từ ngữ chị chọ rất mới không “cổ” như những bài thơ Đường cùng loại ví dụ:
Dốc núi nghiêng đùa sương giá băng
Trời thắp nụ buồn đôi mắt ướt.

Bài Tặng em của Phạm Thuý Vĩnh gây cho tôi một cảm xúc rất lạ. Hạnh phúc cho một em nào đó (có thể là gái hoặc trai là học sinh thân yêu của chị. Tôi phải phát ghen vì chị tăng cho em ấy nhiều thứ qus mà đều là những thứ rất nên thơ: nào là lòng ta ban mai, nào là long lanh hạt sương, nào là đồi núi trập trùng, nào là bầu trời thiên thanh, nào là đoá mây mù lang thang, nào là làn gió mơ màng, . .. và chị tặng luôn cả Đà Lạt hôm nay – Chị thật là người thơm thảo biết cho đi rất nhiều thứ, chắc là chị sẽ nhận lại được nhiều thứ!

Chùm thơ của Tiểu Vũ góp mặt trong tập thơ này có bài hay, còn lại đều đáng xem. Tôi rất thích 2 câu thơ sau:
Chắc mẹ sẽ tát yêu vào má con thật khẽ:
” Răng bữa ni mi mới chịu về”
Đó là câu cử miệng của bà má lâu ngày mới gặp con, và hành động tát yêu vào má con đã nói tình tình mẹ con đằm thắm biết chừng nào. Bài Giếng làngcủa anh là một bài thơ hay nói về quê hương mình, nnotj bài thơ làm cho mọi người trong chũng ta cũng thấy nao nao xức động. Các bạn hãy đọc cả bài và thưởng thức vị ngọt của bài thơ đó!

Đó là những cảm nhận của tôi sau khi đọc kỹ từng bài trong tập thơ Nắng Xuân của CLB thơ ca họ Phạm Phương Nam. Mong các bạn đọc kỹ và có những lời bình của riêng mình!

Tp. HCM, 21/04/2013

Các bài viết khác :