QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM TPHCM

Người đăng: phoipha, Ngày đăng: 06-08-2014, 185959 Views

Tải file pdf Quy chế mới nhất tại đây.

HỌ PHẠM VIỆT NAM

HỌ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

—o0o—

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỌ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KHÓA III, NHIỆM KỲ 2015 – 2020

Thông qua tại kỳ Họp thứ nhất Hội đồng Họ Phạm TP Hồ Chí Minh khóa III, ngày 07/06/2015 

LỜI NÓI ĐẦU

– Căn cứ Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam Khoá VI, ban hành ngày 23.10.2011.

– Căn cứ Quy Chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Họ Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh (HĐ HP TP HCM) Khóa II nhiệm kỳ 2010 – 2015, hành ngày 22-9-2012.

– Căn cứ Nghị quyết Đại hội Khóa III, nhiệm kỳ 2015 – 2020 của Hội đồng Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu hoạt động hiện nay, Bản Quy chế về tổ chức và hoạt động của Họ Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh KHÓA III, nhiệm kỳ 2015 – 2020 chính thức được ban hành. Trong đó, có một số nội dung đã được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội, để phù hợp với đặc điểm, nhu cầu phát triển ngày càng lớn mạnh của Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh và không trái với Quy chế hoạt động của Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam, đồng thời tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Nội dung của bản Quy chế này bao gồm 6 Chương, 15 Điều quy định việc tổ chức và hoạt động của Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Các Hội đồng Họ Phạm quận huyện, phường, xã và Hội đồng các gia tộc của Thành phố vận dụng và đề ra Quy chế hoặc Quy ước phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng nơi, nhưng không trái với bản Quy chế này.

CHƯƠNG I: TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH

ĐIỀU 1: Hội đồng Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức thành viên của Hội đồng Họ Phạm Toàn quốc và là Tổ chức xã hội về dòng họ, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nhà Nước Việt Nam.

Thành viên của Hội đồng Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh là những người họ Phạm tán thành Tôn chỉ – Mục đích, Qui chế của Hội đồng Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh và tự nguyện tham gia.

Mục đích hoạt động của Hội đồng Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất với mục đích chung của Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam đề ra là: tập hợp, đoàn kết tất cả những người họ Phạm, có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tổ tiên; giúp nhau xóa đói giảm nghèo, khuyến học – khuyến tài; vinh danh những người họ Phạm có công với đất nước, biểu dương “người tốt, việc tốt”; giáo dục thế hệ trẻ học tập, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ và bản sắc văn hóa dân tộc.

CHƯƠNG II: QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH THỨC

(THÀNH VIÊN CHÍNH THỨC LÀ THÀNH VIÊN CÓ THAM GIA THẺ THÀNH VIÊN)

Tất cả mọi người Họ Phạm và con cháu họ Phạm đều có quyền đăng ký tham gia là THÀNH VIÊN họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh dưới hình thức đăng ký THẺ THÀNH VIÊN. Các thành viên khác không tham gia THẺ THÀNH VIÊN thì không được công nhận là thành viên chính thức và không được hưởng một số quyền lợi và trách nhiệm như các thành viên chính thức, nhưng vẫn được tự nguyện tham gia đóng góp công sức và các họat động của việc họ.

      ĐIỀU 2: Quyền lợi khi tham gia thẻ Thành viên

– Có quyền được về Phạm Tổ Linh Từ các nơi, để bái Tổ trong các ngày Lễ, Gỗ hay khi có điều kiện.

– Có quyền đóng góp hiện kim, hiện vật, tư liệu tộc họ…và các đóng góp khác, đồng thời được hưởng các quyền lợi do Hội đồng Họ Phạm TP. HCM qui định.

– Được tạo điều kiện truy tìm tài liệu từ kho tư liệu để vấn Tổ tìm Tông.

– Có quyền tham gia ứng cử, đề cử, bầu cử đại biểu Hội đồng Họ Phạm TP. HCM và cấp quận, huyện, phường, xã, các tổ chức, các Ban, Câu lạc bộ…trực thuộc (nếu được tín nhiệm).

    ĐIỀU 3: Trách nhiệm tham gia thẻ Thành viên

– Tuyệt đối không có hành động, lời nói làm tổn hại đến uy tín của dòng họ và trái với Tôn chỉ – Mục đích của Quy chế này.

– Luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương ái trong dòng họ Phạm và các dòng họ khác. Phải giữ gìn và phát huy tinh thần nhân hậu và trí tuệ của Tổ Tiên, dòng họ.

– Tất cả những bài viết, ý kiến cá nhân muốn đóng góp phải được thể hiện bằng văn bản. Các ý kiến, bài viết đó phải tập trung chính vào các chủ đề về dòng họ và các hoạt động của Họ Phạm và phải được chuyển tới Ban điều hành qua email hoặc Bưu điện mới được Hội đồng chính thức chấp thuận.

– Tự chịu trách nhiệm về những phát ngôn, bài viết…của mình, nếu những phát ngôn, bài viết đó chưa được Hội đồng thông qua.

– Thành viên nào không còn muốn tham gia hoạt động việc họ thì báo cho Hội đồng Họ Phạm TP. HCM và Hội đồng mà mình đang sinh hoạt biết để ngưng sinh hoạt, nhưng không được hoàn lại những gì mà cá nhân đã công đức.

CHƯƠNG III: CƠ CẤU TỔ CHỨC

ĐIỀU 4: Hội đồng Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong hệ thống 5 cấp của Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam:

+  Cấp trên của Hội đồng Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh là Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam

+  Cấp dưới của Hội đồng Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh gồm có:

– HĐHP các quận, huyện.

– HĐHP các phường, xã.

– Hội đồng gia tộc các dòng họ.

ĐIỀU 5: Họ Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh cơ cấu Ban lãnh đạo cao nhất, để  lãnh đạo và quyết định các vấn đề quan trọng của dòng họ giữa 2 kỳ Đại hội là HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

HĐHP Thành phố Hồ Chí Minh do Đại hội đại biểu Họ Phạm Thành phố bầu ra (Nhiệm kỳ 5 năm một lần).

Chủ tịch Hội đồng được các đại biểu bầu trực tiếp tại đại hội.

Các vị Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch chọn và bổ nhiệm, để điều hành từng lĩnh vực cụ thể và được kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ thông qua. Cơ cấu của Hội đồng gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch (nằm trong Ban điều hành) và các Ủy viên Hội đồng gồm: các vị đứng đầu các Ban chuyên trách, các Câu lạc bộ và các vị đứng đầu hoặc đại diện các Hội đồng cấp quận, huyện trực thuộc. Hàng năm hoặc trong nhiệm kỳ có thể có sự thay đổi, thêm bớt một số ủy viên do Ban điều hành HĐHP TP. HCM quyết định, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Hội đồng. Những vị được bầu bổ sung vào hội đồng là những người tự nguyện, tâm huyết, có trách nhiệm với công việc, có sức khỏe và điều kiện hoạt động dòng họ. Các vị ủy viên trong Hội đồng, vị nào tận tâm, tận lực hoàn thành tốt công việc sẽ được Hội đồng vinh danh, khen thưởng. Những vị có khó khăn không thể tiếp tục tham gia công việc, cần báo cáo lý do để Hội đồng xét cử người thay thế. Vị nào nhiều lần bỏ sinh hoạt, không hoàn thành công việc được giao, Hội đồng sẽ xem xét cho tự xin rút lui.

ĐIỀU 6: Cơ cấu tổ chức:

– Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch

– Ban Cố vấn

– Ban điều hành (gồm Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch)

– Các Ban chuyên trách:

+ Ban Tổ chức – Hành chính

+ Ban Kết nối Dòng Họ

+ Ban Tư liệu – Gia phả

+ Ban Văn hoá – Xã hội

+Ban Kinh Tế.

+ Ban Tài chính

+ Ban Khuyến học – Khuyến tài

+ Ban Thư ký

+ Ban biên tập website và bản tin đặc san.

– Các Ban chuyên trách có Trưởng Ban, các Phó trưởng Ban và một số Uỷ viên (số lượng không hạn chế, tuỳ nội dung công việc)

– Các tổ chức trực thuộc, gồm: các Câu lạc bộ, các Hội đồng dòng tộc v.v.

 

SƠ ĐỒ TỔ CHỨC

Cơ cấu tổ chức Hội Đồng Họ Phạm TP.HCM 2015-2020

Cơ cấu tổ chức Hội Đồng Họ Phạm TP.HCM 2015-2020

CHƯƠNG IV:  NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

ĐIỀU 7: Hội đồng Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ:

– Triển khai thực hiện những nhiệm vụ do Đại hội nhiệm kỳ III đề ra và quyết định những công việc cần làm giữa hai kỳ Đại hội nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho hoạt động của dòng họ.

– Tập trung chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, hỗ trợ tạo điều kiện cho các Ban chuyên trách, các CLB, các tổ chức trực thuộc hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho dòng họ.

– Bồi dưỡng và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội nhiệm kỳ tới. Hàng năm quyết định việc tổ chức lễ hội giỗ Tổ. Kiện toàn bộ máy tổ chức vững mạnh từ cấp Hội đồng Thành phố đến các Hội đồng thành viên.

– Tổ chức sinh hoạt Hội đồng Thành phố thường kỳ mỗi năm hai lần, khi cần thiết thì triệu tập họp đột xuất.

– Giữ mối quan hệ thường xuyên gắn kết với Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam, HĐHP các địa phương và Hội đồng các tộc họ …

ĐIỀU 8: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

    Chủ tịch Hội đồng thay mặt Hội đồng chuẩn y các Quyết  định của Hội Đồng; chỉ đạo các Ban chuyên trách và các Hội đồng thành viên thực hiện quyết định của Hội đồng hoạt động đúng Quy chế của HĐHP Thành phố Hồ Chí Minh.

Trực tiếp kiêm nhiệm CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP các nội dung: trang tin, ấn phẩm, văn hóa phẩm của họ Phạm TP HCM và là người phê duyệt cuối cùng trước khi phát hành.

ĐIỀU 9: BAN CỐ VẤN

    Ban Cố vấn bao gồm các vị nguyên lãnh đạo các nhiệm kỳ trước, các vị có tâm huyết muốn cống hiến trí tuệ cho hoạt động việc họ và hoạt động độc lập, chuyên tìm hiểu, nghiên cứu tình hình hoạt động của việc họ. Tư vấn góp ý kiến cho Chủ tịch và Ban điều hành.

ĐIỀU 10: BAN ĐIỀU HÀNH

    Ban điều hành gồm 5 người: Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch

Ban điều hành có nhiệm vụ:

– Xây dựng và triển khai kế hoạch công tác hàng tháng, hàng quý, hàng năm và cả nhiệm kỳ của Hội đồng Họ Phạm Thành phố

– Lãnh đạo, giám sát và điều hành các hoạt động của các Ban chuyên trách và các tổ chức trực thuộc

– Giải quyết các công việc phát sinh hàng ngày liên quan đến Hội đồng Họ Phạm Thành phố

– Định kỳ họp mỗi tháng một lần

Các cuộc họp của Ban điều hành phải thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ (các kết luận của cuộc họp phải được quá bán thành viên tham dự tán thành)

ĐIỀU 11: Chức trách của các Phó Chủ tịch và các Trưởng Ban chuyên trách. Mỗi Phó Chủ tịch và các Trưởng Ban được Chủ tịch giao phụ trách từng mảng công việc cụ thể như sau:

  1. Phó chủ tịch thường trực

Được thay thế Chủ tịch điều hành mọi hoạt động của Hội đồng khi Chủ tịch vắng mặt.

Có nhiệm vụ:  Tổ chức các ngày lễ hội

Các hoạt động của Trang web và Bản tin đặc san. Trực tiếp kiêm nhiệm Tổng biên tập Trang web và đặc san (Chức năng, nhiệm vụ của các Ban này có Quy chế hoạt động riêng, được HĐHP TP phê duyệt)

      Trực tiếp phụ trách:

+  Ban Tổ chức – Hành chính

+  Trang web và Nội san

+  Ban Thư ký

  1. Phó Chủ tịch phụ trách Kết nối Dòng tộc

Có nhiệm vụ: Kết nối dòng họ, vận động thành lập các Hội đồng quận huyện. Theo dõi và đôn đốc các Hội đồng hoạt động thường xuyên và kết nối với các HĐ Gia tộc trên địa bàn Thành phố

Trực tiếp phụ trách:

    + Ban Kết nối Dòng tộc

+ Ban Tư liệu – Gia phả

(Chức năng, nhiệm vụ của các Ban này có Quy chế hoạt động riêng, được HĐHP TP phê duyệt)

  1. Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa – Xã hội

Có nhiệm vụ: Kết hợp với Ban điều hành tổ chức tốt phần hội diễn (đêm nhạc) và các hình thức văn hóa, văn nghệ phục vụ Đại hội, giao lưu gặp mặt với các dòng họ.

– Xuất bản CD ca nhạc, tập thơ để giới thiệu và quảng bá cho Họ Phạm Thành phố.

– Chỉ đạo hoạt động của các CLB và các tổ chức trực thuộc (Chức năng, nhiệm vụ các tổ chức này có Quy chế hoạt động riêng, được HĐHP TP phê duyệt)

– Thực hiện việc thăm hỏi, hiếu hỷ các uỷ viên Hội đồng Họ Phạm Thành phố

– Tổ chức họp mặt giao lưu kết nối, văn nghệ, thể thao, du lịch về cội nguồn v.v…

    Trực tiếp phụ trách:

+ Ban lễ tân

+ Ban Khuyến học – Khuyến tài

+ Các Câu lạc bộ

  1. Phó Chủ tịch phụ trách Kinh tế

Có nhiệm vụ: Tập hợp các doanh nhân họ Phạm để giao lưu kết nối, trao đổi kinh nghiệm, liên kết trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm và tham gia hỗ trợ tài chính tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội đồng (Chức năng, nhiệm vụ các tổ chức này có Quy chế hoạt động riêng, được HĐHP TP phê duyệt)

Trực tiếp phụ trách:

              + Ban Tài chính

+ Tổ chức hội Doanh nhân

  1. Chức trách của Trưởng các Ban chuyên trách, các tổ chức trực thuộc:

– Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban và Tổ chức mình, nhưng không trái với Quy chế chung của HĐHP TP. HCM.

– Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động theo chức trách của Ban và Tổ chức mình đạt hiệu quả thiết thực

– Kiện toàn tổ chức để có đủ nhân sự thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

CHƯƠNG V:  KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

ĐIỀU 12:  Các nguồn thu:

– Đóng góp ủng hộ và tài trợ của bà con trong dòng họ, các nhà hảo tâm, các Tổ chức, nhà Mạnh thường quân, đặc biệt là các doanh nhân của họ Phạm.

– Hội phí của các Hội viên tối thiểu mỗi năm đóng 200.000 đồng/người (có thể thay đổi theo quyết định của Hội đồng, để phù hợp với tình hình thực tế), các trường hợp khó khăn sẽ được miễn giảm. Số tiền này giao cho Ban quản lý tài chính thu và chi cho việc thăm hỏi, phúng viếng và chi phí các hoạt động cần thiết.

– Tiền lãi gửi Ngân hàng (nếu có)

– Các khoản thu khác.

ĐIỀU 13: Các khoản chi:

–  Chi cho lễ hội, các hoạt động chung và văn phòng phẩm của HĐHP TP.HCM.

–  Chi thăm hỏi và phúng viếng… (mức chi do Ban điều hành quy định).

–  Khen thưởng học sinh giỏi cấp Thành phố, học sinh xuất sắc của các trường phổ thông, các cháu đỗ thủ khoa và trợ cấp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó (Theo Quy chế và đề nghị của Ban Khuyến học – Khuyến tài). Mức chi phụ thuộc vào công quỹ hàng năm của Hội đồng Họ Phạm Thành phố.

CHƯƠNG  VI: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

ĐIỀU 14:  Bản Quy chế này gồm 09 trang, 06 chương, 15 Điều, đã được Hội đồng Họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 6 năm 2015, để thay thế các văn bản và Quy ước trước đây và được công bố chính thức trên Trang tin điện tử của HĐHP TP. HCM tại địa chỉ: http://hophamtphcm.org

ĐIỀU 15: Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu thấy có điều gì cần bổ sung, thay đổi, HĐHP TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm xem xét, quyết định chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp, đồng thời thông báo đến các thành viên HĐHP TP và các Tổ chức trực thuộc biết, để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.

 

KỲ HỌP THỨ NHẤT HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH

KHÓA III, NHIỆM KỲ 2015 – 2020

CHỦ TỊCH

pham-van-can

PHẠM VĂN CĂN

Các bài viết khác :