Suy ngẫm – 7

Người đăng: Khôi Pham Văn, Ngày đăng: 19-10-2016, 4384 Views

Mời các bạn xem tiếp phần thứ 7 của cuốn SUY NGẪM – Tác giả Lê Thanh Dũng

tdung1c  tdung3

Suy ngẫm – 7

Cái USB

 Thời đại thông tin số và Internet, nhiều người đã quen sử dụng USB. Nó bé như cái kẹo cắm vào máy tính để được “đút” thông tin vào, khi cần thì lấy ra nguyên vẹn! Nó còn xa mới là cái máy tính mà máy tính còn xa mới là “cái” não con người.

“Cái” não con người là để tư duy, để thu nhận, để sáng tạo, để điều khiển và kiểm soát hành vi. Vậy mà chúng ta, không ít người, nghe gì tin nấy và nói theo, làm theo. Không phải “cái” não mà là cái… tai làm chức năng chỉ huy hành vi(!)

Tội quá, tại sao bắt cái tai chỉ là cái đầu cắm và “cái” não chỉ là cái… USB!

“Cái” não chỉ làm mỗi việc của cái USB thì chỉ cần bé như cái kẹo hay cái móng tay là đủ!

Một cách làm từ thiện

Người già hay nói, nói dài, nói dai, nói nhạt, mà lặp đi lặp lại… Nhiều lúc mình nghe sốt ruột khó chịu mà không biết làm sao. Bèn nghĩ, người ta thích nói, hoặc đang cần xả stress, chả lẽ người ta nói với bức vách à. Vậy thì mình chiều theo ý thích của người ta là… ngồi nghe, làm bức vách di động. Và coi như… làm từ thiện. Nghĩ thế mình thấy thoải mái và tiếp tục làm bức vách một cách vui vẻ (nghe có vẻ hơi… AQ nhỉ).

Khốn nỗi, vì vốn có thói quen bao giờ cũng chăm chú nghe người đối thoại một cách lịch sự cho nên hình như mình cứ khuyến khích họ nói dai.

Có ông bạn gọi điện bảo: Ông bận gì không? Mình sang chơi nhé?

Ông này mà tra tấn thì chết… Cái khó ló cái khôn, mình trả lời: Thôi để tôi sang ông.

Nghe thì lịch sự đấy nhưng thực ra sang nhà người ta mình dễ kết thúc câu chuyện hơn, nếu không thì mệt lắm (già hay lẫn nhưng nếu chưa lẫn thì cũng hay láu cá).

Rồi lại giật mình. Coi chừng, mình đã từng bắt ai đó làm bức vách…

Chắc chắn là vậy.

 Sống lâu

 Cách đây hơn ba chục năm, mình học ở nước ngoài. Khi về nước hằng năm lại họp Hội của các anh chị em đã từng học ở nước đó. Được mấy lần thì mình bỏ vì gặp toàn các bạn trẻ, đáng tuổi con cháu, chẳng quen ai mà nói chuyện. Bạn bè mình cùng học ở đó đã già, gần tám mươi cả rồi, chẳng mấy ai đến họp nữa, người thì đau yếu, người thì đã “bỏ cuộc chơi”, “đi họp tận trên thiên đình”  rồi. Biết nói chuyện với ai.

Một trong những nhu cầu của tuổi già là gặp gỡ bạn bè cũ, giao lưu hỏi han, kể chuyện xưa… Trộm nghĩ, nếu trời cho ai đó được như lời chúc đầu năm, trăm tuổi, trăm hai trăm ba mươi tuổi chẳng hạn thì dù khỏe mạnh, không bệnh tật không phiền con cháu (mà làm gì có chuyện đó!!!)… nhưng nhìn xung quanh chẳng còn bạn bè, chẳng còn ai tri kỉ tâm giao, chẳng còn có ích gì cho gia đình, cho cộng đồng thì cũng buồn. Sống để làm gì nhỉ?

Cái gì cũng vậy dù hay đến đâu cũng có thời của nó, đáng hết thời mà chưa… “biến đi” thì là bi kịch, là dở hơi chứ hay ho gì.

Già

 Cơ quan tổ chức cho các cụ hưu khám sức khỏe. Mọi người hỏi kết quả thế nào, mình bảo:

– Phấn khởi và tự hào.

– Không bệnh tật gì cả à? Mừng cho ông.

– Không phải! Mình “phấn khởi tự hào” vì mình chẳng kém ai! Các cụ có cái gì thì mình có cái đó!

Khi thử máu, các cụ hỏi nhau nào lipid, nào acid uric, nào cholesterol… Mình bảo: Khi bác sĩ chọc vào ven thấy còn máu đỏ chảy ra là mình mừng rồi, còn các “món” khác chẳng quan tâm.

Chẳng phải hay ho gì, nhưng cái tạng mình nó thế. Gần tám chục vẫn tằng tằng xe máy đi chơi gần chơi xa Sóc Sơn, Hòa Bình… Huyết áp cao, uống thuốc đều, nhưng chẳng phải đo nhiều mất công vì luôn “ổn định” ở 170, 180 (!) Một ngày nào đó cầu chì đứt phựt, xong. Chỉ có mỗi cái lo là đi không trót, cứ nằm ì ra khổ con cháu. Nhưng “ông” Google và các bác sĩ chỉ nói cách phòng bệnh chữa bệnh, chẳng thấy ai mách bảo cách làm sao “đi” cho nhanh chứ đừng cù nhầy!

Cái quí của tuổi già

 Có lần trả lời phỏng vấn của truyền hình, mình nói: Hạnh phúc của tuổi già chẳng cần tìm đâu xa, hạnh phúc của tuổi già là ở chỗ… được già. Ai cũng bảo cuộc sống là quí giá mà ta lại đang được sống lù lù đó thôi! Ối người có được già đâu! Còn chuyện đau lưng, đau mình, tiểu đêm, ho hắng, chân chậm, mắt mờ “phát triển bền vững”… thì đó là “tiêu chí” cần có để được vào “hội già” mà thôi. Không có tiêu chí đó thì “đi chơi chỗ khác”. Mấy ông tám chín chục mà khỏe như võ sư, phớt lờ bệnh viện, coi bác sĩ bằng nửa con mắt thì là dị nhân rồi, không dám bàn và cũng… không chấp!

Chuyện vui bên Tây:

Một bà cụ đến khám bệnh. Bác sĩ hỏi:

– Cụ làm sao?

– Dạo này lưng tôi đau quá.

– Cụ đau lưng từ bao giờ?

– Một tuần nay.

– Cụ năm nay bao nhiêu tuổi?

– Tám mươi.

– Hồi trẻ cụ có đau không?

– Không.

– Thế cụ định bao giờ mới đau?

Tĩnh tâm

Có người nổi giận rồi hậm hực mãi vì chuyện gì đó do người khác gây ra; sau được một người bạn can ngăn khuyên giải, dần bình tâm trở lại.

Vậy ông là người nóng tính, dễ cáu bẳn và là người biết kiềm chế, lại biết phục thiện?

Có thể là vậy.

Nhưng chắc chắn ông là người có thể trạng… yếu! Vì ông đã bị tác động từ bên ngoài đến hai lần liên tiếp của hai người chưa chắc đã hơn tài ông, thậm chí kém ông mấy cái đầu(!)

Nói theo kiểu thầy thuốc, ông là người nhạy cảm với thời tiết, dễ hắt hơi sổ mũi, không chịu được nắng gió…

Có thể nói, ông là người đã quen sống trong vùng ảnh hưởng… của người khác.

Tội nghiệp…

Ô nhiễm

Trong thời buổi “kinh tế thị trường”, lợi nhuận là tất cả thì chất độc tràn ngập cuộc sống con người. Chúng nằm trong thực phẩm, trong nước uống, trong không khí. Bệnh vào cơ thể theo đường miệng, đường mũi, đường mắt. Chả lẽ muốn ít bệnh, không ung thư và “sống lâu” thì không ăn, không uống, không thở?!

Nhưng còn thứ ô nhiễm nữa mà hay bị coi nhẹ. Nó cũng gây bệnh, thường là bệnh mạn tính, tương tự ung thư. Bệnh này vào cơ thể theo đường… tai, đôi khi theo cả đường mắt. Đó là những lời nói dối trá mang tính chất lừa đảo, những luận thuyết gây ngu đần, những điều bịa đặt xuyên tạc… Nếu bảo nó là tác nhân của một dạng “ung thư não” cũng chẳng sai.

Bệnh vào đường tai thì dễ đề phòng hơn: Ít nghe thôi! Nói đúng hơn là chọn những điều tử tế mà nghe, đừng nghe bậy bạ mà chuốc bệnh thiểu năng trí tuệ. Cái bệnh khó thuốc nào chữa được.

*****

Tạm dừng. Xin phép nhắc lại câu ghi ở phần đầu:

                   Những mảnh tư duy, nghĩ đâu viết đó,

                   chẳng dám thuyết phục ai.

 

Lê Thanh Dũng – 2016

 

Các bài viết khác :