Dòng họ Phạm gốc Kính Chủ

Người đăng: hien-yngoc, Ngày đăng: 06-03-2015, 7967 Views

Dòng họ Phạm gốc Kính Chủ

TỔNG QUAN VỀ

DÒNG HỌ PHẠM GỐC KÍNH CHỦ

Xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

                                                                                                                                                

Phạm Văn Dương

Dòng họ Phạm gốc ở xã Kính Chủ, huyện Hiệp Sơn, xứ Hải Dương, nay là thôn Kính Chủ, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương  là một trong những dòng họ Phạm lớn nhất Việt Nam hiện nay chúng ta biết được về các mặt sau:

– Có lịch sử lâu đời từ thế kỷ XIII, tiếp nối đến ngày nay

– Chia ra rất nhiều chi phái, cư trú trên diện rộng ở nhiều huyện thuộc các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An … nhưng đều vẫn biết nguồn gốc Kính Chủ của mình tuy chưa có đủ tài liệu đề kết nối dòng họ cụ thể, cũng chưa biết hết nhau.

– Trong mỗi chi phái đều có rất nhiều người học cao, đỗ đạt và đều chăm lo viết gia phả chung toàn họ từ gốc Kính Chủ đến chi tiết chi phái mình. Các gia phả bằng chữ Hán Nôm còn lưu lại khá nhiều, độ tin cậy cao, nhiều bản của các chi phái khác nhau nhưng đều có những điểm chung thống nhất và đặc biệt là rất nhiều chi tiết thống nhất với chính sử. Tuy nhiên, các sự kiện ghi trong các bản phả này không thật liên tục, bị đứt quãng cà về thời gian và không gian, có những chi tiết do người viết cố tình hay do thiếu thông tin mà viết sai khác với chính sử.

–  Hiện nay, có một số người quan tâm nghiên cứu về dòng họ này, điển hình là ông Phạm Sĩ, Tổng Thư ký Ban Liên lạc họ Phạm VN ( khóa I) và nhiều chi phái dòng họ này có những hậu duệ tâm huyết làm việc họ đã và đang và tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tục biên gia phả, do đó việc tìm tòi, kết nối các chi phái có nhiều cơ sở và ngày càng hoàn thiện.

BD

Trên cơ sở một số tài liệu đã có, bài viết này cố gắng dựng lại bức tranh toàn cảnh về dòng họ lớn này (chắc chắn còn thiếu nhiều và có chỗ chưa chính xác), còn chi tiết các chi phái thì phải theo gia phả riêng của mỗi chi phái ấy và còn có các bài giới thiệu riêng của các chi phái ấy.

Nhiều bản Gia phả của nhiều chi phái cư trú ở nhiều nơi đều viết thống nhât nguồn gôc dòng họ này từ đời ông Chúc Đức.

Ở Thư viện Hán – Nôm có lưu cuốn “Trần triều Trạng nguyên Phạm Sư Mạnh gia phả” ký hiệu A2420. Ông Phạm Sĩ đã nghiên cứu kỹ cuốn Phả này và tham khảo nhiều tài liệu lịch sử liên quan, có những giới thiệu bước dầu về toàn bộ dòng Kính Chủ. Đây là cuốn phả tổng hợp 54 trang ghi về lịch sử dòng họ từ giữa thế kỷ XIII đến hết thế kỹ XIX nhưng không liên tục và có thể do nhiều người viết ghép nối nhau, có thể chia thảnh nhiều phần. Phần đầu viết từ cuối triều Trần, có ghi rõ viễn tổ dòng họ Chúc Đức công “…Tiền tại Đại Thanh quốc, Việt Đông tỉnh, hiệu Phúc Kiến…” . Chúc Đức công di cư đến Kính Chủ (Dương Nham), sau tu ở chùa Đoàn Xá, về già không bệnh mà chết. Các phần sau do các chi phái ở các nơi sau này viết tiếp, tôi sẽ nói khi đề cập đến các chi phái đó.

Ở kho lưu trữ của Hội đồng Toàn quốc họ Phạm VN có lưu bản phả Đương Xá, Võ Giang, Bắc Ninh bằng chữ Hán (đã có bản dịch tiếng Việt) do Cử nhân Ngô Huy Phủ, hiệu Đình Trai viết như sau:  “Triều Nguyễn, Tự Đức năm Mậu Thân (1848- PVD), kẻ hèn này đã ròng rã truy tìm những người trước đây cùng ở kinh thành Phú Xuân cho ra nguồn gốc. Những sự việc lâu nay của nhà ta sao lục vội vàng với lời quê mùa”. Ông Phú mô tả phong cảnh vùng Kính Chủ, tính cách an nhàn của ông Chúc Đức và cũng nói ông Chúc Đức không bệnh mà chết. Bản phả mở đầu ghi chép về gốc tích dòng họ Đương Xá như sau:

‘Tộc Phạm, họ cũ là Chúc, tỉnh Hải Dương, phủ Kinh Môn, huyện Giáp Sơn.

Chủ nhân là ông Chúc Đức. Ông sinh 3 con trai:

-Con trưởng tên húy là Kiên (về sau tránh tên ông Trung Nghĩa tước hầu, sửa tên là Nhật Mại)

-Con thứ tên húy là Cố (về sau tránh tên húy của thầy dạy, sửa tên là Nhật Ngộ)

-Con thứ ba tên là Quá

Về sau 3 vị công tử  nối tiếp dự thi thời vua Trần Nhân Tông (1279 -1293/ PVD). Hai ông trưởng, và thứ đều làm quan Nội Thị Học Sĩ, Vua ban họ Phạm. Ông thứ 3 ra ngoài làm quan dôi dư nhàn hạ chức Quảng Tham Nghị, lúc làm quan được gia phong”.

Tiếp sau, phả Đương Xá viết giới thiệu một số chi phái khác thuộc gốc Kính Chủ, cuối cùng mới nói sâu về chi phái ở Đương Xá.

Các tài liệu khác sau này không thấy nói nhiều đến ông Quá, còn 2 ông Phạm Mại (Phạm Tông Mại) và Phạm Ngộ (Phạm Tông Ngộ) thì đều là những người nổi tiếng, được chính sử cũng như các bản tộc  phả nói đến rất nhiều. Ông Mại đỗ Hoàng Giáp, năm 1314 đi sứ nhà Nguyên cùng Nguyễn Trung Ngạn. Ông Mại là vị quan cương trực( dám minh oan cho Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn…). Ông Ngộ đỗ Đệ giáp nhất, cũng đi sứ nhà Nguyên năm 1308 cùng Mạc Đĩnh Chi. Ông Ngộ là võ tướng dưới trướng Hưng Đạo vương, có công trong trận Bạc Đằng 1288 và nhiều công lao đánh giặc suốt 3 triều vua Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, được thưởng 89 mẫu ruộng.

Thế hệ thứ 3 có một người rất nổi tiếng là Phạm Sư Mạnh (1303 – 1384), không rõ là con ông Mại hay con ông Ngộ, nhưng nhiều khả năng là con ông Mại vì các phả co con cháu  ông Ngộ viết hầu như không nói nhiều đến ông Mạnh, mặc dủ ông là một người cực kỳ nổi tiếng. Ông Mạnh là học trò Chu Văn An, đỗ tiến sĩ (Thái học sinh) năm 21 tuổi (1325), giữ nhiều trọng trách và để lại nhiều tác phẩm thơ ca. (trong “thơ văn Lý Trần” có 43 bài của ông)

Ông Mạnh có một người cháu nội là Phạm Đạo Soạn ( thế hệ thứ 5). Năm 1386, ông Soạn rời quê Kính Chủ đi lập nghiệp vùng của Đại An, Nam Định, lập ra ấp Hoàng Xá để nhớ gốc gác của mình (nay là thôn Phạm Xá xã Yên Nhân huyện Ý Yên tỉnh Nam Định), lập ra một dòng họ lớn đến nay đã 26,27  đời liên tục và mở rộng phạm vi cư trú nhiều nơi trong tình Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội với rất nhiều cành, ngành, chi, phái… Các cành, ngành này đều có gi phả và qua nhiều năm kết nối đã lập được gia phả chung cho toàn bộ dòng họ Phạm Đạo Soạn. Dòng họ này có những người nổi tiếng đỗ đạt cao như Phạm Đạo Bảo (1456 – 1497), Phạm Đạo Phú (1463 – 1530), Phạm Văn Nghị  (1805 – 1880). Ngày nay, Hội đồng Dòng họ Phạm Đạo Soạn (được thành lập từ năm 2000) với nhiều người tâm huyết và hoạt động rất tốt, tiêu biểu là ông Phạm Minh Liêm, có rất nhiều nghiên cứu về cội nguồn dòng họ và các hoạt động xã hội cộng đồng. Đã có nhiều tài liệu và nhiều người nghiên cứu về dòng họ Phạm Đạo Soạn và các chi phái hậu duệ của ông (như các ô ng Phạm Quang Diến, Phạm Thanh Hùng…). Bài viết này chỉ nói vè các hậu duệ khác của ông Mại và ông Ngộ.

 Các con cháu khác của ông Mại và ông Ngộ có người ở lại quê Kính Chủ cho đến ngày nay (có hậu duệ là ông Phạm Văn Quế, UV BLL họ Phạm VN, số đt 0902255564), có nhiều người  đi lập nghiệp ở  nhiều nơi, đều để lại hậu duệ đông đúc, lập nên nhiều chi phái. Nhiều chi phái có gia phả nhiều đời, tuy không liên tục nhưng đó là cơ sở chắc chắn để kết nối toàn bộ vào dòng họ gốc ở Kính Chủ.

Còn tiếp:

HẬU DUỆ CỦA PHẠM TÔNG MẠI và HẬU DUỆ CỦA PHẠM TÔNG NGỘ

Các bài viết khác :