QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM

Người đăng: phoipha, Ngày đăng: 11-08-2013, 3764 Views

Đã được Hội nghị toàn thể mở rộng

Ban Liên lạc Toàn quốc họ Phạm Việt Nam thông qua ngày 23.10.2011

Lời nói đầu

Bản“Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam” này được ban hành chính thức nhằm kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được về hoạt động dòng họ của Ban Liên lạc họ Phạm Việt nam trong 15 năm qua, phù hợp với tình hình phát triển các hoạt động dòng họhiện nay, đáp ứng nhu cầu của bà con họ Phạm cả nước và ở nước ngoài tìm về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Bản Quy chế này quy định chung về việc tổ chức và hoạt động của Hội đồnghọ Phạm Việt Nam. Các Hội đồnghọ Phạm địa phương và Hội Đồng Gia tộc từng dòng họ có Quy chế hoặc Quy ước riêng của mình phù hợp với những quy định trong bản Quy chế này.

Chương 1

TÔN CHỈ – MỤC ĐÍCH

Điều 1. Hội đồng họ Phạm Việt Nam là tổ chức xã hội dòng họ, hoàn toàn tự nguyện của những người họ Phạm Việt Nam, hoạt động trong khuôn khổ Pháp luật của Nhà nước Việt Nam

Mục đích tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam là tập hợp, đoàn kết tất cả những người họ Phạm có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ và các bậc tiền bối, giúp nhau xoá đói giảm nghèo; khuyến học khuyến tài; vinh danh những người họ Phạm có công với dân với nước; biểu dương “người tốt việc tốt”; giáo dục các thế hệ đi sau học tập, giữ gìn và phát huy những tinh hoa và truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Chương 2

CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 2.Hội đồng họ Phạm Việt Nam được hình thành theo địa bàn dân cư có cộng đồng người họ Phạm Việt Nam sinh sống, được tổ chức theo hệ thống ngành dọc 5 cấp:

1/ Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt nam

2/ Hội đồng họ Phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc TW

3/ Hội đồng họ Phạm các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh

4/ Hội đồng họ Phạm các xã, phường, thị trấn

5/ Hội đồng Gia tộc các dòng họ trong các thôn, khu phố

Các dòng họ lớn cư trú trên địa bàn nhiều tỉnh , thành phố khác nhau thành lập Hội đồng Dòng họ trực thuộc Hội đồng Toàn quốc. Ngoài ra, Hội đồng Toàn quốc còn thành lập các tổ chức trực thuộc khác như Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm Việt Nam và các tổ chức khác khi cần.

Các vị lãnh đạo chủ chốt của các Hội đồng cấp dưới đều là Uỷ viên của Hội đồng cấp trên, bảo đảm cho công việc được thống nhất và thông suốt.

Điều 3. Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam do Đại hội đại biểu họ Phạm toàn quốc 5 năm một lần cử ra. Hàng năm, trong các kỳ họp toàn thể của Hội đồng Toàn quốc, có thể có điều chỉnh một số Uỷ viên, để một số vị già yếu hoặc không có điều kiện tham gia nghỉ việc và bổ sung thêm một số Uỷ viên mới.

Những vị được cử vào Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam là những vị có tâm huyết nhiệt tình với dòng họ Phạm, có sức khoẻ và có điều kiện cho hoạt động Việc họ.

Thành viên trong Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam bao gồm các vị đứng đầu hoặc đại diện của các Hội đồng họ Phạm ở các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, một số Hội đồng họ Phạm các quận/huyện/thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, các Hội đồng dòng họ có nhiều chi phái ở các địa phương, các HĐGT của các dòng họ Phạm lớn, các đơn vị trực thuộc do Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam thành lậpvà các Uỷ viên các Ban chuyên trách, các Ban Biên tập trực thuộc Hội đồng Toàn quốc.

Điều 4.Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam có Bộ phận thường trực từ 11-15 người, bao gồm :

– Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng;

– Tổng thư ký Hội đồng,

– Một số Uỷ viên Thường trực là những người đứng đầu các bộ phận trực thuộc Hội đồng Toàn quốc (như các Trưởng ban chuyên trách, Tổng biên tập Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam”, Tổng biên tập Trang tin điện tử “hophamvietnam.org”), Chủ nhiệm các CLB thành viên của Hội đồng họ Phạm Việt Nam,Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch HĐ họ Phạm T/p Hà Nội và T/p Hồ Chí Minh (do từng địa phương đề cử);

Điều 5.Các Ban chuyên trách và Ban biên tập của Hội đồng Toàn quốchọ Phạm Việt Nam, gồm có :

1. Ban Tộc phả, tư liệu và Kết nối dòng họcó Trưởng ban, các Phó trưởng ban và một số Uỷ viên.

Ban Tộc phả, tư liệu và kết nối dòng họ có các Tiểu ban sau:

– Tiểu ban Tộc phả

– Tiểu ban Tư liệu và kết nối dòng họ.

 2. Ban Tài chínhcó Trưởng ban, các Phó trưởng ban vàmột số Uỷ viên.

Ban Tài chính có các Tiểu ban sau :

– Tiểu ban Vận động tài trợ

– Tiểu ban Quản lý các Quỹ

3. Ban Lễ tâncó Trưởng ban, các Phó trưởng ban và một số Uỷ viên.

4. Ban Khuyến học, khuyến tài và hoạt động xã hội có Trưởng Ban, các Phó trưởng ban và một số uỷ viên

5.Ban Biên tập Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” gồmcó Tổng biên tập, các Phó Tổng biên tập và một số Uỷ viên;

 6.. Ban Biên tập Trang tin điện tửwww.hophamvietnam.orgcó Tổng biên tập, các Phó Tổng biên tập, và một số Uỷ viên.

Chương 3

NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA CÁC BỘ PHẬN

Điều 6. Bộ phận Thường trực Hội đồng Toàn quốc giải quyết công việc của Hội đồng để ra trong thời gian giữa hai kỳ họp của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam. Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam họp thường kỳ ba tháng một lần, toàn thể Hội đồng Toàn quốc họp mỗi năm 1 lần.

Điều 7. Nhiệm vụ của các thành viên trong Bộ phận Thường trưc:

 1. Chủ tịch Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam phụ trách chung, có trách nhiệm cùng với Bộ phận Thường trực của Hội đồng bảo đảm sự hoạt động của Hội đồngtheo đúng Quy chế này, tuân thủ Pháp luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

2. Các Phó Chủ tịch thay mặt và có trách nhiệm giúp Chủ tịchđiều hành một số hoạt động của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch. Các Phó Chủ tịch chủ động trong công việc được giao, thường xuyên báo cáo về tình hình và kết quả công việc cho Chủ tịch.

3. Tổng thư ký có nhiệm vụ dự thảo kế hoạch công tác của Hội đồng trong từng giai đoạn nhất định; phối hợp với các chức danh và bộ phận liên quan trong Hội đồng để tổ chức thực hiện kế hoạch đã được Hội đồng thông qua; điều hành và giải quyết các công việc hàng ngày của Hội đồng .

 4. Các Ủy viên thường trực thực hiện những nhiệm vụ của chức danh được ghi trong Điều 4, Điều 8, Điều 9, Điều 10 của Quy chế này; đồng thời thực hiện những công việc cụ thể trong từng thời gian nhất định do Chủ tịch Hội đồng giao, sau khi đã bàn bạc thống nhất với từng vị.

Điều 8. Nhiệm vụ của các Ban chuyên trách, Ban biên tập Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử trực thuộc Hội đồng Toàn quốc:

1. Ban Tộc phả, tư liệuvà kết nối dòng họ chịu trách nhiệm nghiên cứu, sưu tầm, quản lý và giới thiệu các Tộc phả, Gia phả, Quy ước, Tộc ước ủa các dòng họ Phạm Việt Nam; nghiên cứu, biên soạn, hướng dẫn các dòng họ Phạm về nội dung và cách thức tục biên hoặc lập mới Tộc phả, Gia phả, Quy ước, Tộc ước, tổ chức sưu tầm, giới thiệu và phục vụ khai thác các Tộc phả, Gia phả và tư liệu dòng họ; biên soạn tài liệu; giúp đỡ các dòng họ sưu tầm tài liệu, kết nối các dòng họ có chung nguồn gốc.

Ban Tộc phả, tư liệu và kết nối dòng họ có các chức danh:

– Trưởng ban phụ trách chung,

– Các Phó trưởng ban phụ trách một số mảng công việc do Trưởng ban phân công.

– Một số Uỷ viên thực hiện những phần việc do Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban giao.

2. Ban Tài chính có nhiệm vụ tổ chức xây dựng và quản lý các Quỹ của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam.

Ban Tài chính có các chức danh:

– Trưởng ban: Phụ trách chung, đồng thời làm Chủ tài khoản;

– Một Phó Trưởng ban và một số Uỷ viên phụ trách về vận động tài trợ;

– Một Uỷ viên làm nhiệm vụ kế toán;

– Một Uỷ viên làm nhiệm vụ thủ quỹ.

 3. Ban Lễ tâncó trách nhiệm tổ chức các cuộc Hội nghị lớn, các cuộc hành hương về các di tích, các lăng mộ, từ đường lớn của dòng họ; tổ chức nghi lễ đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước, thăm hỏi hiếu hỷ của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam; đồng thời nghiên cứu hướng dẫn các Hội đồng địa phương, các dòng họ Phạm về mẫu cờ họ Phạm, về các biểu trưng và các bài hát ca ngợi truyền thống tốt đẹp của dòng họ Phạm Việt Nam, giới thiệu các mẫu từ đường, lăng mộ ở VN.

Ban Lễ tân có các chức danh sau đây:

– Trưởng ban, phụ trách chung;

– Các Phó Trưởng ban phụ trách một hoặc một số công việc, do Trưởng ban giao

– Một số Uỷ viên cùng Trưởng ban và Phó Trưởng ban thực hiện các nhiệm vụ của Ban.

4. Ban Khuyến học, khuyến tài và hoạt động xã hội thường xuyên thu thập thông tin về các đối tượng để vinh danh nhân tài, trao Giải thưởng khuyến học, trao học bổng, trợ giúp khó khăn theo quy định của Quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm VN, cùng các bộ phận khác tổ chức các buổi Lễ Vinh danh, trao giải thưởng khuyến học, học bổng, trợ giúp khó khăn và các hoạt động xã hội khác.

Ban Khuyến học, khuyến tài và hoạt động xã hội có Trưởng ban, các Phó trưởng ban và một số Uỷ viên.

5. Ban biên tập Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam”

   Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” là một ấn phẩm định kỳ ba tháng một lần của Hội đồnghọ Phạm VN. Bản tin là cơ quan ngôn luận của Hội đồng họ Phạm Việt Nam,có trách nhiệm quảng bá các hoạt động dòng họtrên phạm vi cả nước. Bản tin có Qui chế hoạt động riêng được Thường trực Hôi đồng Toàn quốc thông qua.

Ban Biên tập Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” có các chức danh:

– Tổng Biên tập phụ trách chung ;

– Các Phó Tổng biên tập phụ trách các mảng công việc do Tổng biên tập giao.

– Một số Uỷ viên Ban biên tập phụ trách từng chuyên mục hoặc một số công việc chung của Bản tin nội tộc.

 6. Ban biên tậpTrang tin điện tửwww.hophamvietnam.org

  Trang tin điện tử www.hophamvietnam.org là một cổng thông tin điện tử trên mạng Internet của Hội đồng họ Phạm Việt Nam, có trách nhiệm thường xuyên quảng bá các hoạt động của dòng họ. Trang tin điện tử có Qui chế hoạt động riêng, được Thường trực Hội đồng Toàn quốc thông qua.

  Ban biên tập Trang tin điện tử có các chức danh sau đây :

– Tổng Biên tập phụ trách chung;

– Các Phó Tổng Biên tập phụ trách từng mảng công việc do Tổng biên tập phân công;

– Một số Uỷ viên Ban Biên tập làm nhiệm vụ kỹ thuật (bao gồm admin) của Trang tin điện tử.

Điều 9. Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm Việt Nam

Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân họ Phạm Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp của các doanh nhân họ Phạm Việt Nam do Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam thành lập, là thành viên của Hội đồng họ Phạm Việt Nam.

CLB có Qui chế tổ chức và hoạt động riêng do Đại hội đại biểu CLB Doanh nhân họ Phạm Việt Nam thông qua, được Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam phê duyệt. Các quy định trong Quy chế của CLB phải phù hợp với những quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam.

Chủ nhiệm CLB Doanh nhân họ Phạm Việt Nam là Uỷ viên trong Bộ phận Thường trưc Hội đồng Toàn quốc họ Phạm VN.

Trong trường hợp Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam thành lập thêm CLB khác hoặc đơn vị thành viên khác thì những đơn vị đó cũng có Quy chế riêng do Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam phê duyệt, và có đại diện tham gia Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam.

Điều 10. Các Hội đồnghọ Phạm ở địa phương

Các Hội đồnghọ Phạm tại các địa phương sau khi có Quyết định công nhận của Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam, sẽ là thành viên chính thức của Hội đồng họ Phạm Việt Nam. Chức năng nhiệm vụ của các Hội đồng họ Phạm địa phương cũng tương tự như của Hội đồng họ Phạm Việt Nam nhưng hoạt động trong từng địa phương. Các Hội đồnghọ Phạm địa phương có các Quy chế, Qui ước tổ chức và hoạt động riêng phù hợp với đặc điểm của địa phương mình nhưng không trái với Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm Việt Nam

Các vị Chủ tịch của các Hội đồng họ Phạm địa phương có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của Hội đồng địa phương. Chủ tịch các Hội đồng địa phương là những sợi dây liên lạc giữa địa phương và Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam, có trách nhiệm thường xuyên tổ chức cung cấp thông tin về tình hình hoạt động dòng họ ở địa phương để đưa tin lên Trang tin điện tử www.hophamvietnam.org và Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam”; đồng thời có nhiệm vụ truyền đạt những chủ trương, chương trình hoạt động Việc họ của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam đến các thành viên Hội đồng họ Phạm tại địa phương.

Điều 11. Các Hội đồngDòng họvà HĐGT họ Phạm

Hội đồngDòng họvà HĐGT họ Phạm là tổ chức dòng họ theo huyết thống, có tổ chức chặt chẽ theo “Tộc ước” của dòng họ. Đây là cơ sở chính để tiến hành các Việc họ, và cũng là đối tượng vận động và hướng dẫn Việc họ của các Hội đồng họ Phạm địa phương và Hội đồng Toàn quốchọ Phạm Việt Nam.

Trưởng Tộc là một thành viên đương nhiên của HĐGT. Trưởng Tộc có đủ trình độ, năng lực và uy tín có thể giữ luôn chức danh Chủ tịch HĐGT. Chủ tich HĐGT do cả dòng họ hoặc do HĐGT bầu ra để cùng Trưởng tộc điều hành mọi công việc của dòng họ. Hội đồng Dòng họ và HĐGT hoạt động theo Quy ước do dòng họ quy định phù hợp với Quy chế này.

Chủ tịch Hội đồng Dòng họ là Uỷ viên Hội đồng Toàn quốc. Chủ tịch HĐGT họ Phạm ở địa phương nào là Uỷ viên của Hội đồng họ Phạm ở địa phương ấy. Địa phương nào chưa thành lập Hội đồnghọ Phạm thì Chủ tịch HĐGT là Uỷ viên của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam cho đến khi ở địa phương ấy thành lập Hội đồng họ Phạm.

Chương 4

KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 12.Quỹ Hoạt động thường xuyên của Hội đồng Toàn quốc:

1. Các nguồn thu cho Quỹ Hoạt động thường xuyên của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam

– Do sự đóng góp của các thành viên Hội đồng Toàn quốc. Mỗi thành viên tham gia Hội đồng đều có nghĩa vụ đóng góp hàng năm một số tiền do Hội đồng quy định. Số tiền này có thể thay đổi theo nhiệm kỳ hoặc theo thời gian.

– Tiền thu được do sự ủng hộ hoặc tài trợ của các cá nhân và tập thể trong và ngoài dòng họ, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp trong nước và ở nước ngoài.

– Tiền thu được từ các hoạt động được phép khác như tiền bán các tài liệu do Hội đồng soạn thảo và phát hành….

– Tiền đóng góp của các tổ chức thành viên của Hội đồng như Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm VN (theo sự thoả thuân giữa Thường trựcHội đồng Toàn quốc và Ban Chủ nhiệm CLB), đóng góp của các Hội đồnghọ Phạm ở các địa phương (theo thoả thuận).

Riêng đối với các hoạt động của Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” và Trang tin điện tử www.hophamvietnam.org được phép có kinh phí hoạt động riêng trên nguyên tẵc “lấy thu bù chi” (bao gồm tiền bán Bản tin và phần thu do các tổ chức và cá nhân ủng hộ, cho việc in ấn và phát hành Bản tin).

2. Các khoản chi từ Quỹ Hoạt động thường xuyên của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam:

– Chi cho các cuộc hội họp do Hội đồng tổ chức.

– Chi cho các cuộc hành hương, dự các lễ giỗ Tổ, khánh thành từ đường, dự các cuộc họp ở các địa phương hoặc các chuyến đi làm việc họ khác.

– Chi cho việc thăm hỏi, phúng viếng “tứ thân phụ mẫu”, vợ hoặc chồng và bản thân các Uỷ viên Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam khi có điều kiện.

– Chi cho văn phòng phẩm, in ấn tài liệu và bưu điện phí (trừ Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử, có quy định riêng).

Điều 13. Quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam:

Nguồn thu dựa vào việc vận động sự hảo tâm đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ cho Quỹ.

Chi làm Giải thưởng cho học sinh xuất sắc, Học bổng cho các cháu điển hình vượt khó vươn lên học giỏi, Trợ giúp cho các gia đình có khó khăn đặc biệt và các chi phí tổ chức Lễ Vinh danh nhân tài họ Phạm, trao Giải thưởng khuyến học, học bổng, trợ giúp khó khăn theo định kỳ (có Quy chế riêng của Quỹ này).

Điều 14. Các Quỹ khác:

Quỹ đóng góp tu bổ Đình thờ Thượng Thuỷ tổ Phạm Tu thu từ tiền công đức của các tập thể, cá nhân cả nước, chi vào việc đống góp tu bổ Đình thờ Ngài và các chi phí khác liên quan đến Thượng Thuỷ tổ họ Phạm Việt Nam như Giỗ Tổ, các Lễ Dâng hương trong các dịp khánh tiết….

Khi có việc phát sinh, Hội đồng Toàn quốc có thể thành lập các Quỹ khác để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Điều 15. Nguyên tắc thực hiện công tác tài chính :

Tất cả các việc thu chi của các Quỹ đều phải thực hiện trên nguyên tắc tài chính công khai theo đúng quy định của Nhà nước. Phải có đủ Chủ tài khoản, Kế toán và Thủ quỹ riêng. Minh bạch trong thanh toán bằng các chứng từ hoá đơn theo quy định. Sử dụng các phương tiện hiện đại về công nghệ thông tin để công tác tài chính được nhanh, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc quy định về tài chính.

Hàng năm, Ban Tài chính phải có văn bản báo cáo và được Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm VN phê duyệt về quyết toán thu chi năm trước, và về dự toán kinh phí hoạt động năm sau .

Khi có nảy sinh vấn đề lớn về tài chính, Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam có thể thành lập Ban Kiếm tra nhất thời về tài chính, bao gồm từ 3 đến 5 Uỷ viên Thường trực(các Uỷ viên này không nằm trong Ban Tài chính) để tiến hành kiểm tra. Sau khi có kết qủa kiểm tra tài chinh, Ban Kiểm tra nhất thời nàysẽ tự giải tán.

Chương 5

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16 . Hiệu lực của bản Quy chế

Bản Quy chế này gồm 5 chương, 17 điều, đã được các đại diện Hội đồng họ Phạm các địa phương,đại diện Hội đồng Dòng họ, HĐGT của các dòng họ Phạm Việt Nam đóng góp ý kiến, và được thông qua tại Hội nghị toàn thể mở rộng Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam ngày 23.10.2011 tại Hà Nội.

Những quy định ghi trong Bản Quy chế này có giá trị thi hành từ ngày 24.10.2011 thay cho bản “Quy chế Tổ chức và Hoạt động của BLL họ Phạm VN” ngày 12.7.2009 và được công bố trên Bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm Việt Nam” và trên Trang tin điện tử của dòng họ “www.hophamvietnam.org. 

Điều 17 . Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu thấy có điều gì cần sửa đổi, bổ sung thì Thường trực Hội đồng Toàn quốc họ Phạm Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, và kịp thời thông báo trên Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử của Hội đồnghọ Phạm Việt Nam cho các Uỷ viên Hội đồng Toàn quốc họ Phạm VN, các đơn vị thành viêncủa Hội đồnghọ Phạm VN, các Hội đồng họ Phạm các địa phương, các Hội đông dòng họvà các HĐGT trong toàn quốc biết và thực hiện./.

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ MỞ RỘNG

HỘI ĐỒNG TOÀN QUỐC HỌ PHẠM VIỆT NAM

Ngày 23 tháng 10 năm 2011 

Các bài viết khác :